Phật Mật Lặc Nhật Ba (P-2): Trên trời có một người đang bay

Giúp NTDVN sửa lỗi

[Radio] - Con người có thể đổi màu da thành xanh lục và bay lên không trung, thoạt nghe dường như là chuyện trời ơi đất hỡi, nhưng trong lịch sử thực sự có người như thế. Người đó chính là Sư tổ của phái Bạch giáo trong Phật giáo Tây Tạng - Phật Mật Lặc Nhật Ba (Milarepa), cũng gọi là Phật Mật Lặc Văn Hỉ.

Nghe tiếp

Xem lại:
Phật Mật Lặc Nhật Ba (P-1): Tại sao trải qua muôn ngàn thử thách vẫn không được sư phụ truyền Pháp

Sau khi Văn Hỉ trải qua trùng trùng kiếp nạn, khổ cực không thể nào tả xiết, cuối cùng thượng sư Mã Nhĩ Ba đã truyền đại Pháp tu thành Phật ngay trong đời này cho Văn Hỉ. Văn Hỉ đã được toại nguyện, nhưng có tu thành Phật không? Tuy đắc được đại Pháp rồi nhưng còn cách tu luyện thành Phật 10 vạn 8 ngàn dặm. Cuộc đời tu hành gian khổ vẫn còn ở phía trước đang chờ Văn Hỉ.

Trở lại quê nhà

Văn Hỉ ở bên sư phụ Mã Nhĩ Ba bế quan tu hành hơn 1 năm. Một ngày nọ, Văn Hỉ mộng thấy mẫu thân đã qua đời, tiểu muội phải lưu lạc tha hương hành khất, trong lòng càng thương nhớ mẫu thân và tiểu muội. Thế là Văn Hỉ quyết tâm trở về quê nhà. Lúc sắp khởi hành, sư phụ dự liệu được rằng, trong quá trình tu luyện, Văn Hỉ gặp phải những quan ải khó khăn, thế nên sư phụ trao cho Văn Hỉ một phong thư đã được phong kín bằng sáp và căn dặn rằng, chỉ khi nào khí mạch bị trở ngại nghiêm trọng thì mới được mở bức thư này.

Từ biệt sư phụ, sư mẫu, những người đối với Văn Hỉ có ân nặng như núi, lòng Văn Hỉ chỉ muốn nhanh chóng bay trở về quê nhà. Hành trình về quê vốn cần 15 ngày, Văn Hỉ đi trong 3 ngày là đã về đến quê rồi. Trong lòng thầm nghĩ, năng lực tu khí công quả thật là vĩ đại. Lúc trời tối, Văn Hỉ đã bước chân vào đến làng rồi. Quả nhiên, tất cả cảnh tượng trước mắt hoàn toàn giống như trong giấc mộng.

Ruộng vườn bên ngoài mọc đầy cỏ dại và cây gai. Ngôi nhà và Phật đường xưa vốn từng sáng long lanh màu vàng ngọc, giờ đây đã đổ nát thảm hại. Bước vào trong nhà, Văn Hỉ thấy Chính pháp Bảo tích kinh bị nước mưa dột làm rách tả tơi. Trên tường cũng rải rác bùn đất và phân chim. Nhìn những cảnh tượng này, Văn Hỉ bất giác nhớ lại ngày xưa, một nỗi niềm bi thương tràn ngập trong tim.

Bước gần đến cánh cửa, Văn Hỉ thấy một đống đất lớn, dường như dùng đất và quần áo rách quấn lại, phía trên mọc đầy cỏ dại. Văn Hỉ dùng tay bới đống đất, thấy bên dưới là một đống xương người. Đột nhiên Văn Hỉ có ý nghĩ: “Ôi, đây là xương cốt mẫu thân, bà đã ra đi được 8 năm rồi”.

Văn Hỉ đau đớn thấu tim, đau lòng đến mức ngất đi. Sau khi tỉnh lại, Văn Hi niệm kinh suốt ngày đêm, niệm liên tục 7 ngày, siêu độ vong hồn của cha mẹ đến thế giới Cực Lạc.

Sau khi tỉnh lại, Văn Hi niệm kinh suốt ngày đêm, niệm liên tục 7 ngày, siêu độ vong hồn của cha mẹ đến thế giới Cực Lạc. (Ảnh: Pixabay)

Vợ chưa cưới Kết Tái

Lúc này, Vă Hỉ cảm thấy hết thảy mọi thứ thế gian không còn chút lưu luyến nhớ nhung nào nữa. Đối với thế gian luân hồi, Văn Hỉ sinh ra tâm ly khai thế gian, xả bỏ thế gian chuyên tâm tu chính Pháp. Văn Hỉ quyết tâm đến hang đá Hộ Mã Bạch Nhai dốc sức tu hành không quản ngày đêm, đồng thời thề rằng, nếu tâm niệm không kiên định, bị dao động bởi những sự việc thế gian thì nguyện sẽ tự sát; nếu trong tâm khởi bất kỳ tâm an dật vui chơi nào, thì Thiên Thần hộ Pháp sẽ lấy đi sinh mệnh.

Trước khi vào núi, Văn Hỉ gặp con trai của người thầy của mình. Người này hỏi Văn Hỉ mấy năm nay làm gì. Khi được nghe câu chuyện Văn Hỉ gặp được danh sư, đã tu chính Pháp, bèn nói: “Quả là hiếm có, khó có được. Nói như vậy, anh sẽ làm theo thượng sư Mã Nhĩ Ba, tự làm một ngôi nhà, đưa người vợ chưa cưới của anh là Kết Tái rước về nhà, kế thừa tông phong của thượng sư chẳng phải là tốt sao”.

Văn Hỉ nói: “Thượng sư Mã Nhĩ Ba vì để lợi ích chúng sinh mới lấy vợ. Tôi không có sức mạnh như thế này. Nơi mà sư tử nhảy qua, nếu thỏ không tự lượng sức mình cũng nhảy theo, nhất định sẽ ngã chết. Hơn nữa, đối với thế gian luân hồi, tôi đã chán ghét cực độ rồi. Trên đời này, ngoài khẩu quyết của thượng sư và tu hành ra, tất cả những thứ khác tôi đều không muốn. Tôi vào hang động tu hành, chính là cúng dường tốt nhất đối với thượng sư, là kế thừa tông phong của thượng sư. Những việc như lợi ích chúng sinh, hoằng dương Phật Pháp, thì chỉ có tu hành mới có thể làm được; siêu độ cha mẹ thì cũng chỉ có tu hành mới có thể làm được; lợi mình cũng ắt phải nhờ vào tu hành. Ngoài tu hành ra, tất cả những việc khác tôi đều không muốn biết, không muốn quản, càng không có hứng thú”.

Ngày hôm sau, đem theo lương thực khô và đồ cúng đã chuẩn bị trước, Văn Hỉ đến một hang động ở trong núi phía sau nhà. Trước tiên Văn Hỉ chọn tu tập thiền định. Mấy tháng sau, thức ăn trong hang động đều đã hết sạch, thân thể Văn Hỉ yếu đến mức không thể kiên trì tọa thiền được nữa. Trong tâm Văn Hỉ nghĩ: “Có lẽ nên đến bãi chăn bò và cánh đồng lân cận xin ít bơ và lương thực khô, không bị chết đói thì mới có thể tiếp tục tu hành”.

Văn Hỉ đến bãi chăn nuôi lân cận đi hóa duyên, đến trước một nhà lều. Kết quả không phải oan gia thì không gặp, Văn Hỉ vừa vặn đến nhà lều của người cô. Người cô nghe thấy giọng của Văn Hỉ thì nổi giận đùng đùng, thả chó dữ ra cắn Văn Hỉ. Văn Hỉ thấy chuyện không ổn rồi, vội vàng co cẳng chạy. Nhưng vì trong hạng động đã suy dinh dưỡng kéo dài, thể lực yếu ớt, bị vấp vào một hòn đá và ngã lăn xuống một con suối nhỏ. Người cô không ngừng chửi rủa, cây gậy trong tay bà đánh tới tấp lên đầu lên mặt Văn Hỉ. Không biết làm thế nào, Văn Hỉ đành dùng tiếng hát kể lại những cảnh ngộ của mình, rằng người cô đã ngược đãi cả nhà mình thế nào.

Một cô gái theo người cô đi ra, nghe những lời ca của Văn Hỉ, đã không nén nổi nước mắt tuôn trào. Người cô thấy thế mới cảm thấy áy náy, quay người trở lại ngôi lều, sau đó bảo cô gái cầm một túi bơ và sữa trao cho Văn Hỉ.

Lần hóa duyên này, Văn Hỉ gặp chuyện kinh sợ mà không nguy hiểm, không những gặp người cô mà còn gặp cả người bác. Xưa kia, con trai và con dâu người bác đã bị Văn Hỉ dùng chú thuật giết chết, trông thấy kẻ thù, người bác cực kỳ nóng mắt, gầm lên muốn lấy mạng Văn Hỉ. May mà được mọi người khuyên can, Văn Hỉ mới thoát thân.

Đem chút thức ăn về hang động, có kinh nghiệm lần này rồi, Văn Hĩ nghĩ phải rời khỏi mảnh đất thị phi này sớm nhất, đến hang động Hộ Mã Bạch Nhai tu hành. Đêm đó, Văn Hỉ có giấc mộng, báo mộng dường như muốn Văn Hỉ ở thêm mấy ngày nữa rồi hãy ra đi. Thế là Văn Hỉ quyết định ở lại thêm vài ngày nữa. Mấy ngày sau, quả nhiên có người đến thăm Văn Hỉ. Đó chính là vợ chưa cưới của Văn Hỉ: Kết Tái.

Văn Hĩ nghĩ phải rời khỏi mảnh đất thị phi này sớm nhất, đến hang động Hộ Mã Bạch Nhai tu hành. (Ảnh: Pixabay)

Hai người gặp nhau khóc ròng. Văn Hỉ lau nước mắt hỏi: “Lẽ nào cô vẫn chưa lấy chồng sao?”.

Kết Tái lắc đầu: “Mọi người ai nấy đều sợ Thần hộ Pháp của anh, không ai dám lấy em. Cho dù có người muốn lấy thì em cũng không có dự tính lấy chồng. Anh tu chính Pháp thế này, quả là hiếm có khó có được”.

Dừng lại một lát, Kết Tái lại hỏi: “Ruộng vườn nhà anh, anh dự tính xử lý thế nào?”

Văn Hỉ nói với cô rằng: “Tôi tu hành khổ hạnh, sống cuộc sống như loài chuột loài chim, do đó ruộng vườn đối với tôi chẳng để làm gì. Cho dù tôi có tài sản của toàn thế giới, thì sau khi chết cũng chẳng mang theo đi được. Nếu cô gặp tiểu muội Tỳ Đạt, thì hãy giao ruộng vườn cho tiểu muội. Khi chưa gặp tiểu muội thì cô có thể sử dụng ruộng vườn đó. Nếu tiểu muội Tỳ Đạt không còn nữa, thì những ruộng vườn đó tặng cho cô”.

Kết Tái nghe rồi nói: “Em xưa nay chưa từng nghe thấy có người học Phật cùng khổ rách rưới như anh thế này. Phật Pháp thì em muốn tu, nhưng Pháp tu như anh thế này thì em không làm nổi. Em không cần nhà cửa ruộng vườn của anh, anh hãy giữ lấy cho tiểu muội của anh”.

Nói xong, cô đứng lên ra về.

Không có lương thực chỉ có cây tầm ma

Rất nhanh chóng, tin tức Văn Hỉ vì tu Phật nên không cần tài sản ruộng vườn truyền đến tai người cô. Người cô vốn luôn nhìn chằm chằm vào ruộng đất màu mỡ của nhà Văn Hỉ, nghe được tin này thì rất kinh ngạc. Người cô nghĩ: “Ta phải đi xem xem, rốt cuộc có phải là thật hay không”.

Thế là người cô mang theo rượu thịt, giả bộ đến thăm Văn Hỉ. Vừa gặp mặt người cô liền nói: “Cháu à, mấy hôm trước cô đã sai. Cháu là người học Phật, xin cháu nhẫn nại tha thứ. Co có lòng làm ruộng thay chúa, mỗi tháng nộp thuế cho cháu. Nếu không thì mảng ruộng tốt thế này lại bỏ hoang thì quá đáng tiếc. Cháu thấy thế nào?”

Văn Hỉ nghe thấy vậy thì nói: “Thế cũng được, mỗi tháng cháu chỉ cần 25 cân (12.5kg) lương thực, đủ ăn là được rồi, còn lại đều tặng hết cho cô”.

Người cô nghe vậy thì vui mừng quá đỗi và ra về.

Hai tháng sau, người cô lại đến, nói với Văn Hỉ rằng: “Mọi người đều nói, nếu trồng trọt trong ruộng đất của cháu thì sẽ khiến Thần hộ Pháp của cháu nổi giận. Xin cháu chớ niệm chú”.

“Cô à, xin cô hãy yên tâm. Cô trồng trọt đem lương thực cho cháu, làm sao cháu có thể niệm chú cô được”.

“Nếu như thế thì cháu thề có được không? Như thế cô cũng yên tâm”.

Văn Hỉ nghe rồi gật đầu đồng ý, lập tức thề.

Sau một thời gian, Văn Hỉ đang dự tính đi đến hang Hộ Mã Bạch Nhai để tu hành thì người cô mang theo 3 đấu thức ăn khô, một chiếc áo da rách và một mảnh vải, một hỗn hợp trộn lẫn giữa bơ và sữa bò và ném trước mặt Văn Hỉ, hậm hực nói: “Những thứ này là giá bán ruộng của cháu. Hãy cầm những thứ này và đi xa nhất có thể. Người trong làng đều nói, đều vì cháu hại họ thảm hại thế này, người trong làng đều sợ hãi, sớm muộn cũng có ngày bị cháu giết sạch. Hiện nay, họ đều đổ tội lên đầu cô. Nếu cô không khiến cháu ra đi, thì họ sớm muộn cũng sẽ giết cháu. Thế nên cô chạy đến đây báo cho cháu biết, là vì tốt cho cháu. Giờ đây cháu hãy mau chóng đi càng xa càng tốt”.

Đương nhiên Văn Hĩ trong lòng biết rõ người làng không nói như thế. Người cô làm thế này là muốn giành lấy ruộng đất của mình, nhưng nội tâm Văn Hỉ không hề tính toán, thậm chí coi việc người cô chiếm đoạt ruộng đất là đối tượng để mình tu nhẫn nhục. Văn Hỉ bình thản cáo từ người cô: “Cháu là người tu hành, người tu hành thì quan trọng nhất là tu nhẫn nhục. Nếu không nhẫn được với nghịch cảnh, thì tu nhẫn nhục thế nào đây. Cô là đối tượng để cháu tu nhẫn nhục, không những ruộng đất cháu không cần, cả nhà cửa cháu cũng tặng cho cô luôn. Thậm chí còn cảm kích trước ân đức của bác và cô, khiến cháu gặp được chính Pháp. Cháu phát nguyện bác và cô tương lai thành Phật".

Người cô nghe rồi nói: “Ôi, người như cháu đây mới là người tu hành chân chính”.

Hôm sau, trước khi trời sáng, Văn Hỉ đem theo những đồ vật lặt vặt có được từ bán ruộng, đi bộ đến hang Hộ Mã Bạch Nhai. Văn Hỉ trả một miếng thảm cứng lên nền hang, phía trên đặt một tấm đệm làm đệm ngồi thiền, và thề rằng: “Nếu tôi không có thành tựu, không có được chứng giải thù thắng, thì dẫu chết đói ở đây cũng không xuống núi tìm thức ăn, rét chết cũng không xuống núi xin y phục, bệnh chết cũng không xuống núi tìm thuốc”.

“Nếu tôi không có thành tựu, không có được chứng giải thù thắng, thì dẫu chết đói ở đây cũng không xuống núi tìm thức ăn, rét chết cũng không xuống núi xin y phục, bệnh chết cũng không xuống núi tìm thuốc”. (Ảnh: Pixabay)

Văn Hỉ tự thề: mỗi ngày chỉ ăn một chút thức ăn khô, ngày qua ngày, năm qua năm khổ tu.

Bởi vì lương thực quá ít, thể lực không gượng nổi, khí không đủ, toàn thân Văn Hỉ lạnh lạ thường. Một buổi tối đả tọa, Văn Hỉ dường như trông thấy thượng sư Mã Nhĩ Ba làm mẫu một tư thế cho Văn Hỉ xem. Tỉnh dậy, Văn Hỉ liền làm theo cách của sư phụ, quả nhiên thân thể dần dần ấm lên.

Chớp mắt đã qua 3 năm, Văn Hỉ mỗi năm chỉ ăn hơn 20 cân (10kg) thức ăn khô, nhưng vẫn cứ ăn hết thức ăn trong động rồi. Văn Hỉ dự tính xuống núi kiếm ít đồ ăn, bước ra ngoài hang, bên ngoài là những tia nắng ấm áp như trải thảm vàng, con suối nhỏ róc rách chảy, khắp mặt đất là một màu xanh ngắt của cỏ cây, khắp núi là cây tầm ma hoang dã. Trông thấy cây tầm ma, Văn Hỉ liền vui mừng, trong lòng nghĩ, ăn cây tầm ma này là được rồi. Như thế này có thể tiết kiệm được rất nhiều thời gian. Từ đó, Văn Hỉ ăn tầm ma qua ngày, bữa nọ nối tiếp bữa kia, chỉ mỗi tầm ma.

Gặp nhóm thợ săn

Lại qua đi rất lâu, bộ y phục mặc ngoài của Văn Hỉ đã rách nát đến mức không còn một mảnh vải, cộng thêm ăn tầm ma quanh năm, thân thể Văn Hỉ gầy gò chỉ còn da bọc xương, thậm chí tóc và lông cũng biến thành màu xanh lục.

Một ngày, một nhóm thợ săn vào núi, nhưng lại không săn bắt được thứ gì, vô tình bước tới trước cửa hang. Nhìn thấy Văn Hỉ toàn thân màu xanh lục, ai nấy đều sợ xanh mặt: “Ông là người hay là quỷ?”

“Tôi là người, là một người tu hành”.

“Vậy tại sao ông trở nên bộ dạng thế này, toàn thân màu xanh lục?”

“Vì ăn tầm ma đã lâu rồi”.

Những người thợ săn này vốn muốn tìm kiếm thức ăn ở chỗ Văn Hỉ, nhưng không ngờ trong hang động không thu được thứ gì. Thế là họ giận dữ, hung ác uy hiếp Văn Hỉ: “Ngươi mau đem lương thực ra đây, coi như cho chúng ta mượn, sau này chúng tôi có tiền sẽ hoàn trả. Nếu ngươi không đem ra, chúng ta sẽ giết ngươi”.

Văn Hỉ nghe xong liền nói: “Ngoài tầm ma ra, tôi chẳng có thứ gì, nếu có cũng không cần cất giấu. Tôi tin rằng, đối với người tu hành, chỉ có người khác cúng dường thức ăn cho anh ta, xưa nay chưa từng có người khác cướp thức ăn của người tu hành”.

Nghe Văn Hỉ nói vậy, một người thợ săn liền hỏi: “Cúng dường người tu hành thì có gì tốt?”

“Cúng dường người tu hành thì sẽ có phúc khí”.

“Ồ, thế sao” - Nói rồi, người thợ săn này cười nhăn nhở bước tới trước mặt Văn Hỉ: “Được, ta sẽ cúng dường ngươi một lần”.

Nói rồi, hắn bế Văn Hỉ đang ngồi tọa thiền lên rồi ném xuống đất, rồi lại bế lên rồi quăng xuống đất. Văn Hỉ người gầy như que củi, sao có thể chịu được sự hành hạ này, thân thể vô cùng đau đớn.

Đối diện với sự sỉ nhục, nhưng trong tâm Văn Hỉ lại sinh ra lòng từ bi đối với bọn họ, bất giác Văn Hỉ chảy nước mắt. Nhìn thấy cảnh này, một người thợ săn ở bên không chịu được nữa, vội ngăn người thợ săn kia lại: “Này, chớ làm thế nữa. Ông ấy là vị hành giả tu khổ hạnh thực sự. Cho dù ông ta không phải là người tu hành, đối xử với người gầy như que củi thế này thì cũng chẳng phải anh hùng hảo hán. Hơn nữa, chúng ta cũng không phải vì ông ta mà đói bụng. Mau dừng tay lại”.

Nói rồi, người thợ săn này vội vàng nói với Văn Hỉ rằng: “Thưa hành giả yoga, tôi vô cùng khâm phục ngài. Tôi không có ý quấy nhiễu ngài, xin ngài hồi hướng bảo hộ tôi”.

Người thợ săn đã ức hiếp Văn Hỉ đó thì phá lên cười ha hả, và nói: “Tôi cũng đã cúng dường ông lên xuống nhé, ông cũng nên hồi hướng bảo hộ tôi”.

Nói rồi, hắn cười ha hả và ra đi.

Không lâu sau thì báo ứng đã xảy ra, nhóm thợ săn này bị bắt. Người thợ săn đã ngược đãi Văn Hỉ đó bị pháp quan xử tử hình. Trừ người thợ săn có lòng thiện lương kia ra là không bị trừng trị, những người còn lại đều bị trừng trị nặng nề.

Có thịt ăn

Lại một năm nữa trôi qua, y phục của Văn Hỉ đã rách nát lắm rồi. Chiếc áo da mà người cô dùng để mua ruộng của Văn Hỉ đó, giờ đây cũng nứt nẻ như da tử thi. Văn Hỉ vốn nghĩ đem những thứ này vá lại làm đệm ngồi, nhưng lại nghĩ, mệnh con người vô thường, ai biết ngày mai mình có thể chết, mất đi tấm thân người này, chi bằng giành thêm thời gian này để tu thiền định.

mệnh con người vô thường, ai biết ngày mai mình có thể chết, mất đi tấm thân người này, chi bằng giành thêm thời gian này để tu thiền định. (Ảnh: Wikipedia/CC BY 3.0)

Thế là Văn Hỉ dứt khoát lấy chỗ y phục rách này lót dưới thân, và tùy ý nhặt thứ gì đó che phần dưới thân thể. Cứ như thể, lại một năm nữa trôi qua.

Hôm đó, Văn Hỉ đột nhiên nghe thấy có tiếng người ồn ào, có rất nhiều người chạy vào trong hang động. Những người dân làng nhìn vào trong động, thấy trong hang có một bóng hình người xanh lét, họ sợ quá kêu lên: “Có quỷ, có quỷ”. Nói rồi quay đầu bỏ chạy. Người ở sau không tin, nói: “Giữa thanh thiên bạch nhật này làm sao có quỷ được. Chúng ta vào xem đi”.

Người này nói xong thì nhìn thấy Văn Hỉ thì sợ suýt chết, rợn tóc gáy. Đến khi Văn Hỉ mở miệng nói: “Tôi không phải là quỷ, tôi là hành giả tu thiền định ở trong hang này”.

Nghe thấy giọng nói của Văn Hỉ, dân làng nhìn vào trong động, thấy ngoài tầm ma ra thì không có thứ gì. Những người này mới tin rằng đây đúng là con người.

Cũng may những người dân làng này đều là người thiện lương, họ đã để lại rất nhiều thức ăn khô và thịt cho Văn Hỉ, đồng thời nói với Văn Hỉ rằng: “Người tu hành như ông thế này, chúng tôi thực sự khâm phục. Xin ông siêu độ cho những con vật mà chúng tôi đã giết, trừ bỏ tội nghiệp cho chúng tôi”.

Thế rồi họ thành kính lễ bái rồi ra đi.

Bao nhiêu năm nay, lần đầu tiên Văn Hỉ có những thức ăn như thế này, vui mừng lắm, vội vàng luộc thịt để ăn, lập tức cảm thấy thân thể vô cùng dễ chịu, sức khỏe tăng tiến, trí huệ cũng nhanh nhạy, đạo hạnh cũng nảy sinh chứng giải vừa sâu vừa rộng. Văn Hỉ nghĩ: “So với cúng dường lượng lớn tiền tài châu báu cho những pháp sư sống sa hoa, thì cúng dường cho người tu hành chân chính tốt hơn rất nhiều, công đức có được từ một bát cơm là khá lớn. Trên đời này, thêu hoa trên gấm thì nhiều, mà tặng than trong tuyết quá ít, quả thực đáng tiếc.”

So với cúng dường lượng lớn tiền tài châu báu cho những pháp sư sống sa hoa, thì cúng dường cho người tu hành chân chính tốt hơn rất nhiều, công đức có được từ một bát cơm là khá lớn. (Ảnh: Internet)

Hát bài ca vui vẻ cho những người thợ săn quê nhà

Lại qua đi một năm, những người thợ săn ở quê nhà Văn Hỉ Gia Nga Trạch vào núi săn, kết quả cũng 2 bàn tay trắng ra về. Trên đường qua cửa động, thấy Văn Hỉ toàn thân xanh lét, trên mình chỉ có 3 miếng vải, thân hình như một bộ xương, họ sợ run lẩy bẩy kéo căng cung tên, giọng run run hỏi: “Ông là người hay là quỷ?”

Văn Hỉ ho một tiếng và nói: “Tôi là người”.

Lúc này có người nhận ra: “Anh có phải là Văn Hỉ không?”

“Vâng, tôi chính là Văn Hỉ”.

“Ái dà, anh có thể cho chúng tôi mượn chút đồ ăn không? Đi săn cả một ngày mà không săn được thứ gì. Sau này chúng tôi có đồ ăn thì sẽ hoàn trả cho anh nhiều hơn”.

“Đáng tiếc, chỗ tôi đây cũng không có đồ gì có thể cho các anh ăn”.

“Ôi, không sao, cứ đem đồ anh ăn đưa cho chúng tôi là được rồi”.

“À, chỗ tôi đây chỉ có tầm ma dại. Nếu ăn thì các anh nổi lửa luộc chút tầm ma ăn đi”.

Những người dân làng nghe vật thì vội vàng nhóm lửa luộc tầm ma. Có người hỏi: “Ở đây nếu có chút mơ thì tốt quá, chí ít chúng ta có thể cho chút bơ vào luộc cùng rau”.

“Tôi đã không dùng bơ trong nhiều năm rồi. Trong cây tầm ma là có bơ rồi”.

Có người lại hỏi: “Anh có thể cho chúng tôi chút gia vị được không?”

“Tôi không có gia vị, và cũng đã nhiều năm rồi. Trong cây tầm ma có hương liệu gia vị rồi”.

Những người thợ săn nghe những lời Văn Hỉ nói thì chau mày. Cuối cùng họi nói: “Tối thiểu thì cũng phải cho chúng tôi chút muối chứ”.

Không ngờ, câu trả lời của Văn Hỉ khiến những người thợ săn sụp đổ hoàn toàn.

“Có muối còn nói gì nữa, tôi không có muối cũng đã nhiều năm rồi. Trong cây tầm ma có muối rồi”.

Những người thợ săn nghe vậy liền nói: “Anh ở đây đâu phải cuộc sống của con người. Cứ cho là làm người làm đầy tớ cho người ta, thì chí ít cũng được ăn no mặc ấm. Trên đời này e rằng không tìm thấy người nào bi thảm hơn, đáng thương hơn anh đâu Văn Hỉ à”.

Văn Hỉ nghe xong bèn nói: “Xin các anh chớ nói như thế, tôi là người thù thắng hiếm có nhất trong loài người. Tôi đã gặp Đại dịch sư Mã Nhĩ Ba, đắc được khẩu quyết đời này thành Phật. Tôi ở trong núi tịch mịch không bóng người, buông bỏ tất cả những nghĩ tưởng của đời này, tu hành thiền định, thành tựu Tam muội. Y phục, thức ăn, tiền tài lợi lộc, danh vọng, cung kính, không thứ gì có thể động đến cái tâm của tôi được, và đã hàng phục được hết thảy mọi phiền não thế gian. Trên đời này không có ai xứng đáng với danh xưng nam nhi đại trượng phu bằng tôi rồi. Các vị tuy sinh ra trong quốc gia mà Phật Pháp hưng thịnh, mà đến cái tâm nghe Phật Pháp cũng không có. Đời này các anh bận rộn phạm tội tạo ác, cứ như là sợ vào địa ngục không đủ sâu, thời gian không còn nhiều. Như các anh đây mới là người bi thảm nhất, đáng thương nhất trên đời. Trong tâm tôi luôn an ổn vui vẻ”.

Nói rồi, Văn Hỉ bèn dùng lời ca hát cho những người thợ săn nghe niềm vui của tu hành. Những người thợ săn nghe bài ca của Văn Hỉ thì nói: “Giọng hát của anh rất hay, những niềm vui mà anh nói đến này có lẽ là thật, nhưng chúng tôi không làm được. Tạm biệt nhé”.

Nói rồi, họ lần lượt xuống núi.

Tiểu muội Tỳ Đạt

Ở làng Gia Nga Trạch của Văn Hỉ, hàng năm đều tổ chức lễ hội tạo tượng Phật. Trong lễ hội năm nay, những người thợ săn đó đều đồng thanh hát bài ca niềm vui tu hành mà Văn Hỉ đã hát cho họ nghe. Mọi người đều ca ngợi bài hát hay quá. Vừa may, Tỳ Đạt, tiểu muội thất lạc nhiều năm của Văn Hỉ cũng đến lễ hội hành khất. Nghe thấy bài hát này, cô hỏi những người bên cạnh rằng: “Tác giả của bài hát này có lẽ là một vị Phật chăng?”

Không ngờ một người thợ săn cười lớn và nói: “Có phải là Phật không thì tôi không biết, nhưng bài hát này chính là người anh Văn Hỉ đói chỉ còn bộ xương của cô hát lúc đói sắp chết”.

Tỳ Đạt nghe rồi, lòng ngổn ngang trăm mối, vội vàng đem những thứ ăn xin được gồm rượu, thức ăn khô và cơm đem đến hang Hộ Mã Bạch Nhai xem người bên trong rốt cuộc có phải là anh trai thất lạc nhiều năm của mình hay không. Đến cửa hang, Tỳ Đạt không ngừng nhìn vào bên trong. Chỉ thấy một người hốc mắt sâu hoắm, giống như 2 cái lỗ, từng chiếc xương trên thân người trồi ra ngoài như những mỏm núi, toàn thân không có một chút thịt nào, da và xương dường như muốn tách ra, các lỗ chân lông khắp thân thể đều xanh ngắt, tóc xõa rối bù xù, tay chân khô đét. Tỳ Đạt sợi hãi run lẩy bẩy hỏi: “Anh là người hay là quỷ?”

“Tôi là Mật Lặc Văn Hỉ”.

Ôi chao, Tỳ Đạt nghe thấy thế thì vui buồn lẫn lộn, cô bỗng nhiên ngất lăn ra đất.

Khó khăn lắm mới gọi Tỳ Đạt tỉnh lại, thấy anh trai trước mắt trở thành bộ dạng như thế này, Tỳ Đạt ôm mặt khóc lóc và nói: “Mẹ nhớ anh, nhớ đến chết rồi, trong làng không có ai muốn giúp em. Không chịu nổi khổ, em đành phải đi tứ phương lưu lạc khất thực, trong lòng luôn nhớ đến anh, không biết anh còn sống hay đã chết. Nếu còn sống, chắc là sống vui vẻ lắm. Nào ngờ anh lại trở thành bộ dạng như thế này. Trên đời này có người nào bi thảm hơn anh em chúng ta không?”

Nói xong, Tỳ Đạt đấm ngực giậm chân khóc trời khóc đất. Văn Hỉ bèn hát một bài ca khuyên nhủ an ủi tiểu muội.

Văn Hỉ an ủi tiểu muội xong, Tỳ Đạt lấy rượu và thức ăn mà cô đem theo đưa cho Văn Hỉ ăn. Văn Hỉ ăn thức ăn, lập tức thấy trí tuệ sáng láng. Tối hôm đó, đạo hạnh cũng có bước tăng tiến cực lớn.

Bức thư của thượng sư

Ngày hôm sau, sau khi tiểu muội Tỳ Đạt ra về, thân và tâm của Văn Hỉ cảm thấy an lạc và đau đớn chưa từng có, trong tâm xuất hiện các loại dấu hiệu và biến hóa thiện và bất thiện. Tuy Văn Hỉ nỗ lực tu quán cũng không có tác dụng. Mấy ngày sau, Kết Tái và Tỳ Đạt lại đem bơ đã để lâu năm và thịt cũ đến, còn có một vò rượu ngon. Sau khi Văn Hỉ ăn những thức ăn ngon, những phiền nhiễu khổ vui đau đớn và ý niệm hỗn loạn lại càng ngày càng mạnh, đến mức không thể nào tu tiếp được nữa. Thế là Văn Hỉ vội vàng đem bức thư của thượng sư mở ra xem, trên đó viết rất nhiều loại khẩu quyết trừ bỏ chứng ngại tăng ích lợi, chuyển họa hoạn thành công đức, và còn căn dặn rằng: “Giờ đây đã đến lúc ăn chút thức ăn ngon rồi”.

Do trước đây Văn Hỉ không ngừng nỗ lực dốc sức tu hành, khiến những yếu tố của thân thể đều tập trung ở trong mạch. Cũng bởi vì thức ăn quá kém nên không thể nào hóa giải được. Thê nên Văn Hỉ lấy thức ăn mà Tỳ Đạt và Kết Tái mang đến đem ra ăn, sau đó nỗ lực tu hành theo lời dạy của trong thư của thượng sư, cảm nhận sinh ra niềm vui rõ ràng không tạp niệm chưa từng có. Cảnh giới này không thể diễn tả bằng lời. Văn Hỉ biết rõ ân đức cúng dường của Tỳ Đạt và Kết Tái là vô cùng lớn.

Trên trời có một người đang bay

Văn Hỉ tiếp tục nỗ lực tu hành, dần dần cảm thấy thân thể có thể biến hóa tùy ý, cưỡi mây cưỡi gió, và hiển hiện ra các loại thần thông. Một đêm, trong mộng, Văn Hỉ thấy mình du ngoạn trên đỉnh thế giới, có thể đập nát núi sông, thậm chí có thể hóa thành trăm ngàn hóa thân, đến nơi Tịnh thổ của Chư Phật để nghe Pháp, thuyết Pháp cho vô lượng chúng sinh, thân thể có thể ra vào nơi nước lửa, có các loại thần thông biến hóa không thể nào tưởng tượng nổi.

Văn Hỉ tiếp tục tu hành, không lâu sau đã trở nên có thể bay tùy ý. Một lần Văn Hỉ bay đến một am tu trên đỉnh núi, trên đường quay trở về hang Hộ Mã Bạch Nhai, đi qua một thôn trang nhỏ tên à Nhung Nga. Đúng lúc có 2 cha con nhà nọ đang cày ruộng. Người cha đang cầm cày cày ruộng, đứa nhỏ đang dắt trâu cày. Đứa nhỏ ngẩng đầu nhìn thấy Văn Hỉ đang bay trên trời, lập tức gọi: “Cha ơi mau xem này, trên trời có một người đang bay”.

Đứa trẻ cứ ngắm xem Văn Hỉ bay trên trời, quên cả cày ruộng, người cha vội vàng thúc giục: “Này, có gì hay ho đâu mà xem. Bà mẹ Bạch Trang Nghiêm ở Gia Nga Trạch sinh ra một đứa con ác quỷ, đói cũng không khiến nó chết, mọi người gọi là ác ma Mật Lặc. Có lẽ là nó đó. Nhất định không được để cái bóng của nó chạm vào con. Cày ruộng đi”.

Ông lão này rất sợ chạm vào bóng ảnh của Văn Hỉ, đành tránh sang một bên. Không ngờ đứa trẻ lại nói: “Nhìn một người còn sống đang bay, thực sự rất thú vị. Nếu con có thể bay được thì dẫu ngã gẫy chân con cũng bằng lòng”.

Lúc này Văn Hỉ cho rằng mình đã có năng lực, có thể làm những việc lợi ích chúng sinh rồi. Mật Lặc Nhật Ba tiếp tục tu hành, và bắt đầu độ hóa những chúng sinh hữu duyên.

(Xem tiếp Phần 3)

Tường Hòa
Theo Soundofhope



BÀI CHỌN LỌC

Phật Mật Lặc Nhật Ba (P-2): Trên trời có một người đang bay