Phan Thanh Giản - Chính khí hạo nhiên của bậc sĩ phu Nam kỳ

Giúp NTDVN sửa lỗi

“Trời đất có chính khí
Toả ra cho muôn loài
Là sông núi dưới đất
Là trăng sao trên trời
Đầy rẫy cả vũ trụ
Khí hạo nhiên của người
Gặp cảnh đời bình trị
Triều thịnh vang lời vui
Khi cùng, tiết tháo rõ
Sử xanh ghi đời đời.”

(Chính Khí Ca- Văn Thiên Tường)

Hạo nhiên chính khí là căn bản quan trọng nhất tạo nên tính cách quật cường cao thượng của bậc chính nhân quân tử, dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào cũng giữ vững đạo đức bản thân, thà hy sinh chính mình để giữ gìn đại nghĩa chứ nhất quyết không cúi đầu. Vì thế trong lịch sử có vô số bậc anh hùng hiền nhân đã oanh liệt cống hiến sinh mệnh mình ghi vào thanh sử.

Tư Mã Thiên từng viết: “Có cái chết nặng tựa Thái Sơn, có cái chết nhẹ tựa lông hồng”. Sự khác biệt đó âu cũng là do biến hóa của chính khí hạo nhiên mà ra.

Miền Nam nước ta là một thành tựu xuất sắc vô tiền khoáng hậu của tiền nhân đã khai phá và dùng văn hóa Nho gia hun đúc nên một nền văn hóa và tính cách cứng cỏi hào dùng của những người con Nam Bộ. Vừa có lòng từ bi của Nhà Phật, vừa thanh cao cứng cỏi của kẻ sĩ Nho gia, ấy chính là miêu tả chính xác về một trong những bậc đại nhân nổi tiếng nhất miền Lục Tỉnh, tiến sĩ Phan Thanh Giản. Ông không những là vị tiến sĩ đầu tiên của vùng đất Nam Kỳ, mà còn để lại trong sử sách một khí tiết cao thượng lẫm liệt cả đời, thể hiện trong những hoàn cảnh bi tráng nhất, một nhân cách mà cho đến tận ngày nay cũng không thể có người thứ hai đạt đến được.

Đạt nhi kiêm tế thiên hạ, cùng nhi độc thiện kỳ thân

(Mạnh Tử - Tận tâm thượng)

Trong các giáo lý quan trọng của Nho giáo, việc tu thân xếp ở trung tâm vì con người là chủ tế vạn vật. Chỉ có tu thân mới có thể tề gia trị quốc bình thiên hạ. Người quân tử nếu gặp đời thịnh thì sẽ phò vua giúp nước, giáo hóa nhân dân, Nếu không gặp thời, thì ít ra cũng giữ mình trong sạch đạo đức, dù cho bần khốn hay cường quyền cũng không thể làm người quân tử thay đổi ý chí của mình. Mạnh Tử viết: “Phú quý bất năng dâm, bần tiện bất năng di, uy vũ bất năng khuất” , đó là những miêu tả hàm súc nhất về đạo đức của một người quân tử Nho gia. Sinh ra trong những năm tháng cuối cùng của vương triều Nho giáo suy tàn, ấy thế mà Phan Thanh Giản vẫn thực hành việc tu thân một cách rất đáng trân trọng.

Phan Thanh Giản sinh ngày 12/10/1796 tức năm Cảnh Hưng thứ 57 dưới triều nhà Lê. Ông là một vị đại thần của triều Nguyễn, làm quan đến chức đại thần trải qua 3 triều đại Minh Mạng, Thiệu Trị và Tự Đức.

Ông nội của ông là Phan Thanh Tập - một người Hoa chân chính, vào cuối thời nhà Minh, đã di cư sang nước Nam để sinh sống; đến thời Tây Sơn thì chuyển vào Nam rồi định cư tại huyện Bảo An, phủ Hoằng Đạo, tỉnh Vĩnh Long; nay là làng Bảo Thạnh, huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre.

Thuở hàn vi, lúc 7 tuổi Phan Thanh Giản đã phải chịu cảnh mồ côi mẹ, lúc 19 tuổi, cha bị tù oan ở Vĩnh Long, gia cảnh vô cùng nghèo khổ. Là một người con có hiếu, Phan Thanh Giản đến thành Vĩnh Long gặp quan Hiệp trấn xin ở tù thay cha nhưng không được chấp thuận. Tuy vậy, lòng hiếu thảo của Ông đã khiến các quan cảm động. Sau khi gọi ông tới để chất vấn, các quan ở tỉnh đã lấy làm kinh ngạc trước trí thông minh và đức hạnh của vị thiếu niên trẻ tuổi nên đã tạo cơ hội để Ông ở lại Vĩnh Long tiếp tục học hành và chờ khoa thi.

Đến kỳ thi Hương năm 1825, Phan Thanh Giản thi đỗ qua tứ trường tức cử nhân. Một năm sau, trong kỳ thi Hội ở Huế, ông đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ, trở thành người Nam Kỳ đầu tiên thi đỗ Tiến sĩ.

Ông ra làm quan và trải qua bao phen chìm nổi. Tuy nhiều lần bị giáng chức vì gặp việc dám nói, nhưng với tài năng của mình, rất nhanh ông được triều đình phục hồi chức vị và được đảm nhận nhiều trọng trách to lớn như Hàn lâm viện biên tu, Thượng Thư bộ Hình, bộ Lại, bộ Binh; 6 lần Ông được sung Cơ mật viện đại thần, cả Chánh sứ toàn quyền đại thần. Năm 1850, ông được cử vào trấn nhậm miền Tây Nam Kỳ. Sau đó, được phong làm Kinh lược sứ Nam Kỳ, được vua Tự Đức giao làm Tổng tài Quốc sử quán coi việc biên soạn bộ Khâm định Việt sử Thông giám cương mục…

Hải nạp bách xuyên, hữu dung nãi đại; Bích lập thiên nhận, vô dục tắc cương

(Lâm Tắc Từ - Đề Lưỡng Quảng tổng đốc phủ đối liên)

Chủ trương tu thân của Nho gia vốn lấy sự chính trực và vô dục vô cầu, ý chí thanh cao làm tiêu chuẩn của một vị quan tốt có thể kinh bang tế thế. Chỉ khi người quân tử kiềm chế và không dục vọng, nhân cách mới cao thượng và tấm lòng rộng rãi mới có thể chăm lo cho trăm họ. Cuộc đời làm quan của Phan Thanh Giản mấy chục năm chưa bao giờ bằng phẳng, nhưng ông vẫn kiên trì nguyên tắc sống tu thân chính mình, là một vị quan gương mẫu chính trực hiếm có suốt 3 đời vua.

Vì thương yêu dân chúng, ông thường xuyên dâng lên triều đình các tấu chương có lợi cho dân và dám thẳng thắn can gián vua. Chỉ vì trung thực dám can gián mà ông đã nhiều lần bị trừng phạt. Dưới triều vua Minh Mạng, ông đã 3 lần bị giáng chức.

Năm Minh Mạng thứ 17 (1836) Quảng Nam bị mất mùa, dân chúng đói khát, vua Minh Mạng có ý chu du đến núi Ngũ Hành. Phan Thanh Giản lúc này đang giữ chức tuần phủ vì không muốn dân chúng phải bỏ ruộng để lo phục dịch đường sá cho vua đi, nên đã dâng sớ tâu rằng:

“Nghe Hoàng Đế sẽ ngự giá vào, dân chúng ai là chẳng vui mừng; Nhưng hiện nay mất mùa vả lại đang trong buổi tháng tư, tháng năm chính là lúc cày cấy, như bắt dân cung ứng thì được việc này mất việc khác, xin Hoàng Đế tạm đình khoan ngự, để cho dân chuyên việc ruộng trưa”. (Sự tích cụ Phan Thanh Giản - Vĩnh Long Nhân vật chí).

Vua Minh Mạng sau đó đã quyết định hoãn chuyến chu du nhưng xem tấu thấy không bằng lòng, ra lệnh giáng chức Ông từ Tuần phủ xuống làm lính quèn, tức “lục phẩm thuộc viên” giữ việc quét dọn, sắp đặt bàn ghế ở công đường.

Tuân thủ lễ nghĩa nhà Nho, Phan Thanh Giản dù bị làm lính cũng tận hết chức trách, không than vãn một lời, Eliacin Luro (một cựu quan chức Pháp tại Nam Kỳ lúc bấy giờ) trong tác phẩm Le pays d’Annam đã viết rằng:

“Phan Thanh Giản phục tòng sự trừng phạt ấy với một lòng đại độ hiếm có. Mặc quần áo một binh quèn, ông đi hàng đầu, làm gương dũng cảm và tuân trọng kỷ luật cho tất cả mọi người. Không bao lâu, ông được tướng sĩ cảm phục và quân đội kính nể. Nhà vua, sau khi giác ngộ sự phẫn nộ bất công của mình, triệu ông về, và dưới các triều vua kế vị Minh Mạng, ông được nâng lên tới những chức quyền quốc gia đại dụng nhất.”

Ở cương vị nào ông cũng làm hết phận của mình. Năm 1852, ông đã cùng Nguyễn Tri Phương dâng sớ tâu với vua Tự Đức cần tránh xa gian thần, chọn bầy tôi trung lương, chú trọng tiết kiệm, giảm bớt chế độ tạp dịch cho binh lính. Vua Tự Đức khâm phục Phan Thanh Giản và tặng ông 4 chữ “Liêm, Bình, Cần, Cán”.

Đời người có ai mà không chết; Lưu tấm lòng son chiếu sử xanh

(Chính khí ca-Văn Thiên Tường)

Từ năm 1862 - 1867 ông cụ thất thập Phan Thanh Giản được vua Tự Đức giao cho nhiệm vụ khó khăn nhất là thương lượng với Pháp để đòi đất.

Ngày 5/6/1862 ông đại diện cho triều đình ký kết hiệp ước Nhâm Tuất nhượng 3 tỉnh miền đông nam bộ cho Pháp. Năm 1863 ông đứng đầu phái bộ sang Paris để thương thuyết nhưng bất thành. Chuyến đi này giúp ông tận mắt thấy sự tiến bộ của văn minh phương Tây, ông đã dâng sớ mong triều đình thay đổi nhưng vua không nghe, Phan Thanh Giản biết rằng với thực lực yếu, vũ khí thô sơ, trí lực chưa được mở mang như hiện tại thì nếu Pháp mở rộng cuộc chiến ra miền Trung hay Bắc thì sẽ không chống đỡ nổi.

Năm 1865, vua sai Phan Thanh Giản đi Kinh lược sứ 3 tỉnh miền Tây (Vĩnh Long, An Giang, Hà Tiên).

Tháng 6/1867, đô đốc De la Grandière dẫn hơn 1500 lính thủy quân lục chiến Pháp đi trên 16 tàu chiến áp sát thành Vĩnh Long, yêu cầu ông gửi mật thư cho thủ thành An Giang và Hà Tiên buông súng đầu hàng.

Trước tình thế nguy cấp, Phan Thanh Giản hiểu rằng sẽ là vô ích nếu tiếp tục một sự chiến đấu trong đó chỉ có máu của người An Nam chảy, giờ đây, việc quan trọng nhất là bảo toàn tính mạng cho quân dân, ông đã quyết định trao thành, không kháng cự, với yêu cầu người Pháp phải bảo đảm an toàn cho đồng bào mình.

Phan Thanh Giản lúc ấy đã gửi công thơ cho quan Tổng đốc An Giang, Hà Tiên:

Hỡi các quan và dân chúng!… Bản chức van vái trời, bản chức nghe theo lẽ phải và tự nhủ: “Mình còn ngốc khi mình đánh người Phú lang sa bằng võ khí, cũng như con nai con muốn bắt con cọp. Mình lại kéo về phe mình một cách vô ích những tai họa lớn, để tai hại ấy đè lên đầu dân mà trời đã giao cho mình chăn. Vậy bản chức viết công thơ cho các quan văn cũng như các tướng võ hãy bẻ gãy giáo và gươm, giao thành trì khỏi chống lại…”

Là sứ thần nhiều năm thừa lệnh vua xử lý công vụ liên quan đến các cuộc chiến, hơn ai hết Phan Thanh Giản thấu hiểu thời cuộc, đâu là thế yếu của ta, đâu là sức mạnh của quân Pháp. Đại thế đã mất, hy sinh chỉ vô ích. Ông hy vọng giữ nguyên sức lực của quân dân nhằm tính kế lâu dài.

Trung thành với vua, Phan Thanh Giản từ chối tất cả đề nghị trọng hậu của kẻ thắng, ông gửi lại áo mão, ấn triện cùng tờ sớ tạ tội về Triều đình. Là một mệnh quan triều đình chưa chu toàn chức trách, ông đã chọn cái chết để đền đáp ân vua.

Ông tuyệt thực 17 ngày và uống thuốc độc tự vẫn. Ngày 4/8/1867 ông qua đời trong một căn nhà tranh nghèo, thọ 71 tuổi. Trước khi mất ông đã hướng về phương Bắc lạy vua 5 lạy, và căn dặn con cháu không được làm quan cho Pháp cầu vinh mà cần nâng cao trí lực, học hỏi văn minh phương Tây, theo kịp tiến bộ để phụng sự cho đất nước.

Đô đốc De la Grandière đã viết cho con của cụ Phan rằng vô cùng kính mến và thương tiếc Ông, khi ông mất, quân lính đã cho 1 chiếc tàu Pháp chở ông về quê, lúc cất đám có quân Pháp bồng súng tiễn tống. (Vĩnh Long nhân vật chí). Thực là:

Nhân sinh tự cổ thùy vô tử
Lưu thủ đan tâm chiếu hãn thanh

(Xưa nay có ai mà không chết
Hãy để lòng son chiếu sử xanh)

(Trích Chính khí ca - Văn Thiên Tường)

Thái An

Tham khảo 1 số bài viết:

1- Quyển “Vĩnh Long nhân vật chí” (1925)

2- https://trithucvn.org/van-hoa/phan-thanh-gian-duoi-mat-nguoi-phap-qua-vai-tai-lieu.html

3- https://trithucvn.org/van-hoa/nghi-ve-ong-phan-thanh-gian.html

Văn hoá Lịch sử


BÀI CHỌN LỌC

Phan Thanh Giản - Chính khí hạo nhiên của bậc sĩ phu Nam kỳ