Nương tựa nhau, chẳng thà vùng vẫy sông hồ mà quên nhau

Giúp NTDVN sửa lỗi

Hai con cá sa vào vùng nước cạn, vì để giúp nhau sống sót chúng phải dùng chút sức lực ít ỏi hà hơi ẩm cho nhau. Nhưng dù cá có tình tương trợ cứu nhau trong hoạn nạn, cũng không bằng quay về sông biển sống cuộc đời tốt đẹp của riêng mình.

Nhắc đến câu “Tương nhu dĩ mạt” (nương tựa vào nhau), có lẽ trước mắt bạn sẽ hiện ra hình ảnh cảm động về một đôi vợ chồng cùng nhau tương trợ, tiếp cho nhau sức mạnh, giúp nhau vượt qua những tháng ngày khốn khó.

Và nghe đến câu “Bất như tương vong vu giang hồ” (chẳng thà ở sông hồ mà quên nhau), có phải bạn sẽ phảng phất thấy một tráng sĩ đang từ giã song thân, bỏ lại sau lưng tất cả để có ngày thỏa chí anh hùng, “dọc ngang trời đất vẫy vùng bể khơi”? Đó là một cảm giác vừa hào sảng lại thê lương, không khỏi khiến người ta trầm ngâm tư lự.

Tuy nhiên, nghĩa gốc của câu nói trên lại không hề ám chỉ thứ tình yêu vàng đá, khăng khít không rời, quấn quýt bên nhau như hình với bóng, nâng đỡ lẫn nhau trong hoạn nạn khó khăn, cũng không có vẻ day dứt thê lương như giờ phút ly biệt.

Vậy rốt cuộc câu nói ấy ám chỉ điều gì?

Câu nói trên bắt nguồn từ “Trang Tử Nam Hoa Kinh”, cuốn thứ 8 “Đại tông sư”. Nguyên văn như sau:

“Tuyền hạc, ngư tương dữ xử ư lục, tương hú dĩ thấp, tương nhu dĩ mạt, bất nhược tương vong vu giang hồ”.

Nghĩa là: Suối cạn, cá cùng nhau nằm trên đất, lấy ướt hà hơi cho nhau, lấy dãi thấm cho nhau, sao bằng ở sông hồ mà quên nhau.

Dưới đáy sông nay đã cạn có hai con cá nằm phơi mình trên cát, chúng phun ra nước bọt, dùng nước bọt và hơi ẩm trong miệng để làm ướt lớp vảy của đối phương, tránh cho bạn mình khỏi bị chết khô. Trong hoàn cảnh nghiệt ngã như vậy, giữa sự sống và cái chết, đôi bạn vẫn nương tựa vào nhau, hỗ trợ cho nhau, cảnh tượng thật khiến lòng người cảm động!

Vậy vì sao lại nói: Thà quên nhau nơi sông hồ còn hơn nương tựa vào nhau trên đất cạn?

Hai con cá dùng chút sức lực ít ỏi của bản thân để giúp đỡ nhau, gắng gượng giúp nhau đối mặt với cái chết đang cận kề. Tất nhiên đó là cảnh giới đạo đức cao thượng, là hành động cao cả đáng trân trọng, chỉ tiếc là cuối cùng vẫn không tránh khỏi kết cục bi thương. Nhưng nếu được trở về sông hồ, cá sẽ thoát khỏi cái chết, sẽ có thể vùng vẫy giữa dòng, sống cuộc đời đáng nên được sống. Chỉ khi trở về sông biển chúng mới có thể tiếp tục sinh tồn, chỉ khi trở về sông biển chúng mới có được sự cứu rỗi và hoan lạc thực sự.

(Ảnh: Pxhere)

Nhưng cá đã mắc cạn trên đất, sao có thể nhảy xuống sông hồ được? Tất nhiên, điều Trang Tử nói đến không phải cá, mà là người.

Con người trong tình cảm ấm áp và tương trợ lẫn nhau, cuối cùng vẫn phải đi đến tận cùng của sinh mệnh. Chẳng qua so với loài cá đang cố níu giữ chút hơi tàn, con người có thể kéo dài năm tháng, có được chút tiện nghi nhất thời, nhưng rốt cuộc cũng không tránh khỏi thời khắc cuối cùng.

Làm người thì không thể trốn thoát quy luật của tạo hóa, không thể nhảy ra khỏi sinh lão bệnh tử. Nếu muốn tiêu diêu khỏi vòng sinh tử, duy chỉ có tu luyện. Vậy chẳng thà mỗi người đi tìm con đường giải thoát còn hơn để mặc bản thân rơi vào cảnh bi ai như vậy. Thoát khỏi xác phàm, đắc Đạo thành Thần, trở về chốn nguyên lai của sinh mệnh, siêu việt sinh tử cõi nhân gian. Cũng giống như cá trong biển lớn, không chịu ràng buộc, không bị vướng mắc, có thể ngao du tự tại. Kỳ thực, đây mới là con đường để thành tựu chính mình.

Trang Tử là bậc tu Đạo, suy nghĩ và tư tưởng của ông luôn xoay quanh Đạo. Những hơn thua, được mất và ái tình chốn nhân gian, kỳ thực đều là phương tiện để ông thể ngộ về Đạo.

Do đó câu nói trên hoàn toàn không giống như ái tình mà người ngày nay nói đến, càng không phải là “chia tay vui vẻ” sau tình yêu, mà là thể hiện suy nghĩ và truy cầu về Đạo.

Trong “Nam Hoa Kinh”, Trang Tử viết:

Chết sống là mạng.

Cũng như có đêm có ngày: Lẽ thường là vậy!

Đều là do trời. Người ta, nếu có chỗ không được vừa lòng, đều là vì cái chỗ lưu luyến với vật.

Lấy trời làm cha mà còn đem thân hiến dâng, huống chi là đối với cái cao hơn!

Có vua và cho đó là cao nên đem thân mà chết, huống chi là đối với chân lý!

Suối cạn, cá cùng bị mắc cạn với nhau trên đất, bèn cùng nhau lấy ướt mà đắp nhau, lấy nước dãi mà thấm cho nhau, sao bằng cùng ở sông hồ mà quên nhau!

Cùng nhau khen vua Nghiêu, chê vua Kiệt, sao bằng quên cả hai người ấy đi để mà đồng hóa theo cái Đạo của mình! (...)

Cho nên, Thánh nhân sẽ tự do rong chơi ở chỗ mà mọi vật không trốn tránh được mà thảy đều được trường tồn. Họ vui trong cái chết, vui trong cái già, vui trong khi khởi đầu, vui trong khi chấm dứt và muốn cho mọi người cùng vui như họ đối với mọi biến cố trên đời, huống chi họ còn đợi gì trong khi tất cả vạn vật đều cùng nhất tề biến hóa. (...)

Hi Vi được Đạo mà nắm được yếu chỉ của Trời Đất. Phục Hy được Đạo mà đoạt được cái nguồn gốc của nguyên khí. Bắc Đẩu được Đạo mà chiếm được địa vị không thay đổi của mình. Mặt Trời Mặt Trăng được Đạo mà vận chuyển không ngừng.

Kham Phi được Đạo mà làm được thần núi Côn Lôn. Phùng Di được Đạo mà rong chơi ở các sông lớn. Kiên Ngô được Đạo mà ở Thái Sơn. Hoàng Đế được Đạo mà lên đến chốn trời mây. Chuyên Húc được Đạo mà ngự đến cung Huyền.

Ngung Cường được Đạo mà đứng ngay Bắc Cực. Tây Vương Mẫu được Đạo mà ngồi ở ngôi đền Thiếu Quảng.

(Trích “Trang Tử Nam Hoa Kinh”, tập 8 “Đại tông sư”, theo bản dịch Nguyễn Hiến Lê)

Khi bậc tu Đạo siêu việt khỏi cảnh giới của người phàm, họ sẽ không còn chịu sự khống chế của các quy luật trong cõi nhân gian. Có thể tiêu diêu tự tại, thọ ngang đất trời, cảnh giới ấy thật mỹ diệu biết bao!

Do đó, “Tương nhu dĩ mạt, bất như tương vong vu giang hồ” là có ý nói rằng: Con người cần phải thông qua tu luyện, phản bổn quy chân, ấy mới là hạnh phúc vĩnh hằng, là chốn về đích thực của sinh mệnh. Giống như cá được vùng vẫy nơi sông hồ, làm người thì hãy vui với Đạo…

Minh Hạnh
Theo Trình Thư Ngữ - Sound of Hope



BÀI CHỌN LỌC

Nương tựa nhau, chẳng thà vùng vẫy sông hồ mà quên nhau