Tại sao học thư pháp khó đến vậy? Đại sư thư pháp trả lời (Phần 2)

Giúp NTDVN sửa lỗi

Học thư pháp là để viết ra chữ đẹp, cho nên người học viết rất coi trọng kết cấu chữ, có rất nhiều sách dạy về kết cấu chữ. Kỳ thực để viết chữ đẹp không khó, chỉ cần làm được nét ngang cân bằng, nét sổ thẳng buông, kích thước cân đối, chia đều hai bên, kết cấu chữ chỉ cần phù hợp vài điều trên là có thể có được chữ khá đẹp rồi.

Thưởng thức thư pháp như thế nào?

Có một số tiêu chuẩn khách quan nhất định để nhìn chữ.

Có thể phân thành nhiều bộ phận: Phần tĩnh, phần động, phần mặc vận (khí vận của mực), phần giấy mực, mỗi phần có những tiêu chuẩn khác nhau, vô cùng phức tạp. Một bức thư pháp đẹp cần phải trải qua kiểm nghiệm khắt khe, lật đi lật lại, mới có thể xác lập được điều kiện, nhưng một bức thư pháp tầm thường, chỉ cần căn cứ vào phần động, phần tĩnh, phần mặc vận, phần giấy mực mà phân tích, nhìn qua là thấy ngay chỗ dở của nó.

Công lực của thư pháp chỉ cần nhìn một nét là đủ biết, không cần xem cả bài. Nhìn cả bài là để đánh giá những thứ ở tầng diện thâm sâu hơn, như sự tu dưỡng, tính cách, rồi tâm thái khi viết chữ.

Viết thư pháp, nếu nhìn không ra chỗ hay chỗ dở của mỗi nét bút, thì không thể luận đàm về bút pháp, chương pháp, kết cấu được.

Cổ nhân xem các bản gốc, người ngày nay xem các bản in ấn, ảnh chụp trên mạng, tất nhiên ‘Nhãn lực’ có sự sai biệt rất lớn. Cho nên người ta khó mà thể hội được các yếu tố quan trọng như chất giấy, sắc mực. Nếu không hiểu rõ quan hệ của giấy mực, thì không thể lĩnh ngộ được sự thâm sâu của thư pháp.

Dạy học trò học kỹ thuật viết chữ không khó, nhưng bồi dưỡng nhãn quang thì quả thật gian nan.

Nét chữ và kết cấu

(Ảnh: Thư pháp Hầu Cát lượng/ nhà xuất bản Thương Chu cung cấp)

Học thư pháp là để viết ra chữ đẹp, cho nên người học viết rất coi trọng kết cấu chữ, có rất nhiều sách dạy về kết cấu chữ. Kỳ thực để viết chữ đẹp không khó, chỉ cần làm được nét ngang cân bằng, nét sổ thẳng buông, kích thước cân đối, chia đều hai bên, kết cấu chữ chỉ cần phù hợp vài điều trên là có thể có được chữ khá đẹp rồi.

Trước khi học kết cấu, điều cơ bản nhất là nét bút, chữ Hán do rất nhiều nét tổ hợp mà thành, nếu nét bút không đẹp thì kết cấu có chính xác đến thế nào thì chữ cũng không thể đẹp được, ngay cả đối với chữ viết thường của chúng ta cũng vậy.

(Ảnh: Thư pháp Hầu Cát lượng/ nhà xuất bản Thương Chu cung cấp)

Nét bút đẹp hay không hãy nhìn lực đạo, không có nhà thư pháp nào lại có nét chữ yếu mềm vô lực, vậy làm thế nào để thể hiện ra lực đạo, đây là điểm cơ bản then chốt nhất trong thư pháp.

Phán đoán thư pháp của một người hay dở ra sao, chỉ cần nhìn lực đạo của nét bút là thấy, với người mới học hay các nhà thư pháp thành danh cũng vậy.

Xem bút lực mạnh thế nào?

(Ảnh: Thư pháp Hầu Cát lượng/nhà xuất bản Thương Chu cung cấp)

‘Bút lực’ là tiêu chuẩn cơ bản nhất, cũng là tiêu chuẩn cuối cùng để đánh giá một bức thư pháp hay dở ra sao, không có thư pháp gia nổi danh nào mà không có bút lực mạnh mẽ, nét bút yếu mềm, tuyệt không thể là cao thủ thư pháp.

Người hiện đại xem thư pháp, thường xem về kết cấu, màu mực, chương pháp…những thứ hình thức bề mặt, nhưng không nắm bắt được bút lực.

Bút lực biểu hiện trên hình trạng của nét bút, dựa vào sự vận chuyển của bút lông, cho nên chủng loại bút lông rất quan trọng. Biểu hiện của bút lực trên màu mực, dựa vào độ thấm sâu của mực trên giấy, nếu không cẩn thận cầu kỳ về nồng độ mực cùng với chủng loại giấy viết thì sẽ không thể biểu hiện ra được bút lực.

Xem chữ, không phải xem những thứ mà người ta cho là đáng nể như ‘nét bút liền’ (liên bút), ‘ sợi tơ’ (du ty), những thứ đó rất đơn giản, bút lông không rời mặt giấy, nét hư mà lại thực, thì cũng có ba phần giống như chữ của thư pháp gia Phó Sơn hoặc Vương Đạc, nhưng không có bút lực thì ba phần giống ấy cũng chẳng có nghĩa gì.

(Ảnh: Thư pháp Hầu Cát lượng/nhà xuất bản Thương Chu cung cấp)

Cho nên, muốn hiểu thư pháp, cần bắt đầu từ điều cơ bản nhất là ‘Cảm thụ nét bút’, đây là điều thuộc về học vấn chuyên môn, cần phải rèn luyện cùng học tập; phải nhìn ra được kỹ xảo và phương pháp, chứ chỉ nhìn không thôi thì nhìn nhiều cũng không tác dụng gì.

Sau khi nắm được ‘Cảm thụ nét bút’, mới đến bước tiếp theo tìm hiểu nguyên lý của ‘Kết cấu chữ’, kết cấu chữ Hán có quy tắc riêng, cần hiểu rõ những quy tắc ấy thì mới nhìn ra được ‘Tại sao lại đẹp’, mà không phải chỉ là ‘Cảm thấy đẹp’.

Nếu không hiểu được ‘Cảm thụ nét bút’ cùng với ‘Kết cấu chữ’ thì không thể thưởng thức được thư pháp.

Hai điều này tuy là điều cơ bản của thư pháp, nhưng đối với người hiện đại ngày nay mà nói thì đó là một loại học vấn thâm sâu, cho nên không thể chỉ dựa vào những văn tự thuyết minh hoặc lối so sánh thông thường, như những câu ‘Rồng bay phượng múa’, rồi ‘Nước chảy mây trôi’ để hình dung, thực ra đó chỉ để tham khảo mà thôi.

Cách bồi dưỡng nhãn quang đơn giản nhất, đó là lấy tác phẩm kinh điển của cổ nhân ra so sánh với thư pháp ngày nay, không cần xem toàn bộ, chỉ cần xem một chữ thôi, tỉ mỉ ngắm xem lực đạo có khác biệt gì, kết cấu hay dở nằm ở chỗ nào, sau khi thấy được điểm tâm đắc, lại tiếp tục nhìn chữ thứ hai, cứ thế mà suy, lâu dần lâu dần, tự nhiên sẽ bồi dưỡng lên một nhãn lực nhất định.

(Hết)

(Bài viết trích từ cuốn ‘Thư pháp với cuộc sống’, nhà xuất bản Thương Chu)

Hầu Cát Lượng - Epoch Times
Thái Bình biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Tại sao học thư pháp khó đến vậy? Đại sư thư pháp trả lời (Phần 2)