Tại sao Lưu Bị lại kết nghĩa với anh hàng thịt Trương Phi và tội phạm bị truy nã Quan Vũ?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Lưu, Quan, Trương ba vị nơi vườn đào kết nghĩa, là những nhân vật đóng vai trò chủ đạo trong “Tam quốc diễn nghĩa”. Những bạn đọc yêu thích chuyện Tam quốc có lẽ sẽ thấy lạ ở chỗ: Tại sao một người buôn giày cỏ, một tội phạm bị truy nã, một người bán thịt lại có thể gặp nhau rồi kết thành huynh đệ?

Chúng ta cùng xem quá trình kết nghĩa ở vườn đào. Xuất hiện đầu tiên là Lưu Bị, nói thuộc dòng dõi đế vương, là hậu duệ của Trung Sơn Tĩnh Vương. Đến đời ông thì đã sa sút lắm rồi, “Nhà nghèo, bán giày dệt chiếu nuôi thân”. Cha mất sớm, Lưu Bị “Tận hiếu với mẹ”, chú của ông cũng có chút dư dật, nên nuôi ông ăn học. Lưu Bị giỏi kết giao “Theo học thầy Trịnh Huyền, Lư Thực, kết giao bằng hữu với Công Tôn Toản”.

Trịnh Huyền là bậc túc nho vang danh thiên hạ, có thể làm học trò của ông thì Lưu Bị cũng không phải hạng tầm thường. Lư Thực cũng vậy, ông là bậc đàn anh của Trịnh Huyền, từng làm Thái thú ở địa phương, khi Hoàng Cân khởi nghĩa, trong quân đội ông là “Bắc trung lang tướng”. Công Tôn Toản xuất thân quý tộc, có quan hệ rộng khắp, tuổi còn trẻ đã làm quan. Có thể nói, đừng cho là Lưu Bị nghèo khó, kỳ thực ông đã có tài lực mềm.

Khi Hoàng Cân phất cờ khởi nghĩa, Lưu Bị đã 28 tuổi. Ông đứng trước hịch chiêu binh thở dài. Trương Phi ở phía sau chen lên, hỏi rằng đã có chí báo quốc, thì trực tiếp ghi danh là đúng rồi, tại sao còn thở dài làm chi? Nguyên do là “hận không đủ lực, nên mới thở dài”. Lưu Bị nói đến “Lực”, là chỉ điều gì? Thực ra là tài lực, ông thiếu tiền.

Trương Phi lập tức tiếp lời, nói rằng nhà mình “Ở quận Trác, có nhiều ruộng đất, bán rượu mổ lợn…có khá tiền tài…”.

“Yên nhân Trương Dực Đức ở đây! Kẻ nào dám tử chiến?”
“Yên nhân Trương Dực Đức ở đây! Kẻ nào dám tử chiến?”. (Tranh Katsukawa Shuntei / miền công cộng)

Độc giả lưu ý, Lưu Bị nói mình “không đủ lực”, Trương Phi liền bảo mình “có tiền tài”, đây nói lên điều gì? Là Trương Phi trước tiên điều tra tình hình của Lưu Bị. Lập tức một lời chỉ rõ, cái Lưu Bị thiếu là tiền. Cho nên Trương Phi lấy tiền làm mồi nhử, để Lưu Bị đi cùng ông.

Trương Phi nói “nhà ở quận Trác”, nhưng ông không phải hào môn đại hộ gì, cũng không chút chức vụ, ông nói mình giỏi “kết giao thiên hạ hào kiệt”, nhưng chúng ta theo dõi mạch chuyện thì Trương Phi lại chẳng có lấy một người quen, khác hẳn với Lưu Bị và Quan Vũ.

Trương Phi nói ông làm nghề bán rượu mổ lợn, có nhiều ruộng đất, nhiều tiền tài. Mọi người đều biết, ở xã hội hiện đại, bạn mở khách sạn, nhà hàng, nhất định phải có chút bản lĩnh để đảm bảo việc kinh doanh bình thường, không thì kẻ khác làm nhiễu loạn, huống chi là vào thời mạt Hán loạn thế khi ấy.

Chúng ta hãy xem binh khí của Trương Phi: là trượng bát xà mâu. Đây không phải là kiểu binh khí của quân đội chính quy, cũng khác với các binh khí thông thường trong xã hội như thương, kích, đao, kiếm, tuyệt nhiên không phải là binh khí thông thường.

Trương Phi có 18 vị kỵ tướng người nước Yên theo cùng, đến từ dải Yên Sơn, mọi người đều biết, khi ấy dải Yên Sơn toàn là lục lâm thảo khấu, chuyên cướp bóc khách vãng lai.

Trương Phi để mất Từ Châu, để phục hận Lã Bố, ông cho quân binh hóa trang thành đạo tặc đi cướp ngựa của Lã Bố. Sau khi Từ Châu bị Tào Tháo đánh bại, Trương Phi chạy về vùng hoang vu Đãng Sơn làm thổ phỉ. Trong tác chiến Trương Phi thường dùng chiến thuật của giặc phỉ là phục kích đánh cướp, ông rất thạo việc này.

Chúng ta thông qua những tiền tài không minh bạch của Trương Phi, tính cách, binh khí, thành phần thuộc hạ, cách thức đánh cướp, cùng ngôn từ thô lỗ mà nhìn, thì khẳng định đây không thể là một người thiện lương, mà nhiều khả năng ông là một tướng cướp khét tiếng ở dải Yên Sơn. Trương Phi tìm thấy Lưu Bị, dùng tiền tài dẫn động, dắt theo một nhóm người phò tá cho chính quyền nhà Hán, nguyên nhân thực chất chính là để rửa sạch lai lịch cùng tài sản bất lương.

Về Quan Vũ thì dễ hiểu, ông là một tội phạm đang bị quan phủ đưa lệnh truy nã khắp nơi, trốn chạy lưu lạc tứ xứ giang hồ. Quan Vũ được Lưu Bị là dòng dõi tông thất nhà Hán che chở, đưa vào quân đội, tham gia trấn áp khởi nghĩa Hoàng Cân, lập được công lao, cũng rửa sạch được vết nhơ lý lịch.

Ai làm đại ca trong ba người, khẳng định phải là Lưu Bị. Trương Phi thì không được, sẽ có người nhận ra anh ta. Quan Vũ cũng không được, hình truy nã còn dán cổng thành! Chỉ có Lưu Bị thế gia thanh bạch, lại là học trò của bậc đại Nho, còn có đồng môn, bằng hữu làm công vụ trong chính phủ, rất thuận lợi cho việc khởi sự.

Anh hùng Tam Quốc: Lưu Bị - Quan Vũ - Trương Phi. (Tranh: Sekkan Sakurai/ miền công cộng)

Mọi người còn nhớ, 18 lộ chư hầu tụ hội liên minh thảo phạt Đổng Trác, Công Tôn Toản dẫn quân đi hội minh, qua Đức Châu huyện Bình Nguyên, gặp ba anh em Lưu Quan Trương ở vườn đào. Sau khi hàn huyên cùng Lưu Bị, Công Tôn Toản chỉ vào Quan Vũ và Trương Phi đứng sau Lưu Bị hỏi: “Họ này là ai?”, lại còn hỏi han hai người về chức vụ, cảm thán rằng: “Như vậy có thể nói là vùi lấp anh hùng”.

Vậy tại sao Công Tôn Toản lại đặc biệt lưu ý đến Quan Vũ và Trương Phi? Trước đây Công Tôn Toản nhậm chức ở phòng tuyến phía bắc, ngoài việc phòng ngự Hung Nô, ông còn đảm nhiệm trị an địa phương, có lẽ ông đã biết hai người này, lúc tiễu phỉ đã thấy chăng? Hay là nhìn lệnh truy nã quan trên đưa tới mà thấy?

Qua phân tích, chúng ta có thể thấy, Lưu Bị có cơ sở học vấn khá tốt, quan hệ rộng, có tài lực mềm, chỉ thiếu tiền và nhân lực. Lưu Bị chí hướng cao xa, giỏi hoạch định sách lược, cũng cần người như Quan Vũ làm quản lý, người như Trương Phi làm chấp hành. Ba người hợp lại, có tầng quyết sách, tầng quản lý, tầng thực thi, lại còn đủ tiền tài, nhân lực, là cơ sở tốt đẹp cho việc khởi nghiệp, ba anh em thông qua mục tiêu chung mà thực hiện lý tưởng riêng của từng người.

Thái Bình
Theo zhihu

Văn hoá Lịch sử


BÀI CHỌN LỌC

Tại sao Lưu Bị lại kết nghĩa với anh hàng thịt Trương Phi và tội phạm bị truy nã Quan Vũ?