Quả báo bi thảm của những lần diệt Phật trong lịch sử [Radio]

Giúp NTDVN sửa lỗi

Trải qua hàng nghìn năm lịch sử, sự hồng truyền của Phật Pháp đã giúp con người thế gian duy trì quy phạm đạo đức, gìn giữ đức tin vào Thần Phật, nhân tâm hướng thiện, xã hội an định. Mặc dù vậy, Phật giáo đã gặp không ít lần kiếp nạn. Nguyên do là nhà cầm quyền muốn kiểm soát đức tin để duy trì quyền lực thống trị. Nhưng thực tế lịch sử cho thấy rằng, Phật Pháp là vĩnh hằng, còn những ai chống lại Thần Phật đều sẽ nhận phải quả báo bi thảm.

Trung Quốc đã được mệnh danh là mảnh đất “Thần Châu”, là nơi Phật giáo đại thịnh. Mặc dù là tôn giáo rất có ảnh hưởng ở quốc gia này nhưng Phật giáo lại phải gánh chịu nhiều kiếp nạn nhất. Trung Quốc thời cổ đại có năm vị Hoàng đế từng hồ đố dám chống lại Phật Pháp, kết quả đã có 4 lần tạo thành đại nạn. Sử sách gọi đó là “Tam Vũ nhất Tông diệt Phật”.

1. Bắc Ngụy Thái Vũ Đế phá chùa, đốt tượng Phật

Thời kỳ Nam Bắc triều, Bắc Ngụy Thái Vũ Đế (tên húy là Thác Bạt Đảo, là ông vua thứ ba của triều Bắc Ngụy (386-534)) một mình cưỡi ngựa dẫn quân san bằng tứ quốc, thống nhất phương Bắc. Thời ấy Phật giáo đang rất phát triển, rất nhiều người xuất gia tu hành.

Năm 438, Bắc Ngụy Thái Vũ Đế hạ chiếu ra lệnh bắt những tăng nhân dưới 50 tuổi phải hoàn tục để giải quyết nguồn cung cấp lính. Năm 444, lại cho Phật Pháp là “hoạt động mê tín”, hạ chiếu đuổi tăng lữ.

Thôi Hạo, một sủng thần của Thái Vũ Đế, vốn là người rất sùng bái Đạo giáo. Ông đã dùng ảnh hưởng của mình thuyết phục Thái Vũ Đế bãi bỏ Phật giáo, độc tôn Đạo giáo. Năm 446, Bắc Ngụy Thái Vũ Đế đã hạ chiếu diệt Phật nghiêm trọng nhất. Ông ta ra lệnh bắt đập bỏ và đốt cháy tượng Phật, đốt bỏ kinh thư Phật Pháp, phá hủy chùa chiền, chôn sống tăng lữ.

Kết cục, năm 450 Thôi Hạo và người thân ba nhà có quan hệ thông gia của ông ta đã bị diệt tộc. Trước khi bị đem ra xử tử, Thôi Hạo bị nhốt vào trong cũi để quân lính tiểu tiện vào mặt rồi bị diễu ngoài đường phố, thị uy với dân chúng.

Hai năm sau, lúc Thái Vũ Đế tựa như mặt trời ban trưa, cũng bị hoạn quan giết chết. Lúc ấy, ông ta mới 44 tuổi. Hai người con trai của ông cũng lần lượt bị chết trong tay của hoạn quan.

Năm 452, Bắc Ngụy Văn Thành Đế (440–465), tên húy là Thác Bạt Tuấn lên ngôi kế vị đã ra sức vãn hồi sai lầm của ông nội (Thái Vũ Đế). Văn Thành Đế làm hưng thịnh Phật Pháp, cho kiến tạo hang đá Vân Cương với rất nhiều pho tượng Phật được khắc tinh xảo. Từ đó về sau đất nước sống trong thái bình, dân chúng yên ổn.

Hang đá Vân Cương, Sơn Tây, Trung Quốc (Marcin Białek/CC BY-SA 4.0)

2. Bắc Chu Vũ Đế tuyên chiến với Phật giáo

Cuối thời Nam Bắc triều, Bắc Chu Vũ Đế Vũ Văn Ung (người dân tộc Tiên Ti) dũng mãnh oai hùng, 32 tuổi đã đích thân chinh phạt Bắc Tề, đến 34 tuổi đã thống nhất phương Bắc lần nữa.

Năm 574, Vũ Văn Ung tuyên bố không sợ xuống địa ngục, Phật Đạo đều diệt hết, đốt bỏ kinh thư, đập bỏ tượng Phật. Ông ta ra lệnh buộc các hòa thượng và đạo sĩ phải hoàn tục. Sau khi tiêu diệt Bắc Tề, ông ta lại ra lệnh cấm Phật giáo, Đạo giáo trong nước Bắc Tề, phá bỏ và biến 40.000 ngôi chùa đạo viện thành nhà ở, thiêu hủy dấu tích của Phật giáo. Đồng thời, ông ta cũng cưỡng ép 3.000.000 tăng ni phải hoàn tục, khiến cho Phật giáo ở phương bắc gần như không còn lại dấu tích gì.

Chỉ đúng 4 năm sau ngày ra lệnh đàn áp Phật giáo, năm 578, Chu Vũ Đế lâm trọng bệnh trong cuộc hành quân tấn công Đột Quyết, mất ở tuổi 36.

Nhưng Bắc Chu Vũ Đế “diệt” Phật, họa không chỉ dừng lại ở đấy. Sau khi Vũ Văn Ung qua đời, thái tử Vũ Văn Uân 19 tuổi lên ngôi, tàn bạo hoang dâm. Đến năm sau, ông ta đã nhường ngôi cho đứa con trai 6 tuổi, còn bản thân ở trong hậu cung phóng túng hoang dâm, 3 năm sau thì bệnh chết. Sau khi con thơ kế vị, đại quyền rơi vào trong tay ông ngoại là Dương Kiên.

Năm 581, Dương Kiên phế bỏ Bắc Chu, lập nên triều Tùy. Chưa đầy 2 năm, Dương Kiên đã nhanh chóng diệt sạch 43 gia tộc con cháu hoàng thất Vũ Văn, ngoài ra dòng họ Vũ Văn cơ bản đã bị giết sạch không còn lại một ai.

3. Đường Vũ Tông diệt Phật

Các hoàng đế đời Đường đều rất tôn sùng Phật giáo, nhưng Đường Vũ Tông (814-846) lại là một ngoại lệ. Khi lên ngôi trị vì, ông rất có ác cảm với Phật giáo và luôn tìm cách đàn áp tôn giáo này.

Đường Vũ Tông rất tôn sùng Đạo giáo, mê mẩn thuật trường sinh bất tử, từng cho triệu một đạo sĩ có tên là Triệu Quy Chân vào cung luyện thuốc trường sinh cho mình. Quy Chân nhiều lần khuyên Đường Vũ Tông nên diệt đạo Phật.

Năm 842, Đường Vũ Tông ra lệnh mỗi nơi chỉ được xây một ngôi chùa, buộc các nhà sư hoàn tục. Đến năm 845, cuộc đàn áp diễn ra với quy mô rộng lớn hơn. Chỉ trong một năm có tới hơn 260.000 tăng lữ bị bắt phải hoàn tục, nộp thuế như bình dân, hơn 4600 ngôi chùa bị phá hủy, đất đai nhà chùa bị tịch thu, tượng Phật bị nung chảy để đúc đồng. Sử cũ gọi là “Hội Xương diệt Phật”.

Đường Vũ Tông ra lệnh mỗi nơi chỉ được xây một ngôi chùa, buộc các nhà sư hoàn tục.

Không lâu sau khi áp dụng những cuộc tàn sát, bức hại trên quy mô lớn với Phật giáo, Đường Vũ Tông đã phải gánh chịu những nghiệp quả của mình. Cuối năm 845, ông lâm trọng bệnh. Chỉ một năm sau, Đường Vũ Tông qua đời ở tuổi 32. Nhà Đường sau đó cũng chao đảo vì những cuộc khởi nghĩa nông dân.

4. Vương triều hùng mạnh nhất Tây Tạng gặp họa vong quốc vì diệt Phật

Tây Tạng vốn là vùng đất lấy tín ngưỡng Phật giáo làm sinh mệnh cho dân tộc mình. Nhưng trong lịch sử, cũng từng phải trải qua một lần diệt Phật.

Vương triều Thổ Phồn (618-842 SCN, một vương quốc từng thống trị Tây Tạng) là một quốc gia mới nổi và mạnh mẽ khi vua Tùng Tán Can Bố (Songtsän Gampo) kết hôn với công chúa Văn Thành của nhà Đường 1.400 năm trước. Mối quan hệ của Tây Tạng với Trung Quốc xấu đi khi Tây Tạng trở nên mạnh hơn.

Tuy nhiên, vương triều này không bị sụp đổ bởi những cuộc chiến với Trung Quốc. Khoảng 200 năm sau, quốc vương Thổ Phồn bắt đầu cuộc vận động diệt Phật, và một chuỗi những thảm họa tự nhiên đã phát sinh. Cuối cùng vương triều bị sụp đổ, nhưng Phật giáo vẫn tồn tại đến ngày nay.

Sự phát triển của Phật giáo và sự hùng mạnh của vương triều Thổ Phồn

Phật giáo được truyền vào Tây Tạng không lâu sau khi vua Tùng Tán Can Bố dựng nước. Ông đã xây chùa Đại Chiếu (Jokhang ) và cung Bố Đạt Lạp (Potala). Những người nối ngôi ông đều ủng hộ Phật giáo, một số quốc vương và hoàng tử theo ông từ bỏ vương vị và xuất gia tu hành. Vương triều Thổ Phồn dần dần trở nên hùng mạnh hơn cùng với sự phát triển của Phật giáo.

Những người nối ngôi ông đều ủng hộ Phật giáo, một số quốc vương và hoàng tử theo ông từ bỏ vương vị và xuất gia tu hành. (Ảnh Phật giáo ở Tây Tạng/Amar/CC BY-SA 3.0)

Sau khi hoàng đế Đường Thái Tông mất, Thổ Phồn hùng mạnh đến nỗi Trung Quốc không thể ngăn chặn sự xâm lăng của họ. Thổ Phồn mở rộng cuộc tấn công đến Thanh Hải, Tứ Xuyên, Cam Túc, và từng một lần chiếm cứ kinh đô Trường An. Những hoàng đế của nhà Đường hùng mạnh – Đường Cao Tông, Đường Túc Tông, Đường Hiến Tông - đều không thể chế ngự Thổ Phồn.

Quốc vương Lãng Đạt Mã bức hại tăng nhân

Theo Tân Đường Thư, sau khi quốc vương Thổ Phồn là Tán Phổ (Ralpacan) qua đời, Đạt Ma (Người Tây Tạng gọi là Lãng Đạt Mã – Langdarma) đã nối ngôi. Sứ giả nhà Đường miêu tả ông ta là một kẻ nghiện rượu thích săn bắt. Ông ta nổi tiếng là kẻ cai trị khắc nghiệt và không nghe lời cận thần. Lãng Đạt Mã đã phát động cuộc bức hại Phật Pháp, dẫn đến chính sự trong nước hỗn loạn.

Lãng Đạt Mã buộc các tăng nhân phải đi săn và xem việc họ đi săn là sự từ bỏ Phật giáo. Ông đã giết những người từ chối từ bỏ niềm tin của họ. Lãng Đạt Mã đóng cửa tất cả tu viện và Phật điện. Ông biến chùa Đại Chiếu thành lò giết mổ và chùa Tiểu Chiếu (Ramoche) thành chuồng bò.

Lãng Đạt Mã ra lệnh thay thế những bức tranh trên tường, các di tích và đồ tạo tác quý giá trong các ngôi đền bằng tranh vẽ các thầy tăng say rượu để làm nhục danh tiếng của Phật giáo. Ông đã đóng đinh các tượng Phật và trói dây vào cổ các bức tượng rồi ném xuống sông.

Các tai họa đã tàn phá vương triều Thổ Phồn vào năm 839 SCN: động đất, lở đất ở những vùng núi thuộc tỉnh Tứ Xuyên và Cam Túc ngày nay, nước chảy ngược vào sông Thao, bệnh dịch bùng phát, người ta thức dậy kế bên người thân đã chết. Một số người nghe thấy tiếng trống bí ẩn vào giữa đêm ở khu vực tỉnh Thanh Hải ngày nay.

Lãng Đạt Mã đã chết bất ngờ vào ba năm sau đó – năm 842 SCN. Vì không có con, phi tần của ông ta đã đưa cháu trai của bà lên cai trị, người này sau đó bị một quan đại thần giết chết.

Cho nên, vương triều Thổ Phồn hùng mạnh không bị đánh bại bởi nhà Đường, mà lại bị diệt vong trong tay một ông vua ngu xuẩn, nhưng Phật giáo vẫn phát triển phồn vinh ở Tây Tạng.

Lam Sơn
(t/h)



BÀI CHỌN LỌC

Quả báo bi thảm của những lần diệt Phật trong lịch sử [Radio]