Nội hàm của chữ Nhẫn: Nhẫn nhịn hoàn toàn không phải là nhu nhược

Giúp NTDVN sửa lỗi

Chúng ta dường như đang sống trong thời đại mà người ta hay gọi là 'đấu tranh sinh tồn', 'cá lớn nuốt cá bé' - cho rằng: chỉ những người sẵn sàng đấu tranh vì lợi ích cá nhân mới có thể phát triển trong xã hội đô thị hóa và cá nhân hóa như hiện nay. Tuy nhiên, thực tế hoàn toàn không như vậy...

Vào năm 2013, hai nhà sinh vật học của trường Đại học Pennsylvania là Alexander Stewart và Joshua Plotkin đã phát hiện ra rằng quan điểm này không thể trụ vững được trong xã hội. Bằng cách thử nghiệm trò chơi Song đề tù nhân (hay thế tiến thoái lưỡng nan của người tù) trên một nhóm khá đông những người trí thức, họ đã chứng minh được rằng khoan dung và tha thứ là cách duy nhất để quần thể con người có thể phát triển tốt đẹp trong một thời gian dài.

Plotkin nói, "Kể từ khi xuất hiện thuyết tiến hóa của Darwin, các nhà sinh vật học đã trở nên bối rối không giải thích được vì sao có rất nhiều sự hợp tác hiển nhiên, thậm chí là tồn tại sự khoan dung và lòng vị tha trong tự nhiên."

Trong nghiên cứu năm 2013 của Plotkin có nói: "Đề tài nghiên cứu của chúng tôi đã cho thấy rằng không có chiến lược ích kỷ nào có thể thành công trong quá trình tiến hóa, các chiến lược mạnh mẽ nhất trong tiến hóa đều là những chiến lược rộng lượng".

"Đề tài nghiên cứu của chúng tôi đã cho thấy rằng không có chiến lược ích kỷ nào có thể thành công trong quá trình tiến hóa, các chiến lược mạnh mẽ nhất trong tiến hóa đều là những chiến lược rộng lượng".
"...không có chiến lược ích kỷ nào có thể thành công trong quá trình tiến hóa, các chiến lược mạnh mẽ nhất trong tiến hóa đều là những chiến lược rộng lượng". (Ảnh chụp video)

Có lẽ đây là lý do tại sao nhiều nền văn hóa truyền thống cổ xưa tôn vinh các giá trị của sự vị tha như rộng lượng, tha thứ và nhẫn nại. Cụ thể, nhẫn nại là hoàn toàn trái ngược với quan điểm “đấu tranh sinh tồn” của Darwin - khi bị người khác đối xử không tốt mà hoàn toàn không ôm hận trong lòng liệu có phải là hành động yếu đuối?

Dân tộc Trung Hoa là một dân tộc có sức mạnh khắc kỷ, ẩn nhẫn, khiêm nhường, là mỹ đức truyền thống có tự ngàn đời, chỉ là ngày nay rất nhiều người không biết được nội hàm chân chính của chữ Nhẫn. Nếu chỉ nhìn nhận Nhẫn là biểu hiện của nhu nhược, vậy chúng ta hãy cùng xem lại những câu chuyện lịch sử dưới đây.

Nhẫn chính là khoan dung

Trong “Thượng thư”, Chu Thành Vương khuyên bảo quân rằng: “Tất hữu nhẫn, kỳ nãi hữu tể; hữu dung, đức nãi đại”. Tạm dịch: Nhất định phải nhẫn nhịn mới có thể thành công, có thể khoan dung với người thì đạo đức tu dưỡng mới nâng cao lên.

Một trong những ví dụ nổi tiếng nhất về chữ Nhẫn thời Trung Quốc cổ đại là Lạn Tương Như (315 - 260 TCN), chính khách nước Triệu thời Chiến Quốc, ông nổi tiếng là người giỏi ứng xử để giữ uy tín của nước Triệu trong chư hầu.

Với công lao Hoàn bích quy Triệu, Lạn Tương Như được vua Triệu cất nhắc, địa vị của ông ở trên võ tướng Liêm Pha. Liêm Pha bất mãn nói:

“Ta là tướng nước Triệu, phá thành đánh trận lập được công lớn, trái lại Tương Như chỉ nhờ vào miệng lưỡi lập công mà địa vị ở trên ta. Hơn nữa, Tương Như vốn người thấp hèn, ta xấu hổ không mặt mũi nào ngồi ở dưới ông ta!”.

Ta là tướng nước Triệu, phá thành đánh trận lập được công lớn, trái lại Tương Như chỉ nhờ vào miệng lưỡi lập công mà địa vị ở trên ta.
"Ta là tướng nước Triệu, phá thành đánh trận lập được công lớn, trái lại Tương Như chỉ nhờ vào miệng lưỡi lập công mà địa vị ở trên ta." (Ảnh: baike.baidu.com)

Rồi Liêm Pha rêu rao: “Ta gặp Tương Như, quyết làm nhục người này”.

Khi Lạn Tương Như biết được điều này, ông đã rất mực cẩn thận để tránh các tình huống gây xung đột với Liêm Pha. Ông sẽ cáo bệnh và tránh xuất hiện tại các buổi thượng triều mà Liêm Pha tham dự để không phải thách thức uy quyền của Liêm Pha.

Vào một dịp khác, cỗ xe ngựa của Lạn Tương Như đang đi trên một con đường hẹp. Ngay lúc đó, cỗ xe của Liêm Pha cũng rẽ vào từ hướng ngược lại. Lạn Tương Như ngay lập tức ra lệnh cho phu xe hãy quay ngược đầu xe lại, để nhường đường cho Liêm Pha đi trước.

Các môn hạ đều cùng nhau ngăn cản, họ nói:

“Chúng tôi sở dĩ bỏ thân thích đến thờ ngài chỉ vì mến cao nghĩa của ngài. Nay ngài chức vị trên Liêm Pha một bậc. Liêm Pha rêu rao nói xấu mà ngài lại sợ trốn tránh ông ta, e dè quá đáng, người thường còn lấy làm xấu hổ, huống hồ là bậc tướng quốc, tướng quân! Bọn chúng tôi bất tài, xin từ giã về”.

Lạn Tương Như điềm nhiên quay ra nhìn đám tùy tùng, ông hỏi: “Các ông xem Liêm tướng quân có bằng vua Tần không?”

Đám tùy tùng đồng thanh trả lời: “Không bằng”.

Lạn Tương Như lại nói: “Oai như vua Tần mà Tương Như ta còn dám lớn tiếng giữa triều đình, làm nhục trước cả quần thần. Tương Như tuy hèn nhát há sợ Liêm tướng quân sao? Nhưng ta nghĩ rằng nước Tần sở dĩ mạnh, không đem binh lính đánh Triệu vì có ta cùng Liêm tướng quân. Nay hai con hổ đánh nhau, thế nào cũng không sống được cả, cho nên ta phải làm như thế, vì nghĩ đến việc cấp bách của nước nhà trước mà gác việc thù riêng đó thôi.

Những lời của Lạn Tương Như cuối cùng cũng đến tai Liêm Pha. Liêm Pha nghe vậy nhận ra lỗi lầm của mình, ân hận vô cùng, ông bèn cởi trần, mang roi đến cửa nhà Lạn Tương Như tạ tội, nói: “Kẻ hèn mọn này không biết tướng quân rộng lượng đến thế! Quả thật đã đắc tội rồi”.

Liêm Pha nghe vậy nhận ra lỗi lầm của mình, ân hận vô cùng, ông bèn cởi trần, mang roi đến cửa nhà Lạn Tương Như tạ tội
Liêm Pha nghe vậy nhận ra lỗi lầm của mình, ân hận vô cùng, ông bèn cởi trần, mang roi đến cửa nhà Lạn Tương Như tạ tội. (Ảnh: baike.baidu.com)

Ngay lúc ấy, Lạn Tương Như liền vui mừng mời Liêm Pha vào nhà. Từ đó trở đi, hai người vui vẻ làm bạn, sống chết có nhau. Nước Triệu có hai tướng văn võ phò trợ nên được vững mạnh, không bị Tần lấn chiếm, người ta gọi giai thoại nổi tiếng này là "Tướng tướng hòa".

Khổng Tử từng nói: "Một người không chịu đựng được việc nhỏ sẽ làm hỏng việc lớn (nguyên văn: “Tiểu bất nhẫn tắc loạn đại mưu)". Lạn Tương Như không bao giờ đánh mất tầm nhìn xa trông rộng, biết chịu đựng khi cần thiết để làm được việc lớn. Chẳng những thế, sự khoan dung của Lạn Tương Như còn giúp ông thu phục được kẻ thù của mình là Liêm Pha - người mà sau này luôn tôn trọng và sẵn sàng hợp tác với ông.

Nhà chính trị xuất sắc này cũng đã chứng minh rằng, trong nhiều tình huống, Nhẫn không phải là nhu nhược mà chính là sức mạnh!

Trong “Lưu hầu luận”, Tô Thức từng nói: “Thiên hạ hữu đại dũng giả, thốt nhiên lâm chi nhi bất kinh, vô cố gia chi nhi bất nộ”.

Nghĩa là:

Người đại khí khi đối diện với những sự việc bất ngờ thì không kinh không sợ. Khi nghe những lời chỉ trích vô căn cứ thì không oán không hận.

Người đại khí khi đối diện với những sự việc bất ngờ thì không kinh không sợ. Khi nghe những lời chỉ trích vô căn cứ thì không oán không hận.
Người đại khí khi đối diện với những sự việc bất ngờ thì không kinh không sợ. Khi nghe những lời chỉ trích vô căn cứ thì không oán không hận. (Ảnh: Miền công cộng)

Tâm đại nhẫn

Đức Phật giảng: “Lục độ vạn hành, nhẫn vi đệ nhất”. Quan điểm về dung nhẫn của người Trung Quốc cổ đại là gì? Chúng ta không phải tìm kiếm câu trả lời ở đâu xa - bởi tất cả đã có trong chữ Nhẫn (忍 - ren).

Chữ Nhẫn 忍 gồm nửa trên là bộ đao (刀) với một dấu chấm, tượng trưng cho một con dao sắc. Nửa dưới là bộ tâm (心).

Chữ “Tâm” nằm ở dưới chính là nền tảng của cả chữ “Nhẫn”. Đối với người bình thường, đao cứa vào tim là rất đau đớn và cực khổ, còn đối với người có tâm đại nhẫn thì ngược lại, tâm này vẫn bất động dù đao kia có sắc đến đâu. Nếu tâm dao động thì không “Nhẫn” được, nếu tâm tĩnh thì càng nhẫn, càng bất động tâm càng thể hiện ra sự Đại Nhẫn.

Câu chuyện về hòa thượng Đại Hưng sống vào triều đại nhà Minh (1636-1911 SCN), người đã tu trì hơn 60 năm trên núi Cửu Hoa là một minh chứng về tâm đại nhẫn.

Hòa thượng Đại Hưng là một người độ lượng và từ bi. Cuộc đời của ông đã trải qua nhiều gian khổ tủi nhục nhưng rất thành tâm trên bước đường tu luyện. Câu chuyện sau đây kể về khả năng nhẫn chịu phi thường của ông.

Hòa thượng Đại Hưng là một người độ lượng và từ bi. Cuộc đời của ông đã trải qua nhiều gian khổ tủi nhục nhưng rất thành tâm trên bước đường tu luyện.
Hòa thượng Đại Hưng là một người độ lượng và từ bi. Cuộc đời của ông đã trải qua nhiều gian khổ tủi nhục nhưng rất thành tâm trên bước đường tu luyện. (Ảnh minh họa)

Chuyện kể rằng: Tại chân núi Cửu Hoa, có một gia đình rất giàu có. Họ có một người con gái tên Tiểu Hội, cô có hôn ước với người con trai của một gia đình giàu có khác.

Ba năm trước khi chọn ngày hôn lễ, Tiểu Hội đã sinh một bé trai. Gia đình cô ta điên đảo lo sợ và thất vọng. Họ bắt cô phải khai ra sự thật. Cuối cùng Tiểu Hội đã nói với gia đình cô ta “Có một lần tôi đi chùa cúng phật tại núi Cửu Hoa và bị hòa thượng Đại Hưng hãm hại. Sau đó tôi mang thai bé trai này”. Nghe vậy, cha của Tiểu Hội rất tức giận. Ông lập tức dẫn theo gia nhân đến núi Cửu Hoa làm náo động cả ngôi chùa. Họ không ngừng đánh đập, chửi bới nguyền rủa hòa thượng Đại Hưng, sau đó họ ném bé trai con của Tiểu Hội cho hòa thượng Đại Hưng và bắt ông phải nuôi dưỡng nó. Hòa thượng Đại Hưng lặng lẽ nhận đứa bé và nói khẽ “A di Đà Phật!”

Tin đồn lan truyền khiến danh tiếng của hòa thượng sụp đổ hoàn toàn. Ông đã từng là một vị hòa thượng rất được kính nể nhưng giờ đây ông lại bị mọi người nguyền rủa. Nơi nào ông đến, đều phải chịu sự khinh khi cười cợt, phỉ báng của thiên hạ. Thế nhưng hòa thượng Đại Hưng hoàn toàn không để ý đến. Hằng ngày ông xuống núi xin bố thí để mua sữa nuôi đứa bé. Được sự dưỡng dục chu đáo của ông, đứa trẻ trông rất khỏe mạnh và thông minh.

Ba năm trôi qua rất nhanh. Tuy rằng Tiểu Hội đã bị thất tiết nhưng ngày diễn ra lễ cưới vẫn không thay đổi. Trong đêm tân hôn, người chồng muốn biết sự thật về đứa bé đó nên cô gái đã vừa khóc vừa kể ra tất cả. Ngay sáng hôm sau, người chồng kể lại sự thật với gia đình của anh ta rằng: hai người đã lén lút gặp nhau khiến Tiểu Hội đã mang thai và sinh ra đứa bé. Đó cũng là lý do tại sao anh ta khăng khăng muốn đám cưới với Tiểu Hội dù rằng cô không còn trong trắng. Vì muốn giữ danh tiếng cho người chồng tương lai của cô, Tiểu Hội đã đổ tội cho hòa thượng Đại Hưng.

Trong đêm tân hôn, người chồng muốn biết sự thật về đứa bé đó nên cô gái đã vừa khóc vừa kể ra tất cả.
Trong đêm tân hôn, người chồng muốn biết sự thật về đứa bé đó nên cô gái đã vừa khóc vừa kể ra tất cả. (Ảnh: Shutterstock)

Ba ngày sau hôn lễ, Tiểu Hội về thăm gia đình của mình theo phong tục của người Trung Hoa. Cô đã thú nhận với cha mẹ cô về sự việc đó. Gia đình cô vô cùng kinh ngạc. Họ rất hối hận khi đã làm điều sai trái đối với vị hòa thượng và đã bỏ bê cháu trai của họ trong ba năm qua.

Hai gia đình gấp rút tới chùa. Họ quỳ trước mặt hòa thượng Đại Hưng, thành tâm xin lỗi và mong được xin lại đứa cháu. Với dáng vẻ bình yên thanh thản như chưa từng xảy ra chuyện gì, ông bế đứa bé trả lại cho Tiểu Hội một cách trang trọng, và nói với họ “Ta chưa từng giận họ, vậy làm sao có thể nói đến tha thứ? Hãy đem đứa bé này trở về”. Ông chắp hai tay trước ngực để ra dấu tạm biệt và thản nhiên trở vào phòng thiền định.

Kể từ đó trở đi, tất cả các hòa thượng trong chùa và người dân khắp vùng càng thêm kính trọng hòa thượng Đại Hưng hơn.

Trong Đạo Đức Kinh Lão Tử có viết: “Thiên chi đạo bất tranh nhi thiện thắng, bất ngôn nhi thiện ứng”. Ý tứ là: Đạo Trời không tranh mà thành, không nói mà người hưởng ứng, không mời mà người tự tới, nhẹ nhàng mà công việc vẫn xong xuôi.

Nhẫn không phải là nhu nhược

Hàn Tín (231-196 TCN) công thần khai quốc thời Tây Hán, là một trong những nhà quân sự kiệt xuất nhất trong lịch sử Trung Hoa, ông đã phò tá Lưu Bang lập dựng cơ nghiệp 400 năm của nhà Hán. Hàn Tín thời niên thiếu gia cảnh bần hàn, nhưng ông thường mang bảo kiếm bên mình. Trong số những tên đồ tể ở quận Hoài Âm có một gã thanh niên muốn sỉ nhục Hàn Tín, y nói: "Mặc dù dáng vóc nhà ngươi cao lớn, nhưng cũng chỉ là một kẻ hèn nhát. Nếu ngươi không sợ chết, thì hãy dùng thanh bảo kiếm kia đâm ta; Nếu ngươi không dám đâm, thì hãy chui qua háng ta".

Hàn Tín nhìn chằm chằm vào đối phương hồi lâu, rồi từ từ khom lưng, chui qua háng y. Những người qua đường đều cười cợt, chế giễu Hàn Tín, cho rằng ông là một kẻ hèn nhát.
Hàn Tín nhìn chằm chằm vào đối phương hồi lâu, rồi từ từ khom lưng, chui qua háng y. Những người qua đường đều cười cợt, chế giễu Hàn Tín... (Ảnh: Miền công cộng)

Hàn Tín nhìn chằm chằm vào đối phương hồi lâu, rồi từ từ khom lưng, chui qua háng y. Những người qua đường đều cười cợt, chế giễu Hàn Tín, cho rằng ông là một kẻ hèn nhát. Thế nhưng chính vì có tâm đại nhẫn này mà Hàn Tín mới làm nên những việc phi thường. Ông được Lưu Bang - hoàng đế đầu tiên của nhà Hán vô cùng trọng dụng và phong cho chức đại tướng quân.

Khổng Tử nói: “Tiểu bất nhẫn tắc loạn đại mưu” (tạm dịch: Việc nhỏ không nhẫn được thì ắt hỏng việc lớn).

Nhẫn mà không truy cầu

Trọng điểm của triết lý Nho gia là "nhân", nhân đồng âm với nhẫn. Vậy “nhân” là gì? Khổng Tử giảng: “Khắc kỷ, phục lễ vi nhân”. (Khắc chế lấy mình, trở lại theo khuôn phép là làm điều nhân). Nếu muốn làm người có “lễ” cần phải thường xuyên khắc chế chính mình và ước thúc lời nói, hành động của bản thân, yêu cầu ngôn luận và hành vi đều phải phù hợp với “lễ”, đây là một việc rất khó làm. Kỳ thật ở thế gian khó nhất không phải là chiến thắng người khác mà là chiến thắng chính mình, khắc chế được Thất tình lục dục. Thất tình lục dục của con người theo Nho gia giảng là “Hỉ, nộ, ai, cụ, ái, ác, dục (mừng, giận, thương, ghét, buồn, sợ và ham muốn)”; Phật giáo cho rằng là “Hỉ, nộ, ưu, cụ, ái, tăng, dục (mừng, giận, thương, ghét, buồn, vui, muốn)”; Trung y giảng “Hỉ, nộ, ưu, tư, bi, khủng, kinh (mừng, giận, ưu sầu, lo nghĩ, đau buồn, sợ, kinh hãi) ”.

Con người đắm chìm trong dục vọng, vị tư, trước các loại dụ hoặc và ích lợi có thể nhẫn được không? Rất nhiều người khi phải mất đi danh, lợi, tình sẽ sinh ra một loại cảm giác thống khổ, khó có thể chịu đựng được. Kỳ thực, chỉ cần thật sự có thể buông bỏ dục vọng thì cảm giác thống khổ cũng sẽ không tồn tại nữa, khi đó nhẫn đã được thăng hoa.

Nhẫn là một loại cảnh giới đạt được khi chúng ta không ngừng buông bỏ. Cái Nhẫn của Phật gia, cái Nhẫn của Đạo gia, vì chân lý mà có thể buông xả hết thảy mọi thứ thế gian, thậm chí xả thân vì đạo, tâm đại nhẫn tựa như kim cương bất động, vững như bàn thạch. Trong lịch sử, Khổng Tử vì thế nhân mà buông bỏ chức vị tể tướng để đi chu du các nước; Đào Uyên Minh từ quan về sống ẩn dật nơi nguyên điền; từ Đường Thái Tông với tâm đại nhẫn tới danh tướng Ngụy Trưng, mở ra thời kỳ hưng thịnh của nhà Đường; Nhạc Phi hy sinh vì nghĩa lớn, lấy cái chết để biểu lộ hàm nghĩa của chữ “Trung”; Văn Thiên Tường với một tấm lòng trung trước sau như một mãi còn sáng chói; Câu Tiễn nằm gai nếm mật để rửa nhục phục quốc; Gia Cát Lượng bảy lần bắt bảy lần tha Mạnh Hoạch, mới có thể khiến Mạnh Hoạch thành tâm cải chính; Lạn Tương Như vì xã tắc mà lo nghĩ, nhiều lần nhượng bộ không tranh giành cuối cùng khiến Liêm Pha cảm động xin chịu đòn nhận tội; Hàn Tín có thể chịu nhục chui háng, tạo nên giang sơn 400 năm triều Hán… Trong lịch sử Trung Quốc, những câu chuyện xưa dù mang những sắc thái khác nhau đều biểu lộ ra nội hàm sâu sắc của “Nhẫn”.

Thiên Chân

Bài viết có tham khảo bản dịch của wikipedia, vi.shenyunperformingarts.org, và một số nguồn tư liệu khác.



BÀI CHỌN LỌC

Nội hàm của chữ Nhẫn: Nhẫn nhịn hoàn toàn không phải là nhu nhược