Tài nhìn người của Quản Trọng: Tiến cử hiền tài không vì tình thân

Giúp NTDVN sửa lỗi

Quản Trọng (725 TCN - 645) là một chính trị gia, nhà quân sự và nhà tư tưởng Trung Quốc thời Xuân Thu. Ông là người có công lớn đưa nước Tề trở nên hùng mạnh, giúp Tề Hoàn Công dựng lên đại nghiệp. Lúc sinh thời ông cũng có con mắt nhìn người rất sâu sắc, được quân chủ tin dùng, Tề Hoàn Công gọi ông là “Trọng phụ”, là người quan trọng chỉ đứng sau phụ thân.

Nhận biết kẻ tiểu nhân

Dựa vào kinh nghiệm làm quan của mình, Quản Trọng biết rằng người làm vua nguy hiểm nhất có kẻ tiểu nhân bên cạnh. Bởi vì kẻ tiểu nhân thường bề ngoài tỏ ra một bề tôi trung thành, lại có thể hầu hạ tốt quân chủ, a dua nịnh hót. Nhưng khi có được quyền lực trong tay, kẻ tiểu nhân có thể làm ra những việc trái với đạo lý, giết hại trung thần, che bè kéo phái, che mắt quân vương. Tác hại như mối mọt khiến rường cột nước nhà mục ruỗng từ bên trong. Tiểu nhân là người mà bậc quân chủ nên đề phòng nhất.

Khi Quản Trọng bệnh nặng, Tề Hoàn Công đi thăm ông, đã hỏi ông một chuyện: “Ngài bị bệnh nặng có chuyện gì dặn dò tôi không?”.

Quản Trọng trả lời: “Tôi hy vọng Chúa công có thể tránh xa đám người Dị Nha, Thụ Điêu, Thường Chi Vu, Vệ Công Tử Khải”.

Tề Hoàn Công không hiểu hỏi: “Dị Nha đã giết hại con mình để tỏ lòng kính trọng ta, nói rõ rằng anh ta yêu ta hơn yêu con mình, lẽ nào vẫn phải hoài nghi sao?”.

Quản Trọng nói: “Lẽ thường của con người, cha mẹ không ai không yêu quý con mình, Dị Nha tàn nhẫn với con mình như vậy, sao có thể đối tốt với Chúa công chứ?”.

Tề Hoàn Công lại hỏi: “Thụ Điêu đã không tiếc thân mình tịnh thân để phục vụ ta cho thấy rằng anh ta yêu ta hơn cả bản thân mình, lẽ nào vẫn phải nghi ngờ anh ta ư?”.

Tề Hoàn Công và Quản Trọng.
Tề Hoàn Công và Quản Trọng. (Ảnh qua Bilibili.com)

Quản Trọng trả lời rằng: “Lẽ thường ở đời không ai không yêu bản thân mình, Thụ Điêu đến thân mình cũng không thương tiếc, sao có thể đối tốt với Chúa công chứ?”.

Tề Hoàn Công lại hỏi: “Thường Chi Vu có thể đoán trước được chuyện sống chết, trị bệnh cho ta, lẽ nào không tín nhiệm anh ta?”.

Quản Trọng nói: “Sống chết có số, phú quý tại trời, Chúa công không tin mệnh trời mà giữ trọn bổn phận, lại dựa vào bói toán tầm thường, ông ta sẽ mượn những chuyện đó để làm điều xằng bậy”.

Tề Hoàn Công lại hỏi: “Vệ Công Tử Khải Phương theo hầu ta đã mười năm năm, khi phụ thân của anh ta qua đời cũng không về chịu tang, người như vậy lẽ nào vẫn không đáng tin dùng?”.

Quản Trọng nói: “Lẽ thường tình, không có ai không yêu bố mẹ của mình, Vệ Công Tử vô tình với bố mẹ mình như vậy, sao có thể đối tốt với Chúa công?”.

Cuối cùng Tề Hoàn Công nói: “Được, ta sẽ làm theo những ý kiến của ngài”.

Tiến cử hiền tài

Quản Trọng bệnh nặng, khó mà qua khỏi, nước Tề sẽ mất đi một trụ cột, Tề Hoàn Công mất đi một người chỉ giáo quan trọng để lãnh đạo đất nước nên đã rất lo lắng về tương lai của nước Tề. Việc quan trọng nhất của ông lúc này đương nhiên là cần tìm người có thể thay thế được Quản Trọng. Nhưng “nhân tài như lá mùa thu”, tìm được một người có tài, có tâm như Quản Trọng đâu phải chuyện dễ dàng.

Tề Hoàn Công hỏi lại rằng: “Trọng phụ, bệnh của ngài đã tương đối nặng! Nếu như ngài không may qua đời, tôi sẽ lấy việc quốc gia giao phó cho ai. Đây là chuyện quốc gia đại sự, hy vọng ngài có thể vì dân chúng nước Tề mà chỉ bảo cho tôi một lần!”.

Quản Trọng cung kính nhận lời: “Vậy được rồi. Ngài muốn giao chức Tướng quốc cho ai vậy?”.

Tề Hoàn Công nói: “Ngài cảm thấy Bào Thúc Nha có được không?”.

Quản Trọng lắc đầu: “Không được!”.

Tề Hoàn Công vô cùng kinh ngạc hỏi: “Tại sao vậy? Bào Thúc Nha không chỉ là người có tài năng, hơn nữa còn là bạn thân của ngài?”.

Quản Trọng nghiêm túc nói: “Chính vì là bạn tốt, tôi mới hiểu rõ anh ta. Tư chất của anh ta, liêm khiết trong sạch, đối với người không bằng mình, anh ta không ngại kết bạn, Bão Thúc thấy ai có điều gì ác thì suốt đời không quên, đó là một sở đoản. Cho nên tôi cho rằng anh ta không thể làm Tướng quốc”.

Chân dung Quản Trọng.
Chân dung Quản Trọng. (Ảnh qua Newton.com.vn)

Tề Hoàn Công vô cùng thất vọng hỏi: “Vậy trong triều ai có thể gánh vác chức vụ này?”

Quản Trọng nói: “Thấp Bằng có thể đảm đương được. Thấp Bằng là người có thể ghi nhớ những thánh nhân thời trước mà giáo dục người khác, lại không hổ thẹn mà học hỏi. Anh ta tự xấu hổ vì đức hạnh không bằng Hoàng đế, lại thương xót những người không bằng mình. Không quan tâm đến chuyện chính trị quốc gia, không đi dò hỏi: Đối với các sự việc không cần tìm hiểu, không hỏi những gì đã qua; đối với người không có liên quan giả vờ như không thấy. Nếu như ngài muốn tôi tiến cử, đó là những lý do mà tôi thấy Thấp Bằng có thể đảm nhận chức vị Tướng quốc”.

Tề Hoàn Công nghe xong, rất cảm động nói rằng: “Đa tạ trọng phụ đã chỉ bảo. Tôi nhất định sẽ nghe theo lời ngài để Thấp Bằng làm tướng quốc!”.

Thời nào cũng vậy, kẻ tiểu nhân là những đối tượng cần phải tránh xa. Nhưng nhận biết kẻ tiểu nhân là điều không dễ dàng bởi những kẻ có khả năng ẩn giấu mình rất kỹ. Dị Nha, Thụ Điêu, Thường Chi Vu, Vệ Công Tử Khải biểu hiện bề ngoài khiến Tề Hoàn Công lầm tưởng đó là những bậc bề tôi trung thành, tận tụy. Tuy nhiên bằng con mắt nhìn người sâu sắc của mình Quản Trọng nhận ra đây đều là những kẻ tiểu nhân, để lấy lòng quân chủ mà sẵn sàng làm ra những chuyện trái với luân lý đạo đức. Lịch sử đã chứng minh những điều Quản Trọng nói là đúng.

Khi hai trọng thần là Quản Trọng và Thấp Bằng mất, Tề Hoàn Công không nghe theo lời Quản Trọng, tin dùng đám người Dịch Nha. Năm 643 TCN, Tề Hoàn Công lâm bệnh nặng. Các công tử hợp bè đảng tranh vị, chẳng ai quan tâm đến phụ thân đang lâm bệnh. Bọn Dịch Nha còn đưa Hoàn Công vào giam trong tẩm cung, cho xây tường rào bao cung điện, không cho một ai được vào gặp. Hoàn công bèn than: "Than ôi! Thánh nhân có thể thấy trước tai họa! Nếu như phải chết thế này, ta còn mặt mũi nào để nhìn Trọng phụ đây?".

Khi hai trọng thần là Quản Trọng và Thấp Bằng mất, Tề Hoàn Công không nghe theo lời Quản Trọng
Khi hai trọng thần là Quản Trọng và Thấp Bằng mất, Tề Hoàn Công không nghe theo lời Quản Trọng. (Ảnh minh hoạ: miền công cộng)

Luân lý đạo đức cũng là điều kiện để Quản Trọng tiến cử hiền tài. Bào Thúc Nha không chỉ là người bạn rất thân của Quản Trọng mà còn là người có ơn lớn với ông. Chính Bào Thúc Nha là người đã phát hiện ra tài năng của Quản Trọng khi ông còn là kẻ bần hàn và cũng dốc sức tiến cử ông với Tề Hoàn Công để Quản Trọng làm tướng quốc. Sinh thời, Quản Trọng từng nói rằng: “Người sinh ra là mẹ, hiểu ta chỉ có Bão Thúc Nha mà thôi”.

Nhưng tại sao Quản Trọng lại không chọn Bào Thúc Nha?

Bào Thúc Nha tính tình phóng khoáng, sống thiên về tình cảm, dễ bị tình cảm làm động lòng. Trong khi đó Thấp Bằng là người vừa có đức hạnh vừa có lòng ham học hỏi lại có sự tỉnh táo, khôn khéo trong ứng xử. Nói về phẩm chất để làm người lãnh đạo thì cao hơn Bào Thúc Nha một bậc.

Qua đây ta cũng thấy một phẩm chất khác rất đáng quý của Quản Trọng: tiến cử hiền tài không vì tình thân. Ông không bị lụy tình trong khi đánh giá người khác nên mới có được cái nhìn khách quan mà sâu sắc như vậy.

Nam Minh

 

Tư liệu tham khảo:

  1. https://vi.wikipedia.org/wiki/Qu%E1%BA%A3n_Tr%E1%BB%8Dng#%C4%90%C3%A1nh_gi%C3%A1
  2. https://vi.wikipedia.org/wiki/T%E1%BB%81_Ho%C3%A0n_c%C3%B4ng
  3. https://tinhhoa.net/21200-bao-thuc-nha-va-quan-trong.html
  4. http://www.chuonghung.com/2015/12/dich-thuat-te-hoan-cong-goi-quan-trong.html
  5. Học trong sử sách - Lã Thúc Xuân, NXB Lao Động



BÀI CHỌN LỌC

Tài nhìn người của Quản Trọng: Tiến cử hiền tài không vì tình thân