Soái hạm Moskva của Nga bị chìm: Lời nguyền trăm năm lại ứng nghiệm

Giúp NTDVN sửa lỗi

[Radio] - Trong lịch sử hơn 100 năm qua, các soái hạm của Nga đều bị chìm, và dẫn đến thất bại của nước Nga trong các cuộc chiến. Năm 2022, soái hạm Moskva của Hạm đội Biển Đen bị hai quả tên lửa dẫn hướng chống hạm tiễn đưa xuống đáy biển, lẽ nào lời nguyền soái hạm lại lần nữa đã được kích hoạt? 

Lời nguyền soái hạm của Nga

Ngày 14-04-2022, chính quyền Ukraine đột nhiên tuyên bố, khoảng 7 giờ tối giờ địa phương ngày hôm trước, họ đã sử dụng 2 quả tên lửa chống hạm Neptune bắn trúng soái hạm Moskva của Hạm đội Biển Đen của Nga. Tàu Moskva bốc lửa. Sau đó chứng minh rằng, tàu Moskva bị bắn trúng kho đạn, nó trôi dạt trên biển gần 1 ngày, cuối cùng đến ngày 14 tháng 4 thì bị chìm.

Sự kiện soái hạm chìm đã gây ra tổn thất trực tiếp cho Nga là hơn 700 triệu đô la và trên 500 sĩ quan và binh lính trên soái hạm. Truyền thông Thổ Nhĩ Kỳ nói, chỉ cứu được vài chục người. Có thể nói là mất mát lớn cả về người và của.

Tối ngày 14/4, Bộ Quốc phòng Nga chứng thực Moskva bị chìm, nhưng chỉ thừa nhận tổn thương là do đạn dược cháy nổ tạo thành, không đề cập đến việc bị tên lửa chống hạm bắn trúng. Soái hạm trong quá trình lai dắt về sửa chữa, trong lúc sóng to gió lớn, bị mất ổn định, do đó bị chìm.

Tuy nhiên, Bộ Quốc phòng Mỹ phán đoán, soái hạm Moskva xảy ra nổ ở vị trí cách thành phố Odessa của Ukraine khoảng khoảng 60-65 km về phía Nam. Sau khi nổ cháy, Moskva đã cố gắng dùng động lực của nó di chuyển về phía Đông, dự tính chạy về căn cứ hải quân ở cảng Sevastopol để sửa chữa, nhưng cuối cùng đã không hoàn thành hành trình.

Đây cũng là mục tiêu đơn lẻ có giá trị cao nhất mà Nga bị thiệt hại từ khi khai chiến. Mặc dù Nga và Ukraine mỗi bên nói một kiểu, nhưng đa số các quốc gia đều cho rằng, soái hạm Moskva bị tên lửa của Ukraine đánh chìm.

Bất kể là soái hạm Moskva bị tên lửa bắn chìm hay sự cố cháy nổ rồi chìm, thì soái hạm dù sao cũng đã tiêu rồi, là đòn nặng đánh vào sĩ khí của quân Nga. Nó còn ứng nghiệm với một lời nguyền tồn tại đã lâu, cho thấy trước kết quả chiến tranh.

Soái hạm của Hạm đội Biển Đen: Moskva

Tuần dương hạm tên lửa Moskva hạ thủy vào cuối những năm 70 thế kỷ 20, cũng đã có tuổi khá cao rồi. Trước khi tiến vào Biển Đen tham chiến, nó đã trải qua một lần sửa chữa nâng cấp, mục tiêu là phục vụ đến năm 2040 rồi sẽ nghỉ hưu trong vinh quang.

Nhìn từ bề ngoài, tàu Moskva thể hiện phong cách thiết kế của Liên Xô cũ vào những năm 1960-1970, chắc chắn, nặng nề, đường nét thô. Các ống phóng tên lửa chống hạm đều xếp trên boong tàu, không giống như những tuần dương hạm tên lửa lớp Kirov sau này của Liên Xô, hay tuần dương hạm tên lửa lớp Ticonderoga, và tàu khu trục tên lửa lớp Arleigh Burke của Mỹ, sử dụng hệ thống phóng thẳng đứng bên trong tàu.

Hệ thống phóng tên lửa thẳng đứng có hiệu quả cao hơn, boong tàu trông càng đơn giản và mỹ quan hơn, đây là dấu hiệu của các tàu mặt nước loại lớn của các cường quốc hải quân hiện nay.

Giá phóng tên lửa của tàu Moskva đều đặt trên boong tàu, gây ấn tượng cho người xem rất khủng khiếp và đầy sức mạnh. Thực tế, đây là thiết kế khá lạc hậu. Nhưng trong một thời gian dài, nó là tàu chiến có hỏa lực mạnh nhất của hạm đội Biển Đen.

Một điều khá trớ trêu là, tàu Moskva được đóng ở nhà máy đóng tàu Ukraine. Năm 1979, khi hạ thủy, nó được đặt tên là Slava (Vinh Quang), là chiếc tuần dương hạm tên lửa đầu tiên của lớp Atlant này. Đến năm 1995 mới đổi tên thành Moskva. Cùng lớp Atlant này còn có 2 chiếc tàu khác nữa, một chiếc phục vụ ở Hạm đội Phương Bắc của Nga, còn một chiếc phục vụ ở Hạm đội Thái Bình Dương của Nga, đảm nhiệm soái hạm.

Slava c. 1983. (Ảnh: Miền công cộng)

Tàu Moskva tiến vào Biển Đen năm 2000, trở thành soái hạm của Hạm đội Biển Đen. Năm 2022, trước khi cuộc chiến Nga - Ukraine nổ ra, vào tháng 2, tàu Moskva rời cảng Sevastopol ở bán đảo Crimea, đây là căn cứ chủ yếu của Hạm đội Biển Đen. Năm 2014, Putin sát nhập Crimea, một nửa là vì căn cứ này.

Tác dụng chủ yếu của tàu Moskva là khi quân đội Nga thực hiện tác chiến đổ bộ thì nó cung cấp chiếc ô bảo vệ phòng không. Nó thường ở sau các tàu chiến khác. Tàu Moskva có tên lửa phòng không, nhưng lại không có tên lửa tấn công mặt đất.

Hậu quả trực tiếp của việc tàu Moskva bị đánh chìm là, nó biểu thị quân đội Ukraine có năng lực tấn công chính xác từ cự ly xa vào các mục tiêu lớn trên mặt nước, điều này khiến Hạm đội Biển Đen khiếp sợ.

Để bảo toàn tính mạng, Hạm đội Biển Đen đành phải cố gắng rời xa các vùng biển lân cận, nơi có sự hiện diện của quân đội Ukraine. Đồng thời, do việc Thổ Nhĩ Kỳ đóng cửa eo biển Thổ Nhĩ Kỳ giữa Biển Đen và Địa Trung Hải đối với Nga, nên Nga cũng không còn biện pháp nào điều động tàu từ Hạm đội Thái Bình Dương và Hạm đội Phương Bắc để tăng viện cho Biển Đen, để bù đắp những tổn thất do soái hạm Moskva bị chìm gây ra.

Tình trạng này khiến quân đội Nga ở vùng duyên hải phía Nam Ukraine càng khó phát động tác chiến đổ bộ. Quân đội Nga không có lực lượng để mở ra chiến trường thứ hai ở Nam Ukraine, do đó quân đội Ukraine càng dễ hoạt động hơn, và có thể không bị chế ngự, nên có thể chi viện lớn hơn cho cuộc đại chiến ở khu vực miền Đông Ukraine.

Thế nên, việc tàu Moskva bị chìm không chỉ là chìm một soái hạm, cũng không chỉ là bi kịch của Hạm đội Biển Đen của Nga, mà nó còn có ý nghĩa chiến lược lớn hơn.

Phân tích chiến thuật quân đội Ukraine

Nhìn bề ngoài thì năng lực phòng ngự của soái hạm Moskva không hề yếu, nó có 3 tầng vũ khí phòng ngự, đủ để đối phó với các mối uy hiếp.

  • Tầng thứ nhất là tên lửa dẫn hướng phòng không tầm trung và tầm ngắn.
  • Tầng thứ hai là pháo chủ lực phòng không.
  • Tầng thứ ba là pháo Block phòng không tầm gần, gần giống với tên lửa.
Moskva in 2009. (Ảnh: Miền công cộng)

Ngoài 3 tầng này ra, nó còn biện pháp đối phó khẩn cấp cuối cùng, đó là 6 hệ thống vũ khí tầm ngắn CIWS x 6. Hệ thống hỏa lực này có thể bắn 5000 viên đạn pháo trong một phút, tạo thành bức màn dày đặc đánh chặn tên lửa tấn công đang bay đến, hình thành bức tường bảo vệ xung quanh chiến hạm, có thể dùng từ thành đồng vách thép để miêu tả.

Nhưng lần này, một chiếc soái hạm được bảo vệ bằng tấm lá chắn thép như Moskva lại bị một tiểu quốc hải quân là Ukraine bắn chìm, quả là khiến người ta bàng hoàng.

Tên lửa chống hạm Neptune đánh chìm soái hạm Moskva được cho là Ukraine tự nghiên cứu chế tạo, nhưng mãi đến năm 2021, nó mới được đưa vào phục vụ, thế mà lập tức lập được kỳ công như thế này.

Tuy Ukraine kế thừa rất nhiều di sản của Liên Xô cũ về đóng tàu và điện tử, nhưng phổ biến cho rằng, tên lửa chống hạm Neptune vừa mới xuất sơn liền lập đại công này là được phương Tây hỗ trợ công nghệ toàn diện. Do đó so với tên lửa chống hạm phiên bản của Nga, thì tên lửa Neptune của Ukraine đã được nâng cao tính năng khá nhiều.

Ngoài ra, chiến thuật của quân đội Ukraine cũng rất điêu luyện. Đầu tiên dùng máy bay không người lái quấy nhiễu, để soái hạm Moskva tập trung chú ý vào phòng ngữ chống cuộc tấn công từ máy bay không người lái, sau đó lạnh lùng dùng tên lửa dẫn hướng Neptune bay thấp sát mặt nước biển thực hiện cuộc đánh úp. Đợi đến khi tàu Moskva phản ứng thì đã quá muộn. Vị trí bị bắn trúng lại vừa vặn trúng kho đạn dược. Điều này cho thấy quân đội Ukraine nắm rất rõ kết cấu của tàu Moskva.

Tổng kết toàn bộ quá trình, phân đội tên lửa chống hạm của Ukraine đã lợi dụng đầy đủ mọi công cụ, nắm thời cơ cũng vừa đúng lúc thích hợp, từ cố tình bày ra nghi binh, đến các hành động lừa đối phương, cho đến thực hiện đòn đánh, khiến cho một đập ăn ngay, khiến người ta phải nhìn bằng con mắt khác. Từ khi nổ ra cuộc chiến Nga - Ukraine, Ukraine đã nhiều lần xuất kích lạnh lùng, đã nhiều lần khiến người ta phải nhìn bằng con mắt khác.

Đặc điểm của hải chiến hiện đại là nhanh chóng và quyết liệt, chỉ trong chớp mắt là quyết định sinh tử. Binh sĩ chiến đấu không những phải trải qua rèn luyện lâu dài, mà còn cần phải có khả năng quan sát vô cùng tốt cùng năng lực phán đoán tình huống, và có tố chất tâm lý ổn định, thì mới có thể lâm trận giành chiến thắng.

Do đó rất khó tin rằng, một quân đội không có kinh nghiệm thực chiến lại có thể hoàn thành nhiệm vụ đánh chìm soái hạm Moskva. Nếu không phải những binh sĩ của các cường quốc quân sự khác trực tiếp thao tác, thì cũng phải có cố vấn quân sự dắt tay chỉ dẫn.

Soái hạm Moskva sinh ở Ukraine, chết ở Ukraine, có thể coi là ‘lá rụng về cội’, đồng thời nó cũng kích hoạt một lời nguyền đã kéo dài hơn trăm năm.

Vận hạn của các soái hạm Nga

Các soái hạm của Nga trong lịch sử liên tiếp gặp vận hạn. Một khi soái hạm bị quân địch đánh chìm, hoặc gặp sự cố gì đó bị phá hủy, thì nước Nga không chỉ rơi vào thất bại ở cuộc hải chiến, mà cuối cùng còn thất bại cả cuộc chiến.

Vận hạn này bắt đầu từ cuộc chiến Crimea 1853-1856, cuộc chiến này cũng xảy ra ở Biển Đen. Khi đó, Hạm đội Biển Đen của Nga chiến thắng Thổ Nhĩ Kỳ trước, nhưng sau này không địch được Anh Pháp. Năm 1855, Hạm đội Biển Đen phải rút đi. Tác chiến đổ bộ đành phải chuyển pháo và thủy thủ đến nơi hiểm yếu ở Sevastopol, dựa vào địa thế hiểm yếu tác chiến với quân Anh Pháp, cả Hạm đội Biển Đen tự chìm tập thể, bao gồm cả soái hạm. Người Nga lần đầu tiên làm chìm soái hạm của Hạm đội Biển Đen của mình như thế này. Nhưng tháng 9 năm 1855, những vị trí trọng yếu ở Sevastopol vẫn bị liên quân Anh Pháp đánh chiếm. Nước Nga đã mất Hạm đội Biển Đen, và cũng đã thua cả cuộc chiến.

Nếu nói lần đầu tiên thực hiện lời nguyền là vì khi đó công nghệ của quân Nga lạc hậu, không địch nổi các chiến hạm hơi nước tiên tiến của Anh Pháp, thế thì chiến tranh Nga Nhật năm 1904-1905 thì không như vậy. Nước Nga khi đó có hạm đội tàu chiến bọc thép chạy bằng hơi nước vô cùng tiên tiến trên thế giới. 3 chiến hạm chủ lực lần lượt làm soái hạm của quân đội Nga đều gặp vận hạn trong chiến tranh.

Chiếc đầu tiên gặp vận đen là chiến hạm Petropavlosk. Đây là soái hạm của Hạm đội Thái Bình Dương của Nga lúc đó. Chỉ huy hạm đội là Thượng tướng Hải quân Makarov.

Почтовая открытка "Эскадренный броненосец "Петропавловск"".jpg
Chiến hạm Petropavlosk. (Ảnh: Miền công cộng)

Ngày 13 tháng 4 năm 1904, Makarov dẫn hạm đội ra khỏi cảng Lữ Thuận (còn gọi là cảng Arthur) tiến hành tác chiến với hạm đội Nhật Bản. Tướng Makarov vốn là người tỉ mỉ cẩn thận, trước khi ra khỏi cảng, ông đã sai người xử lý thủy lôi bên ngoài cảng mà quân Nhật thả xuống.

Nhưng Tướng Makarov có cẩn thận thế nào chăng nữa thì cũng chỉ có thể dùng 2 từ để miêu tả là: Hết mệnh, và Vận đen. Ông vừa ra biển thì gặp sương mù dày đặc. Đến khi sương mù tan hết thì mới phát hiện ra đã rơi vào mai phục của quân Nhật. Thế là Tướng Makarov cẩn thận vội vàng dẫn hạm đội quay trở về.

Không quay về thì còn tốt, vừa quay về liền gặp vận đen ngay. Các tàu chiến khác đều vào cảng thuận lợi, chỉ có soái hạm của Tướng Makarov không may đâm vào một quả thủy lôi còn sót lại. Vốn còn mấy quả sót lại, chỉ có một quả trên vùng biển rộng lớn này bị soái hạm đâm vào.

Một quả thủy lôi vốn cũng chẳng có gì là ghê gớm, nhưng thật trùng hợp, vị trí phát nổ của quả thủy lôi này lại ở bên dưới kho đạn dược, dẫn đến kho đạn dược bùng nổ. Thế là soái hạm nhanh chóng mang theo Tướng Makarov chìm xuống đáy biển, “xuất quân chưa thắng thân đã chết”. Vụ việc này so với vụ chìm tàu Moskva giống nhau đến kỳ lạ.

Trong cuộc chiến Nga - Nhật, chiếc tàu chiến thứ 2 bị lời nguyền là chiến hạm Tsesarevich, nó thay thế chiếc Petropavlosk làm soái hạm của Hạm đội Thái Bình Dương. Chỉ huy lần này là Tượng tướng Hải quân Wilgelm Vitgeft.

Tướng Wilgelm dẫn hạm đội chuẩn bị quay lại Vladivostok. Ngày 10 tháng 8 năm 1904, hạm đội Nga gặp hạm đội liên hiệp Nhật Bản ở biển Hoàng Hải. Hai bên lập tức giao chiến. Khi cuộc chiến đang rơi vào thế giằng co, không biết một quả đạn pháo từ đâu bay đến, trực tiếp bay vào đài chỉ huy của Tướng Wilgelm, tất cả mọi người trong đó đều tử vong, bao gồm cả Tướng Wilgelm. Thế là hạm đội Nga lại lần nữa thất bại, đành phải rút khỏi cảng Lữ Thuận.

Chiến hạm thứ 3 bị ứng với lời nguyền là chiếc soái hạm Knyaz Suvorov của Hạm đội Baltic đến cứu viện. Hạm đội Baltic của Nga thành lập từ thời Peter Đại Đế, có lịch sử lâu đời. Trong cuộc chiến phương Bắc, nó đã từng ngay lập tức đánh bại hạm đội của cường quốc hải quân khi đó là Thụy Điển, khiến nước Nga lần đầu tiên làm bá chủ trên biển.

Năm 1904, hạm đội này là hy vọng cuối chiến thắng cùng của Nga Hoàng Nicolai II, cả hạm đội cũng đổi tên thành Hạm đội Thái Bình Dương thứ 2. Chỉ huy hạm đội là Trung tướng Hải quân Rozhestvensky.

Mặc dù Hạm đội Baltic có lịch sử huy hoàng lâu đời, nhưng chuyến đi của đoàn hùng binh này từ biển Baltic đến eo biển Tsushima giữa Nhật Bản và Hàn Quốc, vượt qua 3 vạn km đường biển, hành trình kéo dài 5 tháng trời, đoàn hùng binh đã trở thành đội quân mệt mỏi.

Ngày 17 tháng 5 năm 1905, Tướng Rozhestvensky dẫn hạm đội vừa tiến vào eo biển Tsushima, chưa kịp thở thì bỗng phát hiện ra hạm đội liên hợp của Nhật Bản đã bày trận đợi sẵn ở đó rồi, không nói không rằng lập tức khai chiến.

Mới giao chiến được mấy phút, soái hạm Nga bị trúng một quả đạn pháo, hơn nữa, cũng không sai lệch chút nào, chính xác bay vào đài chỉ huy của soái hạm, người lái tàu chết ngay tại chỗ. Tướng Rozhestvensky đang chỉ huy thì bị trúng đạn vào đầu, bị trọng thương, không thể nào chỉ huy được nữa. Vừa mệt mỏi, lại vừa không có chỉ huy, hạm đội lúc này hỗn loạn nháo nhào, bị hạm đội Nhật Bản dễ dàng tiêu diệt.

Điều khiến người ta khiếp đảm là, Hạm đội Baltic hào hùng của Nga đã bị tiêu diệt một cách dễ dàng và kỳ lạ như thế này. Đây chính là trận chiến eo biển Tsushima nổi tiếng.

Soái hạm Knyaz Suvorov của Hạm đội Baltic cuối cùng bị ngư lôi của quân Nhật đánh chìm, chôn mình dưới đáy Thái Bình Dương lạnh lẽo.

Liên tục 3 soái hạm chịu lời nguyền, không chỉ tống táng 2 hạm đội hùng mạnh của Nga, mà còn khiến Nga thua trận trong toàn bộ cuộc chiến Nga Nhật. Sau cuộc chiến này, uy tín của Sa Hoàng suy giảm mạnh, các cuộc cách mạng không ngừng nổ ra, thế cuộc hỗn loạn không ngừng.

Sau khi kết thúc cuộc chiến Nga Nhật năm 1905, lời nguyền lại lần nữa ứng nghiệm vào tháng 10 năm 1916, thời kỳ Đại chiến Thế giới thứ 1. Khi đó soái hạm của Hạm đội Biển Đen là Imperatritsa Mariya (Hoàng hậu Mariya). Hoàng hậu Mariya là mẫu thân của Sa hoàng Nicolai II, là vợ của Sa hoàng Aleksandr III. Chiến hạm Imperatritsa Mariya là chiếc chiến hạm hiện đại vượt trội đầu tiên trong mà Nga chế tạo cho Hạm đội Biển Đen, hoàn thành tại Nhà máy đóng tàu Nikolayev.

Ý nghĩa của từ Nikolayev là “của Nicolai”. Việc này kỳ diệu ở chỗ, Hoàng hậu Mariya sinh ra Sa hoàng Nicolai, mà chiến hạm Imperatritsa Mariya lại ra đời ở Nhà máy đóng tàu của Nicolai.

Chiến hạm Imperatritsa Mariya vừa hạ thủy liền trở thành soái hạm của Hạm đội Biển Đen. Tháng 10 năm 2016, Biển Đen vẫn còn lạnh, soái hạm Imperatritsa Mariya còn đậu ở trong cảng, do đó trên tàu lúc đó không có nhiều người, chỉ có trên 200 sĩ quan và binh sĩ. Mọi người đang thực hiện các công việc trình tự theo thường lệ, thì bỗng nhiên trên tàu có tiếng nổ cực lớn. Mọi người đều ngây người ra, cho rằng bị kẻ địch tấn công.

Đến khi nhìn thấy trên boong tàu là khói lửa ngùn ngụt xông lên trời, thì mới ý thức được rằng, khoang chứa đạn pháo xảy ra cháy nổ. Sĩ quan và binh lính trên boong tàu vội vàng chạy đến nơi phát nổ để dập lửa. Nhưng họ mới chạy được mấy bước thì từng khoang từng khoang sát với khoang chứa đạn dược phát nổ. Liên tiếp các vụ nổ mãnh liệt đã phá hủy toàn bộ chiến hạm này. Chiến hạm nhanh chóng bị chìm.

Như thế, chưa kịp làm việc gì thì soái hạm Imperatritsa Mariya đã chìm một cách rất mơ hồ như thế này. Hơn 200 sĩ quan và binh sĩ trên chiến hạm đều mất mạng.

Năm thứ 2 sau khi soái hạm Imperatritsa Mariya bị chìm, nước Nga nổ ra cuộc cách mạng, Sa hoàng Nicolai bị lật đổ. Cũng trong năm đó, tháng 10 lịch Nga, nổ ra cuộc cách mạng tháng 10 của đảng cộng sản, sau đó cả nhà Sa hoàng Nicolai đều bị sát hại. Do đó soái hạm Imperatritsa Mariya bị chìm năm 1916, không chỉ khiến Hạm đội Biển Đen mất đi soái hạm, mà còn báo trước con tàu lớn của đế quốc Nga Sa hoàng bị chìm.

Trong Chiến tranh Thế giới lần thứ 1, nước Nga là nước bất bại mà cuối cùng thất bại. Bất bại là chỉ quân đội Nga không bị đánh tan hoàn toàn trên chiến trường, họ vẫn đang giữ vững chiến tuyến. Còn thất bại là nước Nga Xô mới đã rút khỏi chiến tranh, và ký Hòa ước Brest-Litovsk với Đức, tương đương với bị thua trong cuộc đại chiến thế giới lần thứ 1. Lời nguyền soái hạm lại lần nữa ứng nghiệm hoàn mỹ.

Lời kết

Năm 2022, soái hạm Moskva của Hạm đội Biển Đen bị hai quả tên lửa dẫn hướng chống hạm tiễn đưa xuống đáy biển, lẽ nào lời nguyền soái hạm lại lần nữa đã được kích hoạt?

Vấn đề nghiêm trọng ở chỗ, soái hạm Imperatritsa Mariya bị chìm, nếu nó báo trước sự hủy diệt của gia tộc Sa hoàng Romanov, vậy soái hạm Moskva bị chìm, phải chăng cũng có nghĩa là điềm chẳng lành đối với Moscow? Hai chiếc tàu này không chỉ là soái hạm của Hạm đội Biển Đen, mà nguyên nhân chìm cũng giống nhau, đều do kho đạn dược cháy nổ mà chìm.

Chiến tranh thế giới lần thứ 2, Liên Xô là chiến tranh trên mặt đất, hải chiến chủ yếu là giữa Mỹ và Nhật Bản, do đó hải quân Liên Xô không có cơ hội thể hiện. Lời nguyền này đã im lặng hơn nửa thế kỷ, cuối cùng đã sống lại vào năm 2022.

Lần này, nhà tiên tri người Anh Parker cũng đã nói trong tiên tri cuối năm 2021 rằng, Putin sẽ thất bại trong cuộc chiến Nga - Ukraine, và sự thất bại của Putin sẽ dẫn đến sự ủng hộ trong nước đối với Putin giảm mạnh.

Soái hạm Moskva chìm, liệu có trở thành bước ngoặt của cuộc chiến Nga - Ukraine hay không? Nga có chịu lời nguyền soái hạm lần này hay không? Kết cục cuối cùng như thế nào? Chúng ta hãy cùng chờ đợi.

Trung Hòa
Theo Wenzhao



BÀI CHỌN LỌC

Soái hạm Moskva của Nga bị chìm: Lời nguyền trăm năm lại ứng nghiệm