Quả báo ghê rợn dành cho vị bá tước thảm sát cả một thành phố châu Âu

Giúp NTDVN sửa lỗi

Chiến tranh Ba Mươi Năm (1618–1648) là một trong những cuộc chiến đẫm máu nhất ở Châu Âu. Nó đã cướp đi sinh mạng của 4,5 - 8 triệu người và vẽ lại hoàn toàn bản đồ chính trị của Lục địa già. Cuộc chiến này lộn xộn và phức tạp với nhiều phe phái và động cơ khác nhau, nhưng có thể tóm tắt ngắn gọn lại trong bốn chữ “xung đột tôn giáo”, cụ thể là Công giáo La Mã với Tin lành.

Chiến tranh Ba mươi - cuộc chiến tôn giáo giữa những người Công giáo và Tin lành

Giai đoạn đầu tiên của Chiến tranh Ba mươi năm chủ yếu là một cuộc nội chiến tôn giáo giữa các tiểu quốc Đức của Đế chế La Mã Thần thánh, tất nhiên có cả sự can thiệp của các thế lực bên ngoài. Đó là câu chuyện về các Thân vương theo đạo Tin lành nổi dậy chống lại sự chuyên chế của Giáo hội La Mã. Trung tâm của cuộc đấu tranh ác liệt này là thành phố Magdeburg, một biểu tượng của người Đức theo đạo Tin lành, pháo đài nổi dậy ở phía bắc của Đế quốc La Mã Thần thánh.

Được những người Tin lành coi là “văn phòng của Chúa”, Magdeburg đã có một thành tích kháng chiến anh hùng. Vào năm 1629, nó chống lại các sắc lệnh của Đế quốc và chiến thắng một cuộc bao vây, sau đó là một lễ hội tưng bừng lan tràn mọi ngóc ngách của thành phố, khắp nơi vang dậy câu hát “Giữ vững, Magdeburg, ngôi nhà được xây kiên cố; dù khách ngoại bang đến đuổi ta đi…”

Nhưng niềm vui ngắn chẳng tày gang, vào năm 1631, chỉ hai năm sau lễ kỷ niệm vui vẻ, thành phố được ví như hòn ngọc quý này đã phải đối mặt với những ngày đen tối nhất. Hơn 25.000 cư dân của Magdeburg lại bị bao vây. Lần này bởi một lực lượng có quy mô tương đương với toàn bộ dân số của thành phố.

Cuộc chiến Magdeburg, 1631. Nguồn: Wikimedia, phạm vi công cộng.

Cuộc bao vây được chỉ huy bởi Thống chế Pappenheim, một người cải đạo theo Công giáo, thuộc hạ của Johann Tserclaes, tức Bá tước Tilly, lãnh đạo lực lượng đánh thuê Flemish. Trong hai tháng, Pappenheim cố gắng hạ Magdeburg, nhưng chỉ chiếm được một số công sự bên ngoài.

Bá tước Tilly. Nguồn: Wikimedia, phạm vi công cộng.
Thống chế Pappenheim. Nguồn: Wikimedia, phạm vi công cộng.

Thế rồi Pappenheim thuyết phục được Tilly - vốn đang tàn phá vùng nông thôn và tiến hành hoạt động ở những nơi béo bở khác - gửi tiếp viện, khiến lực lượng Đế quốc lên tới hơn 40.000 người. Với sự tăng cường này, có lẽ chẳng mấy chốc đội quân bao vây sẽ đạt được mục đích.

Trong khi đó, những cư dân kiệt sức của Magdeburg tuyệt vọng chờ đợi cứu viện. Người ta tin rằng vua Thụy Điển, một người Tin lành, sẽ đến giải vây. Tất nhiên nếu họ có thể cầm cự đến lúc đó… Tiếc là ông đã không đến.

Quân đội Bá tước Tilly - đội quân khát máu

Vào sáng ngày 20 tháng 5 năm 1631, lực lượng của Tilly xông được vào thành phố. Công cuộc cướp bóc và đốt phá bắt đầu diễn ra.

“Khi người dân hết đồ để cho quân lính, sự khốn khổ mới thực sự bắt đầu. Vì sau đó, quân lính bắt đầu đánh đập, đe dọa bắn, xiên, treo cổ, v.v… người dân.” - Otto von Guericke, ủy viên hội đồng Magdeburg.

“Nơi ấy bắt đầu một cảnh tượng kinh hoàng không thể diễn tả được bằng ngôn ngữ và ngòi bút. Cả trẻ thơ hồn nhiên, lẫn người già bơ vơ; không một tuổi tác, giới tính, giai tầng hay dung nhan nào có thể hóa giải cơn thịnh nộ của những kẻ chinh phục. Vợ bị hành hạ ngay trong tay chồng, con gái dưới chân cha mẹ; những người không thể tự vệ đã phải chịu sự hy sinh kép: mất đi cả tiết hạnh và mạng sống. Không một hoàn cảnh nào, dù hèn mọn hay thiêng liêng, thoát khỏi sự tàn bạo của kẻ thù.” - Friedrich Schiller, “Lịch sử Chiến tranh Ba Mươi Năm”.

Thảm sát Magdeburg. Nguồn: Wikimedia, phạm vi công cộng.

Binh lính thích thú với việc ném trẻ em vào lửa và đâm xuyên trẻ sơ sinh vào ngực mẹ chúng. Trong một nhà thờ, 53 phụ nữ được tìm thấy đã bị chặt đầu. Tội ác thật khó có thể tưởng tượng.

Một số sĩ quan của đội quân chinh phục cũng phải kinh hoàng. Họ kêu gọi Tilly dừng cuộc tàn sát. Nhưng phản ứng ớn lạnh của ông ta là: “Hãy để sau một giờ nữa. Ta sẽ xem xem có thể làm những gì; lính tráng phải có phần thưởng cho sự mạo hiểm và vất vả của họ chứ.”

Và thế là những binh lính tiếp tục thỏa sức thực hiện những hành vi man rợ.

Cuối cùng, ngọn lửa đốt phá ngùn ngụt buộc quân Đế quốc phải rút lui về trại. Trong vòng chưa đầy 12 giờ, thành phố hùng mạnh và hưng thịnh đã biến thành tro bụi. Chỉ còn sót lại hai nhà thờ và một vài ngôi nhà.

Nhưng đó vẫn chưa phải là kết thúc.

Ngay sau khi lửa tắt, binh lính quay trở lại để tiếp tục cướp bóc giữa đống đổ nát và tro tàn. Nhiều kẻ đã chết ngạt vì khói khi đào tìm chiến lợi phẩm trong những căn hầm ngầm.

“Cảnh tượng hiện ra thật kinh khủng và ghê tởm đối với nhân tính. Người sống chui lên từ cõi chết, trẻ thơ lang thang gào khóc thảm thiết gọi cha mẹ; và trẻ sơ sinh vẫn đang nhay bú nơi bà mẹ đã chết. Hơn 6.000 thi thể bị ném xuống sông Elbe để dọn sạch đường phố; số lớn hơn nhiều đã bị ngọn lửa thiêu rụi. Toàn bộ số người bị giết được tính là không ít hơn 30.000.” - Friedrich Schiller, “Lịch sử Chiến tranh Ba Mươi Năm”.

Số liệu của Friedrich Schiller có hơi lớn hơn thực tế nhưng không làm thay đổi mức độ khủng khiếp của sự việc. Trong số 25.000 cư dân, chỉ có 5.000 người sống sót, ít nhất 1.000 người trong số này đã trốn vào Nhà thờ Magdeburg và 600 người vào tu viện Dòng Premonstratensian.

Tin tức lan truyền nhanh chóng, gây ra nỗi sợ hãi trong lòng những người theo đạo Tin lành. Người Công giáo La Mã tràn ngập niềm vui chiến thắng.

“Tôi tin rằng hơn 20.000 linh hồn đã tắt. Chắc chắn rằng không có công việc khủng khiếp và hình phạt thiêng liêng nào như thế được nhìn thấy kể từ khi thành Jerusalem bị phá hủy. Tất cả những người lính của chúng ta đều trở nên giàu có. Chúa ở cùng chúng ta.” - Pappenheim.

"Ngài đã rửa bàn tay chiến thắng của mình trong máu của những kẻ tội lỗi." - Giáo hoàng Urban VIII viết trong thư chúc mừng gửi Bá tước Tilly.

Mặc dù Magdeburg đánh mất vị thế quan trọng của mình, nhưng sự phá hủy của nó không thể ngăn cản phong trào Tin lành. Nỗi sợ hãi ban đầu dần chuyển thành sự phẫn nộ và thuyết phục nhiều nhà cai trị theo đạo Tin lành đứng lên chống lại đế chế Công giáo La Mã trong nhiều năm sau đó.

Quả báo cho những kẻ đầu sỏ tội ác

Và quả báo đến với Bá tước Tilly khá nhanh. Cuộc thảm sát Magdeburg khiến vua Thụy Điển Gustavus Adolphus kiên quyết chiến đấu. Tilly giao chiến với Gustavus Adolphus trong Trận Breitenfeld vào ngày 17 tháng 9 năm 1631. Trong trận chiến, ông ta đã bị Vua Gustavus Adolphus áp đảo và chịu thương vong 27.000 người. Sự cơ động và hỏa lực pháo nhanh, chính xác của quân Thụy Điển đã khiến quân của Tilly tan vỡ và bỏ chạy. Rất nhiều trong số này bị nông dân lùng bắt và giết để trả thù.

Sau đó, trong Trận Rain vào ngày 15 tháng 4 năm 1632, Tilly bị một viên đạn súng hỏa mai làm gãy đùi phải, chịu sự hành hạ của việc nhiễm trùng xương trong gần 15 ngày, cho đến khi chết tại Ingolstadt ở tuổi 73 vào ngày 30 tháng 4 năm 1632.

Pappenheim bị trọng thương trong Trận Lützen ngày 16 tháng 11 năm 1632 và chết trên đường di tản ngay sau đó.

Giáo hoàng Urban VIII gây ra khoản nợ khổng lồ trong triều đại của mình, dẫn đến những người kế vị không thể duy trì vị thế ở châu Âu nữa. Vì những chi phí mà thành Rome phải gánh chịu để tài trợ cho chiến tranh, ông trở nên vô cùng không được lòng thần dân. Khi Urban VIII qua đời, bức tượng bán thân của ông trên Đồi Capitoline đã nhanh chóng bị phá hủy bởi đám đông giận dữ. Sau này, cũng không còn giáo hoàng nào lấy hiệu là Urban nữa.

Tất nhiên, có thể nhiều người vẫn không tin tưởng và hài lòng về nhân quả trong sách lịch sử. Ví dụ như nhiều vua chúa và tướng lĩnh khác cũng giết chóc nhiều mà lại an hưởng tuổi già. Tuy nhiên chúng ta hãy bình tâm khảo cứu cho kỹ càng, sẽ phát hiện, thực ra rất hiếm võ tướng và nhà chinh phạt được bình yên trường thọ. Ngoài ra, chiến tranh là quy luật lịch sử, thường xảy ra khi đạo đức nhân loại đang suy đồi. Các vị vua chúa và tướng lĩnh có thể chinh phạt thành công đều không phải là loại người táng tận như Bá tước Tilly.

Ví dụ như Thành Cát Tư Hãn, những trận chiến của ông gây ra cái chết của rất nhiều người, nhưng thực ra quân đội của ông chỉ tàn bạo với những nơi ngoan cố không chịu đầu hàng, ngoài ra người Mông Cổ cũng hết sức khoan dung với tôn giáo, tín ngưỡng. Thành Cát Tư Hãn không thảm sát dựa trên chủng tộc và tín ngưỡng, mà trái lại, ông sẵn lòng thu nạp tất cả. Ông hết sức coi trọng những học giả, trí thức có đức tin, đạo đức, xem họ là nòng cốt để ổn định những vùng đất vừa chiếm được. Các con cháu của Thành Cát Tư Hãn cũng tiếp nối tinh thần này, nên toàn bộ Đế quốc Mông Cổ mới có thể tồn tại gần 200 năm.

Chúng ta cần nhìn vào những bài học giáo huấn chính diện của lịch sử. Mượn danh Thần linh, nhân danh hệ tư tưởng để giết chóc, cướp bóc vốn đã là tội nghiệp cực đại. Vậy đàn áp, bách hại, thảm sát những người mang đức tin, chính tín thì hậu quả còn kinh khủng đến thế nào? Những nhà lãnh đạo, những triều đại phạm phải tội lỗi đó ắt không thể có kết cục tốt đẹp.

Hữu Đức

Văn hoá Lịch sử


BÀI CHỌN LỌC

Quả báo ghê rợn dành cho vị bá tước thảm sát cả một thành phố châu Âu