Phong thủy tốt nhất là gì?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Phong thủy tốt nhất không nằm trên đất. Vậy thì nó ở đâu?

Thời xưa, có một người muốn xây nhà, anh ta mời một thầy phong thủy đến xem đất. Trên đường, từ xa nhìn thấy chim bay trên mảnh đất đã chọn, người này nói với thầy phong thủy: "Chúng ta quay lại đi, chim bay lên từ chỗ đất kia, chắc là có trẻ nhỏ hái đào trên cây. Chúng ta đi qua sẽ làm kinh động đến chúng, sợ rằng chúng rơi từ trên cây xuống thì không tốt.”

Thầy phong thuỷ nói với người này rằng: “Không cần phải xem phong thuỷ nữa, thiện tâm của anh là phong thuỷ tốt nhất rồi. Dù anh xây nhà ở đâu, cũng đều thuận buồm xuôi gió, về sau nhất định sẽ phát đạt.”

Ngày nay, đâu đâu người ta cũng xem phong thuỷ, tìm cầu vận may mà lại không biết rằng, tích đức hành thiện chính là phong thuỷ tốt nhất, tấm lòng thiện lương và khí cát tường trong phong thuỷ là tương thông với nhau. Người tích đức hành thiện, có thể được sự ưu ái của Thần. “Tác thiện giáng chi bách tường, tác bất thiện giáng chi bách ương” (Hễ ai làm việc thiện thì trời ban xuống trăm điều phúc, hễ ai làm việc bất thiện thì trời giáng xuống trăm điều họa). Từ trước đến nay vẫn luôn như vậy.

Nghệ Thuật Trung Quốc, Trang Trí Cổ Đại Trung Quốc
Ảnh: Pixabay

Quyên tặng nơi phong thuỷ tốt làm trường học

Phạm Trọng Yêm là một nhà chính trị, nhà văn thời Bắc Tống đã viết trong “Nhạc Dương Lâu ký" một câu lưu danh thiên cổ: “Bất dĩ vật hỉ, bất dĩ kỉ bi - Tiên thiên hạ chi ưu nhi ưu, hậu thiên hạ chi lạc nhi lạc.” (Không vì ngoại vật mà vui, không vì bản thân mà buồn, lo trước cái lo của thiên hạ, vui sau cái vui của thiên hạ). Từ khi còn nhỏ đã lập chí: “Đại trượng phu phải làm lợi cho dân, nếu không làm quan tốt thì cũng phải làm một lương y.” Phạm Trọng Yêm tín ngưỡng Phật Pháp, làm quan liêm chính, thương dân như con, coi trọng giáo dục.

Có một lần, Phạm Trọng Yêm mua một nơi làm nhà, thầy phong thuỷ xem xong nói rằng nơi này phong thuỷ rất tốt, nếu sống ở đây, thì con cháu đời sau nhất định sẽ có tiền đồ rộng lớn, vinh hoa phú quý.

Phạm Trọng Yêm sau khi nghe xong, liền cống hiến ngôi nhà làm trường học, các trẻ nhỏ đều có thể đến đây học tập. Ông nói: “Để cho con cháu của bách tính đều có thể tiền đồ tươi sáng, chẳng phải hơn là chỉ mình con cháu của nhà tôi hưởng phúc sao?”

Về sau, bốn người con trai của ông đều tài hoa xuất chúng, con đường quan lộ hanh thông. Con cháu tử tôn của gia tộc họ Phạm thịnh vượng trong suốt 800 năm, là nhờ Phạm Trọng Yêm tích phúc đức để lại cho con cháu, cũng như việc con cháu tử tôn của Phạm Long Yêm làm theo gia quy của Phạm Long: “lo trước cái lo của thiên hạ, vui sau cái vui của thiên hạ”.

Hoàng Núi, Phương Đông, Cổ, Kiến Trúc, Trung Quốc
Ảnh: Pixabay

Trả lại đai ngọc, cải biến số mệnh

Người xưa trọng nghĩa khinh tài, giúp đỡ người khác khi gặp khó khăn. Dùng tấm lòng nhân ái để đối đãi với hết thảy mọi việc, phúc đức cũng theo đó mà đến, tai hoạ cũng vì thế mà rời đi. Đó chính là: Tướng do tâm sinh, cảnh tùy tâm chuyển.

Bùi Độ thời nhà Đường khi còn nhỏ gặp một vị cao tăng, sau khi vị cao tăng xem xong tướng mặt của ông, nói rằng ông nhất định rồi sẽ thành kẻ ăn xin chết đói trên đường. Một tháng sau, Bùi Độ lại gặp lại vị cao tăng đó. Vị cao tăng thấy mắt ông sáng ngời, nói rằng sau này ông nhất định sẽ làm tể tướng.

Bùi Độ rất bối rối nói: Một tháng trước ông nói rằng ta sẽ chết đói trên đường phố, sao bây giờ ông lại nói ta sẽ làm tể tướng. Vị cao tăng nói: “Sau khi ta xem số thấy ngươi sẽ chết đói, thì người đã làm một việc tốt, không những đã tiêu trừ vận xấu, mà còn xoay chuyển vận mệnh của ngươi.”

Thì ra, có một hôm, Bùi Độ nhặt được một đai ngọc rất quý giá, Bùi Độ đã đứng ngay tại chỗ đó chờ chủ nhân của đai ngọc, chờ đến một ngày một đêm. Mọi người đều nói: “Anh đợi lâu như thế, cũng có thể xem là nhân đáo nghĩa tận rồi. Anh nghèo như thế, thì giữ lấy đai ngọc ấy đi.” Nhưng Bùi Độ vẫn nhất quyết đứng tại chỗ đó chờ chủ nhân. Về sau, cuối cùng cũng đợi được chủ nhân. Chủ nhân đai ngọc muốn dùng tiền tài để cảm tạ ông, nhưng ông đã từ chối.

Chính sự việc này đã giúp Bùi Độ tích được công đức. Sau này, ông thực sự đã trở thành tể tướng.

“Đức" chính là nguồn gốc của hết thảy phúc khí và phúc báo, một người chỉ có hành thiện tích đức mới có thể trường thọ, phú quý, mạnh khoẻ, phúc lộc dồi dào.

Nhân tâm có phân thành thiện-ác tốt-xấu, trời đất có âm-dương chính-phụ. Làm người tâm tồn thiện niệm, phát tâm thiện lương, phẩm đức cao thượng, tích cực hướng thượng đến khi Phật tính xuất lai thì sẽ được Thần Phật bảo hộ, ngũ phúc lâm môn; còn khi làm người mà tâm tồn ác niệm, phẩm hạnh thấp kém, tức giận, đố kỵ, lăng mạ, sân hận, để ma tính làm chủ cảm xúc và hành vi của bản thân, thì theo đó tai họa giáng xuống không ngừng.

Lam Sơn

Theo Secretchina.com



BÀI CHỌN LỌC

Phong thủy tốt nhất là gì?