Tại sao học thư pháp khó đến vậy? Đại sư thư pháp trả lời (Phần 1)

Giúp NTDVN sửa lỗi

Viết thư pháp cần thân tâm thanh tịnh, nhờ đó mà tẩy tịnh thân tâm. Với thể Khải thư và Triện thư, mỗi nét đều cần sáng trong, ổn định, không có tâm tình an định thì không thể viết được. Trước đây người ta bảo viết thư pháp có thể tu tâm dưỡng tính, tôi cho là cần phải tu tâm dưỡng tính trước mới có thể viết tốt được thư pháp.

Phong cách của thư pháp không phải là thứ có thể thêm vào mà tạo ra được, không phải là việc lấy phong cách của Nhan Chân Khanh thêm vào đó bút pháp của Liễu Công Quyền là tạo ra một phong cách mới; cũng không phải là bớt đi là có thể làm ra, không phải lấy bút pháp Âu Dương Tu viết mảnh đi chút là thành ‘Sấu kim thể’ (một thể thư pháp độc đáo, nét chữ cứng mạnh sắc bén của Tống Huy Tông). Viết chữ cần có tiêu chuẩn, tiêu chuẩn của thư pháp không phải là bút pháp hay kết cấu của thầy dạy, mà phải lấy các tác phẩm thư pháp kinh điển làm tiêu chuẩn, luyện tập thư pháp mà không có tiêu chuẩn này, thì chỉ lãng phí thời gian.

Bồi dưỡng nhãn lực như thế nào

Muốn học thư pháp tiến bộ, ngoại trừ việc nỗ lực luyện viết, đồng thời cần phải gia tăng năng lực ‘Khán thư pháp’ (xem thư pháp).

Tuy thư pháp chỉ là giấy trắng mực đen, nhưng điều xảo diệu then chốt bên trong không thể nhìn qua mà thấy được. Những đặc tính kỹ thuật, phong cách cần phải học rồi mới có thể thưởng thức thể hội được.

Nếu không học thư pháp thì năng lực thưởng thức chỉ có thể đạt tới một trình độ nhất định, muốn chân chính học cách xem thư pháp, đầu tiên phải học viết thư pháp.

Trong quá trình học viết thư pháp, cần phải có thầy chỉ bảo, rồi tự mình bền bỉ luyện tập, dần dần sẽ thể hội được cách viết của mỗi nét mỗi từ, hiểu được sự biểu hiện của tiết tấu, lực đạo trong từng nét bút, rồi kết cấu khuôn hình cần phải có đủ yếu tố gì thì mới đẹp, cuối cùng mới có năng lực phân biệt, hiểu được hành khí, đặc điểm, phong cách của thư pháp.

Do đó viết nhiều đọc nhiều là cách duy nhất để nâng cao nhãn lực, học thư pháp không thể chỉ vùi đầu tập viết, mà còn cần thường xuyên chuyên tâm đọc các tác phẩm thư pháp kinh điển, cẩn trọng ghi nhớ những điều then chốt, như vậy nhãn lực thư pháp mới dần dần đề thăng, mới có thể nâng cao năng lực viết chữ.

Tự mình bồi dưỡng nhãn quang

Dạy thư pháp khó nhất không phải là kỹ thuật, mà là dạy nhãn quang. (Ảnh: Thư pháp Hầu Cát Lượng, nhà xuất bản Thương Chu cung cấp)

Đại bộ phận học thư pháp chỉ học cách viết, chứ không học cách nhìn; nhưng nếu chỉ đặt tâm vào kỹ thuật viết thì không thể biết cách xem (thể hội) thư pháp, vì bên cạnh kỹ thuật còn có rất nhiều vấn đề tinh thâm khác.

Tôi thường luận đàm nhiều về quan niệm, cách nhìn thư pháp, nhưng cũng cảm thấy rằng học trò không cảm thụ được, hoặc là họ chỉ muốn học phần kỹ thuật, mà coi nhẹ các thứ khác; nhìn từ thói quen viết chữ, phương pháp xem cho đến những ghi chép học tập, có thể thấy học trò chỉ tập trung vào cách viết, cho nên nhãn quang, nhãn lực bị hạn cuộc trong một phạm vi rất hẹp.

Những điều thầy nhìn ra, cũng giải thích rõ, nhưng kỳ thực học trò không nhất định đã thể hội được.

Thực ra, để bồi dưỡng nhãn quang không khó, chỉ cần có tâm theo học, bồi dưỡng nhãn lực, tìm một tác phẩm thư pháp kinh điển, nghiên cứu kỹ càng, tìm ra đáp án cho câu hỏi: ‘Đẹp ở chỗ nào? tại sao lại đẹp?’ nhãn quang sẽ tự nhiên tinh tấn.

Tất nhiên, mới ban đầu cần phải có thầy dạy chỉ bảo, thầy có cao minh không, có chính xác không là vô cùng quan trọng, không phải thầy nói gì cũng đúng, học trò cần phải có chứng nghiệm của tự mình mà phân biệt.

Người thời nay học thư pháp

(Ảnh: Thư pháp Hầu Cát Lượng, nhà xuất bản Thương Chu cung cấp)

Thời nay viết chữ không dùng bút lông, cũng hiếm khi tiếp xúc với thư pháp, nhưng có nhiều người trong tình cảnh ấy nhưng lại tự cho rằng mình hiểu về thư pháp, kỳ thực nhận thức của họ đâu có khác chi bọn trẻ nhỏ ngu ngơ.

Không hiểu thư pháp cũng không sao cả, nhưng chớ không hiểu mà giả vờ là hiểu, hoặc tự cho mình là đã hiểu.

Yêu thích thư pháp, rất tốt; có thể hiểu thư pháp, càng tốt!

Xung đột phong cách

Các thể chữ Triện, Lệ, Hành, Thảo, Khải là khác nhau, ngay cả kỹ xảo, giấy, bút cũng không giống nhau, thậm chí có chỗ xung đột, người giỏi Khải thư có thể không giỏi Hành thư, người rất giỏi Hành thư, có thể không viết được Lệ thư, thường là như vậy.

Với người thời nay mà nói thì ‘Ngũ thể kiêm thiện’ (năm thể chữ đều giỏi) thật là khó, không nhất thiết phải vậy, có thể viết tốt một hai thể đã là tốt lắm rồi.

Từ viết chữ tới xem chữ

Viết thư pháp cần thân tâm thanh tịnh, nhờ đó mà tẩy tịnh thân tâm. Với thể Khải thư và Triện thư, mỗi nét đều cần sáng trong, ổn định, không có tâm tình an định thì không thể viết được. Trước đây người ta bảo viết thư pháp có thể tu tâm dưỡng tính, tôi cho là cần phải tu tâm dưỡng tính trước mới có thể viết tốt được thư pháp. Ngày nay càng ngày càng ít dùng chữ viết mà dùng đánh máy, nhắn tin… nên việc viết thư pháp càng cần phải tu tâm dưỡng tính.

Tuy nhiên, người thời nay học thư pháp rất thực dụng, là có mục đích mà học, nói là học thư pháp để viết ra chữ đẹp, nhưng lại lấy đó làm tiêu chuẩn duy nhất mà học, thật là hạn hẹp nông cạn.

Có nhiều triển lãm rất hay ở bảo tàng Cố Cung Đài Bắc, thông thường chúng tôi thường cho học sinh tới Cố Cung xem triển lãm, đồng thời yêu cầu học sinh viết tâm đắc thể hội. Có những học sinh có thể hội làm người ta giật mình.

Điều giật mình thứ nhất, là có rất nhiều người lần đầu tiên đi xem triển lãm. Thứ hai, khi xem triển lãm xong, ca ngợi xuýt xoa không ngớt, biểu hiện ra hy vọng có ngày sẽ viết được như tác phẩm của Thẩm Chu, Văn Trừng Minh.

Thích thư pháp, nhưng chưa từng qua Cố Cung xem các tác phẩm của danh gia lịch sử, thậm chí không có kiến thức cơ bản về lịch sử thư pháp, tôi không thể tưởng tượng nổi là, khi đứng trước một kiệt tác thư pháp, điều họ nghĩ tới không phải là làm thế nào để có thể hiểu sâu thêm về học dưỡng cùng thành tựu của thư pháp gia, mà chỉ hy vọng sẽ có thể viết được như cổ nhân, tôi không sao hiểu nổi!

Muốn lý giải thư pháp, phải bắt đầu từ những tác phẩm thư pháp kinh điển, mà tại sao những tác phẩm ấy lại trở thành kinh điển, thư pháp gia ấy đã sáng tạo kinh điển ấy như thế nào? Bắt đầu tìm hiểu từ đây, tích lũy dần dần, rồi mới có thể nhận thức một cách tương đối hoàn chỉnh về thư pháp.

Nếu không hiểu ý nghĩa của các tác phẩm kinh điển, xem không hiểu tại sao đó lại là kinh điển, thì sao có thể học thư pháp tốt được?

Do đó tôi dần dần đưa cách nhận thức thư pháp vào trong các khóa dạy thư pháp. Trên thực tế, hầu hết những người thích học thư pháp, có lẽ đều không biết cách nhận thức thư pháp như thế nào.

Giáo dục thư pháp ở Đài Loan rất lưỡng cực, dạy viết chữ thì hầu như không bàn về cách thưởng thức thư pháp, mà chỉ luận về cái đẹp của thư pháp, hoàn toàn không bàn về kỹ pháp viết chữ, thế là biến thư pháp trở thành một loại kỹ thuật rèn luyện thông thường, hoàn toàn không chứa nội hàm văn nhân, việc thưởng thức thư pháp trở thành những nhận xét cảm tính lan man, như môn mỹ học tạo dáng tạo hình vậy.

Người già thường bảo, ‘Cần giàu quá ba đời, mới hiểu được cái ăn sự mặc’ có nghĩa là, cần tích lũy trên ba đời tài phú, mới dần dần học được sự quý phái cầu kỳ trong sinh hoạt, câu này thích hợp cho toàn xã hội chúng ta. Đài Loan giàu có mấy chục năm, nhưng đại bộ phận vẫn không biết sống thế nào, đa số là đi du lịch các nơi, tìm của ngon vật lạ, trên Facebook tràn ngập các loại món ăn, quảng cáo du lịch, kỳ thực trái lại nó bộc lộ ra cuộc sống nhạt nhẽo vô vị trong sinh hoạt hàng ngày.

Cần hiểu được cái ăn sự mặc, không phải là thứ có tiền là mua được, cuộc sống cần bồi dưỡng nên năng lực cảm thụ đối với cái đẹp, tích lũy dần dần, rồi sau đó mới có thể cầu kỳ cùng với việc thưởng thức cảm thụ sự cầu kỳ đó.

Du lịch cùng ăn ngon là những thứ hưởng thụ ở tầng diện nông cạn nhất, tất cả những thứ ngon miệng đẹp mắt, người ta đều bày cả ra cho bạn rồi, chỉ cần trả tiền là thưởng thức thôi. Nhưng sự hưởng thụ này quả là quá giản đơn, quá dễ dàng, nên cũng dễ qua loa đại khái, không cần tìm hiểu thứ trước mặt mình là gì, cách xa nội hàm thực sự của chữ ‘Thưởng thức’.

Viết chữ cũng như vậy, nhiều người học thư pháp nhiều năm, nhưng chưa bao giờ xem qua một bút tích kinh điển, thậm chí chưa bao giờ tới Cố Cung Đài Bắc xem triển lãm, thậm chí không có lấy một cuốn chữ mẫu tốt, điều họ quan tâm, có lẽ chỉ là kỹ thuật viết chữ, chứ không phải là từ học tập thư pháp mà nâng cao hàm dưỡng văn hóa, năng lực thẩm mỹ, từ đó hiểu được văn hóa thư pháp cùng ý nghĩa mỹ học hàm chứa bên trong.

(Còn tiếp)

(Bản văn trích từ ‘Thư pháp và cuộc sống’, nhà xuất bản Thương Chu)

Hầu Cát Lượng - Epoch Times
Thái Bình biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Tại sao học thư pháp khó đến vậy? Đại sư thư pháp trả lời (Phần 1)