Phú ông ôm vạn lượng vàng, tại sao chịu cảnh bần hàn thế ông?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Thời nhà Hán có một phú ông có vạn lượng vàng, nhưng lại chịu cảnh khổ cực 'bần cùng'. Trong làng có một cao nhân, lương thực trong nhà không quá một thạch, tiền bạc không quá mấy trăm tiền. Mặc dù như vậy, vị cao nhân này vẫn cho rằng mình giàu có. Sau khi phú ông nghe được đạo lý trong đó thì bỗng bừng tỉnh ngộ…

Ai giàu có hơn?

Chuyện kể rằng: khi xưa tại đất Thành Đô, ở quận Thục có một cao nhân tên là Nghiêm Tuân, tên chữ là Quân Bình. Ông làm nghề xem bói mưu sinh, mỗi ngày chỉ cần kiếm được mấy trăm tiền, đủ để duy trì cuộc sống là ông đóng cửa từ tạ khách, chuyên tâm đọc sách.

Vì ông là người hiền đức nên được mọi người kính trọng, uy đức cũng càng ngày càng cao. Các quan tướng đương thời như viên quan đứng đầu Ích Châu là Lý Cường, đại tướng quân Vương Phượng... đều muốn kết giao với Nghiêm Tuân. Họ còn mời ông ra làm quan, nhưng ông đều khéo léo tạ từ.

Đất ấy có một phú ông là La Xung, rất ngưỡng mộ Nghiêm Tuân. Một hôm phú ông đến thăm Nghiêm Tuân và hỏi rằng: "Tiên sinh sao không vào triều làm quan?"

Nghiêm Tuân là người khiêm tốn hòa ái, nói mình không có tài cán gì. La Xung cho rằng Nghiêm Tuân không có tiền, nên không thể đi xa được.

Vậy là vị phú ông nọ bèn sửa soạn ngựa xe, y phục và lương thực, có nhã ý muốn đài thọ để Nghiêm Tuân có thể đi lên kinh thành làm quan. Tuy nhiên Nghiêm Tuân nói: "Tôi coi đó là những thứ lụy phiền, chứ không phải không có tiền đi. Hơn nữa tôi có dư tài sản, ông lại không đủ, sao có thể để người không đủ tài sản giúp người có dư được?"

Cho rằng Nghiêm Tuân thiếu tiền, vị phú ông nọ bèn sửa soạn ngựa xe, y phục và lương thực, có nhã ý muốn đài thọ để Nghiêm Tuân có thể đi lên kinh thành làm quan.
Cho rằng Nghiêm Tuân thiếu tiền, vị phú ông nọ bèn sửa soạn ngựa xe, y phục và lương thực, có nhã ý muốn đài thọ để Nghiêm Tuân có thể đi lên kinh thành làm quan. (Ảnh: Shutterstock)

La Xung không hiểu ý tứ của cao nhân, bèn nói: "Nhà tôi có vạn lượng vàng, còn tiên sinh thì ngay cả một thạch gạo cũng không có, sao lại nói là có dư tài sản? Nói như thế chẳng phải là hoang đường lắm sao?"

Nghiêm Tuân nhẫn nại giải thích rằng: "Không phải ý tứ đó. Trước kia tôi ở nhà ông, mọi người đều đã nghỉ ngơi rồi, ông vẫn còn bận rộn, làm rất nhiều việc. Ngày nào cũng vất vả đêm hôm, nhưng vẫn chưa thỏa mãn. Còn tôi nay làm nghề xem bói mưu sinh, không cần đi đâu mà người ta tự đem tiền đến cho. Trừ những chi tiêu bắt buộc, vẫn còn dư mấy trăm tiền. Số tiền dư đã phủ một lớp bụi dày một tấc, tôi cũng không biết làm gì để tiêu nó đi. Như thế chẳng phải tôi có dư tiền tài, còn ông vẫn chưa đủ đó sao?"

La Xung nghe xong, thốt nhiên bừng tỉnh ngộ, hiểu rõ ý tứ của cao nhân, trong tâm vô cùng hổ thẹn.

Nghiêm Tuân lại nói thêm: "Thứ làm tăng tiền tài cho ta lại là thứ làm tổn hao tinh thần của ta, thứ làm ta nổi danh lại là thứ sát hại ta". Vì thế mà ông không muốn đi làm quan.

Có lẽ trong mắt Nghiêm Tuân, La Xung tuy là phú ông nhưng hàng ngày phải chịu khổ cực 'bần cùng', suốt ngày bận rộn, không được nghỉ ngơi. Mà công danh lợi lộc giống như khói mây trôi qua trước mắt, thoáng chốc là tiêu tán. Nghiêm Tuân không muốn bị mê lạc bản thân trong danh lợi, cũng không muốn mất đi chí hướng của mình. Thế giới tinh thần phong phú mới là giàu có chân chính.

Câu chuyện của Nghiêm Tuân khiến cho chúng ta dễ liên tưởng đến một câu nói của Lão Tử trong Đạo đức kinh: "Tri túc giả phú" (người biết đủ là giàu có). Một người có thể trong bất kỳ cảnh ngộ nào, bất kể là nghèo khó khốn khổ, hay là phú quý vinh hoa, nếu có thể giữ được tâm thái cảm ân tri túc, thì trong tâm ắt sẽ thanh tịnh, đó mới là sự "giàu có" chân chính. Một người bất kể là gặp khổ nạn như thế nào, nếu vẫn có thể nỗ lực tự cường không ngừng nghỉ thì đó mới là người có ý chí nhất.

Trước kia tôi ở nhà ông, mọi người đều đã nghỉ ngơi rồi, ông vẫn còn bận rộn, làm rất nhiều việc. Ngày nào cũng vất vả đêm hôm, nhưng vẫn chưa thỏa mãn. Còn tôi nay làm nghề xem bói mưu sinh, không cần đi đâu mà người ta tự đem tiền đến cho.
"...Mọi người nghỉ ngơi rồi, ông vẫn bận rộn, làm rất nhiều việc. Ngày nào cũng vất vả, nhưng vẫn chưa thỏa mãn. Tôi làm nghề xem bói, không đi đâu mà người ta tự đem tiền đến cho." (Ảnh: Shutterstock)

Chí hướng con người

Xưa có mấy người tụ hội, vui vẻ chuyện trò dông dài. Nhân đà đó họ bèn đàm luận về chí hướng của mình: có người nói muốn làm quan thứ sử Dương Châu, có người muốn có rất nhiều tài sản, có người muốn cưỡi Tiên hạc thành Tiên...

Lúc này có một người thốt nhiên nói một câu: "Lưng giắt mười vạn lạng, cưỡi hạc đến Dương Châu". Ông ta vọng tưởng muốn có được cả 3 nguyện vọng trên.

Câu chuyện nhỏ nhưng ngụ ý sâu xa. Khiếm khuyết lớn nhất của con người chính là tham lam: bình thường thì mong muốn giàu có, cho dù đã có mười vạn lạng bạc thì vẫn không thỏa mãn, muốn làm quan to một vùng, làm quan to vẫn không thỏa mãn, còn muốn được làm Thần Tiên.

Thế tử vương tộc triều Minh là Chu Tái Dục đã viết khúc hát cảnh tỉnh thế nhân là "Sơn pha dương - Thập bất túc" (10 điều không đủ của con dê trên sườn núi):

Cả ngày bận rộn bôn ba
Đủ ăn lại muốn lụa là trắng trơn
Lụa là đã mặc trên thân
Ngẩng đầu chán ngán mái trần thấp chê
Nhà cao cửa rộng đề huề
Bỗng nhiên lại muốn rước về vợ xinh
Vợ xinh thiếp đẹp quanh mình
Lại lo xe ngựa sân đình trống ghê
Kiệu xe tuấn mã tậu về
Tiền hô hậu ủng thiếu bề vinh quang
Gia nhân mấy chục đàng hoàng
Giàu không quyền thế người làng cũng khinh
Tri huyện chức ấy thuộc mình
Lại chê quan nhỏ chẳng vinh họ hàng
Lần lần chạy chức Thị lang
Rồi lên Tể tướng lại màng đăng cơ
Một ngày được thỏa ước mơ
Lên ngôi Thiên tử, chơi cờ cùng Tiên
Thần Tiên chiều ý hiện tiền
Chơi cờ rồi hỏi lên Thiên lối nào?
***
Lối lên trời thấp cao chửa thấy
Lão Diêm Vương đã tới gọi tên
Nạn kia nếu chẳng nhãn tiền
Lên trời rồi vẫn than phiền chưa cao!...

Bằng khúc ca này, Chu Tái Dục đã nói rất hình tượng rằng con người truy cầu không có giới hạn. Cho dù đã có cuộc sống vật chất đủ đầy, thì do dục vọng sai khiến, người ta vẫn không ngừng truy cầu, theo đuổi, đến tận lúc chết mà vẫn chưa thỏa mãn.

Theo Đỗ Nhược - epochtimes.com
Hoàng Mai biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Phú ông ôm vạn lượng vàng, tại sao chịu cảnh bần hàn thế ông?