Nội hàm văn hóa Thần truyền ở thành cổ Bắc Kinh (Phần 1)

Giúp NTDVN sửa lỗi

Thiết kế kiến tạo của thành Bắc Kinh đời nhà Minh có ẩn hình của hai Rồng lớn, một là Thủy Long (Rồng nước), còn lại là Lục Long (Rồng đất). 

Đi dọc theo quần thể kiến trúc cổ ở Bắc Kinh, sẽ thấy hình thế Cự long tỏa châu (Rồng lớn ôm ngọc), rồi các hình tượng lưỡng nghi, tứ tượng, bát quái. Năm 2003, một loạt ảnh do thám chụp từ trên không của thành Bắc Kinh đã dẫn đến sự chú ý. Các chuyên gia của Trung tâm Thăm dò Địa chất Bộ Địa chất Khoáng sản, đã tiến hành nghiên cứu sâu thêm, họ mang ảnh chụp đối chiếu với các ấn chứng tư liệu lịch sử, kinh ngạc phát hiện ra, thiết kế kiến tạo của thành Bắc Kinh đời nhà Minh có ẩn hình của hai Rồng lớn, một là Thủy Long (Rồng nước), còn lại là Lục Long (Rồng đất).

Bản đồ xây thành vẽ trên giấy thời cổ đại đã sớm thất lạc, các học giả thử dựa vào kỹ thuật hiện đại, hoàn nguyên lại ý tưởng ban đầu của cổ nhân, Nam hải là đầu của Thủy Long, đảo hồ vừa vặn là mắt Rồng, Trung Nam Hải cùng Bắc Hải cấu thành thân Rồng, Thậm Sát hải là đuôi Rồng, hết sức sống động. Lục Long nằm trên trục giữa Bắc Kinh, vườn Thiên An Môn là miệng Rồng, cầu Kim Thủy là cằm Rồng, đường phố đông tây Trường An giống như hai râu Rồng, dải từ Thiên An Môn tới Ngọ Môn là sống mũi Rồng, Thái miếu và Đàn xã tắc là mắt Rồng, Tử Cấm Thành vừa vặn là xương cốt thân Rồng, bốn ngôi tháp giống như bốn móng vuốt, duỗi ra bốn hướng; đại lộ Cảnh Sơn, Địa An Môn và lầu Chung Cổ cấu thành đuôi Rồng; viên ngọc ở trước đầu Rồng chính là Chính Dương Môn.

Phát hiện này đã khai mở những quan hệ thần bí giữa các thành, đài, cổng trong kiến trúc cổ đại, cũng dẫn dắt chúng ta từ góc độ tín ngưỡng, văn hóa, lịch sử mà tiến nhập vào một thành phố cổ xưa. Nếu mang tất cả quần thể kiến trúc cung điện, di chỉ thành quách của thành Bắc Kinh thời nhà Minh , Thanh triển hiện ra trước mắt chúng ta, thì về cơ bản chúng được kiến lập trên nền móng của thủ đô nhà Nguyên khi xưa, trong “Makhabala du ký” có bức vẽ về một thành phố phương đông tráng lệ vô song-Đại đô thành, dưới ngòi bút của Makhabala, Đại đô thành “Kỳ mỹ thiện chí cực, vị khả tuyên ngôn.” (Cực kỳ mỹ lệ, không sao tả xiết).

Tuy vậy chúng ta cũng không cách nào thể hội được sự huy hoàng lúc bấy giờ, nhưng dựa vào những di chỉ thời Minh, Thanh, cũng đủ làm chúng ta tự hào về kiến trúc đô thành 600 năm trước. Trong thiết kế Nguyên đại đô, nhà thiết kế chính là Lưu Bỉnh Trung, ông dùng tư tưởng Nho gia, chiểu theo “Chu lễ - Khảo công ký” mà đưa ra lý niệm thiết kế đô thành: “Tượng nhân doanh quốc, phương cửu lý, bàng tam môn. Quốc trung cửu kinh cửu vĩ, kinh đồ cửu quỹ. Tả tổ hữu xã, diện triều hậu thị.Thị triều nhất phu”. (Người thợ kiến thiết quốc đô, vuông 9 dặm, 3 cổng bên. 9 đường dọc, 9 đường ngang, dọc 9 làn xe đi. Bên trái thờ tổ tiên, bên phải thờ xã tắc, trước mặt là triều đình, phía sau là thành thị. Tổng cộng trăm mẫu).

Đồng thời, ông cũng dung hợp tư tưởng lý niệm ‘Thiên nhân hợp nhất’ của Đạo gia “Nhân pháp Địa, Địa pháp Thiên, Thiên pháp Đạo, Đạo pháp tự nhiên”. (Người thuận theo Đất, Đất thuận theo Trời, Trời thuận theo Đạo, Đạo thuận theo tự nhiên).

Toàn bộ tường thành Bắc Kinh vuông vức, đường xá phẳng, thẳng, rộng rãi, phía đông Tử Cấm Thành là miếu thờ tổ, phía tây là đàn xã tắc (thờ cúng Thần Đất gọi là Xã, và Thần Nông gọi là Tắc), Cảnh Sơn trước Tử Cấm Thành là triều đình, phía sau là điểm tập kết đường thủy lớn, là khu vực buôn bán và sinh sống chủ yếu của thành Bắc Kinh. Diện tích tổng cộng khoảng 100 mẫu, phân trật tự đẳng cấp nghiêm cách. Chia ra nội thành, hoàng thành, cung thành.

Toàn thành lấy trục tuyến giữa làm trung tâm, hình thành lên xương sống của kinh thành. Trung tâm kinh thành là kiến trúc hoàng cung lộng lẫy huy hoàng, bốn phía thì ba mặt có nước bao quanh tạo thành vườn thượng uyển, lấy cảnh quan đặc hữu đó mà mềm mại điều tiết các đơn vị dọc theo trục tuyến.

Bốn phía cung điện là ngõ, đường ngăn nắp, các đường ngõ nhỏ được bố trí đều hai bên đường lớn, cư dân sống trong ngõ nhỏ, an ninh hòa thuận. Do đường lớn đều chạy hướng Nam Bắc, các nhà hàng, khách sạn, tiệm buôn đều đặt rất trật tự dọc theo đường lớn.Các chùa chiền, đền miếu với kiến trúc độc đáo, cờ phướn thẳng hàng được đặt trong thành Bắc Kinh, màu xám nhạt của khu dân cư bên ngoài cung điện làm nổi bật lên hoàng cung lầu son gác tía ngói vàng, rộng lớn lộng lẫy.

Cạnh đó là Hoàng thành với bốn phía đền chùa đạo quán vàng son huy hoàng, thể hiện ra linh hồn của đô thành, khi tế tự cũng dùng nhiều loại đàn tế, như “Nhật, Nguyệt, Thiên, Địa, Ông tổ nghề nông, nghề tằm, Thần Đất”, cho đến Thái miếu, Văn miếu v.v. Những nội hàm trong đó như: ‘Thùy giáo thiên hạ’, ‘Quân lâm thiên hạ’, ‘Dữ thiên tương hợp’ (Dạy dỗ chúng dân, vua là cao nhất, hợp với ý Trời), đều mang đặc trưng văn hóa truyền thống và ý nghĩa phong thủy sâu sắc. Trong những miếu đường đàn tế, đại diện có tính tiêu biểu nhất là đàn tế Trời.

Nguyên tố tín ngưỡng của bang quốc

Một nghi lễ tín ngưỡng của quốc gia diễn ra vào năm Vạn Lịch thứ 15 (CN 1587). Năm ấy hạn hán nặng, Minh Thần Tông Chu Dực cùng quần thần đi bộ từ Tử Cấm Thành dọc theo trục tuyến phía Nam tới Thiên đàn cầu mưa, xong lại đi bộ về cung, thể hiện lòng thành kính đối với Thượng Thiên. Bốn voi quý khoác lụa xanh cùng năm voi khác mang yên tinh mỹ, theo sau là đội nghi lễ mấy nghìn người, chậm rãi đi trên đường phố phồn hoa, áo quần gấm lụa như mây trôi nước chảy, trên mặt đất nẻ khô cuộn lên một dải bụi mờ.

明成祖朱棣在營建北京時,天壇便和先農壇、社稷壇、太廟等建築一起規劃。永樂十八年(公元1420年)建成。第二年春,朱棣「大祀天地於南郊」。這是在天壇舉行的第一次祭祀活動。(大紀元資料室)
Khi Minh Thành Tổ Chu Đệ kiến thiết Bắc Kinh, đã quy hoạch kiến trúc đàn tế Trời, đàn Xã tắc, Thái miếu về một khu. Năm Vĩnh Nhạc thứ 18 (Năm 1420) thì hoàn thành. Mùa xuân năm sau, Chu Lệ “Đại tế Thiên Địa ư Nam giao” (Đại tế Thiên Địa ở Nam ngoại ô). Đây là lễ nghi tế tự đầu tiên được cử hành ở Thiên đàn. (Phòng Dữ liệu Epoch Times)

Thiên đàn là nơi tế Trời của các đế vương thời nhà Minh, Thanh, cũng là kiến trúc đàn tế Trời cổ đại duy nhất cho đến nay còn được bảo lưu hoàn chỉnh trên đại địa Thần Châu.

Lấy thân phận Thiên tử (con Trời) mà lên ngôi Hoàng Đế, phải thuận theo Trời mà chăm sóc chúng dân, bảo trì liên hệ mật thiết với Thượng Thiên, nên kiến trúc đàn tế chính là đài cao để các Đế vương đối thoại với Thượng Thiên. Tại đây, Đế vương được Thượng Thiên trao quyền và khải thị để cai quản chúng dân, đồng thời truyền đạt ý chí của Thượng Thiên.

Trong cảnh tượng không gian sáng trong rộng mở, gò đồi cùng điện tế từng bậc lên cao, làm lên một con đường kết nối giữa Thiên tử với Thượng Thiên, xuyên việt thời không mà cảm ứng trao đổi tâm linh. Cho đến ngày ngay, nếu chúng ta đứng giữa đàn tế mà ngưỡng vọng trời xanh, thì cũng có cảm giác rất gần với Trời cao.

Một quốc gia, một đô thành đầy tín ngưỡng tâm linh, thông qua kiến trúc làm nổi bật chủ đề tín ngưỡng. Trên cao vườn đồi ở giữa có nổi lên một viên đá tròn, gọi là ‘Thiên tâm thạch’, cũng gọi là ‘Thái cực thạch’, ‘Ức triệu ảnh tùng thạch’ (viên đá chứa vô số cảnh tượng). Đứng trên hòn đá mà lên tiếng, sẽ cảm thấy âm hưởng cảm ứng kỳ diệu. Nhân sĩ Kim Lương vào cuối nhà Thanh đã từng viết lời giải thích, nhằm gỡ bỏ bí mật trăm năm này, nhưng một vị đại sư cao đức chỉ nói một lời mà phá giải Thiên cơ, vị trí của ‘Thiên tâm thạch’ là thông đạo với thời không khác.

Cổ nhân mang bí mật của âm thanh ẩn tàng trong tĩnh mặc bất động của phiến đá. Trong kiến trúc của Thiên đàn cổ, cũng chứa đựng thiết kế âm thanh huyền diệu, để hô ứng kết nối Thượng Thiên với thế nhân. Trung quốc có 4 kiến trúc lớn mang âm thanh học, đứng đầu là Thiên đàn. Ba kiến trúc còn lại là: Tháp cóc ở Hà nam, đàn đá Tứ Xuyên, tháp Oanh oanh Sơn Tây. Mà trong Thiên đàn, thì kỳ diệu nhất là bức tường hồi âm.

Tường hồi âm là bức tường bao quanh “Hoàng khung vũ” (ban đầu gọi là Tần Thần điện), chúng cũng được kiến tạo vào năm Gia Tĩnh. Tường thành dùng gạch từ Lâm Thanh Sơn Đông so le chồng xếp, chất đất làm gạch cực tốt, gõ phát ra tiếng vang, bẻ ra không thấy lỗ xốp. Người đứng dưới thành chỉ cần nói nhỏ, người đứng cách xa cũng nghe thấy được. Vị trí hồi âm tốt nhất là ở giữa phía Đông, Tây, có nhà chắn ở giữa,hai người không nhìn thấy nhau, cách nhau hơn 60 mét mà vẫn nghe rõ tiếng.

(Còn tiếp)

Thái Bình
Theo Epochtimes



BÀI CHỌN LỌC

Nội hàm văn hóa Thần truyền ở thành cổ Bắc Kinh (Phần 1)