Tại sao ĐCSTQ thích các băng đảng xã hội đen?

Giúp NTDVN sửa lỗi

ĐCSTQ từ thời đầu mới thành lập đã có mối quan hệ qua lại với những nhân vật xã hội đen và lợi dụng lẫn nhau.

ĐCSTQ từ thời đầu mới thành lập đã có mối quan hệ qua lại với những nhân vật xã hội đen và lợi dụng lẫn nhau. Do đó Đặng Tiểu Bình, Đào Tứ Câu dã công khai tuyên bố: “Xã hội đen cũng là những người yêu nước”. Câu nói này khiến những người dân Hong Kong vốn an phận giữ mình kinh hãi. Sau khi thảm sát Thiên An Môn ngày 4 tháng 6 năm 1989, Bắc Kinh thành lập một cơ cấu xuyên quốc gia chuyên phụ trách Mặt trận Thống nhất Hải ngoại. Cơ quan này đã tuyển dụng những kẻ cầm đầu xã hội đen Hong Kong đảm nhiệm những chức vụ quan trọng. Tất cả những điều này không khác gì một gậy đánh trực diện vào đầu lực lượng cảnh sát Hong Kong, một lực lượng khi đó vốn đang dốc hết sức trấn áp tấn công các băng đảng xã hội đen.

Xã hội đen thực hiện sách lược “Thỏ khôn có 3 hang”

Mọi người đều biết, thời kỳ đầu, khi ĐCSTQ mới xây dựng chính quyền, đã bắt giết hàng loạt những thành viên các băng đảng xã hội đen ở Trung Quốc, nhưng các phong trào “Trấn phản” (trấn áp phản cách mạng) và “Thanh phỉ phản bá” (thanh trừ thổ phỉ và chống ác bá) lại không hề động đến cái lông chân của thủ lĩnh xã hội đen Trung Quốc lúc bấy giờ là Hoàng Kim Vinh. Điều này là vì thủ lĩnh băng nhóm xã hội đen này đã yểm hộ những thành viên ngầm của ĐCSTQ.

Ngay từ năm 1929, trùm xã hội đen hai mang Đỗ Nguyệt Sênh đã nhờ sự giới thiệu của thành viên băng đảng xã hội đen Trương Nghiêu Khanh, đã mời Dương Độ, đảng viên bí mật của ĐCSTQ, làm tân khách, đồng thời tặng cho ông ta ngôi nhà số 30 ngõ 155 đường Tiết Hoa Lập, Thượng Hải, ngoài ra còn cấp khoản tiền mỗi tháng 500 đồng bạc Tây để ông ta chi dùng.

Chân dung trùm xã hội đen Đỗ Nguyệt Sênh. (Ảnh: Wikipedia)

Thân phận của Dương Độ

Dương Độ là thủ lĩnh Trù An hội năm 1915, ông ta là kẻ đầu sỏ ủng hộ Viên Thế Khải xưng đế. Lúc ông ta thân bại danh liệt thì được Lý Đại Chiêu giới thiệu gia nhập ĐCSTQ vào năm 1926. Người này rất giỏi trong việc chạy quan hệ với các chính khách quan chức. Tuy trong chính trị ông ta biến ảo phản phúc, nhưng lại được lãnh đạo ĐCSTQ coi trọng. Một người có nhiều mối quan hệ như Dương Độ thế này làm ngoại tuyến cho ĐCSTQ thì rất hữu dụng. Ông ta công khai sử dụng những mối quan hệ cũ của mình cứu những người đang ở trong tù như Lý Đại Chiêu, Thiệu Phiêu Bình, Lâm Bạch Thủy…

Sau này Dương Độ lại gia nhập các tổ chức ngoại tuyến của ĐCSTQ ở Thượng Hải như “Đồng minh tự do”, “Liên minh các nhà khoa học xã hội Trung Quốc”, “Liên minh bảo vệ nhân quyền Trung Quốc”... Ông ta bày tỏ muốn bán ngôi nhà ở đường Tiết Hoa Lập để quyên tiền cho ĐCSTQ. Chính trong ngôi nhà sang trọng đó, ông ta đã cung cấp các tin tức tình báo cho lãnh đạo ngầm của ĐCSTQ là Phan Hán Niên, Thẩm Đoan Tiên (Hạ Diễn), và chứa chấp che giấu những đảng viên ngầm của ĐCSTQ bị truy nã.

Quan hệ của Dương Độ với ĐCSTQ đã được báo chí Thượng Hải tiết lộ 60 năm trước. Hơn nữa, Dương Độ đã nhiều lần đứng ra khuyên Đỗ Nguyệt Sênh không trợ giúp chính phủ Quốc dân nữa. Vì vậy, Đỗ Nguyệt Sênh hậu đãi Dương Độ, rất rõ ràng là đã nương tay với đầu sỏ băng đảng xã hội đen có thái độ hữu hảo và tình cảm đối với ĐCSTQ.

2 tháng trước khi chết, Chu Ân Lai đã phái thư ký tìm Vương Dã Thu - Giám đốc Bảo tàng Cố Cung, muốn ông ta thông báo cho ban biên tập cuốn từ điển “Từ hải” rằng: “Không được để sót từ mục “Dương Độ”, và phải ghi chép thân phận chính trị chân thực của Dương.

Ngày 28 tháng 6 năm 1986, mộ Dương Độ được xây dựng lại ở phía sau bên phải lăng mộ Tống Khánh Linh ở ngoại ô phía Tây Thượng Hải, Phó chủ tịch Ủy ban thường trực Quốc hội Chu Cốc Thành tham dự nghi lễ khánh thành mộ. Trong buổi lễ, cháu nội trưởng của Dương Độ là Dương Hữu Long tuyên đọc văn tế của Hạ Diễn, ca ngợi Dương Độ “tâm an đúng lý làm rất nhiều việc có ích cho nhân dân”.

Trong buổi lễ, cháu nội trưởng của Dương Độ là Dương Hữu Long tuyên đọc văn tế của Hạ Diễn, ca ngợi Dương Độ “tâm an đúng lý làm rất nhiều việc có ích cho nhân dân”. (Ảnh minh họa: Pixabay)

Kim Sơn là đồ đệ Quan sơn môn của Đỗ Nguyệt Sênh

Sau khi kháng chiến nổ ra, Đỗ Nguyệt Sênh triệu tập hội nghị chủ tịch đoàn hội hậu phương chi viện kháng chiến chống địch ở Thượng Hải, thông qua Phan Hán Niên, Chủ nhiệm văn phòng Bát lộ quân ở Thượng Hải, viện trợ không hoàn lại 1000 bộ mặt nạ phòng độc của Hà Lam cho ĐCSTQ. Theo trần thuật của nhà báo lão thành Từ Chú Thành trong sách “Đỗ Nguyệt Sênh chính truyện” rằng, Đỗ Nguyệt Sênh bày tỏ với Phan Hán Niên rằng: “Tuyệt đối không được để cấp dưới cản trợ các hoạt động của ĐCSTQ ở Thượng Hải”.

Trong sách “Vài mẩu chuyện về Phong trào công nhân Thượng Hải và bang hội”, Chủ tịch Trung ương Cách mạng dân quốc Chu Học Phạm đề cập rằng, Đỗ Nguyệt Sênh đã từng che chở cho em họ của Chu Ân Lai là Chu Ân Dâm. Sau kháng chiến chống Nhật thắng lợi, Quốc dân đảng chỉnh đốn kỷ cương, đã quét sạch các thế lực bang hội xã hội đen, Hải quan Thượng Hải đã một lô hàng lậu của Đỗ Nguyệt Sênh. Đỗ Nguyệt Sênh không biết làm thế nào, đành phải nhờ các đảng viên ngầm của ĐCSTQ trợ giúp thông quan, để Hải quan cho thông quan. Sự kiện này khiến Đỗ Nguyệt Sênh thấy được khả năng thâm nhập của các đảng viên ngầm ĐCSTQ vào các cơ quan chính quyền, nên càng không dám coi thường ĐCSTQ.

Năm 1947, theo yêu cầu của các đảng viên ngầm ĐCSTQ, Đỗ Nguyệt Sênh đã thu nhận Kim Sơn làm đồ đệ. Kim Sơn vốn tên là Triệu Mặc, sinh năm 1911 ở huyện Ngô, Giang Tô. Năm 18 tuổi Kim Sơn đến Thượng Hải mưu sinh, từ đầu lĩnh nhỏ của xã hội đen, được anh trai là Triệu Ban Phủ giới thiệu gia nhập ĐCSTQ. Những năm 1930, Kim Sơn theo nghề điện ảnh, kịch ở Thượng Hải, là phần tử trung kiên trong liên minh các nhà hát kịch cánh tả. Các vở kịch Kim Sơn diễn vai chính như “Tiếng hát nửa đêm”, “Đêm cuồng hoan” thể hiện khả năng kích động tình cảm. Sau khi kháng chiến chống Nhật nổ ra, Kim Sơn nhận chỉ thị của Chu Ân Lai, đã dẫn đoàn kịch đến các nơi ở Nam Dương (Đông Nam Á) biểu diễn quyên tiền.

Sau kháng chiến chống Nhật thắng lợi, Kim Sơn đại miểu cho Bộ tuyên truyền Quốc Dân Đảng tiếp quản hãng phim “Mãn ảnh” Đông Bắc, đổi tên là “Xưởng phim Trường Xuân”. Để tiện liên lạc các nhân vật quan trọng trong giới công thương, tài chính, quân sự, chính trị, Kim Sơn phụng mệnh ĐCSTQ một mình đến Thượng Hải liên hệ với Đỗ Nguyệt Sênh, được đỗ thu nhận làm “đồ đệ Quan sơn môn”.

Trong bang hội, đồ đệ “Khai sơn môn” và đồ đệ “Quan sơn môn” có địa vị đặc biệt nhất, thường là những môn sinh đắc ý nhất của đại ca. Tai mắt của Đỗ Nguyệt Sênh rất nhiều, chắc chắn ông ta biết rõ thân phận chính trị của Kim Sơn, mà ông ta kết nghĩa thầy trò với Kim Sơn thì rõ ràng là muốn lấy lòng ĐCSTQ.

Cố Trúc Hiên được Chu Ân Lai đánh giá rất cao

Thời kỳ Quốc - Cộng hòa đàm, Kim Sơn làm đại biểu ngư nghiệp của chính quyền quốc dân, lại là đảng viên ĐCSTQ, dẫn đến việc Mao Trạch Đông nắm rõ những quân bài của chính phủ Lý Tông Nhân Nam Kinh, do đó thái độ của ĐCSTQ cực kỳ cứng rắn, còn Quốc dân đảng bị bịt mắt giống như trong cái trống, thì sao mà chẳng thất bai?

Năm 1950, Liêu Thừa Chí, Giám đốc Kịch viện Nghệ thuật Thanh niên Trung Quốc, khi mời Kim Sơn làm cấp phó đã nói với mọi người rằng: “Tôi xin giới thiệu với mọi người một đặc vụ nổi tiếng toàn quốc - Kim Sơn, đảm nhiệm vị trí Phó giám đốc của Kịch viện chúng ta”.

Kim Sơn xâm nhập vào nội bộ Quốc dân đảng nhiều năm, chưa từng gặp bất trắc nào, là nhờ công lao che chắn của Đỗ Nguyệt Sênh.

Kim Sơn là hoàng đế kịch nói những năm 1940 ở Trung Quốc, ông ta tổng cộng cưới 5 vợ: Dịch Quả Lĩnh, Vương Oánh, Trương Thụy Phương, Tôn Duy Thế, Tôn Tân Thế. Thời kỳ Cách mạng Văn hóa, Kim Sơn bị giam 7 năm, Vương Oánh, Tôn Duy Thế đều bị chết dưới bàn tay tàn ác của Giang Thanh.

Thời kỳ cuối cuộc chiến Quốc - Cộng, quân đội Quốc dân hiển lộ dấu hiệu thất bại, các trùm băng đảng Thượng Hải tới tấp ngả theo ĐCSTQ. Tài phiệt Tô bắc Cố Trúc Hiên ngay từ thời kỳ cách mạng đã từng cứu Khương Duy Tân, đại đội trưởng phong trào công nhân Thượng Hải của ĐCSTQ, được Chu Ân Lai khen ngợi.

Thời kỳ cuối cuộc chiến Quốc - Cộng, quân đội Quốc dân hiển lộ dấu hiệu thất bại, các trùm băng đảng Thượng Hải tới tấp ngả theo ĐCSTQ. (Ảnh: Tổng hợp)

Thời kỳ kháng chiến chống Nhật, Cố Trúc Hiên còn che chở cho các nhân viên ĐCSTQ từ Thượng Hải đi Diên An, hoặc che giấu ở Thượng Hải dưỡng bệnh. Sau khi kháng chiến thắng lợi, Cố công khai hợp tác với “Ủy ban công tác bang hội” - cơ cấu ngầm của ĐCSTQ ở Thượng Hải, và vận động các đệ tử giúp Cố Thúc Bình, đảng viên ngầm của ĐCSTQ, thắng cử làm Phó Quận trưởng.

Hướng Hải Tiềm, sơn chủ của Hồng bang Ngũ Thánh sơn, cũng hưởng ứng yêu cầu của ĐCSTQ, đã liên lạc với một số các đầu lĩnh xã hội đen, trước khi đi Đài Loan có hẹn ước rằng không làm việc cho chính phủ Quốc dân (Sự việc này đầu tiên được ghi chép trong tập 5 sách “Lịch sử cách mạng”, Nhà xuất bản Văn sử xuất bản năm 1981).

Để kết nối liên lạc giữa Thượng Hải và “khu giải phóng”, Cục Thượng Hải của ĐCSTQ đã lợi dụng xã hội đen xây dựng một số tuyến giao thông ngầm đường bộ và đường thủy, và bảo đảm chúng được thông suốt.

Hoàng Kim Vinh còn chấp nhận đề nghị của ĐCSTQ, ở lại Thượng Hải, tiếp đón ĐCSTQ đến tiếp quản. Để tỏ lòng trung thành với ĐCSTQ, Hoàng Kim Vinh đã giao cho ĐCSTQ đang hoạt động ngầm ở Thượng Hải danh sách các thủ lĩnh các băng nhóm xã hội đen, và che chở cho hàng loạt các đảng viên ngầm của ĐCSTQ. Sau khi Trần Nghị làm chủ Thượng Hải, quả nhiên không giết Hoàng Kim Vinh.

Đỗ Nguyện Sênh từng yêu cầu ĐCSTQ nương tay

Năm 1947, Đỗ Nguyệt Sênh thấy Quốc dân đảng rầm rộ chỉnh đốn giới tài chính, nên đã đến Hong Kong lánh nạn. Khi đó ông ta đã bí mật bàn tính với Phan Hán Niên ở Hong Kong, đảm bảo sau khi ĐCSTQ tiếp quản Thượng Hải, giới xã hội đen sẽ không quậy phá, và cũng xin ĐCSTQ xử lý khoan hồng (Xem sách “Từ sa trường đến Thập dương trường” của Hà Hiểu Lỗ - Nhà xuất bản Văn nghệ Giải phóng quân, xuất bản năm 1986).

Khi quân Giải phóng đến gần Giang Nam, Đỗ Nguyệt Sênh liên tục tiếp xúc với Hoàng Viêm Bồi, Tiền Tân Chi, Chương Sĩ Chiêu, Thịnh Phi Hoa, Sa Thiên Lý, Sử Lương, Trương Lan… Đỗ Nguyệt Sênh tiếc bao nhiêu sản nghiệp của ông ta ở Thượng Hải, lại sợ ĐCSTQ thanh toán nợ máu của ông ta với Vương Thọ Hoa.

Ngày 10 tháng 4 năm 1949, Tưởng Giới Thạch triệu kiến Đỗ, muốn ông ta theo chính phủ đi Đài Loan. Đỗ đã đi con đường trung gian, không ở lại Thượng Hải, cũng không đi Đài Loan, mà di cư đến Hong Kong.

Thời kỳ chiến tranh Triều Tiên, ĐCSTQ khéo léo sử dụng các tổ chức xã hội đen Hong Kong, vận chuyển những hàng bị cấm vận như xăng và săm lốp xe vào Đại lục. Chủ mưu của kế hoạch này là Hoắc Anh Đông đã thăng quan như diều gặp gió, làm quan đến chức Phó chủ tịch Chính hiệp toàn quốc, sau bị bệnh chết ở Bệnh viện Cán bộ cao cấp Bắc Kinh, thi thể được phủ cờ 5 sao, được hưởng vinh dự của “đảng và nhà nước”. Những nhân viên “có công” còn làm đại biểu nhân dân toàn quốc. Ngoài ra, lực lượng trung tâm gây các cuộc bạo động cánh tả năm 1967 cũng là những nhân vật xã hội đen Hong Kong.

Đặng Tiểu Bình thích xã hội đen hải ngoại

Đặng Tiểu Bình thăm Hoa Kỳ (Ảnh Getty)

Tháng 1 năm 1979, Đặng Tiểu Bình thăm Hoa Kỳ theo lời mời của Tổng thống Carter. Những nơi ông ta đến đều bị những người kháng nghị là những nhân sĩ thân Đài Loan phản đối.

Để đảm bảo an toàn cho chuyến thăm Mỹ của Đặng Tiểu Bình, Bộ Công an Trung Quốc đã liên lạc với Hội Tam Hoàng, băng đảng xã hội đen người Hoa ở Mỹ, băng đảng này đã xuất quân “800 tráng sĩ” giám sát nghiêm ngặt những nhân sĩ thân Đài Loan. Do đó vài nghìn sinh viên Đài Loan đã không làm nên ảnh hưởng gì. Sau khi chuyến thăm Hoa Kỳ thành công tốt đẹp, Đặng Tiểu Bình đã có những tình cảm tốt đối với những nhân vật xã hội đen hải ngoại.

Đầu những năm 1980, khi hai nước Trung Anh đàm phán về tiền đồ Hong Kong sau năm 97, Ủy ban công tác Hong Kong Ma Cao đã báo cáo tình hình hoạt động và tổ chức của Hội Tam Hoàng với Trung ương. Ngày 22 tháng 6 năm 1984, khi tiếp kiến Đường Tường Thiên, Nghê Thiếu Kiệt, những danh nhân giới công thương Hong Kong, Đặng Tiểu Bình bày tỏ: “Lực lượng xã hội đen Hong Kong rất lớn, lớn hơn các địa phương khác. Xã hội đen không phải đều là đen, người tốt cũng không ít”.

Ngày 3 tháng 10 cùng năm, Đặng lại nói về vấn đề xã hội đen rằng: “Tôi đã nói mấy lần rồi, xã hội đen không phải đều là đen, người yêu nước (thực tế là yêu đảng) rất nhiều… Chúng ta cũng phải làm công tác về phương diện này. Được biết đại đa số bọn họ có thái độ tốt. Đương nhiên trong đó có một bộ phận là phải làm công tác, khuyên họ không được làm loạn. Cách nhìn nhận chung của chúng ta là, xã hội đen không phải đều là đen, đa số là người tốt, nhưng hành động của họ cần phải có tiết chế”.

Ấn tượng tốt của Đặng Tiểu Bình đối với xã hội đen có lẽ bắt nguồn từ việc được Hội Tam Hoàng bảo vệ trong thời gian Đặng thăm Hoa Kỳ năm 1979.

Đại Minh
Theo Ngọc Lượng - Visiontimes



BÀI CHỌN LỌC

Tại sao ĐCSTQ thích các băng đảng xã hội đen?