Phong tục Tết Nguyên đán của người Hoa xưa (P.1)

Giúp NTDVN sửa lỗi

Hàng năm qua ngày đông chí tiến đến tháng chạp, bầu không khí đón năm mới càng ngày càng háo hức. Tập tục ăn Tết rất phong phú đa dạng, vô cùng náo nhiệt. Thông thường thời gian diễn ra bắt đầu từ ngày “Tiểu niên” tức ngày 23 tháng chạp cúng ông Táo...

Năm mới âm lịch, còn gọi là “Quá niên”, là ngày lễ được coi trọng nhất trong mấy nghìn năm nay của dân tộc Trung Hoa. Trong văn hóa truyền thống Trung Quốc, mồng một tháng giêng, bắt đầu một năm, cũng tức là ngày đầu tiên của một năm gọi là Tết Nguyên Đán, còn gọi là “Nguyên Thần” (bình minh đầu tiên), “Nguyên Nhật” (ngày đầu tiên), “Nguyên Sóc” (ngày mùng 1 đầu tiên). Chữ Nguyên ban đầu cũng vậy, chữ Đán lúc đầu cũng vậy. Khi Hán Vũ Đế lập ra “Thái Sơ lịch” là lấy ngày đầu tiên của tháng giêng làm Tết Nguyên Đán so với sau cách mạng Tân Hợi năm 1911 lấy ngày 1 tháng 1 dương lịch là Tết Nguyên Đán là khác nhau.

Hàng năm qua ngày đông chí tiến đến tháng chạp, bầu không khí đón năm mới càng ngày càng háo hức. Tập tục ăn Tết rất phong phú đa dạng, vô cùng náo nhiệt. Thông thường thời gian diễn ra bắt đầu từ ngày “Tiểu niên” tức ngày 23 tháng chạp cúng ông Táo, sau đó là quét dọn, treo Thần cửa, viết câu đối xuân, dán tranh Tết, làm tranh cắt giấy, treo đèn kết hoa, biểu thị cho mọi người là ‘trừ trần bố tân’ (bỏ cũ bày mới), đuổi tà trừ bệnh, vui đón tân xuân, khẩn cầu năm sau bình an may mắn.

Trong cung đình còn có các bức họa, các bức "Tuế triêu đồ" miêu tả các loại vật phẩm biểu tượng tốt lành ngụ ý cho năm mới. Làm thực phẩm Tết, hấp bánh bao không nhân, bánh mật, nấu đường, làm đậu hũ, mua thịt, sắm đồ Tết, chuẩn bị món ăn ngày Tết, bận rộn quên cả thời gian; đêm ba mươi giao thừa từ Hoàng Gia cho đến dân chúng đều muốn mọi người sum họp cùng ăn bữa cơm đoàn viên, đón giao thừa, đốt pháo, bái Thiên Địa, cúng Tổ tiên. Sáng mùng 1 thì đốt pháo, chúc Tết, múa sư tử, chơi đèn rồng, nhận tiền mừng tuổi, nghênh đón Thần Tài v.v. Kéo dài tới ngày 15 tháng giêng xem lễ hội đèn lồng, ăn xong Tết Nguyên tiêu mới kết thúc lễ hội.

Múa Lân ngày tết. (Ảnh: Pixabay)

Hết năm cũ cúng Ông Táo

Lễ mừng năm mới bình thường bắt đầu từ cúng Ông Táo. Vào thời xưa, mọi nhà đều sắp đặt bài vị Táo Quân, phụ trách quản lý nhà bếp mỗi nhà, cũng được xem là Thần bảo hộ của nhà đó. Mỗi năm vào ngày 23 tháng chạp, Táo quân cần phải lên trời báo cáo với Ngọc Hoàng Đại Đế việc thiện ác trong một năm vừa qua của gia chủ. Lúc này người trong nhà cần phải cử hành nghi thức tiễn đưa Ông Táo. Ngọc Hoàng Đại Đế sẽ quyết định cát hung họa phúc cho nhà này vào năm sau, sau đó giao lại cho Táo Quân phụ trách khi quay về nhân gian vào đêm giao thừa (trừ tịch). Nghi thức tiễn đưa Ông Táo gồm có đốt hương, dâng đường mạch nha, kẹo mạch nha v.v. Trong ca dao dân gian có câu: “Hai mươi ba, kẹo mạch nha” ý tứ muốn Ông nói nhiều lời tốt, không nói lời xấu. Hoàng thất cũng không ngoại lệ, ở Khôn Ninh Cung sẽ thiết lập bàn thờ cùng nhang đèn, đồ cúng nhiều đến ba mươi hai loại. Từ Thân vương, Quận vương, Bối lặc (là cách gọi vị thủ lĩnh của các bộ lạc người Nữ Chân) cho đến các Đại quan có nhiệm vụ quan trọng trong triều đình, đều cho nghỉ về nhà cúng Ông Táo, để các đại thần cấp bậc thấp hơn thay thế túc trực. Bởi vì báo cáo của Ông Táo đối với tất cả các nhà mà nói thật sự rất quan trọng.

Quét dọn nhà cửa

Ngày 24 tháng chạp là ngày quét dọn nhà cửa, bắt đầu thịnh hành từ thời nhà Đường, Tống Ngô trong cuốn "Mộng lương lục" ghi chép: "Cuối tháng mười hai, ngày cuối cùng của tháng cuối năm hết, gọi là đêm trừ tịch, nhà ai bất luận lớn hay nhỏ, đều vẩy nước quét nhà cửa ngõ, dọn bụi bẩn, lau sạch phòng ốc, thay Thần cửa mới, treo hình Chung Quỳ, đóng Đào phù, dán chữ Phúc, mong năm mới bình an". Trong cuốn “Thanh gia lục” của Cố Lộc thời nhà Thanh: "Lạp tương tàn, trạch hiến thư" (sắp hết chạp, chọn chữ viết). Ngày quét dọn nhà, loại bỏ nhơ bẩn là ngày 23, 24 cho đến 27, tục gọi là “đả ai trần” (vứt bỏ bụi bẩn).

Nhà nào cũng muốn quét dọn xung quanh, lau chùi các loại vật dụng, tháo giặt chăn màn, vẩy nước quét nhà khắp cửa ngõ sân vườn, quét dọn mạng nhện, nạo vét kênh mương, đường thoát nước. Điều này cũng mang ý nghĩa là "trừ trần bố tân" (bỏ đi cái cũ để bày cái mới). Sau đó mới bắt đầu chuẩn bị đồ Tết, sắm nến thơm giấy mã, đồ cúng, viết câu đối, cắt tranh giấy, mua dây tiền, tranh Tết, pháo trúc v.v.

Vào ngày này, trong hoàng cung bắt đầu đốt pháo, Hoàng Đế từ tẩm cung đi ra, mỗi lần qua một cửa, sẽ có tiếng pháo nổ vang lên.

Vào ngày này, trong hoàng cung bắt đầu đốt pháo, Hoàng Đế từ tẩm cung đi ra, mỗi lần qua một cửa, sẽ có tiếng pháo nổ vang lên. (Ảnh: Pixabay)

Đổi môn Thần, treo câu đối xuân, dán tranh cắt giấy

Môn Thần

Dán môn Thần tại Cung đình và trong dân gian đều là một việc rất quan trọng trong hoạt động ngày Tết. Trong quan niệm truyền thống, cửa là nơi tương thông ra vào giữa bên trong và bên ngoài nhà, có tác dụng bảo vệ che chở quan trọng. Môn Thần - cái tên cũng hàm chứa ý nghĩa chính là vị Thần bảo vệ giữ cửa cho nơi ở, mỗi khi đến năm mới, từ Thiên tử bá quan cho đến bá tính bình thường, từng nhà từng nhà đều nhất định phải dán môn Thần ở trước cửa, để bảo vệ cho gia đình bình an.

Lưu Nhược Ngu thời nhà Minh trong "Chước trung chí" có ghi: "Trong triều đình thời nhà Minh, cứ mỗi 24 tháng chạp đem môn Thần canh giữ tại 2 bên các điện". Trong cung đình đời nhà Thanh mỗi năm cũng vào thời gian này đều do Phủ nội vụ đem môn Thần, câu đối treo trên các cửa vườn ngự uyển, mãi đến ngày 3 tháng 2 âm lịch mới tháo xuống cất đi.

Môn Thần được vẽ trên giấy, lụa hoặc trên vải xong được trang hoàng bằng khung gỗ, đỉnh khung có vòng bằng đồng dùng để treo trên cánh cửa, dùng xong lấy xuống bảo quản cẩn thận, miễn là không dơ cũ hay hư hại thì vẫn có thể tiếp tục sử dụng. Các hình vẽ môn Thần chủ yếu là Võ môn Thần gắn trên cửa chính, cửa bên trong nhà thì có Văn môn Thần và Phúc môn Thần, còn có Đồng tử Môn Thần, Tiên tử Môn Thần v.v. hình tượng phong phú đa dạng, Hoàng thân quốc thích còn thường vẽ bằng phấn thiếp vàng tạo thêm mười phần may mắn vui mừng.

Thần Đồ và Uất Lũy là Tổ sư của Môn Thần. Trong "Sơn Hải kinh" có ghi chép, ở Độ Sóc Sơn bên Đông Hải, trên núi có gốc cây đào lớn uốn lượn quanh co trải dài đến 3 nghìn dặm, trên cây có con Kim kê báo trời sáng. Công việc của Thần Đồ và Uất Lũy chính là giám sát các loại yêu ma quỷ quái bên trong Độ Sóc Sơn, không cho phép chúng chạy đến nhân gian làm điều ác. Một khi phát hiện ác quỷ liền dùng dây thừng trói lại đem cho mãnh hổ ăn. Về sau Hoàng Đế đã lệnh cho dân chúng dùng gỗ đào mà khắc lên đó hình tượng của Thần Đồ và Uất Lũy (hoặc tại gỗ đào mà khắc lên đó tên của 2 người này, tức đào phù) để làm Môn Thần đảm nhận nhiệm vụ đuổi quỷ tránh tà bảo vệ bình an.

Môn Thần Lý Tần Quỳnh, Uất Trì Cung - 2 vị mãnh tướng luôn là sự lựa chọn hàng đầu trong lòng dân chúng, sự tích của họ trong "Tây du ký" hồi 10 “Nhị tướng quân trấn quỷ cửa cung, Đường Thái Tông địa phủ hồi sinh” bên trong có miêu tả sinh động. Kinh Hà long vương vì vi phạm luật Trời về sau bị Ngụy Trưng trong mộng chém đầu, âm hồn của ông ta oán hận Đường Thái Tông nói không giữ lời, không ngăn cản Ngụy Trưng, mỗi đêm đều đứng trước cung Vua mà kêu khóc đòi mạng, Đường Thái Tông bị kinh sợ đến nỗi tâm thần không yên, nên sinh bệnh nặng.

Đại tướng khai quốc là Tần Quỳnh và Uất Trì Cung tình nguyện nhận nhiệm vụ, mặc đầy đủ áo giáp đứng bên ngoài cửa canh gác bảo vệ Hoàng Đế, Long vương quả nhiên không dám tới nữa. Đường Thái Tông vì không đành lòng để hai vị tướng vất vả khổ nhọc, liền đem hình tượng uy phong lẫm liệt của họ “đầu đội kim khôi sáng lấp lánh, thân mặc áo giáp long lân” dán ở trên cửa, từ đó lưu truyền cho đến nay.

Tranh lụa màu Kim qua tướng quân võ Môn Thần ở Cố cung 46x22cm.

Trên nền đám mây màu lam xám ở bên dưới làm tôn lên hai vị võ tướng mang mũ vàng giáp vàng, tay cầm kim qua, đeo cung tiễn và bảo kiếm, uy phong lẫm liệt. Thông thường người phía bên phải mặt trắng mắt phượng, năm chòm râu dài là Tần Thúc Bảo; người bên trái mặt tím mắt tròn, râu hùm tóc mai là Uất Trì Kính Đức.

Môn Thần tướng quân nhà Thanh được vẽ tinh xảo mỹ lệ, sử dụng tối đa các loại giấy thiếp vàng bạc, mực nhũ và các khoáng vật có màu tươi sáng trong các bức tranh năm mới tại Thanh cung, giáp trụ dùng phấn dát vàng, ánh sáng chói cả mắt, đó cũng là sự khác nhau chủ yếu so với tranh năm mới của dân gian. Chúng được chế tác bởi Phủ Nội vụ và chủ yếu được sử dụng cho lối vào chính của cung điện.

Chung Quỳ

Tranh Chung Quỳ thì càng nổi tiếng hơn. Đường Huyền Tông có một lần mắc bệnh sốt rét nằm ở trên giường gặp ác mộng, mơ thấy một tên tiểu quỷ trộm lấy bảo vật của Ngài và Dương Quý Phi, nó ở trước mặt Ngài mà đùa giỡn, Huyền Tông đang muốn nổi giận, chợt thấy một đại quỷ tướng bắt lấy tiểu quỷ, móc hết mắt của tiểu quỷ, sau đó bổ ra nuốt sống. Đại quỷ này tự xưng là Chung nam sơn tiến sĩ Chung Quỳ, vào thời Cao Tổ tổ chức thi khảo Võ cử nhân nhưng không trúng, xấu hổ giận dữ quá mà đập đầu vào bậc thang cung điện chết. Cao Tổ thấy được tấm lòng trung nghĩa, đặc biệt ban cho áo vải an táng long trọng. Chung Quỳ cảm ân mà phát thệ, muốn vì Hoàng Đế mà trừ sạch ma quỷ.

Xem ra “Tích thiện chi gia, tất hữu dư khánh” (nhà nào tích lũy điều lành thì tất có thừa phúc) quả thật không sai. Huyền Tông sau khi tỉnh mộng thấy bệnh sốt rét cũng khỏi, liền lập tức lệnh cho Ngô Đạo Tử chiểu theo những gì thấy trong mộng mà vẽ một bức tranh "Chung Quỳ bắt quỷ", từ đó cái tên Chung Quỳ thịnh hành khắp thiên hạ. Trong "Nguyệt lệnh quảng nghĩa - Chính nguyệt lệnh" của Phùng Ứng kinh có viết: Canh ba Tết Nguyên Đán nghênh đón Táo xong, đóng Đào phù… Dán Môn Thần Chung Quỳ vào cửa để tránh bị ma quấy nhiễu.

Chung Quỳ khoác lục bào, trên áo có nhũ kim miêu tả hoa văn trúc thảo, dáng vẻ oai phong. Chung Quỳ tay cầm một con dơi màu đỏ, nâng lên trước mặt, ngụ ý “Phúc tại nhãn tiền”.

Văn quan Môn Thần (Ảnh Bảo tàng Cố Cung)

Văn Môn Thần cũng còn gọi là “Thiên quan môn Thần”, “Phúc Thần”, hình tượng là trang phục quan văn thời xưa, đầu đội mũ ô sa, eo mang đai ngọc, chân cưỡi mây, sắc bào trái xanh phải đỏ. Trong tay là một chiếc mâm với tiên khí tỏa lên từ các loại như đào tiên, phật thủ, linh chi, mẫu đan, tiên hạc v.v. đều là biểu tượng cho phúc thọ, phú quý, ngụ ý là “Thiên quan tứ phúc”. Thường treo ở sảnh đường trai các và các nơi khác trong nội cung, mang lại việc vui mừng nhưng lại không mất đi sự nho nhã.

Bên phải là Môn Thần trên thân mang bộ quan phục màu đỏ, trong tay là khay cùng tiên khí tỏa ra xung quanh trái đào, bên trái là Môn Thần trên thân mang bộ quan phục màu xanh, trong tay cầm khay cùng tiên khí tỏa ra, bên trong có hình vẽ vạn phúc, hai hình vẽ này tổ hợp lại có ngụ ý là “Vạn thọ”, “Phúc thọ” ngụ ý mang lại may mắn.

Hình tượng “Đồng tử Môn Thần” cũng tương tự với “Hòa Hợp Nhị Tiên” trong tranh Tết của dân gian, hai đồng tử giống nhau mặc trên người hồng bào hoặc lục bào, đầu búi tóc con trai, nét mặt vui cười, trong tay cầm bông lúa, nâng hộp v.v. đều mang hàm ý là "Hòa hợp"; trong hộp chứa đào, lựu, hoa mẫu đơn, con dơi v.v. với hàm ý may mắn, tốt lành như "Phúc thọ phú quý", "con cháu muôn đời" v.v. thường treo ở nơi của Hoàng hậu và phi tần.

"Đồng tử Môn Thần": hai đồng tử với búi tóc trẻ con, cổ mang vòng, một người tay cầm san hô, trên đó có thắt dây chữ Vạn, một người tay cầm bông lúa, ngụ ý may mắn.

Tranh lụa màu Đồng tử Môn Thần ở Cố cung, 58x28cm.

"Tiên tử môn thần" vẽ một đôi tiên nữ, có nhiều biểu hiện như áo xanh tím, áo lam, áo khoác có dải đai, lưng mang giỏ trúc chứa đầy trái đào, ngụ ý phúc thọ song toàn.

Tranh lụa màu Tiên tử môn thần ở Cố cung 76x42cm.

Câu đối xuân

Câu đối xuân có nguồn gốc từ đào phù, vào triều đại nhà Tống đã trở thành một loại phong tục nho nhã của các văn nhân, sĩ phu. Trong thơ Vương An Thạch có viết:

Bộc trúc thanh trung nhất tuế trừ,
Xuân phong tống noãn nhập đồ tô.
Thiên môn vạn hộ đồng đồng nhật,
Tổng bả tân đào hoán cựu phù.

Dịch nghĩa:
Pháo trúc nổ vang hết năm cũ,
Gió xuân gửi ấm rượu Đồ Tô.
Thiên môn vạn hộ bình minh rạng,
Đều mang đào mới thay cựu phù.

Và sau đó dùng giấy đỏ để viết được phổ biến trong dân gian từ thời Chu Nguyên Chương. Ngày hội tới gần, câu đối xuân tràn ngập niềm vui khi bình minh ửng hồng khiến cho bầu không khí mọi người tăng thêm phần rộn rã.

Tranh Tết

Tranh Tết là một thể loại đặc thù của tranh Trung Quốc, bắt đầu từ “Môn Thần”, là hình thức nghệ thuật vui thích nhất của dân chúng nông thôn. Bắc Thiên Tân dương liễu xanh, Sơn Đông Duy huyện và Tô Châu Đào Hoa là ba nơi nổi tiếng nhất. Hình vẽ có chúc Thọ, mừng thọ, niên niên hữu dư, thiên quan ban phúc, cá chép vượt long môn, ngũ cốc bội thu, long phụng hiện hình v.v.

Cắt tranh giấy dán cửa cũng là tập tục dân gian thịnh hành nhất. Nội dung xoay quanh các chuyện cổ tích về động, thực vật v.v. Như Hỉ thước đăng mai (chim khách đậu cành mai), Yến xuyên đào liễu (Chim én bay xuyên vườn đào), Khổng tước hí mẫu đan (chim công đùa mẫu đơn), Sư tử cổn tú cầu (Sư tử lăn tú cầu), Tam dương (dương) khai thái (3 điềm lành rộng mở), Nhị long hí châu (2 rồng đùa hạt châu), Lộc hạc đồng xuân (Hươu hạc đồng xuân) hay còn gọi là Lục hợp đồng xuân (bốn phương trên dưới đều là mùa xuân), Ngũ bức phủng thọ (5 con dơi ôm thọ) hay Ngũ phúc phủng thọ (Ngũ phúc nâng thọ), Tê ngưu vọng nguyệt (Tê giác ngắm trăng), Liên (liên) niên hữu ngư (dư) (Năm nào cũng có dư), Uyên ương hí thủy (Uyên ương nghịch nước), Lưu hải hí kim thiền (Giết biển đùa ve sầu), Hòa hợp nhị tiên đẳng (2 vị tiên hòa hợp) v.v.

Chữ Phúc

Mọi nhà vào dịp Tết, cùng với dán câu đối xuân, dán môn Thần, đồng thời còn có tập tục dán ngược chữ Phúc, ngụ ý "Phúc đáo", phong tục này bắt nguồn từ cung đình. Vào sáng sớm mùng một tháng chạp nhà Thanh trước đây, Hoàng Đế tại hoa cung nghiêm túc, ăn mặc chỉnh tề cung kính dùng bút viết "Tứ phúc thương sinh" (Ban phúc trăm họ), gồm có chu sa, trên lụa trắng có hoa văn rồng mây ánh kim, viết lên chữ "Phúc" hoặc câu "Nhất niên khang ninh" (Một năm an khang), "Nghi nhập tân niên" (Năm mới hòa hợp) cho đến những thành ngữ tốt lành, dán tại cung vua và tất cả nội cung. Ngày 26, 27 tháng chạp, Hoàng đế còn phải triệu tập vương công đại thần, học sĩ nội đình đến Càn Thanh Cung, để Hoàng đế đích thân ban chữ, ban thưởng chữ ‘Phúc’. Bởi vì vua nhà Thanh từ nhỏ đã tiếp thụ giáo dục Nho gia chính thống nghiêm khắc, mỗi lĩnh vực đều tinh thông, do đó người có thể nhận được chữ từ Hoàng đế thì đều xem nó như là ân huệ vô cùng to lớn mà trân quý cất giữ.

Chữ ‘Phúc’ do Khang Hi ngự bút.

Tuế triêu đồ

"Tuế triêu" tức là bắt đầu một năm, ngày đầu tiên của tháng giêng âm lịch. "Tuế triêu đồ" trong đề tài vẽ tranh truyền thống Trung Quốc là một điểm rất độc đáo, được mọi người yêu thích mà thường dùng làm đề tài để vẽ. Nó thông thường dùng tĩnh vật để vẽ hình dáng bên ngoài, thông qua tên gọi hài hòa, ý nghĩa dân tộc hoặc chuyện cũ lịch sử của vật phẩm trong tranh để biểu hiện một lời chúc phúc năm mới tốt đẹp. Trong đó hoa bách hợp, cây hồng, linh chi ngụ ý là "mọi điều như ý"; ngọc lan, hoa mẫu đơn, hải đường ngụ ý "giàu sang phú quý" v.v.

Nhà Thanh vào mỗi dịp năm mới, họa sĩ cung đình cần phải trình lên "tranh năm mới" đúng hẹn, không chỉ vậy, ngay cả bản thân Hoàng đế, Hoàng thân quý tộc, quan lại trong triều cũng sẽ ngẫu hứng mà sáng tác. Những tác phẩm chúc phúc tuyệt đẹp này thông thường tô điểm cho ngày lễ hội thêm ấm áp, tốt lành.

Tranh của Lang Thế Ninh - Giuseppe Castiglion (1688-1766) một họa sĩ cung đình người Ý ở cố cung

(Còn tiếp)

Thiện Tâm

Theo Văn Tử - The Epochtimes



BÀI CÙNG CHUYÊN ĐỀ

BÀI CHỌN LỌC

Phong tục Tết Nguyên đán của người Hoa xưa (P.1)