Quảng Lăng tản - Khúc nhạc tuyệt phẩm lúc lâm chung

Giúp NTDVN sửa lỗi

Ông nhìn bóng nắng, biết cách lúc hành hình không còn lâu nữa, bảo anh mình là Kê Hỷ giúp mang tới cây đàn mà ông thường dùng, trên pháp trường tấu lên khúc “Quảng Lăng tản”.

Kê Khang, tự Thúc Dạ, sinh vào năm Hoàng Sơ thứ 5 đời Ngụy Văn Đế (năm 224), là người huyện Trất, quận Tiều (nay là An Huy, Tuy Khê, Lâm Hoán trấn). Ông là nhân vật đại biểu quan trọng có ảnh hưởng sâu rộng trong lịch sử Trung Hoa thời Ngụy Tấn, do từng đảm nhiệm chức Trung tán đại phu, nên người sau này gọi ông là Kê Trung tán; cùng với các vị Nguyễn Tịch, Sơn Đào, Hướng Tú, Lưu Linh, Vương Nhung và Nguyễn Hàm lập lên danh trùm thiên hạ: “Trúc lâm thất hiền” (Bảy vị hiền tài trong rừng trúc), tên ông xếp vị trí thứ nhất. Trong các danh sĩ Ngụy Tấn, ông ngang hàng với Nguyễn Tịch, nên cũng gọi là Nguyễn Kê.

Cha Kê Khang mất sớm, được mẹ và anh nuôi dưỡng thành người. Tuổi nhỏ, ông đã thông minh dĩnh ngộ, bác lãm quần thư, học tập các loại kỹ nghệ, khi lớn thích đọc các trước tác của Đạo gia. Thân cao 7 thước 8 thốn (Khoảng 1.88 mét), dung mạo cử chỉ xuất chúng, nhưng ông không chú trọng đến vẻ ngoài của mình. Danh sĩ Sơn Đào khen ngợi ông: Kê Thúc Dạ cao lớn như cây tùng cô độc đứng sừng sững, khi say rượu thì ngật ngưỡng nguy nga như núi ngọc sắp đổ.”

Sau này, ông lấy con gái cả của Bái Vương Tào Lâm (Cháu gái Tào Tháo) làm vợ, sinh được một nam một nữ. Ông thường tu luyện tâm tính, đàn hát ngâm thơ, lấy đó làm vui, an nhiên tự tại.

Kê Khang sùng thượng Lão Trang, ông từng nói: Lão Trang, ngô chi sư dã!” (Lão Trang là Thầy của ta), với chủ trương “Việt danh giáo nhi nhậm tự nhiên” (Tạm dịch: Siêu việt khỏi bó buộc về danh phận, giáo lý mà thuận theo tự nhiên), ông viết “Dưỡng sinh luận”, nói rõ đạo dưỡng sinh của mình. Ông tán dương các sự tích của cao nhân ẩn sĩ thời cổ đại, hướng về cuộc sống xuất thế, không muốn ra làm quan.

Kê Khang từng du ngoạn lặn lội núi sông hái thuốc, lúc đắc ý, mơ màng quên cả đường về nhà. Khi ấy có người kiếm củi gặp ông, cứ gỡ gặp Thần Tiên. Có dịp vào núi ở quận Cấp gặp ẩn sĩ Tôn Đăng, Kê Khang cùng ông ngao du. Tôn Đăng trầm mặc tự thủ, không nói không rằng. Lúc chia tay, Tôn Đăng mới cất lời nói với Kê Khang: Ông tính tình mạnh mẽ mà lại là kẻ tuấn kiệt tài năng, sao có thể tránh được tai họa?”

Kê Khang hồi quy tự nhiên, siêu xuất khỏi ngoại vật, tự do tự tại, không bị thế tục ràng buộc, nhưng vẫn coi trọng tình bạn hữu. Ông thích làm nghề rèn sắt, lò rèn của ông đặt phía sau vườn dưới một gốc liễu cổ thụ xum xuê. Ông dẫn nước suối vào, làm thành ao nhỏ bao quanh gốc liễu, rèn sắt mệt rồi bước xuống ao ngâm mình. Người thấy ông nếu không tấm tắc: Phất phơ tĩnh tại, trong sáng nhẹ nhàng”, thì cũng tán dương: Như gió dưới bóng tùng, buông xuống từ trên cao”.

Ông thường tu luyện tâm tính, đàn hát ngâm thơ, lấy đó làm vui, an nhiên tự tại. (Tranh: zhengjian)

Trong “Tấn thư. Kê Khang truyện” có viết: “Kê Khang gia cảnh bần khốn, thường cùng với Hướng Tú làm rèn dưới gốc cây để mưu sinh”. Ông lấy nghề rèn sắt để biểu thị lòng mình đã tránh xa nhân thế ồn ào và coi thường thế tục, là thể hiện cảnh giới tinh thần của ông.

Chung Hội xuất thân từ gia đình danh gia vọng tộc, là con của Chung Dao, “Vốn là người thông mẫn có trí tuệ, tuổi trẻ tài cao”, năm 19 tuổi đã làm Bí thư lang; ba năm sau thăng chức Thượng thư lang, 29 tuổi được tiến phong Quan nội hầu. Nhưng Kê Khang lại cự tuyệt kết giao với Chung Hội. Còn Chung Hội đối với Kê Khang, người hơn mình hai tuổi, càng thêm phần kính trọng.

Một lần, Chung Hội đến thăm Kê Khang, Kê Khang chẳng thèm ngó ngàng, cắm cúi rèn sắt dưới gốc cây, cứ như không có ai ở đó. Chung Hội thấy mất hứng, bực bội bỏ đi. Tới lúc này Kê Khang mới cất lời, ông hỏi Chung Hội: “Nghe thấy gì mà đến, nhìn thấy gì mà đi?”.

Chung Hội đáp: “Nghe cái nghe được mà đến, thấy cái nhìn thấy mà đi”.

Do sự lãnh đạm đó mà Chung Hội vẫn còn để bụng.

Tư Mã Chiêu từng muốn lôi kéo Kê Khang, nhưng khi ấy Kê Khang lòng nghiêng về nhà họ Tào, không có thái độ hợp tác với nhà Tư Mã, do vậy bị Tư Mã Chiêu thù ghét. Một trong Trúc lâm thất hiền là Sơn Đào, khi ấy muốn rời chức vụ tuyển quan, nên đã tiến cử Kê Khang thay mình nhận chức đó. Kê Khang liền viết “Dữ Sơn Cự Nguyên tuyệt giao thư” (Thư tuyệt giao với Sơn Cự Nguyên), không chỉ kiên quyết cự tuyệt làm quan, mà còn công khai tuyên bố tuyệt giao với Sơn Đào.

Lữ Tốn, Lữ An cả hai anh em đều là bạn của Kê Khang, nhưng hai anh em nhà họ đột nhiên phát sinh một vụ kiện lớn chấn động xa gần. Lữ Tốn thấy vợ của em là Từ thị dung mạo ưa nhìn, thừa dịp Lữ An vắng nhà, sai vợ chuốc rượu em dâu say, rồi giở trò dâm ô. Sự việc bị phát giác, Lữ An muốn kiện lên quan. Lữ Tốn vội nhờ Kê Khang điều đình. Kê Khang nể tình, đứng ra dàn xếp.

Thế nhưng, sau đó Lữ Tốn lại lật ngược vụ kiện, nói Lữ An là kẻ bất hiếu, dám vượt mặt mẫu thân. Lữ An khó mà biện giải, nên nghĩ đến nhờ người bạn mà ông rất đỗi tôn trọng là Kê Khang. Kê Khang đập bàn đứng dậy, viết phong thư “Dữ Lữ trưởng đễ tuyệt giao thư”, trách mắng Lữ Tốn thậm tệ. Ông muốn qua thư tuyệt giao này mà biểu đạt sự yêu ghét của mình, cùng luận chứng về hàm nghĩa bằng hữu.

Sau khi Lữ An bị vào ngục, Kê Khang vì việc nghĩa, đã ra làm chứng cho Lữ An, gây tức giận cho đại tướng Tư Mã Chiêu. Khi ấy, Chung Hội do có hiềm kích với Kê Khang từ trước, nên thêm dầu vào lửa kích động Tư Mã Chiêu hãm hại Kê Khang, Tư Mã Chiêu do vậy ra lệnh xử tử Kê Khang và Lữ An.

Ngày hành hình, tập thể ba nghìn Thái học sinh thỉnh nguyện đại xá miễn tội cho Kê Khang, đồng thời yêu cầu mời Kê Khang về Thái học làm thầy dạy, nhưng yêu cầu không được đáp ứng. Trước khi lâm chung, Kê Khang thần sắc không thay đổi, thanh thản như lúc thường.

Ông nhìn bóng nắng, biết cách lúc hành hình không còn lâu nữa, bảo anh mình là Kê Hỷ giúp mang tới cây đàn mà ông thường dùng, trên pháp trường tấu lên khúc “Quảng Lăng tản”. Khúc nhạc dứt, Kê Khang đặt đàn xuống, than rằng: “Viên Hiếu Ni thường mong học khúc này, ta chần chừ luyến tiếc chưa dạy, vậy là “Quảng Lăng tản” thất truyền từ đây.”

Nói xong, ông ung dung chịu chết. Nhân sĩ trong nước, ai ai cũng tiếc thương.

Kê Khang trước khi chết, mang các con phó thác cho danh sĩ Sơn Đào, đồng thời dặn các con: “Sơn công thượng tại, nhữ bất cô hỹ.” (muốn nói là có Cự Nguyên, các con sẽ không bị cô khổ). Kê Khang mất, các con ông được danh sĩ Sơn Đào đối đãi như con ruột, chăm sóc ân cần. Đây chính là nguồn gốc câu thành ngữ “Kê thiệu bất cô” (Người kế tục họ Kê không bị cô khổ).

Thái Bình
Theo Tất Đường Thư - Visiontimes



BÀI CHỌN LỌC

Quảng Lăng tản - Khúc nhạc tuyệt phẩm lúc lâm chung