Phát hiện ra cơ quan nội tạng vô hình?!

Giúp NTDVN sửa lỗi

Vào năm 2018, các nhà khoa học Mỹ đã công bố một bài báo trên tạp chí “Báo cáo khoa học” (Science Reports) thuộc tạp chí “Tự nhiên” (Nature), nói rằng họ đã phát hiện ra một cơ quan không xác định được gọi là “trung mô”. Tất nhiên, sự “không xác định” này cơ bản là nhận thức của y học thực nghiệm dựa trên giải phẫu học phương Tây. 

Các nhà khoa học cho biết, thông qua công nghệ phát hiện mới nhất, có một "đường cao tốc lưu thông" trong cơ thể người, nó dường như ở khắp mọi nơi, dưới da, xung quanh động mạch và tĩnh mạch, trong mô sợi giữa các cơ và xung quanh các cơ quan nội tạng.

Các nhà nghiên cứu cho rằng trong một thời gian dài, do các nhà khoa học đã vô thức phá hủy cấu trúc mô kẽ của con người trong quá trình mổ xẻ nên chất lỏng trong đó bị chảy ra. Khi (các tổ chức mô kẽ này) được quan sát dưới kính hiển vi, chúng chỉ là một tổ chức cấu trúc đơn giản. Vì vậy, con người không bao giờ nhận ra sự tồn tại của chúng.

Ngay sau khi tin tức được đưa ra, giới học thuật Âu Mỹ đã dậy sóng, một số truyền thông chính thống, bao gồm Tạp chí Time, Tạp chí Địa lý Quốc gia, The Independent, v.v. đều đang cạnh tranh để đưa tin.

Tuy nhiên, một số nước châu Á, đặc biệt là các nhà nghiên cứu Trung Quốc, sau khi xem nghiên cứu này, đã nghĩ: Gì cơ? Cách mô tả này có vẻ quen quen, lại rất quen thuộc? Xem kỹ lại, điều này rất giống với "kinh lạc" được đề cập trong Đông y.

Kinh lạc thần kỳ

Theo Đông y, kinh lạc là thuật ngữ chung để chỉ các kinh mạch và lạc mạch, là các đường mà cơ thể con người vận hành khí huyết, thông với các cơ quan nội tạng, thông với bên trong và bên ngoài, thông qua các mặt trên và dưới. Hệ thống kinh lạc là do kinh và lạc cấu thành đan chéo nhau trên khắp cơ thể. Sự chuyển động của khí và máu rất quan trọng đối với sức khỏe cơ thể con người.

Ví dụ, kinh lạc giống như một con đường lưu thông đối với cơ thể con người, năng lượng của khí và máu là một chiếc xe liên tục chạy trên đường. Nếu xe vận hành trơn tru, thì mọi thứ thuận theo tự nhiên, và cơ thể con người tương ứng cũng cảm thấy thoải mái và khỏe mạnh. Và nếu xảy ra sự cố như kẹt xe kéo dài, tai nạn giao thông nghiêm trọng sẽ ảnh hưởng đến diện rộng. Tương ứng, khí và huyết của cơ thể bị suy giảm, các chứng đau đầu, sốt màng não, các triệu chứng suy nhược cơ thể đều ập đến.

Khi nhìn vào bản đồ kinh lạc, sẽ thấy có nhiều điểm chính được gọi là "huyệt vị" trên bề mặt, huyệt vị được coi là đường tuần hoàn của tạng phủ và kinh lạc trên bề mặt cơ thể, là vị trí đặc định mà khí huyết hội tụ và xuất ra, nó giống như một địa điểm quan trọng trên đường cao tốc giao thông.

Người xưa và khoa học hiện đại đều đã phát hiện và chứng minh rằng trong cơ thể người có một hệ thống kinh lạc chạy khắp thân thể. Sức khỏe của một người tốt hay xấu phụ thuộc vào sự lưu thông tuần hoàn của hệ thống này. Do đó, việc sử dụng các phương pháp chữa bệnh như châm cứu, trung y, hay luyện tập khí công chính là để đả thông các kênh kinh mạch này.
Người xưa và khoa học hiện đại đều đã phát hiện và chứng minh rằng trong cơ thể người có một hệ thống kinh lạc chạy khắp thân thể. Sức khỏe của một người tốt hay xấu phụ thuộc vào sự lưu thông tuần hoàn của hệ thống này. Do đó, việc sử dụng các phương pháp chữa bệnh như châm cứu, trung y, hay luyện tập khí công chính là để đả thông các kênh kinh mạch này. (Wikimedia Commons)

Người xưa thông thái đã phát hiện ra rằng chỉ cần kích thích các huyệt đạo cụ thể, có thể tạo ra hiệu ứng đặc biệt làm giảm hoặc thậm chí chữa lành cơn đau và sự khó chịu ở một số nơi.

Ví như, huyệt hợp cốc trên kinh thủ dương minh đại trường có thể điều trị chứng đau ở 5 bộ phận (ngũ quan) trên khuôn mặt. Nếu bị đau đầu, đau răng, nhức mắt, châm cứu và xoa bóp sẽ có tác dụng đáng kể, nếu không có kim, tự mình ấn vào cũng có tác dụng giảm đau.

Ví dụ khác, như tên gọi của huyệt vị túc tam lý trên kinh túc dương minh vị, ấn vào huyệt này có thể đi bộ ba dặm một ngày. Nói cách khác, túc tam lý có thể giảm đau đầu gối và chân, cũng là một huyệt vị quan trọng để điều hòa chức năng đường tiêu hóa, có thể thử huyệt đạo này cho bất kỳ vấn đề nào liên quan đến đường tiêu hóa, chẳng hạn như đau dạ dày và đầy hơi.

Mỗi huyệt có tác dụng khác nhau, phối hợp nhiều huyệt mới có tác dụng, kiến ​​thức về huyệt vị và kinh lạc này khá bác đại tinh thâm. Nếu có hứng thú, bạn có thể mua bản "Hoàng Đế Nội Kinh" để nghiên cứu, đây là cuốn sách được biết đến sớm nhất về huyệt vị và kinh lạc, có lịch sử hơn 2.000 năm, nội dung Hoàng Đế bàn về y thuật với các quan đại thần được ghi trong sách có từ hơn 5.000 năm trước Hiên Viên Hoàng Đế. Sau đó, một số Thần y thời cổ đại như Biển Thước, Tôn Tư Mạc, Lý Thời Trân, v.v., cũng đã nghiên cứu điều này, không ngừng hoàn thiện hệ thống trung y cổ xưa này.

Các bạn đã bao giờ nghĩ tại sao người xưa chỉ dùng ngải cứu đơn thuần để giải độc chưa? Các cây khác như lúa mì, cây lau sậy và cây bồ công dùng không được sao?

Nghiên cứu hiện đại đã phát hiện ra rằng cơ thể con người là một nguồn bức xạ hồng ngoại, và phổ năng lượng bức xạ do ngải cứu tạo ra khi đốt ngải cũng là tia hồng ngoại, và nó chủ yếu là tia hồng ngoại gần. Khi châm vào huyệt, bức xạ cận hồng ngoại của nó có khả năng xuyên thấu cao, có thể truyền năng lượng đến tổn thương thông qua hệ thống kinh mạch tốt hơn. Thực sự không thể đổi sang loại cây khác.

Vậy, làm sao người xưa biết được những kiến ​​thức uyên thâm này từ hàng ngàn năm trước?

Phát hiện kinh lạc và huyệt vị trong ‘thuyết nội quan’

Còn có một thuyết gọi là “thuyết nội quan”, chính là cái mà người xưa gọi là phản chiếu bên trong. Lý Thời Trân viết trong cuốn “Kỳ kinh bát mạch khảo” như sau: Đường hầm bên trong cơ thể người chỉ có thể được quan sát bởi người có khả năng ‘nội quan’. Tức là chỉ những người thông qua tu tâm dưỡng tính, đả tọa tu hành, từ đó thiên mục khai mở mới có thể nhìn vào bên trong cơ thể người để khảo sát các đường mạch và kinh lạc.

Danh y Lý Thời Trân. (Ảnh: wikimedia)
Danh y Lý Thời Trân. (Ảnh: wikimedia)

Năng lực ‘thấu thị’ của Thần y Biển Thước

Khi Biển Thước đi qua nước Tề, Tề Hoàn Hầu chiêu đãi ông như thượng khách. Biển Thước bái kiến Tề Hoàn Hầu ở trên triều đình, ông nói: “Hiện nay ngài đang có bệnh, ở giữa lớp da và thịt, nếu không chữa trị sẽ thâm nhập vào sâu thân thể”.

Hoàn Hầu nói: “Ta không có bệnh gì”.

Năm ngày sau, Biển Thước lại đến chỗ Hoàn Hầu nói: “Ngài có bệnh ở mạch máu, nếu không chữa trị, bệnh sẽ vào càng sâu thêm.”

Hoàn Hầu lại nói: “Ta không có bệnh”.

Sau khi Biển Thước ra về, Hoàn Hầu rất không vui.

Lại 5 ngày nữa trôi qua, Biển Thước lại đến chỗ Hoàn Hầu, ông nói với Hoàn Hầu rằng: “Bệnh của ngài đã vào đến dạ dày và ruột, nếu không chữa trị, bệnh sẽ vào càng sâu thêm”.

Hoàn Hầu im lặng không đáp lời.

Lại qua đi 5 ngày, khi Biển Thước gặp Hoàn Hầu, ông chẳng nói năng gì, liền lùi bước rồi bỏ đi. Hoàn Hầu cho người hỏi ông nguyên do vì sao ông làm như vậy. Biển Thước nói: “Khi bệnh tật ở giữa lớp da và thịt, thuốc uống, thuốc xông đều có thể chữa khỏi. Khi bệnh tật vào đến mạch máu, châm cứu, bấm huyệt đều có thể trị khỏi. Khi bệnh tật vào đến ruột và dạ dày, dùng rượu thuốc thì có thể chữa khỏi. Khi bệnh vào đến xương tủy, cho dù là Thần quản về sinh mệnh cũng chẳng thể làm gì được. Hiện nay bệnh tật của Hoàn Hầu đã vào đến xương tủy rồi, tôi cũng không thỉnh cầu chữa bệnh cho ông ấy nữa”.

Quả thật, 5 ngày sau, Hoàn Hầu phát bệnh, cho mời Biển Thước đến chữa trị, Biển Thước đã rời đi từ lâu. Chẳng bao lâu, Hoàn Hầu qua đời.

Thần y Biển Thước. (Ảnh: wikimedia)
Thần y Biển Thước. (Ảnh: wikimedia)

Một điển cố về Hoa Đà

Trong “Hậu Hán thư” có ghi chép rằng thê tử của Lý tướng quân bị bệnh, ông cho mời Hoa Đà đến chẩn bệnh và chữa trị.

Sau khi bắt mạch xong, Hoa Đà nói: “Bệnh của phu nhân là do thân thể bị tổn thương trong lúc mang thai, cần phải lấy thai nhi ra”.

Lý tướng quân đáp lại: “Xác thực là thê tử của tôi bị thương trong lúc mang thai. Nàng ấy đã bị sẩy thai”.

Hoa Đà lại nói: “Theo mạch tượng cho thấy thai nhi chưa bị sẩy”.

Lý tướng quân vô cùng kinh ngạc. Một trăm ngày sau, Lý phu nhân bệnh tình trở nặng nên lại cho mời Hoa Đà đến.

Sau khi bắt mạch xong, Hoa Đà nói: “Mạch tượng vẫn như trước, vốn dĩ Lý phu nhân mang song thai. Thai nhi đã bị sẩy trước đó làm cho cơ thể phu nhân mất máu quá nhiều nên không thể sinh thai nhi còn lại. Hiện giờ thai nhi này đã chết rồi và chèn vào lưng của phu nhân”.

Trước tiên, Hoa Đà châm cứu cho Lý phu nhân rồi sau dùng thêm thuốc thang. Một lúc sau, Lý phu nhân cảm thấy muốn sinh nhưng không sinh được.

Hoa Đà nói: “Thai nhi đã bị khô cứng rồi nên không thể tự mình sinh được, phải có người lấy nó ra mới được”.

Quả nhiên, Hoa Đà đã lấy được bào thai đã chết ra.

Thần y Hoa Đà. (Ảnh: wikimedia)
Thần y Hoa Đà. (Ảnh: wikimedia)

Nói đến đây, mọi người đừng nghĩ là huyền hoặc, công năng như “thấu thị”, “thiên lý nhãn”... đã được thế giới kiểm chứng và công nhận một cách khoa học. Ví như câu chuyện ở Nhật Bản từng có một cô gái sở hữu công năng đặc dị thiên lý nhãn, hoặc bạn thể tìm hiểu thêm thông tin qua bài viết “Giải mã ‘con mắt thứ ba’” đã được đăng trước đây.

Từ lâu, Tây y luôn coi cơ thể con người như một cỗ máy, bộ phận nào hoạt động không hiệu quả thì chỉ cần ‘sửa chữa’, hoặc thay bộ phận mới. Mặt khác, Đông y theo quan niệm “Thiên nhân hợp nhất” trong văn hóa truyền thống, coi con người như một tổng thể và là một phần của sự vận động tự nhiên trong toàn vũ trụ.

Tuy nhiên ở Đại học Đông y Bắc Kinh cũng có giáo trình Đông y, trên thực tế các thầy giáo đại học Đông y về cơ bản là những người xuất thân học Tây y chiếm vị trí chủ đạo, căn bản không phải là người kế thừa Đông y truyền thống. Còn giải phẫu học, tổ chức phôi thai học, sinh lý học, bệnh lý học đã trở thành tiêu chuẩn khảo sát quan trọng của giấy phép Đông y. Từ chính sách hành chính trong hệ thống y tế của ĐCSTQ cho đến hỗ trợ vốn, tài nguyên, không gì là không trái ngược với Đông y truyền thống.

Nếu trong tương lai, lý thuyết của Đông y truyền thống được khẳng định và công nhận, thì toàn bộ nền y học sẽ phải đối mặt với một sự thay đổi rất lớn, và y học trên toàn thế giới sẽ bước vào một kỷ nguyên mới.

Nguồn: vn.minghui.org và Epochtimes

Cao Nguyên

(T/h)



BÀI CHỌN LỌC

Phát hiện ra cơ quan nội tạng vô hình?!