Phụ nữ khéo như chiếc lạt mềm, nữ tính níu giữ mái nhà êm

Giúp NTDVN sửa lỗi

Người hiện đại vẫn thường cho rằng phụ nữ thời xưa bị áp chế, bị đối xử bất công trong một xã hội trọng nam khinh nữ. Ngày nay, phụ nữ đã bình đẳng với nam giới, đã có tiếng nói xã hội và vị thế không thua kém nam giới, thậm chí có những ngày riêng trong năm để tôn vinh họ. Nhẽ ra với những thay đổi “cải thiện” ấy, quan hệ giữa hai giới phải có sự hòa hợp hơn hẳn quá khứ. Song thực tế là hạnh phúc gia đình vẫn rất mong manh, số cặp ly thân, ly dị ngày càng nhiều - một vấn đề chưa từng xảy ra trong xã hội trước kia bị cho là “phong kiến”, “trọng nam khinh nữ”.

Nữ tính như chiếc lạt mềm

Ngày nay, ở Trung Quốc có một khái niệm “nữ hán tử”. Những “nữ Hán tử” này thể hiện ra vẻ ngoài một phong thái mạnh mẽ cương cường, không chịu thua kém với nam giới, họ đòi hỏi phải được bình đẳng với nam giới trên mọi lĩnh vực, họ vui thích trong việc tranh cao thấp, phân thắng thua với nam giới. Họ coi đó là sức mạnh mà thời đại “nữ quyền” đã trao cho họ. Thực ra, hiện tượng phổ biến ấy nào phải chỉ ở Trung Quốc, khi những giá trị truyền thống bị lãng quên và coi nhẹ.

Cổ nhân căn cứ vào đạo âm dương mà định ra luân lý “Nam tôn nữ ti", nam chủ đạo bên ngoài, nữ chủ đạo bên trong. Tôn ti không phải là phân biệt cao quý hay thấp hèn mà là ai có vai trò của người ấy. Thiên thuộc dương ở trên là tôn, ý nói rằng đàn ông làm việc cần phải giống trời, cương trực, mạnh mẽ tự cường. Đất thuộc âm ở dưới được gọi là ti, nghĩa là phụ nữ phải giống như đất, cần trọng đức, bao dung nồng hậu với mọi sự. Âm dương có hòa hợp thì sự vật mới sinh sôi phát triển, còn nếu không sẽ bế tắc, đổ vỡ.

Người Việt Nam quen hình tượng hóa một cách đơn giản hơn: “Lạt mềm buộc chặt”. Đó là một thái độ đối nhân xử thế của một người phụ nữ theo truyền thống. Đối tượng của phương thức ứng xử này thường là người chồng của họ, nhưng cũng có thể mở rộng ra với các mối quan hệ khác trong gia đình, gia tộc, như với con cái, anh chị em họ hàng v.v.

Lạt thường được làm bằng tre, rất mỏng, được người Việt xưa dùng làm dây buộc. Sở dĩ lạt có thể buộc được chặt vì nó rất mềm và dẻo dai, ngấm nước cũng không sợ mủn sợ đứt mà càng chắc. Lạt tre rất đa dụng, từ lợp nhà đến gói bánh chưng. Lạt không thể hiện ra bên ngoài sự cứng rắn mà lại có sức mạnh níu giữ không ngờ. Và đó là chỗ nó được so với nữ tính của người phụ nữ truyền thống.

Lạt tre rất đa dụng, từ lợp nhà đến gói bánh chưng (Ảnh: Phạm vi miền công cộng)

Thực ra, phụ nữ vẫn luôn có quyền lực, chỉ là quyền lực ấy không nằm trong những biểu hiện hình tướng bề ngoài. Sức mạnh của người phụ nữ ẩn sau phần nữ tính mà ông Trời đã ban cho họ. Bề ngoài nhu thuận nhưng bên trong kiên định, dùng đức hạnh để cảm hóa, đó chính là “lạt mềm buộc chặt”, là sức mạnh thực sự của nữ tính. Lịch sử vẫn là cái kho vô tận để ta tìm kiếm những tấm gương.

Câu chuyện mẹ hiền con hiếu của Đức Từ Dụ và vua Tự Đức

Hoàng Thái Hậu Từ Dụ là người thuộc nhiều sử sách, học nhiều hiểu biết rộng, bà là người có đức hạnh lớn, độ lượng thương người. Đối với con trai là vua Tự Đức, cách giáo dục của bà rất nhẹ nhàng từ ái, nhưng sức ảnh hưởng tới nhà vua lại rất lớn.

Có lần nhà vua mải săn bắn, lúc về lại gặp mưa lũ làm lỡ độ đường, chút nữa lỡ luôn ngày kỵ giỗ của vua cha Thiệu Trị. Tự Đức dâng roi, phủ phục chịu tội. Đức Từ Dụ ngồi quay mặt vào trong không nói lời nào, một hồi lâu, bà mới quay ra hất cái roi đi.

Tuy không phạt roi, Hoàng thái hậu dặn nhà vua phải ban thưởng cho quan quân cực khổ đi hầu ngự, rồi sáng mai vào hầu lạy. Lúc đó, vua Tự Đức mới đứng dậy, lạy tạ lui về. Ngay đêm hôm đó, vua Tự Đức ban thưởng cho quan quân đi hầu ngự.

Một lần khác, vua Tự Đức mải vui ở cửa Thuận An nên bỏ buổi ngự triều. Đức Từ Dụ giận lắm. Lúc về, vua đến xin lỗi mẹ, nhưng bà sai người đóng cửa cung Diên Thọ không cho vào. Vua phải đứng chờ cả giờ, sau bà mới cho gọi vào và dạy: “Nước đang có nhiều việc rối, Hoàng đế đã không lo lắng mà còn vui chơi được sao? Thôi, hãy mau về triều cùng các quan bàn quốc kế”.

Bà dạy vua rằng: “Biết lỗi với ta chỉ là phụ, biết lỗi với dân mới là chính”.

Hoàng thái hậu Từ Dụ (Ảnh: Wikipedia)

Những lời dạy ấy, vua liền chép ngay vào một quyển sổ gọi là "Từ Huấn Lục". Cuốn sách này vua luôn mang trong mình, khi rảnh rỗi lại mang ra nghiền ngẫm.

Hòa ái độ lượng nhưng nghiêm nghị, cách giáo huấn ngắn gọn nhưng sâu sắc, phong thái cao quý… đức Từ Dụ vẫn là một biểu tượng của người phụ nữ truyền thống.

Nam Phương hoàng hậu ứng xử với “người thứ ba”

Nam Phương hoàng hậu là con của một đại phú hào ở Gò Công - Tiền Giang. Bà được hưởng một nền giáo dục phương Tây, nhưng bên cạnh nhan sắc và trí tuệ ít người sánh kịp, bà có đức nhẫn nhịn bao dung điển hình của người phụ nữ Á Đông.

Năm 1946, cựu Hoàng Bảo Đại trong thời gian lưu lại Hong Kong đã tái ngộ giai nhân Lý Lệ Hà - một cựu vũ nữ - khi bà này sang đây tìm gặp ông. Chuyện đến tai Nam Phương, song cách ứng xử của bà xứng đáng với một bà hoàng cao quý

nam phuong hoàng hậu đánh ghen
Bà Nam Phương biết chuyện, song đứng trước nhiều biến cố, bà vẫn giữ được phong cách hành xử tinh tế, nhân cách cao thượng. (Ảnh: NTD Việt Nam tổng hợp)

Nam Phương viết cho Lý Lệ Hà: "Em Lý Lệ Hà thân quý. Chị ở xa đức Cựu hoàng hàng mấy vạn dặm trùng dương, nhưng chị biết rằng em đang hết lòng hết sức chăm sóc Cựu hoàng ở Hong Kong. Chị cầu mong lịch sử mai đây không buông rơi Cựu hoàng, ta còn gặp lại nhau. Đức Từ cung Thái hậu và chị trọn kiếp nhớ ơn em. Chị Nam Phương".

Nhẹ nhàng nhưng ý vị sâu sắc, lá thư này chắc hẳn khiến cho cả Lý Lệ Hà lẫn cựu hoàng Bảo Đại phải cảm phục. Có lẽ bất cứ vị hôn phu nào ở trong tình huống này cũng tự thấy áy náy mà tự ước chế.

Hoàng hậu Âm Lệ Hoa khiêm nhường

Vào đầu thời Đông Hán Hán Quang Vũ đế là Lưu Tú chưa lập hoàng hậu nên phong cho Quách Thánh Thông và Âm Lệ Hoa làm quý nhân. Khi đó, Quách quý nhân đã hạ sinh hoàng thái tử Lưu Cương; nhưng Quang Vũ đế muốn lập Âm quý nhân làm hoàng hậu do nàng có “vẻ đẹp của bậc mẫu nghi”. Nhưng Âm Lệ Hoa thường rất khiêm tốn, nàng kiên quyết chối từ: “Tự bản thân thiếp cảm thấy mình không thể đảm đương ngồi ở ngôi cao”. Quang Vũ đế muốn phong tước hầu cho huynh đệ của nàng, nhưng Âm Lệ Hoa vẫn khéo léo chối từ, thưa rằng chiểu theo thân phận bản thân thì huynh đệ của nàng làm sao có thể vượt quá lễ nghi làm hầu tước được? Quang Vũ đế lại thưởng tặng châu báu, ngọc ngà cho Âm Lệ Hoa, nàng vẫn một mực cự tuyệt, thưa rằng quốc gia vừa mới ổn định, bao điều ngổn ngang đợi được chấn hưng, bản thân cần nhiều châu báu ngọc ngà như vậy thì có ích gì?

Hoàng hậu Âm Lệ Hoa (Ảnh: Wikipedia)

Quách Thánh Thông được phong làm hoàng hậu, nhưng vào năm Kiến Vũ thứ 17, bà bị phế do nhiều lần oán hận. Âm Lệ Hoa quý nhân được lập làm hoàng hậu.

Dẫu thân là hoàng hậu, Âm Lệ Hoa vẫn khiêm nhường, cung kính, đối với phế hậu Quách Thánh Thông vốn đã nhiều lần hãm hại mình mà không nhân đó trả đũa Quách Thánh Thông, thậm chí còn thỉnh cầu Quang Vũ đế khoan dung Quách Thánh Thông. Không chỉ vậy, bà vẫn hết lòng thương yêu và chăm sóc phế Thái tử Lưu Cương và Trung Sơn Vương Lưu Yên, con út của họ Quách. Âm Lệ Hoa thường dặn dò con cháu phải thiện đãi gia tộc Quách Thánh Thông, và còn bảo chúng ghi nhớ rằng Quách Thánh Thông từng là mẹ cả và tổ mẫu cả của chúng trong suốt 17 năm. Vậy nên cần đối đãi với Quách Thánh Thông như là mẹ cả và tổ mẫu cả. Điều này đã trở thành một tiền lệ tốt đẹp cho các thế hệ sau của triều Đông Hán.

Quang Vũ đế Lưu Tú trong cả cuộc đời hết sức tôn trọng, thương yêu Âm Lệ Hoa, khâm phục vì cách ứng xử của bà. Thời trẻ, ông có một câu nói bất hủ:

"Nếu được làm quan, ta muốn trở thành Chấp kim ngô; nếu ta thành thân, ta muốn lấy Âm Lệ Hoa".

Vế sau của câu nói ấy, Quang Vũ đế cả đời không thay đổi.

Hoàng hậu Mã Minh Đức nhân hậu, khiêm nhường, sáng suốt

Mã Minh Đức là con gái của Phục Ba tướng quân Mã Viện. Bà là hoàng hậu của Hán Minh đế Lưu Dương - con trai của Hán Quang Vũ đế và hoàng hậu Âm Lệ Hoa. Mã hoàng hậu nhân phẩm, tài năng đều xuất chúng. Bà có thể đọc thuộc Kinh Dịch và những kinh điển Nho gia truyền thống như: Xuân Thu, Sở Từ, Chu Lễ.

Mã hoàng hậu bẩm sinh tính tình nhân hậu, khiêm cung tiết kiệm, không thích ăn chơi nhàn nhã, bình dị dễ gần, thường ngày bà chỉ mặc áo vải thô sơ, bà rất được phi tần trong hậu cung khâm phục.

Năm 70 sau công nguyên, xảy ra chuyện mưu phản của Sở vương Lưu Anh, một người anh em cùng mẹ khác cha với Hán Minh đế, khiến rất nhiều người bị liên lụy, dù Hán Minh đế tha chết cho Lưu Anh. Quần thần không ai can ngăn được. Mã hoàng hậu động lòng thương những người vô tội, tìm dịp thuận tiện để thỉnh cầu Hán Minh đế với diện mạo vô cùng bi thương. Hán Minh đế cảm động ra lệnh đại xá, nhiều người được khoan hồng là nhờ một phần công lao của Mã hoàng hậu.

Mã hoàng hậu thông minh, nhân hậu, bản tính rất khoan dung, được lòng hết thảy người trên kẻ dưới, bà hay được Hán Minh đế tham khảo ý kiến trị quốc. Tuy vậy, chưa bao giờ bà lợi dụng cơ hội để xin xỏ cho người nhà mình, thậm chí để minh oan cho cha là Mã Viện.

Lưu Đát (sau này là Hán Chương đế kế ngôi Hán Minh đế) dù không phải là con đẻ của Mã Thái hậu nhưng được bà nuôi nấng, chăm sóc, yêu thương như con đẻ, nên ngài yêu thương kính trọng bà hơn cả mẹ đẻ mình. Hán Chương đế tỏ rõ đạo hiếu, muốn phong tước cho 3 người em trai của Mã Thái hậu nhưng bà nhất mực can ngăn bởi thứ nhất theo bà thì Mã gia chưa có công lao với quốc gia, thứ hai là hạn hán đang làm dân khốn khổ, phong thưởng lúc này cho bên ngoại mới chính là không có hiếu. Nếu Hán Chương đế muốn phong thưởng, đợi tới khi “âm dương hài hòa, biên cương yên bình.”

Bốn năm sau khi Chương Đế lên ngôi, quả nhiên lũ sớm năm đó không còn, ngũ cốc được mùa, biên cương cũng bình an vô sự. Chương Đế vui vẻ lập tức quyết định tấn phong tước hầu cho ba cậu.

Sau khi Mã thái hậu biết chuyện, bà cho rằng làm người nên biết tiến, biết thoái, không nên có ý niệm xa hoa, hy vọng em trai có thể minh bạch nỗi khổ tâm của mình. Ba huynh đệ chỉ nhận phong hầu, rồi từ chức không tham gia vào chính sự.

Bài học xưa vẫn “thời sự” cho người ngày nay

Những bậc mẫu nghi thiên hạ đã để lại cho hậu thế những bài học xử sự quý giá. Có lẽ có người cho rằng tại sao cứ phải lấy những tấm gương trong cung đình xưa. Thực ra, đơn giản là vì nó dễ dàng có thể tra cứu trong lịch sử. Những nhân vật hoàng gia này cũng xuất thân từ gia đình bách tính, và phép đối nhân xử thế mà họ thể hiện, chính là phong hóa của cả xã hội thời ấy.

Người phụ nữ truyền thống có đức nhu thuận và có đức hy sinh. Lại có sự bao dung của quẻ Thuần Khôn: "Địa thế Khôn, người quân tử dùng đức dày để nâng đỡ mọi vật" (nguyên văn: "Địa thế Khôn, quân tử dĩ hậu đức tải vật"). Đất không chê những gì có trên mặt đất, nên đất mênh mông, núi không chê một hòn đá nhỏ, nên núi cao lớn.

Từ lối dạy con nghiêm trang, từ ái mà sâu sắc của đức Từ Dụ; cách đối đãi với “người thứ ba” tinh tế, ý vị, có giáo dục của bà hoàng Nam Phương; Sự khiêm nhường nhân hậu của hoàng hậu Âm Lệ Hoa; Sự khôn ngoan, giàu lòng trắc ẩn và đức hy sinh của Mã hoàng hậu… những phẩm chất điển hình của người phụ nữ truyền thống có thể chinh phục, cảm hóa cả những bậc quân vương uy quyền nhất. Rốt cuộc, đấy mới là chỗ mà phụ nữ bình đẳng với nam giới, không thua kém nam giới về vai trò và mức độ ảnh hưởng.

Nếu con người ngày nay có thể tìm lại trong văn hóa truyền thống những giá trị đạo đức dành cho người nam, người nữ, ắt hẳn họ sẽ hiểu rằng chưa bao giờ người phụ nữ xưa bị áp bức hay mất bình đẳng để phải “vùng lên” đòi quyền bình đẳng, để phụ nữ trở thành đàn ông, đi ngược lại quy luật của thiên nhiên, tạo hóa, sống cuộc sống mệt mỏi và quan hệ tan vỡ.

Thuận theo tự nhiên, theo thiên tính, hai giới mới có thể sống hạnh phúc, hòa hợp với nhau. Mái ấm gia đình cần đàn ông như cây cột cái chống đỡ, và người phụ nữ như chiếc lạt mềm dẻo dai, buộc chắc những xà những cột. Không có những chiếc lạt mềm, làm gì có mái ấm bình yên và cuộc sống còn gì thú vị nữa.

Nguyên Phong



BÀI CHỌN LỌC

Phụ nữ khéo như chiếc lạt mềm, nữ tính níu giữ mái nhà êm