Ông nội gặp Thần tiên, Tôn Quyền lên ngôi Thiên tử

Giúp NTDVN sửa lỗi

Tam Quốc là thời đại quần hùng tranh bá nổi tiếng trong lịch sử Trung Quốc. Trong giai đoạn này, tầng tầng lớp lớp các bậc anh hùng hào kiệt lần lượt xuất hiện như Gia Cát Lượng, Lưu Bị, Tôn Quyền, Tào Tháo, Chu Du, Quan Vũ, Trương Phi, Triệu Vân, Lỗ Túc, v.v...Những nhân vật này đã lưu lại cho hậu thế một khúc diễn rung động lòng người của sự "trung nghĩa, tín nghĩa, nhân nghĩa, ân nghĩa và hiệp nghĩa". 

Một trong những bậc anh hùng xuất hiện trong thời kỳ này là Đông Ngô đại đế Tôn Quyền. Ông là một trong những vị hoàng đế có thời gian trị vì lâu nhất trong lịch sử Tam Quốc với tổng cộng 52 năm cầm quyền. Trong thời gian tại vị, Tôn Quyền trọng dụng và yêu mến hiền tài, ở phía tây liên kết với Thục Hán, ở phía Bắc chống lại Tào Ngụy, trong nước thì bình định người Sơn Việt, khai phá vùng Giang Nam hoang dã. Ông là vị hoàng đế đầu tiên làm chủ vùng Giang Nam sau khi Tần Thủy Hoàng thống nhất lục quốc.

Ngoài ra, Đông Ngô cũng là một trong những nước có kỹ thuật hàng hải đứng đầu thời bấy giờ. Với kỹ thuật hàng hải của mình, về phía Bắc, Đông Ngô có thể đi đến Liêu Đông, phía Nam có thể đi đến Đài Loan, mở ra con đường sớm nhất đi từ Trung Quốc đến Đài Loan, hình thành việc giao lưu và liên kết văn hóa, kinh tế với hòn đảo này. Trong thời kỳ cường thịnh, biên giới của Đông Ngô mở rộng khắp vùng trung và hạ du sông Trường Giang ở phía Nam kéo dài đến tận Giao Chỉ (nay thuộc khu vực miền Bắc của Việt Nam), diện tích gần tương đương so với Tào Ngụy và lớn hơn so với Thục Hán.

Với những thành tựu này, vị trí của Tôn Quyền có thể xếp ngang với Tào Tháo. Quả đúng với câu thơ của nhà thơ Tân Khí Tật thời nhà Tống: "Anh hùng vô mịch, Tôn Trọng Mưu xứ" (Tạm dịch: Anh hùng chẳng phải tìm đâu, ở Tôn Trọng Mưu đây).

Thế nhưng, cho dù có năng lực lớn đến mấy thì việc xưng đế của Tôn Quyền cũng nhất định phải có Thiên mệnh. Thiên mệnh này từ lúc ông nội của Tôn Quyền gặp được Thần nhân thì đã được định ra rồi.

Trong "U minh lục" do Lưu Nghĩa Khánh thời Nam triều biên soạn có chép rằng: Ông nội của Tôn Quyền là Tôn Chung sống ở huyện Phú Xuân quận Ngô (nay thuộc quận Phú Dương, thành phố Hàng Châu, tỉnh Triết Giang). Tôn Chung xuất thân từ gia đình nghèo khó, thời trẻ làm nghề trồng dưa để sống. Ông là người thành thật, biết giữ chữ tín, vô cùng hiếu thảo với mẹ.

Một ngày vào mùa dưa chín, có ba vị thiếu niên ăn mặc đẹp đi ngang qua ruộng dưa trên núi. Bởi vì khát nước nên họ đến hỏi Tôn Chung xem có thể hái dưa để giải khát không. Tôn Chung nhiệt tình mời cả ba người đến lán trại của mình, rồi hái những quả dưa chín mời họ ăn với thái độ lễ kính rất ân cần.

Lúc ba người thiếu niên chuẩn bị rời đi, họ nói với Tôn Chung rằng: "Nhận được sự khoản đãi của ông, chúng tôi quả thật rất muốn báo đáp. Vì vậy chúng tôi muốn chỉ cho ông vùng đất phong thủy tốt có thể xây mộ, như thế có thể tạo phúc cho con cháu đời sau. Không biết ông muốn con cháu của mình được đời đời phong hầu, hay có mấy đời làm vua?"

Tôn Chung nghe xong, cảm thấy vô cùng kinh ngạc. Ông biết mình đã gặp được Thần Tiên nên vội vã quỳ xuống nói: "Tôi hy vọng rằng con cháu sau này sẽ có một số đời làm Thiên tử".

Lúc này, ba vị thiếu niên mới nói với ông, họ chính là Tư mệnh lang chịu trách nhiệm quản lý số mệnh của con người. Sau đó ba người bảo Tôn Chung đi xuống núi, phải đi 100 bước không được quay đầu lại.

Tôn Chung làm theo hướng dẫn của ba người. Nhưng khi chỉ mới đi được có 60 mươi bước, ông lại muốn nhìn xem những vị thiếu niên kia có còn ở đó không. Thế rồi ông liền quay đầu lại nhìn trộm. Khi đó, ba vị thiếu niên liền biến thành ba con hạc trắng bay đi mất. Sau này, Tôn Chung mai táng cha mẹ ông ở ngay chỗ dừng chân. Trên mộ thường có khí màu tím bay lên, là dấu hiệu của bậc đế vương. Người trong vùng đều nói: "Nhà họ Tôn sắp được hưng thịnh rồi!"

Ba vị Tư mệnh lang trong câu chuyện này có lẽ đã đánh giá được những phẩm chất đạo đức cao thượng của Tôn Chung qua việc ăn dưa. Việc bảo Tôn Chung đi 100 bước không được quay đầu, chính là an bài con cháu của ông sẽ được làm vua 100 năm. Thế nhưng Tôn Chung lại quay đầu sớm hơn, vì vậy vận mệnh của Đông Ngô cũng không vượt qua con số 60 này.

Sau này, Tôn Chung sinh ra Tôn Kiên, Tôn Kiên lại sinh ra Tôn Sách và Tôn Quyền. Sau khi Tôn Quyền xưng đế, con cháu của ông là Tôn Lượng, Tôn Hưu, Tôn Hòa, Tôn Hạo tiếp tục kế thừa đế vị, họ Tôn hưởng thụ ngai vàng gần 60 năm. Về sau, Đông Ngô bị nước Tấn thôn tính, Tôn Hạo bị giáng trở thành Quy Mệnh Hầu.

Tôn Quyền - tranh thời nhà Thanh. (Miền công cộng)

Trong sử sách cũng có ghi chép lại những hiện tượng lạ khi Tôn Quyền sinh ra.

"Giang Biểu truyện" có chép: Khi sinh ra, trong mắt Tôn Quyền có tinh quang, cằm vuông miệng rộng, tướng mạo to lớn khác lạ, không giống người thường.

“Sưu Thần ký" lại chép: Khi Ngô phu nhân mang thai Ngô Sách, bà mơ thấy ánh trăng bay vào trong bụng; đến khi mang thai Tôn Quyền, bà lại thấy mặt trời bay vào bụng mình. Khi Ngô phu nhân kể lại chuyện này cho Tôn Kiên, Tôn Kiên vô cùng vui vẻ quả quyết rằng: "Nhật nguyệt là tinh hoa của âm dương, chính là biểu tượng của sự cao sang phú quý tột bậc".

Quả nhiên đúng vậy, sau khi anh trai Tôn Sách bị ám sát, Tôn Quyền được kế thừa chức vị của anh. Ông tiếp tục trọng dụng những đại thần cũ như Chu Du, Trương Chiêu, v.v....Ngoài ra, Tôn Quyền còn tìm kiếm nhân tài ở khắp nơi, bổ nhiệm chức vụ cho những hiền sĩ như Lỗ Túc, Gia Cát Cẩn v.v...Với sự giúp đỡ của những hiền thần này, Tôn Quyền đã phát triển được thế lực của mình ở Giang Đông, cuối cùng có thể xưng bá một phương. Thế nhưng, thực ra hết thảy những điều này vốn đã được trời cao an bài từ trước.

Theo Lưu Hiểu - Epochtimes

Đức Nhân biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Ông nội gặp Thần tiên, Tôn Quyền lên ngôi Thiên tử