Phồn hoa đô hội bao chìm nổi, tâm kinh một quyển Đạo Đức thôi

Giúp NTDVN sửa lỗi

Số mệnh con người là do Trời định, tin hay không tùy bạn, có phải thế hay không, hãy để lịch sử đánh giá.

Vào cuối triều đại nhà Tần hơn 200 năm trước Công nguyên, ở nước Ngụy có hai người con gái không hề quen biết nhau. Một người họ Bạc, có mẹ là con gái của hoàng thất nước Ngụy. Gặp thời Nhị Thế vô đạo, quần hùng các nơi nổi dậy. Hoàng thất cũ của nước Ngụy cũng khởi binh chống lại nhà Tần. Công tử Ngụy Báo được lập thành Ngụy Vương, Bạc Cơ được mẹ đưa vào Ngụy cung.

Còn một người con gái họ Lữ tên Trĩ. Khi Lữ Trĩ đến tuổi trưởng thành, cha của bà là Lữ Công kết oán với người khác. Vì để lẩn tránh kẻ thù, đành phải đưa gia đình rời khỏi nước Ngụy, đến gặp huyện lệnh huyện Bái, người có quan hệ giao hảo với ông.

Trước đó, mẹ của Bạc Cơ từng mời Hứa Phụ, nữ tướng thuật sư nổi tiếng thiên hạ, xem tướng cho con gái mình. Hứa Phụ nói rằng: “Người con gái này sẽ sinh ra Thiên tử”.

Mẹ của Bạc Cơ nghe xong vô cùng vui mừng. Mà cha của Lữ Trĩ cũng rất nổi tiếng về tướng thuật. Ông nói Lữ Thị có tướng đại phú đại quý, một lòng muốn gả Lữ Trĩ cho quý nhân.

Năm 206 TCN, Hạng Vũ sắc phong thiên hạ, lập ra mười tám chư hầu. Bạc Cơ lúc này sớm đã được phú quý khi làm thiếp của Ngụy Vương, còn Lữ Thị, vì chồng bà là Lưu Bang được phong Hán Vương nên cũng theo chồng mà hưởng phú quý.

Nhưng ngày vui ngắn chẳng tày gang. Mùa hè năm 205 TCN, Hán Vương Lưu Bang bị Hạng Võ đánh thảm bại ở Bành thành. Lữ Trĩ bị quân Sở bắt đi, trở thành con tin, lúc nào cũng có thể bị Hạng Vũ cho vào vạc nấu. Còn Ngụy Vương Báo, đồng minh của Lưu Bang thì gió chiều nào xoay chiều ấy. Ngụy Báo biết rằng Hứa Phụ từng xem tướng cho Bạc Cơ, nói nàng sẽ sinh ra Thiên tử, luôn âm thầm suy đoán: Trừ khi bản thân mình trở thành Thiên tử, nếu không, Bạc Cơ đời này làm sao có thể sinh con là Thiên tử. Nếu bản thân sẽ làm Thiên tử, lúc này cần gì phải dựa vào Lưu Bang, cớ sao phải hạ mình với người khác.

Thế là, sẵn lúc Lưu Bang vừa mới bại trận, Ngụy Báo phản bội Hán Vương. Kết quả, Ngụy Báo lại bị đại tướng quân nhà Hán là Hàn Tín đánh bại. Ngụy Báo bị bắt sống, Bạc Cơ bị đưa vào phòng dệt vải trong doanh trại nhà Hán. Vương phi nước Ngụy trong một đêm trở thành nô tỳ dệt vải.

Vương phi nước Ngụy trong một đêm trở thành nô tỳ dệt vải. (Tranh: Canh chức đồ - Lãnh Mai thời nhà Thanh - miền công cộng)

Hai người con gái đều từ nước Ngụy, vận mệnh dường như cũng giống nhau, cuộc đời lúc thăng lúc trầm. Hai năm sau, Hán Sở ngừng chiến, phân chia thiên hạ, Bạc Cơ và Lữ Trĩ có cơ hội gặp nhau trong Hán cung Lịch Dương ở Quan Trung.

Thì ra Bạc Cơ ở doanh trại nhà Hán dệt vải không lâu, được Lưu Bang đưa vào hậu cung. Chỉ có điều Bạc Cơ tính tình rất thanh đạm, bà thích đọc sách của Hoàng Lão, cả ngày chỉ ở trong phòng, rất ít giao du với người khác. Nếu không phải có người nhắc đến tên bà, cả Lưu Bang cũng không nhớ đến sự tồn tại của người phụ nữ này.

Về phần Lữ Trĩ, vì Hán Sở ngừng chiến, nên bà mới được thả về, có thể nói là cửu tử nhất sinh.

Lúc này trong Lịch Dương cung còn có một người là Thích Cơ đến từ Định Đào, tuy nhiên bà ít ở trong cung, thường theo Lưu Bang xuất chinh. Thích Cơ giỏi múa, trong đại doanh ở tiền phương, trên sa trường mênh mông, xiêm y lụa mỏng của Thích Cơ quét đất, như khói như mây.

Thời gian thấm thoát trôi qua, từ Lịch Dương cung đến Lạc Dương nam cung, rồi đến Trường Lạc cung, Bạc Cơ đi qua hết trạm dừng chân này đến trạm dừng chân khác. Cho dù đi đến đâu, bà cũng giống như một vị khách qua đường trong thế giới phù du. Bầu bạn với bà chỉ có con trai Lưu Hằng và một quyển "Đạo đức kinh". Những chữ trong sách, Bạc Cơ sớm đã đọc thuộc. Có lúc bà nhìn qua cửa sổ, thấy những mái nhà nối tiếp, những đền đài tráng lệ, lại nghĩ đến một câu trong sách "Vàng ngọc đầy nhà, chẳng thể giữ được" chính là nói đến nơi này sao?

Bầu bạn với bà chỉ có con trai Lưu Hằng và một quyển "Đạo đức kinh". (Tranh: Epoch Times)

Những lúc Bạc Cơ đang trầm ngâm suy nghĩ như vậy, Thích Cơ lại thường ở bên Lưu Bang khóc lóc kể lể, xin lập con trai Như Ý của mình làm Thái tử. Lữ Trĩ mỗi khi ngồi trong điện Trường Tín, trong đầu không thể xóa được nụ cười của Thích Cơ. Sự đố kị như một loại cỏ độc, lớn lên trong lòng bà, khiến bà vì đố kị mà sinh hận, làm bà lo sợ bất an, khiến bà nghĩ đến việc đoạt lấy quyền lực để tự bảo vệ mình.

Năm 196 TCN, Lữ Trĩ lập mưu hãm hại đệ nhất công thần nhà Hán Hoài Âm Hầu Hàn Tín. Một tháng sau, bà lại mưu hại Lương Vương Bành Việt, sau đó bức bách Cửu Giang Vương Anh Bố làm phản. Nhà Hán thống nhất vừa mới hình thành cục diện thái bình chưa lâu, đã bị Lữ Trĩ phá vỡ. Trong phút chốc người người cảm thấy bất an, quân phản loạn thay nhau nổi lên. Còn Lưu Bang trong trận đánh thảo phạt Anh Bố trúng phải tên lạc, mấy tháng sau chết một cách oan uổng.

Đố kỵ là một liều thuốc độc, tuy rằng sau thời gian lâu, nó có thể chỉ là một suy nghĩ thoáng qua mà thôi, nhưng nếu gặp hoàn cảnh thích hợp, cũng có thể là nguyên nhân để bắt đầu thời kỳ loạn thế.

Tháng 5 năm 195 TCN, Thái tử Hiếu Huệ đăng cơ. Ở cung Trường Lạc, Lữ Trĩ nghe được tiếng tung hô vạn tuế của quần thần trong Vị Ương cung, trong tâm có muôn vàn cảm khái. Lúc này bà mặc dù là Thái hậu, ở vị trí chí tôn, nhưng ngọn lửa đố kỵ ẩn chứa trong lòng nhiều năm vẫn không vì thế mà tắt đi. Rất nhanh sau đó Thích Phu nhân bị viên quan nội cung Dịch đình bắt đi, con ngõ Vĩnh Hạng dài và hẹp đã trở thành con đường không thể trở về của bà, hơn nữa những phi tần từng được sủng ái, cũng đều bị giam lỏng trong cung.

Đại Vương Lưu Hằng từ nhỏ đã nhận được sự dạy bảo của người mẹ Bạc Cơ, biết rõ đạo lý "Họa là chỗ dựa của phúc, phúc là nơi ẩn náu của họa" (Tố tố -Epoch Times)

Còn trong cung của Bạc Cơ lại rất yên ắng, dường như sóng gió sẽ vĩnh viễn không bao giờ kéo đến. Bà phải đi theo con trai Đại Vương Lưu Hằng đến nước Đại xa xôi. Bạc Cơ, một người thường bị mọi người quên lãng, lúc này lại khiến cho mọi người ngưỡng mộ không thôi. Mọi người đều cảm thấy thật kỳ lạ, vì sao sự đố kỵ của Lữ Trĩ trước mặt Bạc Cơ từ trước đến nay đều không phát tác, cũng không thể nghĩ được rằng, lời giải của việc này được viết trong cuốn "Đạo đức kinh".

"Đạo đức kinh" viết: "Nước đem lại lợi ích cho vạn vật mà không tranh giành" - Bạc Cơ nghiêm cẩn nâng cuốn kinh thư, bà hy vọng bản thân có thể như nước - "Vì không tranh giành, cho nên thiên hạ không ai tranh giành với mình".

Bạc Cơ ra đi, đơn giản chỉ như cơn gió mùa thu thổi qua trước Trường Tín cung. Trong mắt của Lữ Trĩ, Bạc Cơ thật ngu dốt, lại không biết rằng trong mắt của Bạc Cơ, Lữ Trĩ ở trong nỗi khổ của ngọn lửa nhân gian, ngày đêm thiêu đốt mà không nhận ra, đó mới là sự u mê thực sự đáng sợ.

Ở nước Đại xa xôi, Bạc Cơ được tôn làm Bạc Thái hậu, nhưng cuộc sống của bà không khác gì so với khi ở Trường An. Cuộc sống của bà vẫn như cũ, mỗi ngày dâng hương, kính cẩn đọc sách của Hoàng Lão. Đại Vương Lưu Hằng ban ngày cần mẫn chăm lo chính sự, sớm tối đến thỉnh an, mùa hè cũng như mùa đông, ngày nào cũng như vậy. Có những lúc Bạc Thái hậu mắc bệnh, Lưu Hằng túc trực ở bên, tự mình chăm sóc, giữa mẹ con giống hệt như sự ấm áp của gia đình bình thường.

Bảy năm sau, một ngày nọ, trong triều truyền đến tin dữ: Hiếu Huệ Đế băng hà. Hiếu Huệ Đế bản tính nhân từ yếu đuối, bất mãn với sự tật đố của Thái hậu Lữ Trĩ, bởi vì bà ban rượu độc giết chết Như Ý, dùng hình phạt tàn độc “nhân trệ” hành hạ dã man Thích Cơ (chặt chân tay, móc mắt, cắt mũi, đâm điếc tai, đổ thuốc khiến bị câm). Ông cảm thấy mang trên mình tội lỗi to lớn, không thể thoát ra được, mới vỏn vẹn 23 tuổi, Hiếu Huệ Đế rời bỏ thế gian ở trên giường bệnh. Lữ Trĩ kêu khóc đau thương, nhưng không biết rằng sự đố kỵ của mình đã hại chết Hiếu Huệ.

Sau khi Hiếu Huệ Đế chết, Lữ Hậu lên triều xưng là “Chế”. Vì để kiềm chế các vương họ Lưu, bà mang hai người cháu gái gả cho Triệu Vương Hữu và Triệu Vương Khôi, nhưng hai cô cháu gái này lại ghen tỵ giống hệt Lữ Trĩ. Vương hậu họ Lữ của Lưu Hữu vì đố kỵ với thê thiếp khác, đến trước mặt Lữ Trĩ buông lời gièm pha, Lưu Hữu bị Lữ Hậu phái binh vây bắt, đói khát mà chết. Còn vị Vương hậu họ Lữ của Lưu Khôi, đố kỵ ngang ngược, cuối cùng khiến Lưu Khôi oán hận mà chết.

Sau khi Triệu Vương Hữu chết, xuất hiện nhật thực, ban ngày tối như ban đêm. Trong lòng Lữ Trĩ biết rằng mình hành ác quá nhiều, khó tránh khỏi có lúc nghĩ lại mà sợ, bà nhìn lên trời mà than rằng: Đây đều là nguyên nhân do ta.

Sau khi Hán Văn Đế lên ngôi, Bạc Thái hậu liền mắc bệnh ba năm không khỏi, Văn Đế hết lòng tận tâm ở bên giường bệnh chăm sóc, hầu như không có lúc nào được ngủ ngon giấc. (Tranh "Nhị thập tứ hiếu" của Cừu Anh, thời nhà Minh - miền công cộng)

Một năm kia vào mùa thu, sứ thần trong triều đến Vương cung nước Đại. Thì ra Lữ Hậu muốn mời Đại Vương đến làm Triệu Vương. Đại Vương Lưu Hằng từ nhỏ đã nhận sự giáo dục của Thái hậu Bạc Cơ, biết rõ rõ đạo lý "Họa là chỗ dựa của phúc, phúc là nơi ẩn náu của họa", nhất là đang trong thời loạn thế, ông vốn không thèm muốn sự phồn hoa của Triệu quốc, càng muốn rời xa khỏi tranh chấp lợi ích, thế là khéo léo khước từ sứ thần, bày tỏ nguyện ở lại vùng biên cương, gặp sao yên vậy.

Năm sau, vào ban ngày, Lữ Hậu thấy một con vật như chó xanh, rồi mắc bệnh không dậy nổi, lệnh cho người xem bói, nói rằng đó là con ma của Triệu Vương Như Ý quấy nhiễu. Mấy tháng sau, Lữ Trĩ mắc bệnh mà chết, sau đó, toàn bộ gia tộc Lữ thị bị liên lụy bởi Lữ Trĩ nắm quyền, làm ác.

Lại đến mùa thu, Bạc Cơ trở về Trường An, trở về nơi Trường Lạc cung mà bà quen thuộc. Bà tựa vào lan can nhìn ra xa, lại thấy Thừa Tiêu Khuyết, Quang Bích Đường, mọi thứ so với lúc bà rời đi vẫn y nguyên. Chỉ có một điều không giống, đó là con trai Lưu Hằng của bà được lập làm Thiên tử, chính là Hán Văn Đế.

Ngày Lưu Hằng đăng cơ, Bạc Cơ nhớ đến Hứa Phụ, Hứa Phụ từng nói: "Người này sẽ sinh ra Thiên tử", quả nhiên lời ấy không sai. Mà Văn Đế và mẹ ông giống nhau, đều một lòng hướng Đạo, cung kiệm nhân từ, để dân nghỉ ngơi, kết thúc thế cục loạn lạc những năm đầu nhà Hán, khai sáng một triều đại mới yên bình giản dị.

Sau có thơ rằng:

Sinh tử có mệnh số tại trời,
Phú quý vô thường khói mây trôi.
Phồn hoa đô hội bao chìm nổi,
Tâm kinh một quyển Đạo Đức thôi.
Lặng nhìn thế nhân bao mê đắm,
Ngọn lửa tật đố khổ thân tâm.
Nguyện đem thân này làm cơn gió,
Đông cũng phiêu diêu,
Tây cũng phiêu diêu.

Đức Nhân
Theo Tống Tử Phượng - Epochtimes



BÀI CHỌN LỌC

Phồn hoa đô hội bao chìm nổi, tâm kinh một quyển Đạo Đức thôi