Sự vô thường của vẻ đẹp bên ngoài

Giúp NTDVN sửa lỗi

Baldung dường như đang muốn nói với chúng ta rằng vẻ đẹp thật sự không thể nào có được thông qua diện mạo bên ngoài. Vẻ đẹp bên ngoài vĩnh viễn sẽ tàn lụi theo năm tháng, và cái chết luôn luôn lấp ló như chiếc đồng hồ cát chờ đợi chúng ta. 

Bức tranh “Ba giai đoạn của người phụ phụ nữ và cái chết” của Hans Baldung đã đặt ra một câu hỏi rất hay “Vẻ đẹp bên ngoài có ý nghĩa gì với cuộc sống của chúng ta?”

Vẻ đẹp bên ngoài là điều may mắn hay là tai ương? Cuộc sống hiện nay quá đầy đủ về mặt công nghệ cũng như những ứng dụng hình ảnh. Thật dễ dàng để nhìn thấy chúng trên các mạng xã hội, những bức hình đã qua các bộ lọc, chỉnh sửa để trở nên lung linh. Phải chăng chúng ta cảm thấy mình không đủ đẹp hoặc giả là còn thiếu sót cái gì đó nên mới phải cần đến các ứng dụng phụ trợ này.

Thật dễ đánh mất chính mình trong một thế giới thị giác đã thay đổi bởi các mạng xã hội như Snapchat, Instagram… Vì vậy, có lẽ chúng ta nên tự hỏi bản thân rằng chúng ta là ai mặc dù chúng ta được (hoặc muốn được) nhìn nhận như thế nào.

Bức tranh “Ba giai đoạn của người phụ nữ và cái chết” của họa sĩ Hans Baldung vẽ năm 1510. Bộ sưu tập cá nhân. (Nguồn cộng đồng)

Họa sĩ Hans Baldung và “Vũ điệu của cái chết”

Baldung là nghệ sĩ người Đức thế kỷ XVI, ông đã từng học tại xưởng của hoạ sĩ nổi tiếng Albrecht Dürer. Khi bước vào độ tuổi đôi mươi, ông lại trở nên quan tâm đến cái chết tất yếu và thường mô tả một mô tuýp được gọi là “Vũ điệu của cái chết” (Dance of Death, Danse Macabre).

Vũ điệu của cái chết đã rất phổ biến xuyên suốt cuối thời Trung cổ. Khi mà cái chết được xem như là người cân bằng tuyệt vời, được mô tả cùng với cái đẹp, quyền lực với thông điệp rằng: tất cả các sinh mệnh - dù trẻ, đẹp, giàu - cuối cùng cũng đều không thoát được nó.

Trong bức tranh “Ba giai đoạn của người phụ nữ và cái chết”, Baldung đã vẽ ra bốn nhân vật, ba trong số này đại diện cho thời thơ ấu, khi trưởng thành, lúc già nua của đời người. Nhân vật thứ tư chính là Thần chết, là kẻ luôn luôn sát cánh kề vai với họ.

Trong tranh, đứa bé được quấn bởi lớp vải mỏng cũng là tấm vải quấn quanh người phụ nữ trẻ. Đứa bé này chỉ nhìn chăm chăm vào cô gái. Còn cô ấy thì lại đang đắm chìm trong chiếc gương trên tay. Phải chăng đứa nhỏ chỉ quan tâm đến việc sẽ được trưởng thành?

Còn cô gái đang mê mẩn hình ảnh của mình trong gương. Cô ấy không còn thấy mình là một đứa trẻ nữa và cô cũng không thấy được mình trong tương lai. Cô quay lưng hoàn toàn với Thần chết đang cầm chiếc đồng hồ cát, cố nhắc cô thời gian chẳng còn nhiều để say sưa về chính mình như vậy. Phải chăng sự say mê này khiến bản thân cô không thể nhìn xa hơn?

Về phần bà lão, một tay giúp đỡ nâng cái gương cho cô gái, tay kia thì ngăn cái đồng hồ cát mà Thần chết đang giữ phía trên đầu cô gái. Vẻ mặt bà lão biểu lộ đầy sự lo lắng, rõ ràng là bà ấy gần như phớt lờ cái chết mà chỉ bận tâm đến chiếc đồng hồ. Liệu sự lo lắng của bà đối với thời gian và phản kháng lại với cái chết như thế có cứu được cô gái tránh được điều tất yếu sẽ đến kia không?

Còn Thần chết, tuy rằng đang giữ tấm vải thưa vắt qua đứa trẻ và cô gái nhưng lại không chú ý gì ngoại trừ chiếc đồng hồ cát trên tay.

Cân bằng giữa vẻ đẹp bên ngoài và vẻ đẹp nội tâm

Đứa trẻ mong ngóng để được trưởng thành như cô gái trẻ. Mặc dù, chúng ta thường nghe bảo rằng “chết khi còn trẻ”, nhưng đối với chúng ta thực tế như thế nào? Các đứa trẻ Tây phương cảm nhận cái chết dường như gần như thế nào? Không. Bọn trẻ nghĩ rằng chúng sẽ mãi mãi trẻ. Và trớ trêu thay chúng luôn mong cho mình mau lớn hơn, giống như anh chị của chúng hoặc như những người lớn “tự do”?

Còn bà lão giúp đỡ nâng gương và cố gắng chống lại thời gian. Điều này phải chăng gợi ý rằng bà ấy đang muốn kéo dài tuổi thanh xuân của cô gái? Những năm cuối đời, chúng ta vẫn có mong muốn được trở lại tuổi thanh xuân, nhiều người còn bất chấp cả thời gian để níu kéo vẻ trẻ trung xinh đẹp của mình.

Theo nghĩa này, thì chẳng phải vẻ đẹp của thiếu nữ ấy cũng chính là sự mê muội của những người đang ở phía đối diện với cái chết, những người còn đang sống như chúng ta. Cả đứa bé lẫn người già đều khao khát được như cô ấy, còn cô ấy thì lại tôn thờ chính mình.

Trái lại với tất cả, Thần chết chỉ chực chờ mỗi thời gian, và lờ đi những mong ước hay nỗ lực của con người. Vẻ đẹp bên ngoài không thể nào cám dỗ hay từ chối được Thần chết.

Baldung dường như đang muốn nói với chúng ta rằng vẻ đẹp thật sự không thể nào có được thông qua diện mạo bên ngoài. Vẻ đẹp bên ngoài vĩnh viễn sẽ tàn lụi theo năm tháng, và cái chết luôn luôn lấp ló như chiếc đồng hồ cát chờ đợi chúng ta.

Sự nguy hiểm của tính ích kỷ trong mối tương quan với vẻ đẹp bên ngoài chính là chúng ta có thể bị nhầm lẫn vẻ đẹp đó với các giá trị bên trong. Đôi khi, chúng ta ước mình trở nên xinh đẹp và có thật nhiều tiền để sở hữu những thứ đẹp đẽ khiến người khác phải ghen tỵ.

Vậy có phải những điều này đã tạo nên bản chất gây nghiện với các loại điện thoại thông minh và mạng xã hội hiện nay? Điện thoại có chức năng chụp ảnh tự sướng và các mạng xã hội đầy cám dỗ có tương đương với chiếc gương trong bức tranh này không? Sự thay đổi chóng mặt của các ứng dụng trong mạng xã hội để đáp ứng kịp thời nhu cầu khách hàng có khiến chúng ta quay lưng lại với thực tại và những thứ vốn dĩ không hấp dẫn, nhưng lại là điều mà không ai trong mỗi chúng ta không phải đối mặt vào một thời điểm tất yếu trong đời?

Tôi bắt đầu với câu hỏi “Vẻ đẹp bên ngoài là điều may mắn hay là tai ương?” Câu trả lời có lẽ là một trong hai. Có lẽ điều quan trọng nhất chính là tư duy của chúng ta luôn hướng về cái đẹp. Dĩ nhiên chúng ta có thể trân trọng vẻ đẹp bên ngoài miễn là đừng quên tu dưỡng vẻ đẹp nội tâm.

Du Du
Theo The Epoch Times

Dịch từ bản của ERIC BESS.

Giới thiệu về tác giả: Eric Bess là một nghệ sĩ theo trường phái tả thực người Mỹ và hiện đang là nghiên cứu sinh tại Viện Nghiên cứu Tiến sĩ về Nghệ thuật Thị giác (Institute for Doctoral Studies in the Visual Arts - IDSVA)



BÀI CHỌN LỌC

Sự vô thường của vẻ đẹp bên ngoài