Sách cổ lật ngược lịch sử nước Tần, Tần Thủy Hoàng bị vu oan hơn 2.000 năm

Giúp NTDVN sửa lỗi

Vào những năm 1970, một số lượng lớn sách cổ thất truyền đã được khai quật từ các ngôi mộ cổ ở Hồ Bắc. Điều này đã lật đổ hoàn toàn sự hiểu biết của mọi người đối với lịch sử nước Tần, gỡ xuống chiếc mũ bạo chúa đã bị chụp cho Tần Thủy Hoàng hơn 2.000 năm.

Là người lập nên vương triều đại nhất thống của vùng đất Trung Quốc Thần Châu, Tần Thủy Hoàng đã lập được nhiều thành tựu to lớn. Tuy vậy, ông cũng là bá chủ đế quốc gây tranh cãi nhất trong lịch sử.

Tần Thủy Hoàng thực hiện đại nhất thống khiến mọi người kính nể, nhưng sau khi lập bá nghiệp, những chính sách tàn bạo, đốt sách chôn Nho... đã trở thành lý do để mọi người thảo phạt ông. Tuy nhiên, lịch sử cuối cùng sẽ trả lại sự trong sạch cho ông. Vào những năm 1970, một số lượng lớn sách cổ thất truyền đã được khai quật từ các ngôi mộ cổ ở Hồ Bắc. Điều này đã lật đổ hoàn toàn sự hiểu biết của mọi người đối với nước Tần, thậm chí còn lật đổ lịch sử nước Tần được ghi chép trong Sử Ký, rốt cuộc đã gỡ xuống chiếc mũ bạo chúa bị chụp cho Tần Thủy Hoàng hơn 2000 năm.

Những thẻ tre được khai quật từ lăng mộ nhà Tần ở Thụy Hổ Địa. (Ảnh: Internet)
Những thẻ tre được khai quật từ lăng mộ nhà Tần ở Thụy Hổ Địa. (Ảnh: Internet)

Vào năm 1975, tại huyện Vân Mộng tỉnh Hồ Bắc, một khu mộ thời nhà Tần tên là Thụy Hổ Địa đã ngẫu nhiên được phát hiện. Trong đó có một ngôi mộ mà chủ nhân gọi là "Hỉ", là một quan lại của nhà Tần, chức nghiệp phần nhiều có liên quan đến hình pháp. Điều quan trọng nhất là thời đại mà họ "Hỉ" sinh sống đang trải qua những thay đổi mạnh mẽ trong thời Chiến Quốc, ông đã trải qua toàn bộ quá trình từ khi Doanh Chính tự mình chấp chính cho đến khi thống nhất Lục quốc. Có thể nói, ông là nhân chứng cho lịch sử sụp đổ của Lục quốc thời Chiến quốc.

Trong lăng mộ của ông Hỉ, các nhà khảo cổ học đã phát hiện ra một nhóm thẻ tre, được viết từ cuối thời Chiến Quốc đến thời kỳ Tần Thủy Hoàng, được gọi là Thụy Hổ Địa Tần Giản hoặc Vân Mộng Tần Giản. Những chiếc thẻ tre này dài khoảng 23-27 cm, rộng 0,5-0,8 cm, đã hư hỏng nhiều do mục nát theo thời gian.

Theo thống kê chưa đầy đủ, trên đó ghi chép hơn 200.000 chữ, và nội dung đã phá vỡ lịch sử mà chúng ta đã biết! Những thẻ tre này ghi chép lại chế độ luật pháp, văn thư hành chính, y tế, bói toán cát hung..., đều là những tài liệu quan trọng để nghiên cứu chính trị, kinh tế, văn hóa, pháp luật, y học của Đế quốc Đại Tần và có giá trị học thuật rất cao. Tuy nhiên, những nội dung này không trùng khớp với nhiều sự thật lịch sử mà chúng ta đã biết, đặc biệt là những nội dung được ghi chép trong “Sử Ký”.

Ví dụ, cuộc khởi nghĩa nổi tiếng của Trần Thắng và Ngô Quảng. Trần Thắng và Ngô Quảng dẫn đội quân phu dịch, nhưng do trời mưa to dẫn đến chậm hơn thời hạn, chiếu theo luật nhà Tần phải xử chém, cho nên hai người mới bị buộc phải cầm vũ khí nổi dậy.

Tuy nhiên, trên thẻ tre ghi chép lại rằng Luật nhà Tần khá nhân đạo: Nếu xuất hiện trễ thời hạn thì sẽ dựa trên nguyên nhân để xử phạt chứ không có quy định cứng nhắc. Ví dụ, kéo dài thời hạn trong ba ngày thì sẽ không xử phạt; Ba ngày đến năm ngày bị cảnh cáo một lần; Năm ngày đến mười ngày thì tăng thêm lao dịch; Nhưng là nếu như gặp phải mưa to, nước lũ dẫn đến kéo dài thời hạn thì không bị xử phạt!

Ngoài ra, thẻ tre còn ghi lại luật nhà Tần đối đãi phạm nhân rằng, không được dùng nhục hình bức cung, nếu không lời khai sẽ bị vô hiệu; cho dù là phạm nhân bị định tội, chỉ cần không phải tội ác tày trời, hàng năm vào vụ mùa đều có thể về nhà hỗ trợ gia đình cày cấy trồng trọt. Kiểu pháp luật nhân đạo như vậy quả thật không thể chịu nổi danh từ “chính sách tàn bạo”!

Khởi nghĩa Trần Thắng Ngô Quảng. (Ảnh: Internet)
Khởi nghĩa Trần Thắng Ngô Quảng. (Ảnh: Internet)

Tần Thủy Hoàng bị lên án nhiều nhất chính là vì "đốt sách chôn Nho". Tuy nhiên, trải qua khảo chứng, kỳ thực những người bị chôn cũng không phải là nho sinh, mà là hơn 400 giang hồ thuật sĩ, cũng chính là những kẻ giang hồ chào hàng thuốc trường sinh bất lão.

Còn có chuyện rằng, sau khi Hạng Vũ công phá Hàm Dương đã đốt cháy cung A Phòng. Trên thực tế tòa cung điện này rốt cuộc có được xây dựng hay không vẫn là ẩn số. Sau khi Hạng Vũ thiêu huỷ thì tương đương với việc tiêu hủy chứng cứ, còn lại việc vu khống như thế nào là tùy thuộc vào ông ta. Sau khi Tần Thủy Hoàng thống nhất sáu nước, cũng không đuổi tận giết tuyệt đối với vương tộc của sáu nước này, cũng không tiến hành thanh trừ đối với các công thần Tần quốc, ngược lại chính ông lại bị vương tộc sáu nước tiêu diệt tam tộc.

Hoàng đế Tần Thủy Hoàng. (Ảnh: Internet)
Hoàng đế Tần Thủy Hoàng. (Ảnh: Internet)

Như vậy tại sao hậu thế lại có ấn tượng xấu về triều Tần như vậy? Điều này không phải bởi vì Tần Thủy Hoàng quá tàn bạo, mà là vì ông quá nhân từ. Nước Tần thôn tính sáu nước, có thể thấy là hùng mạnh đến mức nào. Nhưng sau khi thôn tính, sát nhập, mạng sống của vương tộc sáu nước được giữ lại, cũng chính là lưu lại căn nguyên của họa loạn và những lời đồn đại, vu cáo.

Chỉ một phần nhỏ những tấm thẻ tre được công bố công khai này đều đã có thể viết lại biết bao nhiêu lịch sử. Còn lại bao nhiêu bí mật về nhà Tần và Tần Thủy Hoàng vẫn còn trong những tấm thẻ tre vẫn chưa được công bố? Vì vậy, những tấm thẻ tre này được coi là một khám phá tuyệt vời khác trong khảo cổ học thời nhà Tần sau các tượng binh mã.

Trung Nguyên
Theo Quách Hiểu / Sound of Hope



BÀI CHỌN LỌC

Sách cổ lật ngược lịch sử nước Tần, Tần Thủy Hoàng bị vu oan hơn 2.000 năm