Phong thủy phương Đông và phương Tây: La Mã cổ đại cũng coi trọng "phong thủy"

Giúp NTDVN sửa lỗi

Phong thủy là đóng góp độc đáo của nền văn minh phương Đông trong việc đánh giá và hoạch định môi trường sống của con người, là kết tinh của trí tuệ phương Đông cổ đại trong việc xử lý mối quan hệ Thiên - Địa - Nhân. Tuy nhiên, tư tưởng chọn lành tránh dữ để cuộc sống tốt đẹp hơn, đạt được sự cân bằng hài hòa của phong thủy là có giá trị phổ quát.

Phong thủy ban đầu bắt nguồn từ người xưa khi chọn nơi cư ngụ. Sự lựa chọn hoàn cảnh không gian địa lý như vị trí, chất lượng nước, cấu tạo và tính chất đất, thảm thực vật, v.v… sự suy xét về tính an toàn và khả năng phòng thủ, sự cân nhắc toàn diện về tâm linh, đạo lý, sự phồn thịnh của dân tộc và các yếu tố khác, tổng hợp lại đã tạo thành tư tưởng và cách vận hành của phong thủy. Thật thú vị, điều này không chỉ của riêng người phương Đông cổ đại.

Truyền thống chọn đất để an cư lạc nghiệp cũng là quan điểm được thực hành ở La Mã cổ đại. Có thể chứng thực điều này từ chuyên khảo kiến ​​trúc phương Tây lâu đời nhất hiện còn giữ được là "Mười cuốn sách về kiến trúc" (“De architectura”).

"Mười cuốn sách về kiến ​​trúc" được viết bởi kiến ​​trúc sư và kỹ sư La Mã cổ đại Vitruvius trong khoảng thời gian từ năm 32 TCN đến năm 22 TCN. Đây là tư liệu kiến ​​trúc cổ điển sớm nhất và có ảnh hưởng nhất ở phương Tây. Nó bao gồm 10 phần, đưa ra hệ thống cơ bản, tư tưởng quy hoạch thiết kế của kiến trúc, đào tạo kiến ​​trúc sư, chế tạo cơ giới… đưa ra khái niệm rằng, các công trình kiến trúc phải thiết thực, vững trãi và đẹp đẽ. Điều khiến người ta ngạc nhiên là một số tư tưởng được đề cập trong cuốn sách lại rất hòa hợp với tinh thần cơ bản của phong thủy. Có thể thấy, vấn đề chọn môi trường an cư của con người dựa trên phong thủy là vấn đề chung của tất cả các dân tộc thời cổ đại.

Chân dung Vitruvius. Ảnh phạm vi công cộng.

Phong thủy phương Đông

Trước tiên chúng ta hãy xem xét nội hàm của phong thủy truyền thống phương Đông để đối chiếu với những ý tưởng trong "Mười cuốn sách về kiến ​​trúc" của La Mã cổ đại.

Phong thủy là gì? Trong "Táng kinh" của ông tổ phong thủy Quách Phác thời Tấn có viết: “Khí của âm dương thoát ra thành gió, thăng lên thành mây, giáng xuống thành mưa, đi vào trong đất thì tạo ra sinh khí”, “Ngũ khí (tức khí của ngũ hành, cũng tức là sinh khí) ở trong đất, một khi phát ra thì sinh vạn vật”.

Sách "Thích danh" viết: "Nhà, phải lựa chọn, chọn vùng đất tốt lành mà xây cất".

"Mặc Tử - Từ quá" viết: "Dân thời cổ chưa được biết đến cung điện nhà cửa, họ sống trong hang động. Ẩm thấp gây bệnh tật cho người dân. Vì vậy, Thánh vương làm ra cung điện nhà cửa. Cũng làm ra phép tắc của cung điện nhà cửa rằng: cao đủ để tránh ẩm thấp, tường bao đủ để ngăn ngừa gió lạnh, phía bên trên đủ che sương, mưa, tuyết, tường phải cao để giữ cái lễ ngăn nam nữ."

“Hậu Hán thư - Trọng Trường Thống truyện” ghi lại quan điểm chọn nhà của Trọng Trường Thống: “Có đồng ruộng màu mỡ, dinh thự khang trang, nhà ở thì lưng tựa vào núi mặt nhìn ra sông, xung quanh có mương ao, tre trúc xanh um, trước nhà có trồng hoa, phía sau có vườn cây ăn trái.”

Có thể thấy, các khái niệm cơ bản của phong thủy liên quan đến sinh khí, gió, nước, đất, hướng, huyệt, v.v… Tiêu chí cơ bản để xác định phong thủy tốt hay xấu là: có âm có dương, có núi có nước, có trước có sau, uốn lượn hữu tình v.v... Việc thực hành cụ thể được thể hiện trong một loạt các quy trình phức tạp như mịch long (xem mạch), sát sa (xem thế núi), tương thổ (xem đất), thường thủy (xem nước), lại thêm kết hợp âm dương, ngũ hành và bát quái tính toán biện chứng mà ra.

Bởi vì các nước Á Đông có khí hậu lục địa gió mùa, mùa đông gió Bắc và Tây Bắc thổi mạnh, nên trong phong thủy thường nhấn mạnh nhà ở tọa ở phía Bắc hướng về phía Nam; phía Tây, Tây Bắc, Bắc, Đông Bắc phải có núi để che chắn gió độc, gió dữ. Những yêu cầu như vậy tự nhiên hình thành cách cục bốn bên toàn núi. Cái gọi là “tàng phong tụ khí” trong phong thủy thực ra có quan hệ mật thiết với yêu cầu của môi trường địa lý này. Còn như “tụ khí” dẫn đến “tụ tài” thì cũng là một loại lý thuyết, phần nào thể hiện tư tưởng “Thiên - Địa - Nhân đối ứng”, “tải Đạo”.

Phong thủy phương Tây

Bây giờ chúng ta hãy xem trình bày và phân tích về mối quan hệ giữa kiến ​​trúc và việc lựa chọn một cách lành mạnh các yếu tố hoàn cảnh như phương hướng, cấu tạo và tính chất của đất, nước v.v… trong "Mười cuốn sách về kiến ​​trúc".

Ví dụ, cuốn sách đầu tiên của "Mười cuốn sách về kiến ​​​​trúc" có "tính chất lành mạnh của thân thể động vật và đất đai", "phân chia kiến trúc trong thành phố và phương pháp bố trí để tránh các luồng không khí có hại"; cuốn thứ 6 có "khí hậu" và "phương hướng của phòng ốc", "phương pháp xây dựng nhà ở nông thôn" v.v…; cuốn thứ 8 có "phương pháp thăm dò mạch nước", "tính chất của các loại nước", v.v...; cuốn thứ 9 nói về ảnh hưởng của thiên văn như “bầu trời và các hành tinh”, “mặt trăng”, “12 chòm sao Hoàng đạo” đối với kiến ​​trúc.

Điều đặc biệt đáng quý đó là trong phần đầu của cuốn sách đầu tiên “Đào tạo kiến ​​trúc sư”, tác giả đã khẳng định rõ ràng rằng “thực ra, trong mọi sự vật, đặc biệt là trong kiến ​​trúc, luôn có 2 điều, một là ý nghĩa vốn có của sự vật, hai là ý nghĩa mà sự vật được ban thêm."

Kiến trúc sư phải am hiểu văn chương, thông thạo bản vẽ, tinh thông hình học, hiểu biết sâu rộng về các loại lịch sử, chăm nghe triết học, hiểu biết âm nhạc, với y học cũng phải có kiến thức nhất định, thông hiểu tư tưởng của các nhà lập pháp, và có tri ​​thức về thiên văn học hoặc thiên thể. "Triết học có thể làm cho kiến ​​trúc sư đạt được phong thái khoáng đạt, giúp họ trở thành người không kiêu ngạo mà nhã nhặn lễ độ, có được sự tín nhiệm, giản dị không theo đuổi dục vọng. Điều này là không gì thay thế được! Bởi vì không có sự tín nhiệm và liêm chính thì không thể làm ra được tác phẩm nào cả."

Những điều này quả là giống với tư tưởng của người xưa về “hợp đức”, “nhìn lên biết thiên văn, nhìn xuống biết địa lý, việc gần lấy từ thân thể người, việc xa lấy từ vũ trụ”.

So sánh phong thủy phương Đông và phương Tây

  1. Về mối quan hệ giữa phương hướng và chọn địa điểm xây dựng

Dù Bắc - Nam là trục ưa thích của hầu hết các nền văn minh trong việc xây dựng công trình kiến trúc (ta có thể thấy điều này ở Kim Tự Tháp của Ai Cập, hay các ngôi nhà trong thành cổ Mosul, Iraq), nhưng vì địa lý, khí hậu các nơi là khác nhau nên dẫn tới sự biến tấu trong xây dựng.

Do gió biển Địa Trung Hải thổi từ phía Nam tới, cùng với việc phương Nam có mặt trời chiếu gay gắt, trái ngược với hướng chuẩn của Á Đông là tọa hướng Bắc quay mặt về hướng Nam. Người La Mã cổ đại đã chọn kiến trúc tọa hướng Nam quay mặt về hướng Bắc, "đầu tiên là chọn đất đai có lợi nhất cho sức khỏe", "nếu thành phố quay mặt ra biển và quay mặt về hướng Tây hoặc hướng Nam thì không tốt. Vì mùa hè, trời phía Nam nắng nóng lúc bình minh và nắng như thiêu đốt vào buổi trưa. Còn hướng Tây thì ấm áp khi mặt trời mọc, nóng bức vào buổi trưa và thiêu đốt khi mặt trời lặn.” Vì vậy, “khi cần tìm kiếm sự lành mạnh để xây dựng một thành thị, không có gì cần thiết hơn là nghiên cứu kỹ lưỡng và lựa chọn hướng trời thích hợp nhất”.

  1. Về các nguyên tố khác nhau và sự cấu thành của chúng trong thân thể

Tương tự như thuyết ngũ hành cổ xưa của phương Đông cho rằng Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ là những nguyên tố cơ bản tạo nên vạn vật, Vitruvius đề xuất “Khi thiết kế một thành thị, cần chú ý không để các cơn gió nóng gây hại. Theo nguyên tắc mà người Hy Lạp gọi là stoicheia, tất cả các cơ thể đều được tạo thành bởi các nguyên tố lửa, nước, đất và khí. Nhờ sự kết hợp và tỷ lệ khác nhau của chúng mà các phẩm chất khác nhau của động vật được tạo ra.”

"Vì vậy, trong cơ thể mà lửa chiếm ưu thế, tính khí người ta bị phá hoại, và sức mạnh thể chất tiêu tan… Cơ thể chứa một tỷ lệ nước lớn hơn mức cần thiết để sẽ nhanh chóng bị hư hỏng và mất đi các đức tính. Do đó cơ thể bị tổn thương nhiều bởi gió ẩm và bầu không khí. Tương tự, khí và đất ở trong cơ thể quá nhiều hoặc quá ít cũng làm suy yếu các nguyên tố khác, đất là dựa vào lương thực bồi bổ, còn khí dựa vào áp suất khí quyển."

Trong cuốn sách thứ hai, phần "Nguyên tố của vạn vật" nêu rõ: “Thales cho rằng nước là nguyên tố trước nhất của vạn vật.” “Heraclitus đưa ra một học thuyết tương tự nhưng với lửa.” “Những người theo Pythagoras đã thêm khí và đất vào với nước và lửa." "Do đó, vì tất cả các vật thể được cấu thành và sinh ra từ các nguyên tố này, và với mỗi vật thể, số lượng của mỗi nguyên tố tham gia cấu thành là khác nhau, tôi nghĩ sẽ là đúng đắn khi nghiên cứu bản chất sự đa dạng của chúng, và giải thích chúng ảnh hưởng như thế nào đến chất lượng của từng loại vật liệu xây dựng, để những người sắp xây dựng có thể tránh được những sai lầm và hơn nữa, có thể đưa ra lựa chọn đúng đắn về vật liệu."

"Khí" có một vị trí cốt lõi tuyệt đối trong tư tưởng phong thủy cổ đại của phương Đông, và là tinh thần thực sự của phong thủy. Khí được phong thủy phương Đông nhấn mạnh ở cả khía cạnh vật chất, chẳng hạn như khí lưu (miệng), gió, sinh khí, trọc khí, cát khí, sát khí; lẫn khía cạnh tinh thần, đó là đạo lý, “khởi thủy của trời đất” và “mẹ của vạn vật”. Với như sự nhấn mạnh vào Khí, các nhà hiền triết phương Đông cổ đại và La Mã cổ đại là có những điểm tương đồng.

  1. Về đối tượng vật chất và trạng thái của Khí

Khí là một vấn đề then chốt trong tư tưởng phong thủy của phương Đông - cũng chính là điều "tàng phong tụ khí" vẫn hằng theo đuổi. Khí có gió có quan hệ trực tiếp, một trong những dạng của khí là gió. Tất nhiên, ý nghĩa của "khí" trong tư tưởng phong thủy của phương Đông không phải là gió đơn thuần, mà là sinh khí, trường vật chất, vận khí, khí thiên địa, v.v…

Khí ở trong “Mười cuốn sách về kiến trúc” chỉ được bàn đến ở cấp độ gió: "Gió là luồng không khí chuyển động liên tục." Cũng chỉ rõ rằng: “Xây tường thành bao quanh chu vi kiến trúc, rồi phân chia đất xây dựng trong thành, dựa theo bốn phương trời mà sắp xếp đường phố và ngõ ngách, nếu cẩn thận làm cho ngõ ngách cũng tránh được gió thì đó là thiết kế chính xác. Gió lạnh có hại, sức nóng sẽ làm người ta nặng nhọc, và độ ẩm sẽ gây thương tổn.”

Quan điểm này phù hợp với quy tắc kiến ​​trúc "cao ở phía Tây và thấp ở phía Đông” ở phương Đông cổ đại. Giống như người phương Đông cổ đại chiểu theo phương vị Bát quái để chia gió ra làm 8 loại, Vitruvius cũng chia gió thành 8 loại, tức là gió Đông, gió Nam, gió Tây, gió Bắc, gió Đông Nam, gió Tây Nam, gió Đông Bắc, gió Tây Bắc, và ông dựa vào phương pháp bóng đổ của đồng hồ mặt trời để xác định ra 8 phương vị của gió. “Hướng của đường phố và ngõ ngách nên tránh trùng với hướng gió”.

Loại phương pháp xử lý này giống như sự nhấn mạnh của người phương Đông cổ đại về việc tránh các loại gió dữ, gió độc như gió Tây, gió Bắc, gió Đông Bắc, gió Tây Bắc.

  1. Về việc mô phỏng cấu tạo thân thể người cùng và quan điểm đất đai là một thể hữu cơ

Trong tư tưởng phong thủy cổ đại của phương Đông, có một nhận thức rõ ràng về đất đai là một thể hữu cơ, thường so sánh cơ thể người với công trình xây dựng. Một ví dụ điển hình là sự đối ứng của tứ hợp viện với cơ thể người. Tứ hợp viện giống như một vũ trụ của con người, chính phòng (phòng lớn ở hướng Bắc) giống như cái đầu, nhĩ phòng (hai phòng nhỏ nằm hai bên chính phòng) nhô ra như hai vai, và sương phòng (phòng phía Đông và phía Tây) giống như hai cánh tay của con người.

Trong “Mười cuốn sách về kiến trúc” cũng có ý kiến ​​tương tự. Như được đề cập trong phần “Sự cân đối của đền thờ”: “Tỷ lệ là sự điều chỉnh hợp lý về kích thước của các bộ phận đối với nhau và đối với toàn thể. Thực tế, không có tỷ lệ cân đối thì không thể có ngôi đền. Tương tự như một cơ thể đẹp của con người, nó phải có các bộ phận được phân bổ hợp lý.” “Do đó, nếu Tự nhiên đã tạo ra cơ thể con người sao cho các bộ phận khác nhau của nó là thước đo của tổng thể, thì người xưa đã rất đúng đắn khi xác định rằng trong tất cả các tác phẩm hoàn hảo, mỗi bộ phận phải là một phần phản chiếu của tổng thể; và vì họ đã chỉ đạo rằng điều này phải được tuân thủ trong tất cả các tác phẩm, nên nó càng phải được tuân thủ nghiêm ngặt nhất trong các đền thờ của các vị Thần, nơi mà những lỗi lầm cũng như những nét đẹp sẽ tồn tại mãi với thời gian.”

Tất nhiên, người phương Đông nhấn mạnh sự đối ứng với thân thể con người, về bản chất họ cũng nhấn mạnh rằng công trình kiến trúc phải có bộ não và linh hồn giống như con người.

  1. Về hướng của đền thờ

Các yêu cầu đặt ra trong "Mười cuốn sách về kiến ​​trúc" cũng giống như quy chế của các ngôi chùa phương Đông. Nó đề xuất: "Nếu không có lý do gì cản trở, thì ngôi đền và các pho tượng trong chính điện phải quay mặt về hướng Tây. Như vậy, người đến cúng dường và cầu xin sẽ có thể quay mặt về hướng Đông. Như vậy, khi người ta phát nguyện, giống như là cả ngôi đền, phương Đông và các vị Thần đều đang nhìn vào họ. Và cũng do đó, tất cả các bàn thờ thần đều phải đặt ở phía Đông.” Tuy nhiên sách cũng chỉ ra rằng: “Nhưng nếu địa hình không cho phép, thì có thể thay đổi. Nguyên tắc là làm sao tầm nhìn từ đền thờ càng bao quát được nhiều phần của thành phố càng tốt. Hơn nữa, những ngôi đền được xây dựng bên cạnh các con sông, như ở hai bên bờ sông Nile của Ai Cập, phải quay mặt ra bờ sông. Tương tự như vậy, những ngôi đền ở hai bên đường công cộng nên được bố trí để những người qua đường có thể nhìn thấy và trực tiếp bày tỏ lòng thành kính.”

  1. Về quy cách sử dụng các con số

Trong xây dựng kiến trúc, quy chế là rất quan trọng. Ở phương Đông, có câu nói “cửu ngũ chí tôn”, 5 và 9 là những số dương chủ yếu được sử dụng. Ví như khi xây tháp, bậc thang, phòng, đỉnh, đấu củng v.v…, đế vương cần dùng đến số 9, còn vương công đại thần không thể vượt qua quy chế này.

"Mười cuốn sách về kiến ​​trúc" cũng đưa ra các nguyên tắc sử dụng số 5 hoặc 7 v.v... Ví dụ, chiều cao của sân khấu trong nhà hát La Mã so với khu vực dàn nhạc orchestra “không được cao hơn 5 feet, để những người ngồi trong khu orchestra có thể nhìn thấy mọi hành động của các diễn viên.” “Có 7 lối cầu thang khán đài”, “có 5 cửa dành cho hoàng gia và quan khách”.

Sơ đồ nhà hát của Vitruvius. Nguồn: Wikipedia
  1. Về đặc tính phương hướng của các vùng địa lý khác nhau

Ở phương Đông cổ đại, ưu tiên hàng đầu của phong thủy trong xây dựng ngôi nhà là định hướng, đồng thời quan tâm tác động của việc xây dựng nhà ở tại các vùng địa lý phương Đông, phương Nam, phương Tây, phương Bắc đối với sức khỏe con người.

“Mười cuốn sách về kiến ​​trúc” của La Mã cổ đại cũng cho ý kiến tương tự: “Ở vùng phương Bắc, tôi cho rằng nhà ở nên lợp vòm mái, che chắn càng nhiều càng tốt, và nên quay mặt về hướng ấm áp; ngược lại, ở vùng phương Nam nắng gắt, nên làm thông thoáng và quay về hướng Bắc và Đông Bắc. Như vậy tổn hại do tự nhiên gây ra có thể tránh được bằng công trình nghệ thuật. Và ở các địa khu khác nữa, cũng cần sự điều chỉnh thích hợp, liên quan đến điều kiện tự nhiên của họ.”

Cách tiếp cận điều chỉnh này tương tự như Phong thủy phương Đông nhấn mạnh vào việc xây cất cao ở phía Bắc và phía Tây v.v…

  1. Về mối quan hệ giữa nhà ở và đặc tính dân cư

Các lãnh thổ khác nhau, có những dân tộc với thể chất và tính khí khác nhau. Những khác biệt này cũng phải được xem xét đến trong việc xây dựng khu dân cư.

"Do đó, khí hậu gây ra sự đa dạng ở các quốc gia khác nhau, và tính chất của cư dân, tầm vóc và phẩm chất của họ cũng khác nhau một cách tự nhiên, không thể nghi ngờ gì về việc bố trí các tòa nhà phải phù hợp với đặc điểm của các quốc gia và người dân, như chính bản chất tự nhiên đã chỉ ra một cách khôn ngoan và rõ ràng.”

  1. Về bố cục không gian trong nhà

Trong thuyết Dương trạch của phong thủy phương Đông, ba điều mà Dương trạch phải chú ý đầu tiên là làm thế nào để xử lý mối quan hệ không gian giữa cửa, bếp và phòng ngủ chính, để nó có thể mang lại phúc khí và hỗ trợ sức khỏe. Thậm chí “nội lục sự” của Dương trạch, còn xem xét thêm cách bố trí nhà vệ sinh, gia súc, nhà kho, cối xay trong nhà.

Trong “Mười cuốn sách về kiến trúc”, cũng có những khái niệm và quy tắc xây dựng rất gần với tư tưởng phong thủy của phương Đông. Ví dụ, trong phong thủy phương Đông, tình huống cửa đối diện với bếp và nhà vệ sinh quay mặt vào phòng ngủ v.v… được coi là đại kỵ. Ở La Mã cổ đại, cũng tương tự, nhưng do khí hậu và văn hóa khác nhau nên các quy tắc xử lý cũng khác nhau.

Ví dụ: “Chuồng ngựa, đặc biệt là trong villa, phải ở nơi ấm áp nhất và không được hướng về phía ngọn lửa, vì nếu ngựa bị nhốt gần ngọn lửa, bộ lông của chúng sẽ nhanh bị xù.” “Việc xây chuồng trại xa nhà bếp và ở về phía Đông thoáng đãng là điều tuyệt vời. Bởi vì vào ngày sáng sủa mùa đông, gia súc được cho vào trong để cho ăn và chải chuốt vệ sinh. Nhà kho, nhà cỏ khô, chuồng trại và lò nướng đều nên được xây dựng bên ngoài villa, bởi vì theo cách này, sẽ an toàn hơn trước nguy cơ hỏa hoạn . "

Về hướng của phòng ngủ, Vitruvius đề xuất, “Phòng ngủ và thư viện nên hướng về phía Đông. Vì buổi sáng cần có ánh sáng để sử dụng, và sách trong thư viện sẽ không bị mối mọt ẩm mốc hư hỏng.”

Quan điểm thực dụng này thực sự phù hợp với đề xuất của phong thủy phương Đông cho phòng ngủ và thư phòng nằm ở hướng Đông (hướng của sinh khí, hướng vạn vật sinh sôi, hành Mộc). Theo ngũ hành, hướng Đông là hướng dành cho nam giới sinh hoạt học tập, nên ta mới có những thuật ngữ như “rể Đông sàng”, “Đông cung thế tử” v.v…. Tất nhiên, bối cảnh và văn hóa khác nhau nên sẽ nảy sinh một số khác biệt. Ví dụ, phong thủy phương Đông cho rằng nhà bếp và nhà vệ sinh, phòng tắm không nên ở gần nhau vì thủy hỏa tương khắc.

Tuy nhiên, La Mã cổ đại tin rằng “phòng tắm nên tiếp giáp với nhà bếp, vì khi đó chúng cũng sẽ tiện dụng cho các mục đích nông nghiệp.” Sự sắp xếp này cũng có đạo lý. Do ở Hy Lạp và La Mã cổ đại, chịu ảnh hưởng của biển Địa Trung Hải, phương Nam tương đối nóng và khô nên nhà tắm là công trình hay được sử dụng và được xây dựng liền với nhà bếp. Như vậy, chúng có thể hỗ trợ nhau, đồng thời do khí hậu nóng khô nên sẽ không làm cho gian bếp ẩm thấp.

Tuy nhiên, xét về khí hậu của các nước Á Đông, đặc biệt là mùa đông lạnh giá ở phía Bắc và quanh năm ẩm ướt ở phía Nam, người phương Đông từ xa xưa đã không quá chú trọng vào việc bố trí phòng tắm. Thay vào đó, nhà vệ sinh được xem là chỗ thải khí xấu, trấn áp hướng dữ, thường đặt ở phía Đông Bắc trong nhà, cách xa nhà bếp là nơi thường đặt ở hướng Đông Nam.

Cũng cần phải nói thêm rằng, ngoài hướng Đông như đã nói ở trên thì hướng Bắc, hành Thủy, chủ về tài chính, là nơi ở của bà chủ nhà, cũng tức người tay hòm chìa khóa. Đặt nhà vệ sinh ở hướng Đông Bắc thì tiện cho gia chủ sinh hoạt, hơn nữa đây cũng là nơi kín đáo, người không có việc thì không bao giờ tới. Hướng Nam, hành Hỏa, chủ về hoạt động sản xuất, là nơi ở của gia nhân, người làm, đặt nhà bếp ở hướng Đông Nam thì rất thuận tiện cho họ.

Nhà kiểu “Tứ hợp viện” của Trung Quốc. Nguồn: Epochtimes.

Ngoài ra, ngũ hành cho rằng Thổ sinh vạn vật, Thổ khắc vạn vật, do đó khoảng sân trung tâm cũng có ý nghĩa hết sức đặc biệt, nó chủ trì vạn sự của ngôi nhà, nên được che chắn bằng bình phong, cũng không xây cửa chính trực xung với sân.

Tương tự, căn phòng “atrium” ở trung tâm “domus” (tòa nhà lớn) của người La Mã cũng mang ý nghĩa quan trọng, và được quan tâm đặc biệt. Đó là căn phòng lớn, có giếng trời thông khí, có bể hứng nước mưa ở dưới, cũng là nơi được trang bị xa hoa nhất. Nơi đây thường đặt bàn đá cẩm thạch có bệ đỡ chạm trổ tinh vi, có nhà nguyện nhỏ dành cho linh hồn tổ tiên, két sắt gia đình, và đôi khi là cả tượng bán thân của gia chủ.

Căn phòng “atrium” của La Mã. Nguồn: Wikipedia

Tóm lại, lý thuyết phong thủy bắt nguồn từ sự tính toán dựa trên quan sát, đạo lý của các bậc tiên hiền xưa về khả năng sinh sống, an toàn, sức khỏe và sự hài hòa với môi trường. Từ những lập luận phán đoán đặc sắc trong "Mười cuốn sách về kiến ​​trúc" của La Mã cổ đại, chúng ta có thể thấy rằng mối quan hệ giữa an cư lạc nghiệp và hoàn cảnh môi trường đối với toàn nhân loại là như nhau. Đây là di sản vật chất và tinh thần chung của toàn nhân loại. Những người bài xích một cách mù quáng, trên thực tế, không hiểu văn hóa phương Đông cũng như nguồn gốc của văn minh phương Tây; không hiểu rằng sự diễn tiến của lịch sử thực ra không thể thoát khỏi nhu cầu xã hội đối với chân lý bất biến.

Hữu Đức

Tài liệu tham khảo:

- “De architectura”. Marcus Vitruvius Pollio.

-古羅馬也講“風水”之道

 



BÀI CHỌN LỌC

Phong thủy phương Đông và phương Tây: La Mã cổ đại cũng coi trọng "phong thủy"