Tại sao 36 người phương Tây kháng nghị trên Quảng trường Thiên An Môn? [Radio]

Giúp NTDVN sửa lỗi

20 năm trước, ngày 20 tháng 11 năm 2001, các học viên Pháp Luân Công từ 12 quốc gia đã kháng nghị ôn hòa tại Quảng trường Thiên An Môn ở Bắc Kinh, kêu gọi ĐCSTQ chấm dứt cuộc bức hại và tra tấn tàn ác các học viên Pháp Luân Công ở Trung Quốc.

Với chiếc ba lô lớn trên vai và cuốn sách hướng dẫn du lịch trên tay, anh Joel Chipkar người Canada trông như một du khách điển hình.

Người nhân viên bất động sản tóc nâu, 33 tuổi, mặc áo khoác đen và quần kaki, bước nhanh về phía Quảng trường Thiên An Môn, trung tâm thủ đô Trung Quốc - 10 năm trước (1989), nơi đây đã nhuộm đỏ máu của sinh viên và người dân, hàng nghìn người chết dưới họng súng và xe tăng của chế độ cộng sản.

Thời tiết ngày 20 tháng 11 năm 2001 khá tốt ở Bắc Kinh, nơi nổi tiếng với sương mù dày đặc, nhưng hôm ấy lại nắng chói chang với không khí trong lành.

Người tản bộ thong thả trên vỉa hè rộng màu xám, nhưng anh Chipkar không để ý lắm. Anh đi thẳng về phía Bắc của quảng trường. Anh ấy mang trên mình một sứ mệnh.

Anh Chipkar nhanh chóng nhìn thấy ‘mục tiêu’ mà anh đang tìm kiếm: 6 mét về phía Tây của cột cờ Trung Quốc, có 23 người với mái tóc màu sáng như anh ta đang lặng lẽ tụ họp với nhau, một số ngồi dưới đất, một số đứng, và điều chỉnh lại cổ áo của họ. Cảnh tượng này đã thu hút rất nhiều ánh mắt tò mò. Vào thời điểm đó, ở đất nước này, người ta không thường thấy một lúc nhiều gương mặt phương Tây như vậy.

Anh Chipkar dừng lại khi còn cách nhóm một khoảng. Anh nhận ra một vài khuôn mặt trong đám đông, nhưng anh biết rằng tốt nhất là không nên chào, bởi vì bất kỳ hành động nào thu hút sự chú ý xung quanh đều có thể không có lợi cho một hành động sắp tới.

Một sự nhiệt huyết bị kìm nén tràn ngập trong không khí. Sau một lúc, những người phương Tây này tụ thành bốn hàng, đứng hoặc ngồi, như thể chụp ảnh kỷ niệm tập thể trước Thiên An Môn. Sau đó, họ ngồi xuống trong tư thế thiền định. Một số người đã giăng một biểu ngữ vàng dài 2 mét với dòng chữ “Chân-Thiện-Nhẫn” bằng cả tiếng Trung và tiếng Anh, 3 từ này là nguyên lý cốt lõi của Pháp Luân Công, một đoàn thể tín ngưỡng bị đàn áp ở Trung Quốc.

Lúc này, cảnh sát ập đến, và vụ bắt giữ diễn ra ngay sau đó.

Nhiệm vụ của anh Chipkar là quan sát và ghi lại những gì đã xảy ra tại hiện trường.

36 người phương Tây trên Quảng trường Thiên An Môn
Vào ngày 20 tháng 11 năm 2001, trên Quảng trường Thiên An Môn ở Bắc Kinh, Trung Quốc, anh Joel Chipkar, với chiếc ba lô xanh bên trái, đang bí mật ghi lại hoạt động kháng nghị ôn hòa của 36 học viên Pháp Luân Công người phương Tây. (Ảnh: Minghui.com)

Kế hoạch

Tất cả điều này xảy ra 2 năm sau khi Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) tuyên bố đàn áp Pháp Luân Công (còn gọi là Pháp Luân Đại Pháp), khi đó có khoảng 70 triệu đến 100 triệu người tập Pháp Luân Công ở Trung Quốc. Vì người tu luyện quá đông, Pháp Luân Công đã trở thành cái gai trong mắt ĐCSTQ mà không có bất kỳ lý do gì.

Vào những năm 1990, tại các công viên và quảng trường trên khắp Trung Quốc, mỗi sáng có thể thấy hàng hàng các học viên Pháp Luân Công đang luyện công. Nhưng những hoạt động này đột ngột chấm dứt vào tháng 7 năm 1999, khi ĐCSTQ phát động chiến dịch hủy diệt Pháp Luân Công trên toàn quốc.

Kể từ đó, người tu luyện Pháp Luân Công đã trở thành nạn nhân của sự sách nhiễu, tra tấn cực hình, tù tội và nô lệ. Nhiều người bị buộc phải rời khỏi đơn vị làm việc hoặc trường học của họ, và những cuốn sách liên quan đến Pháp Luân Công đã bị tịch thu và đốt.

Cuộc bức hại Pháp Luân Công lên đến đỉnh điểm vào năm 2001. ĐCSTQ đã sử dụng đài truyền hình trong nước và báo chí để tuyên truyền cho cái gọi là “Vụ tự thiêu trên Quảng trường Thiên An Môn” vào ngày 20 tháng 1 năm 2001. Sau đó, sự việc được xác nhận là đã được dàn dựng theo lệnh của các quan chức cấp cao của ĐCSTQ để mô tả các học viên Pháp Luân Công là những người tự sát.

Cảnh sát bắt giữ một học viên Pháp Luân Công kháng nghị ôn hòa ở Quảng trường Thiên An Môn, xung quanh là một đám đông đang theo dõi, Bắc Kinh ngày 1 tháng 10 năm 2000.
Cảnh sát bắt giữ một học viên Pháp Luân Công kháng nghị ôn hòa ở Quảng trường Thiên An Môn, xung quanh là một đám đông đang theo dõi, Bắc Kinh ngày 1 tháng 10 năm 2000. (Ảnh: AP/ Chien-min Chung)

Thông tin sai lệch và chiến dịch tuyên truyền kích động thù địch ngày càng tăng từ phía ĐCSTQ, đã thúc đẩy các học viên Pháp Luân Công đến Quảng trường Thiên An Môn, trung tâm chính trị và điểm du lịch nổi tiếng của Trung Quốc, để kêu gọi chấm dứt cuộc bức hại.

Các học viên Pháp Luân Công ở nước ngoài đã lo lắng theo dõi tất cả sự kiện này, những gì mà các học viên ở Trung Quốc đang đối mặt, dường như nói với họ rằng, họ phải làm gì đó nhiều hơn nữa.

Đối với nhóm người phương Tây này, ý tưởng đến Quảng trường Thiên An Môn để kêu gọi chấm dứt cuộc đàn áp đã được nung nấu trong ít nhất một năm. Anh Peter Recknagel, 30 tuổi, sinh viên đại học người Đức chuyên ngành kinh tế và Trung Quốc, là một trong những người khởi xướng kế hoạch này. Khi anh ấy phát hiện ra rằng các học viên Pháp Luân Công ở những nơi khác trên thế giới cũng có mong muốn giống như vậy, thế là kế hoạch được mở rộng.

Cuối cùng, 36 học viên Pháp Luân Công từ 12 quốc gia bao gồm Châu Âu, Bắc Mỹ và Úc đã bay đến Trung Quốc. Nhiều người trong số họ không biết nhau. Hướng dẫn mà họ làm theo không thể ngắn gọn hơn: đi riêng; tập trung gần cột cờ trước 2 giờ chiều ngày 20 tháng 11; giữ thái độ khiêm tốn và truyền tải thông điệp mà họ muốn kêu gọi; có thể ở lại càng lâu càng tốt.

Vào ngày 20 tháng 11 năm 2001, các học viên Pháp Luân Công từ 12 quốc gia đã kháng nghị ôn hòa tại Quảng trường Thiên An Môn ở Bắc Kinh, kêu gọi ĐCSTQ chấm dứt cuộc bức hại và tra tấn các học viên Pháp Luân Công ở Trung Quốc.
Vào ngày 20 tháng 11 năm 2001, các học viên Pháp Luân Công từ 12 quốc gia đã kháng nghị ôn hòa tại Quảng trường Thiên An Môn ở Bắc Kinh, kêu gọi ĐCSTQ chấm dứt cuộc bức hại và tra tấn các học viên Pháp Luân Công ở Trung Quốc. (Ảnh: Adam Leining)

Họ đã đề phòng và đảm bảo rằng kế hoạch không bị lộ. Đồng thời, để tránh bị nghe trộm bởi chính quyền ĐCSTQ, chỉ có một số người tham gia vào công việc tổ chức và họ nói bằng tiếng Thụy Điển trong hầu hết các kế hoạch.

Adam Leining, một giám đốc quảng cáo 30 tuổi đến từ Hoa Kỳ, đã đặt biểu ngữ vào một chiếc túi đựng đồ. Vào đêm trước khi hành động, họ kéo rèm cửa phòng khách sạn xuống, bật nhạc disco thật to rồi lần lượt vào phòng để tập dượt. Họ mở biểu ngữ để xem nó lớn như thế nào và yêu cầu 3 thành viên cao lớn nhất trong nhóm cầm nó.

Khi mọi người tập trung tại quảng trường, hai người châu Âu cầm trên tay một bó hoa, như thể đang ăn mừng. Đây là cách mà họ tranh thủ thời gian để chuẩn bị thật tốt.

“Có một tín hiệu… và sau đó mỗi cá nhân đều phải chuyển sang tư thế đả tọa”, anh Recknagel, hiện 50 tuổi, sống ở New York, nhớ lại và nói với The Epoch Times.

“Chúng tôi phải rất, rất cẩn thận, kẻo kế hoạch bị phá hỏng trước khi hành động diễn ra.”

Vào tháng 11 năm 2001, tại Bắc Kinh, Trung Quốc, anh Joel Chipkar đã giơ một biểu ngữ nhỏ bằng tiếng Anh với chữ ‘Pháp Luân Đại Pháp hảo’ trên Vạn Lý Trường Thành
Vào tháng 11 năm 2001, tại Bắc Kinh, Trung Quốc, anh Joel Chipkar đã giơ một biểu ngữ nhỏ bằng tiếng Anh với chữ ‘Pháp Luân Đại Pháp hảo’ trên Vạn Lý Trường Thành. (Ảnh do anh Joel Chipkar cung cấp)

Nhân chứng

Anh Chipkar đã lên kế hoạch cho ‘vai diễn’ của mình một cách cẩn thận nhất có thể.

Anh mua một chiếc máy quay phim thu nhỏ và một thiết bị tương tự như máy nhắn tin, rồi anh nhét nó vào dây đeo của ba lô. Có một lỗ trên dây đeo để ống kính có thể xuyên qua bên ngoài. Sau đó, anh ấy dành trọn 4 ngày để soi gương với một chiếc ba lô trên lưng (trình diễn các hiệu ứng chụp ảnh) để thành thạo cách điều chỉnh góc máy ảnh. Cuốn băng sẽ phát trong khoảng 2 giờ, và khi mọi thứ đã sẵn sàng, anh ấy có thể thư giãn và đi bộ xung quanh.

“Tôi đã nghĩ đến tất cả những điều có thể xảy ra hoặc sai lầm, và tôi phải lên kế hoạch cho tất cả những điều này, bởi vì bạn sẽ không có cơ hội thứ hai.” Anh Chipkar hiện 53 tuổi và đang sống ở Toronto, đã nói trong một cuộc phỏng vấn với The Epoch Times.

Nắm bắt cơ hội

Khi kế hoạch đi du lịch Trung Quốc truyền đến tai cô Anne Hakosalo người Thụy Điển, cô tự hỏi bản thân mình có nên thử đến đó không, thậm chí còn không chắc liệu mình có thể đi qua hải quan Trung Quốc hay không.

Hai năm trước, vào ngày 28 tháng 10 năm 1999, ở tuổi 43, cô đang ở thủ đô của Trung Quốc; lúc đó khoảng 30 học viên Pháp Luân Công Trung Quốc đã dũng cảm tổ chức thành công một cuộc họp báo ngầm ‘Họp báo Pháp Luân Đại Pháp Trung Quốc Đại Lục’ để tiết lộ với các kênh truyền thông quốc tế lớn như Reuters, Associated Press, New York Times, về việc họ đã phải chịu đựng những hành vi bạo hành xâm phạm như thế nào.

Những hành động táo bạo của họ đã khiến ĐCSTQ tức giận điên cuồng và bị chính quyền trả thù dữ dội. Sau đó hầu hết họ đều bị kết án nặng, bị tra tấn đến thương tật, thậm chí bị bức hại đến chết.

Người thợ làm tóc tên Đinh Diên đã bị tống vào tù (nhà tù Thừa Đức) chưa đầy 2 năm, cô ấy bị tra tấn đến chết vào tháng 8 năm 2001. Cô ấy bị lột trần và nhốt trong lồng sắt có gai bằng gỗ, nước thải dơ bẩn từ ngục tối cứ chảy lên cổ cô ấy.

Cô Hakosalo là sinh viên trao đổi quốc tế học tiếng Trung tại thành phố Đại Liên, Đông Bắc. Vào tháng 11 năm 1999, cô bị bắt khi đang tham dự một cuộc hội họp với các học viên Pháp Luân Công ở Quảng Châu.

Cảnh sát đã biết được nơi ở của họ, và đột kích vào căn hộ của Hakosalo với hàng chục người bạn khác vào khoảng 2 giờ sáng, và thẩm vấn họ qua đêm. Một học viên Pháp Luân Công đã bị cảnh sát bắt và đập đầu vào tường bất tỉnh tại chỗ.

Ảnh của cô Anne Hakosalo trên một tờ báo Thụy Điển ngày 24/11/2001.
Ảnh của cô Anne Hakosalo trên một tờ báo Thụy Điển ngày 24/11/2001. (Ảnh do cô Anne Hakosalo cung cấp)

Có lẽ chính quốc tịch nước ngoài đã bảo vệ cô. Mặc dù cảnh sát đã lớn tiếng la mắng cô, nhưng trong hầu hết các trường hợp, họ đều kiềm chế. Cô ấy đã được thả vào chiều hôm đó.

Cô Hakosalo mang trong tâm nỗi sợ dai dẳng và cô không chắc liệu mình có bị chế độ Cộng sản Trung Quốc kiểm soát hay không sau tất cả những gì đã xảy ra. Nhưng vào phút cuối, cô quyết định nắm bắt cơ hội sang Trung Quốc.

Bất ngờ ngoài dự kiến của cô Hakosalo, mọi việc suôn sẻ, khoảng một tuần sau, cô nhận được visa đi Trung Quốc và đặt vé máy bay.

Cô ấy nghĩ có lẽ mình đã được định sẵn để đi.

Cô nói với truyền thông Thụy Điển: “Tôi phải đối mặt với sự lựa chọn, hoặc là đứng yên và chấp nhận một cách thụ động khi người tốt bị bức hại, hoặc hành động và tuyên bố rằng tôi sẽ không cho phép điều này xảy ra”.

“Không chỉ tôi không chấp nhận cuộc bức hại này, mà còn rất nhiều người trên khắp thế giới không chấp nhận nó. Tất cả chúng ta đều muốn sống trong lòng nhân ái.”

Giơ biểu ngữ

Đêm trước khi hành động, anh Chipkar trằn trọc và thao thức không thể chợp mắt, khi nghĩ về từng rủi ro nhỏ có thể gây nguy hiểm cho sứ mệnh của mình. Máy quay có thể bị trục trặc, hoặc cảnh sát có thể bắt anh trước khi anh đến hiện trường, khi đó tất cả công việc của anh sẽ bị lãng phí.

Khi anh Chipkar đến Quảng trường Thiên An Môn, người bạn của anh ấy là Zenon A. Dolnyckyj đã tụ họp với mọi người. Dolnyckyj, nhỏ hơn anh 10 tuổi, đã học một ít tiếng phổ thông cơ bản từ các học viên Pháp Luân Công Trung Quốc ở Toronto.

Hai người họ đã gặp nhau tại Vạn Lý Trường Thành một ngày trước đó và treo một lá cờ thẳng đứng màu vàng với hàng chữ “Pháp Luân Đại Pháp hảo”. Anh Dolnyckyj đã thức cả đêm trong khách sạn để viết những chữ Hán này trên tấm biểu ngữ, theo lời của anh Dolnyckyj, đây là một “thông điệp đẹp đẽ, mang tính biểu tượng”.

Zenon Dolnyckj và Joel Chipkar đả tọa ở Vạn Lý Trường Thành một ngày trước khi thỉnh nguyện ôn hòa tại Thiên An Môn
Zenon Dolnyckj và Joel Chipkar đả tọa ở Vạn Lý Trường Thành một ngày trước khi thỉnh nguyện ôn hòa tại Thiên An Môn. (Ảnh do anh Joel Chipkar cung cấp)

Anh Dolnyckj nói với The Epoch Times: “Anh Joel Chipkar và tôi rất kiên định trong tâm. Chúng tôi biết rằng đến đó là mạo hiểm mạng sống của chính mình, nhưng chúng tôi cảm thấy điều này rất quan trọng đối với thế giới. Vì vậy, cuối cùng cũng đến được Vạn Lý Trường Thành và treo cờ ở đó, thực sự rất xúc động”.

Cả hai đã mua vé để trở về Canada bốn giờ sau sự kiện Thiên An Môn.

“Hẹn gặp lại ở sân bay”, anh Chipkar nói với Dolnyckj tại khách sạn vào buổi sáng trước khi hành động.

Nhưng họ không thể trở về như đã hẹn.

Anh Dolnyckj đã dành cả ngày để đọc sách, đả tọa, đi đi lại lại trên những con phố gần đó, nhìn xuống đồng hồ, và anh bước vào quảng trường Thiên An Môn với tinh thần tràn đầy năng lượng “cảm giác bản thân như một người khổng lồ”.

Khi biểu ngữ lớn mở ra, cả Recknagel và Leining đều đang ngồi. Trong khi Dolnyckyj đứng đằng sau biểu ngữ giữa hai chữ “Chân” và “Thiện”, anh dùng hai tay giữ vững nó.

Vào năm 2017, khi trả lời phỏng vấn trong chương trình “Thời đại truyền kỳ” của Đài truyền hình Tân Đường Nhân, anh ấy nói: “Tôi cảm thấy rất tự hào vì chúng tôi đã giơ biểu ngữ một cách mạnh mẽ và giữ chặt biểu ngữ trong tay”.

Trong vòng chưa đầy 20 giây, còi xe cảnh sát đã xuyên thủng không trung. Ngay sau đó, ít nhất 6 xe cảnh sát đã bao vây họ. Các cảnh sát trong sắc phục và thường phục từ đâu xuất hiện, ném những học viên này lên xe, và giải tán quần chúng đang quan sát xung quanh.

Lúc này, cô Hakosalo ngồi hai hàng sau Recknagel, đã không di chuyển. Vì vậy, cảnh sát đã nhấc cô ấy lên khỏi mặt đất, kéo tóc cô và đẩy cô vào xe.

Khi cảnh sát ập đến, anh Dolnyckyj lấy ra từ ống quần của mình một biểu ngữ tạm màu vàng khác mà anh đã làm từ một chiếc áo gối. Anh ấy đã tập động tác này trong một khách sạn. Khi cầm biểu ngữ này, anh ấy đã cố gắng hết sức hô to “Pháp Luân Đại Pháp hảo”.

Zenon Dolnyckyj, mặc áo phông có cờ Canada, bị cảnh sát Trung Quốc giằng co ở Quảng trường Thiên An Môn sau khi tham gia đả tọa kháng nghị ôn hòa ủng hộ Pháp Luân Công, ngày 20 tháng 11 năm 2001
Zenon Dolnyckyj, mặc áo phông có cờ Canada, bị cảnh sát Trung Quốc giằng co ở Quảng trường Thiên An Môn sau khi tham gia đả tọa kháng nghị ôn hòa ủng hộ Pháp Luân Công, ngày 20 tháng 11 năm 2001. (Ảnh: AP/ Ng Han Guan)

Khi cảnh sát bắt được anh ta, một trong số họ đã đấm vào giữa hai mắt Dolnyckyj khiến anh bị gãy xương mũi. Máu chảy ra từ mũi, anh cảm thấy đau nhói và nước mắt giàn giụa.

Nhiều nắm đấm giáng xuống anh như mưa, và anh bị cưỡng chế vào một chiếc xe cảnh sát màu trắng, trong xe anh thấy một người đàn ông Thụy Điển bất tỉnh và một phụ nữ Pháp với mái tóc vàng và mắt xanh. Cảnh sát ra sức bóp cổ cô để ngăn cô ấy hô lên: “Pháp Luân Đại Pháp hảo”.

Anh Chipkar đứng cách khung cảnh hỗn loạn không xa, nhìn những người bạn của mình bị lôi đi trong vòng vài phút.

Sau đó, anh bắt một chiếc xe kéo về khách sạn, lao vào phòng tắm ở sảnh khách sạn, khóa trái cửa lại và bắt đầu tua máy. Sau khi xác nhận rằng mọi thứ đã ổn định, anh Chipkar đã đến văn phòng FedEx gần nhất và gửi bản ghi âm trở lại Canada.

“Tôi thực sự nhẹ nhõm”, anh Chipkar nói, “Mọi chuyện diễn ra tại quảng trường, thật đáng kinh ngạc - mọi thứ đã diễn ra đúng như kế hoạch của mọi người”.

Những người phương Tây bị cảnh sát Trung Quốc và xe cảnh sát bao vây tại Quảng trường Thiên An Môn sau khi giăng biểu ngữ Pháp Luân Công và ngồi đả tọa kháng nghị ôn hòa vào ngày 20 tháng 11 năm 2001. Sau đó họ đã bị cảnh sát đưa đi và tạm giam giữ
Những người phương Tây bị cảnh sát Trung Quốc và xe cảnh sát bao vây tại Quảng trường Thiên An Môn sau khi giăng biểu ngữ Pháp Luân Công và ngồi đả tọa kháng nghị ôn hòa vào ngày 20 tháng 11 năm 2001. Sau đó họ đã bị cảnh sát đưa đi và tạm giam giữ. (Ảnh: AP/ Ng Han Guan)

Thẩm vấn

Tuy nhiên, những người còn lại bị giam trong đồn cảnh sát gần Quảng trường Thiên An Môn, đó là một xà lim có vết máu trên tường và không có cửa sổ. Nhiều bạo lực đã xảy ra trong cuộc thẩm vấn. Một học viên Pháp Luân Công người Israel đã bị đánh vào mặt và đá vào háng.

Sau đó, họ được đưa đến một khách sạn gần sân bay - một sinh viên y khoa người Mỹ đã bị đánh vào đầu sau khi từ chối ký tên và xé báo cáo của cảnh sát. Một phụ nữ từ chối giao điện thoại di động và bị cảnh sát cưỡng chế khám xét.

Anh Recknagel biết một số tiếng Trung, đã cảnh báo cảnh sát không được tấn công sinh viên y khoa này.

Vào ngày 20 tháng 11 năm 2001, các học viên Pháp Luân Công người Châu Âu đã nói chuyện với một cảnh sát trong nhà tù dưới lòng đất của đồn cảnh sát gần Quảng trường Thiên An Môn ở Bắc Kinh, Trung Quốc.
Vào ngày 20 tháng 11 năm 2001, các học viên Pháp Luân Công người Châu Âu đã nói chuyện với một cảnh sát trong nhà tù dưới lòng đất của đồn cảnh sát gần Quảng trường Thiên An Môn ở Bắc Kinh, Trung Quốc. (Ảnh do Adam Leining cung cấp)

“Anh mà đánh một lần nữa, tất cả thế giới sẽ biết đấy”, anh Recknagel nhớ lại khi nói với sĩ quan bằng tiếng Quan Thoại.

Cảnh sát tức giận đẩy anh vào tường và đe dọa: “Anh có biết cảm giác chết như thế nào không?”, anh Recknagel nói với The Epoch Times.

Tuy nhiên, so với việc đối xử với các học viên Pháp Luân Công ở Trung Quốc, cảnh sát đã kiềm chế hơn. Trong suốt quá trình tố tụng, cảnh sát đã quay phim nhóm người này, bao gồm cả việc cung cấp thức ăn và nước uống, nhưng các học viên Pháp Luân Công bị bắt đã nghi ngờ việc này nhằm mục đích tuyên truyền. Bởi các hãng truyền thông chính thức sau đó đã đưa tin rằng, những người phương Tây này được đối xử nhân đạo.

Khoảng 24 đến 48 giờ sau, họ được đưa lên máy bay và được thông báo rằng họ không thể trở lại Trung Quốc trong vòng 5 năm.

Người hùng thực sự không phải là chúng tôi

Sau 20 năm, khi nhìn lại sự kiện trong quá khứ, anh Chipkar nói rằng hành động của họ không phải là anh hùng.

“Tại thời điểm đó, chúng tôi đã làm những gì chúng tôi nghĩ rằng phải làm. Mỗi người chúng tôi đều cố gắng hết sức”, anh ấy nói.

Theo Trung tâm Thông tin Pháp Luân Đại Pháp, kể từ khi ĐCSTQ bắt đầu cuộc đàn áp, hàng triệu học viên Pháp Luân Công đã bị tống vào các trung tâm giam giữ, nhà tù, trại lao động và những nơi khác, và hàng triệu người đã bị tra tấn. Nhiều học viên Pháp Luân Công bị giam giữ và bị mổ cướp nội tạng sống.

Minghui.org, một trang web có trụ sở tại Hoa Kỳ ghi lại cuộc đàn áp Pháp Luân Công của ĐCSTQ, đã xác nhận cái chết của hàng nghìn người. Các chuyên gia cho rằng đây chỉ là phần nổi của tảng băng chìm, bởi vì chế độ đang cố gắng hết sức để che đậy cuộc đàn áp tàn bạo của mình.

Anh Chipkar nói: “Những anh hùng thực sự đáng được quan tâm là các học viên Pháp Luân Công ở Trung Quốc. Họ đang trải qua thử thách sinh tử hàng ngày - mỗi khi bước ra khỏi nhà, họ đang nói cho mọi người biết về những hành động tàn bạo đang diễn ra. Những người ở Trung Quốc này mới là anh hùng, không phải chúng tôi”.

Vào tháng 11 năm 2001, anh Joel Chipkar có mặt tại sân bay sau khi từ Bắc Kinh trở về Toronto, Canada một cách an toàn
Vào tháng 11 năm 2001, anh Joel Chipkar có mặt tại sân bay sau khi từ Bắc Kinh trở về Toronto, Canada một cách an toàn. (Anh do anh Joel Chipkar cung cấp)

Anh Recknagel đã dành 18 năm đầu tiên của cuộc đời mình ở Đông Đức trước khi Bức tường Berlin sụp đổ. Anh mô tả chuyến đi đến Quảng trường Thiên An Môn là một “chuyến phiêu lưu mạo hiểm lớn”.

Anh Recknagel nói: “Không ai thực sự biết điều gì sẽ xảy ra. Tôi không biết điều này sẽ giúp thay đổi tình hình ở Trung Quốc bao nhiêu, nhưng ít nhất, nó đã cho chúng ta một cái nhìn thoáng qua về việc ĐCSTQ bức hại các học viên Pháp Luân Công là sự thật và tàn khốc như thế nào”.

Sau đó, một nghệ sĩ đã khắc họa khoảnh khắc khi các học viên Pháp Luân Công phương Tây giương biểu ngữ trên Quảng trường Thiên An Môn trong một bức tranh sơn dầu. Trong bức tranh, một ánh sáng vàng nhẹ tỏa ra từ nhóm học viên.

“Hãy nhìn vào Chân-Thiện-Nhẫn”, anh nói và chỉ vào ba ký tự Trung Quốc trên biểu ngữ. “Vào thời điểm đó, chúng tôi đã đứng lên vì điều này.”

Bức tranh hiện đang được triển lãm trong một trung tâm mua sắm ở ngoại ô New York, nơi thỉnh thoảng anh Recknagel ghé thăm.

“Thật tuyệt khi có bức ảnh đó làm kỷ niệm!”, anh nói.

Nhưng với anh và nhiều người khác, những ký ức của 20 năm trước không thể tách rời với nỗi đau thương.

“Ở Trung Quốc, nhiều người cũng đã bước ra vì Chân-Thiện-Nhẫn, nhưng họ không để lại một bức ảnh nào.” Anh Recknagel nói, “Quá nhiều người đã bị giết”.

Pháp Luân Đại Pháp (còn được gọi là Pháp Luân Công) là một môn tu luyện Phật gia thượng thừa được Ngài Lý Hồng Chí truyền dạy, lấy đặc tính Chân-Thiện-Nhẫn của vũ trụ làm nguyên tắc chỉ đạo, bao gồm 5 bài công pháp với các động tác chậm rãi và đẹp mắt. Năm 1992, Pháp Luân Đại Pháp bắt đầu công khai truyền tại xã hội Trung Quốc. Cho đến nay đã truyền rộng đến hơn 100 quốc gia và nhận được hơn 4.000 lời khen ngợi và thư cảm ơn, mang lại lợi ích cho hàng trăm triệu người cả về thể chất lẫn tinh thần.

Cao Nguyên
Theo The Epoch Times



BÀI CHỌN LỌC

Tại sao 36 người phương Tây kháng nghị trên Quảng trường Thiên An Môn? [Radio]