Câu chuyện về Quách Thác Đà - Trị quốc như trồng cây

Giúp NTDVN sửa lỗi

Liễu Tông Nguyên - một nhân vật nổi tiếng trong Đường Tống Bát Đại Gia, là nhà văn, nhà triết học nổi tiếng đời Đường. Ông mượn câu chuyện của một người trồng cây mà rút ra đạo lý trị quốc giản dị mà sâu sắc.

Thuở nhỏ Liễu Tông Nguyên cần mẫn hiếu học, năm 13 tuổi đã có tiếng giỏi văn chương, năm 20 tuổi đỗ tiến sĩ, được trao chức Hiệu thư lang, sau thăng làm Giám sát Ngự sử Lý hành, Lễ bộ Viên ngoại lang. Dựa vào trải nghiệm và khả năng quan sát, ông đã viết tác phẩm "Truyện Quách Thác Đà trồng cây", trong đó có câu: "Thuận theo bản tính thiên bẩm của cây thì có thể đạt đến đặc tính của nó, cao chọc trời". Đây là phép tắc trồng cây, nhưng cũng mượn nó để chỉ ra đạo lý nuôi dưỡng con người, người làm quan trị sửa người dân, không được "gây phiền nhiễu, mệnh lệnh". Bài văn đã lưu truyền ngàn năm, rực rỡ ánh quang huy, rất giàu ý nghĩa xã hội... với nội dung như sau:

Quách Thác Đà (nghĩa là người họ Quách gù lưng). Mọi người đều không ai biết ông ta vốn tên gì. Do từ nhỏ bị bệnh còi xương, lưng gù nhô cao, phủ phục người khi đi đường giống như dáng vẻ lạc đà, do đó mọi người trong làng gọi ông ta là "Thác Đà", nghĩa là gù lưng. Thác Đà nghe được biệt hiệu này thì nói rằng: "Rất hay, dùng nó gọi tôi quả là rất xác đáng". Thế là ông ta bỏ tên cũ và cũng tự xưng là "Thác Đà".

Quê Thác Đà vốn ở làng Phong Lạc, thuộc ngoại ô phía Tây thành Trường An. Thác Đà làm nghề trồng cây. Những gia đình nhân sỹ, danh gia ở thành Trường An xây dựng vườn để du ngoạn thưởng lãm và những thương nhân bán hoa quả đều tranh nhau thuê ông. Những cây mà Thác Đà trồng hoặc di chuyển, không có cây nào là không sống cả, hơn nữa còn luôn cao lớn tốt tươi, kết trái vừa sớm lại vừa nhiều. Những người trồng cây khác tuy có quan sát bắt chước ông nhưng đều không thể sánh được.

Có người hỏi nguyên nhân, ông trả lời rằng: "Quách Thác Đà tôi không thể khiến cây sống được lâu dài và mau lớn, chẳng qua là có thể thuận theo quy luật sinh trưởng tự nhiên của cây, khiến cây trưởng thành theo tập tính riêng của nó mà thôi.

Thông thường yêu cầu đối với cây trồng là: Rễ cây phải xòe, vun đất phải đều. Yêu cầu đối với cây di dời là phải giữ đất cũ ở phần rễ cây, đập đất nhỏ mịn. Như vậy sau này không cần phải động đến nó nữa, cũng không phải lo lắng về nó nữa. Rời đi cũng không cần phải quay lại xem xét nó nữa. Lúc di dời ươm cây, cần phải tỉ mỉ chăm chút như nuôi dưỡng con cái. Sau khi trồng xong thì để đó, phải giống như vứt bỏ nó đi vậy, như thế quy luật sinh trưởng của cây có thể không bị phá hoại, mới có thể sinh trưởng theo bản tính tự nhiên của nó. Tôi chỉ không phương hại đến sự sinh trưởng của nó mà thôi, hoàn toàn không có bản lĩnh đặc biệt nào khiến cây cao lớn tốt tươi. Tôi chỉ không ức chế, không làm giảm kết trái của nó mà thôi. Tôi cũng không có bản lĩnh đặc thù khiến trái cây kết sớm lại nhiều.

Sau khi trồng xong thì để đó, phải giống như vứt bỏ nó đi vậy, như thế quy luật sinh trưởng của cây có thể không bị phá hoại, mới có thể sinh trưởng theo bản tính tự nhiên của nó.
Sau khi trồng xong thì để đó, phải giống như vứt bỏ nó đi vậy, như thế quy luật sinh trưởng của cây có thể không bị phá hoại, mới có thể sinh trưởng theo bản tính tự nhiên của nó. (Ảnh: Pixabay).

Những người trồng cây khác lại không như thế. Rễ cây cuộn vào không duỗi ra, lại thay đất mới. Vun đất thì hoặc nhiều quá, hoặc ít quá. Nếu có người làm được ngược với những người này thì lại yêu cây quá sâu đậm, lo lắng quá nhiều. Sáng sớm xem cây, tối lại chạm mó, đi rồi vẫn còn ngoái đầu lại xem. Nghiêm trọng hơn còn dùng móng tay cạy hỏng vỏ cây để kiểm tra xem cây sống hay chết, rung lắc cây để kiểm tra xem trồng có vững chắc không. Như thế bản tính của cây sẽ ngày càng mất đi. Tuy nói là yêu quý bảo vệ cây, thực tế lại là hại cây. Tuy nói là lo lắng cho cây, thực tế lại là thù hận cây. Do đó họ đều không như tôi. Thực ra tôi chẳng có bản lĩnh gì, chỉ là thuận kỳ tự nhiên, tuân theo bản tính đối với cây mà thôi".

Người đó hỏi tiếp: "Đem đạo lý trồng cây của ông chuyển đến áp dụng cho người làm quan trị sửa dân có được không?"

Thác Đà nói: "Tôi chỉ biết trồng cây thôi, việc làm quan trị sửa dân không phải nghề của tôi. Nhưng tôi sống ở quê, thấy những quan lại ở đó thích ban bố đủ các loại mệnh lệnh, có vẻ là rất yêu dân, nhưng cuối cùng lại tạo thành tai họa. Hàng ngày vào buổi sáng sai nha, thư lại đến thôn nói lớn: "Quan trên mệnh lệnh đôn đốc bà con cày ruộng, khích lệ bà con gieo giống, đốc thúc bà con thu hoạch. Bà con hãy sớm kéo tơ, sớm xe tơ. Bà con nuôi dạy tốt con cái. Bà con đã cho gà lợn ăn chưa?". Lúc lại gõ trống tụ tập mọi người, lúc lại gõ mõ triệu tập mọi người.

Người dân chúng tôi chẳng kịp ăn cơm tối cơm sáng. Đáp ứng sai nha, thư lại còn không có thời gian thì dựa vào đâu để chúng tôi có thể nhân khẩu hưng vượng, cuộc sống an định được? Do đó mọi người đều vô cùng khốn khổ và mệt nhọc. Như thế này thì so với những người trong nghề của tôi thì đại khái cũng có những chỗ tương đồng".

Người kia vô cùng cảm khái nói: "Ông nói rất hay. Tôi hỏi trồng cây, lại có được phương pháp nuôi dưỡng an dân".

Liễu Tông Nguyên tôi ghi chép lại câu chuyện này để làm tấm gương khuyên răn quan lại.

Người xưa nói: "Quá cũng như chưa đủ, kết quả ngược lại". Đạo trung dung là chớ có cực đoan thiên lệch.

Trung Hòa (biên dịch)
Tác giả: Tần Tự Tỉnh - secretchina.com



BÀI CHỌN LỌC

Câu chuyện về Quách Thác Đà - Trị quốc như trồng cây