Tại sao người có điều kiện lại thất bại, người bình thường vẫn có thể thành công

Giúp NTDVN sửa lỗi

[Radio] - Người như thế nào dễ thành công? Phải chăng là người nhanh nhẹn, tháo vát, có tài năng, hay người có trí thông minh IQ cao, chỉ số cảm xúc EQ cao, hay là người học giỏi, đa tài đa nghệ, giỏi đàn ca nhạc họa, giỏi bóng đá, bóng rổ, võ thuật, hay là người trong gia đình giàu có, có đủ điều kiện phát triển? Thực tế lại cho thấy, khá nhiều người thiếu những yếu tố thành công trên lại đạt được thành công vượt bậc.

Nghe thêm: Radio Văn Hóa

Nếu bạn chú ý đến các cuộc họp lớp của những cựu học sinh, cựu sinh viên sau hàng chục năm rời mái trường, bạn sẽ rất bất ngờ rằng, những người thành công, thành đạt thường không phải là người học hành giỏi giang hay nhiều tài hoa, mà là những người vốn không có gì nổi bật, còn những người rất thông minh, tài hoa, sau lại chỉ là những người bình thường. Thậm chí có người tuổi thơ nghèo khó, sống khá chật vật, sau lại đạt được thành công.

Vậy điều gì khiến những người trông có vẻ bình thường, không có điều kiện lại trở thành người thành công? Và điều gì khiến những người vốn có tài năng, có điều kiện tốt lại trở nên tầm thường?

1. Kiên trì bền bỉ vượt khó khăn

Người gia cảnh khá giả thường bận rộn với những cuộc chơi, du ngoạn, picnic, sinh nhật, tiệc tùng, hẹn hò, yêu đương… Người gia cảnh khó khăn không có sự lựa chọn nào khác, ngoài việc lao động và học tập.

Con đường thành công của Napoleon là như vậy. Quá trình trưởng thành của ông rất “khó khăn”.

Napoleon sinh ra trong một gia đình rất bình thường, năm 10 tuổi, cậu được gửi đến học tại một học viện quân sự ở miền đông nước Pháp. Học sinh ở đó đa phần là con nhà giàu và thích bắt nạt học sinh mới.

Sau nhiều lần bị bạn cùng lớp bắt nạt, cậu bé đã viết thư cho bố: “Bố muốn con phải chịu đựng suốt trước những người giàu có và kiêu ngạo này ư?”

Người cha trả lời: “Vì nhà nghèo, con chỉ có thể kiên trì”.

Vậy là Napoleon, mặc quần áo cũ rách, học ở học viện trong năm năm, và sau đó được nhận vào Học viện Quân sự Hoàng gia. Thời gian rảnh rỗi, ông đều vùi đầu vào đọc sách trong thư viện nhà trường.

Ở trường, có người phát hiện ra ghi chép của Napoleon có hơn 400 trang, bản đồ của ông chứa đầy các ký hiệu khác nhau, còn tính toán cẩn thận những điểm đáng lưu ý, có thể phán đoán chính xác “lợi hại của trận chiến”.

Thời gian các bạn tiệc tùng, vui chơi thì ông dùng để đọc sách, nghiên cứu. Nhờ đó mà sau này đã tạo nên một Napoleon bách chiến bách thắng, chấn động châu Âu, tiếng tăm lừng lẫy trên toàn thế giới.


Napoléon vượt dãy Alps trên lưng chiến mã Marengo (1800), vẽ bởi Jacques-Louis David. (Phạm vi công cộng)

Chúng ta đều nói: “Kiên trì là thành công”. Tuy nhiên, trong hoàn cảnh tồi tệ, kiên trì như thế nào không phải là chuyện đùa, cũng không phải đơn giản như một câu nói. Đến cả Einstein còn thừa nhận “Không phải là tôi quá thông minh, chỉ là tôi chịu bỏ nhiều thời gian hơn với vấn đề”.

2. Khiêm tốn học hỏi không tự mãn

Những người có tài năng, tài hoa, thông minh, dễ phạm phải một đại kỵ, khiến họ không thể thành công, đó là tự mãn, kiêu ngạo. Điều này ban đầu có vẻ vô hại, nhưng khi họ đã quen được mọi người khen ngợi, ngưỡng mộ, họ sẽ coi “trên đời này không có kẻ nào bằng ta”. Khi thấy có người nào đó có gì hơn họ, thì họ ghen tức, tật đố, khó chịu.

Người trí tuệ bình thường, tiếp thu chậm, học hành cảm thấy khá khó khăn, nên họ chăm chỉ và khiêm tốn học hỏi, dẫu bị cười chê họ vẫn không để tâm, họ không quá chú ý đến đánh giá của người khác, mà dành tâm sức hoàn thiện mình.

Người khiêm tốn không tự kiêu, luôn ý thức được về bản thân mình, luôn biết lắng nghe, tiếp thu ý kiến người khác, qua đó mà hoàn thiện bản thân, nâng cao kiến thức.

Ngay từ khi còn trẻ, Trương Trọng Cảnh đã rất nổi tiếng là một thầy thuốc tài năng, nhưng ông vẫn miệt mài tìm kiếm tri thức mới, gặp gỡ những danh y nổi tiếng ở mọi nơi để tìm hiểu thêm kiến thức y học.

Đương thời có một thầy thuốc là Vương Bất Tử, cũng là một danh y rất tài năng và nổi tiếng. Dương Trọng Cảnh liền lặn lội tìm đến nhà Vương Bất Tử và nói với người tổng quản: “Tôi đến từ Hồ Nam. Tôi không có cách gì kiếm sống, hãy làm ơn nhận tôi làm học trò”.

Vương Bất Tử nghe được và đi ra. Ông thấy chàng trai thông minh và sạch sẽ, bèn nói: ”Được rồi, ta cần người phụ một tay, từ nay anh sẽ là đệ tử sắc thuốc”.

Trong vòng một năm, Dương Trọng Cảnh đã học được rất nhiều kiến thức từ Vương Bất Tử, tài đoán và chữa bệnh của ông thậm chí còn cao hơn cả thầy của mình. Có những ca bệnh hiểm nghèo Vương Bất Tử không chữa được thì Dương Trọng Cảnh lại chữa được. Điều này khiến Vương Bất Tử rất nghi hoặc nên đã hỏi: “Anh thật ra là ai?”.

Trương Trọng Cảnh đáp lại: “Con là Trương Trọng Cảnh. Con đến đây để học nghề của thầy”.

Lúc này Vương Bất Tử mới giật mình, vội chắp tay nói: “Chao ôi, nghe danh ông đã lâu, tôi quả là có mắt không thấy Thái Sơn, tôi không xứng làm thầy của ông!”.

Sau đó, Vương Bất Tử mở một bữa tiệc để khoản đãi Trương Trọng Cảnh. Từ đó, hai người trở thành bạn tốt của nhau.

3. Nhẫn nại khoan dung giữ nội tâm yên tĩnh

Một cạm bẫy nữa đối với mọi người, nhất là người thông minh tài hoa, đó là khả năng nhẫn nại và lòng bao dung. Người tài hoa khi tự đánh giá mình quá cao, say sưa với lời khen của người khác, thì sẽ sập bẫy này, và họ sẽ như quả bom, không ai dám đụng đến họ. Họ hễ nghe thấy ai đó nói điều không lọt tai về mình thì liền nổi đóa lên, làm sai cũng không chịu nghe ai phê bình, họ không nhẫn được.

Người bình thường nhưng nếu có khả năng nhẫn nại, bao dung, không để ý đến khen chê của người khác, dồn tâm sức cho mục tiêu của mình, tự hoàn thiện mình, thì họ lại dễ thành công, đạt thành tựu lớn.

Thời Xuân Thu, có một vị tên là Sĩ Thành Ỷ, nghe nhiều người tán tụng đạo đức và học thức của Lão Tử, nên đã không quản đường xá xa xôi khổ cực để tìm đến bái kiến ông, muốn theo Lão Tử học Đạo.

Nhưng khi đến nhà của Lão Tử, lại cảm thấy rất thất vọng, anh ta nói với Lão Tử: “Tôi nghe nói phu tử là bậc Thánh nhân nên mộ danh mà đến, chân đi đến phồng da cũng không dám nghỉ ngơi, nhưng giờ gặp mặt, tôi thấy tiên sinh chẳng phải bậc Thánh nhân gì, vì trong nhà ngài có đất từ trong lỗ chuột đào ra, còn có cơm thừa, thức ăn thừa trong đó, nên nhất định là ngài vứt đi, điều này cho thấy ngài bất nhân. Không những thế, lương thực vải vóc bày ra cả một đống lớn, càng cho thấy ngài tích trữ tài vật vô độ.”

Lão Tử nghe rồi, vẫn thờ ơ, cũng không giải thích lời nào. Lúc này trong lòng Sĩ Thành Ỷ cảm thấy kỳ lạ khó hiểu, có lẽ anh ta đang nghĩ rằng: “Nếu như nói rằng là ta đã thắng, thì ta phải rất sung sướng chứ, tại sao ta lại cảm thấy không phải như thế nhỉ, cái này là đạo lý thì đây?

Nhưng nghĩ đi nghĩ lại, anh ta cũng nghĩ không ra nguyên cớ là gì. Sĩ Thành Ỷ không nén nổi nên hôm sau liền đến gặp Lão Tử hỏi: “Hôm qua tôi đã nói lời vô lễ với ông, nhưng những cảnh tượng kia hôm nay đều không còn nữa, tại sao chứ?”

Lão Tử nói: “Người ta cho rằng ta là người tràn đầy trí huệ, nhưng ta sớm đã coi nhẹ loại danh phận này rồi. Hôm qua anh gọi ta là trâu thì ta là trâu, gọi là ngựa thì ta là ngựa.

Nếu ta đã lĩnh ngộ được thực chất của Đại Đạo, những điều anh nói kia đối với ta có ảnh hưởng gì đâu, bởi vì giải thích tranh luận với anh sự việc này, thì đó là một sự sỉ nhục đối với ta!

Ta làm việc luôn như thế, và cũng không phải vì muốn để người ta khen mình, mới đi làm việc nào đó.”

Sỹ Thành Ỷ nghe xong, trong lòng xấu hổ vô cùng, và bắt đầu hết sức tôn kính Lão Tử.

Lão Tử cưỡi trâu đi ra khỏi Hàm Cốc Quan (Nguồn: wikipedia)

Có thể thấy, đối với Lão Tử mà nói, người khác đánh giá mình như thế nào, nói mình là trâu cũng được, là ngựa cũng được, đều không cần phải so đo, không quan tâm hơn thua, có thể vứt bỏ hết thảy những can nhiễu từ xúc cảm của hỷ nộ ai lạc, tu thân dưỡng tính, nội tâm thanh tĩnh như nước, như thế mới có thể ngộ Đạo.

4. Thực hiện ngay kế hoạch mà không cần chờ đợi đủ điều kiện

Chúng ta trong cuộc đời ai nấy đều có rất nhiều ước mơ theo đuổi và nhiều kế hoạch đầy tham vọng. Người có điều kiện kinh tế, gia đình tốt hơn có lợi thế hơn, nhưng, thành công lại không quyết định bởi điều kiện vật chất, mà bởi cách thức tiếp cận mục tiêu.

Xưa có hai cư sĩ, một người sống trong nhung lụa giàu sang, còn một người từ bé đã trải qua cái khốn khó của nghèo đói. Một hôm cư sĩ nghèo tâm sự với cư sĩ giàu: “Tôi muốn đi đến bờ biển phía Nam”.

“Anh đi như thế nào và bằng phương tiện gì?” - cư sĩ giàu hỏi lại.

“Tôi chỉ cần có một cái chai và một cái bát“ - cư sĩ nghèo trả lời.

Cư sĩ giàu ngạc nhiên: “Nhiều năm nay tôi đã muốn thuê một chiếc thuyền để đi đến đó, nhưng cho đến bây giờ tôi vẫn chưa thực hiện được. Điều gì khiến anh tin rằng anh sẽ đến đó được chỉ với một cái chai và một cái bát?”.

Cư sĩ nghèo im lặng không trả lời.

Một năm sau, hai cư sĩ gặp lại nhau sau khi cư sĩ nghèo trở về từ bờ biển phía Nam. Anh đã kể cho cư sĩ giàu về việc bản thân đã nỗ lực thế nào để thực hiện chuyến đi của mình. Người cư sĩ giàu cảm thấy rất hổ thẹn, anh đã không thể tưởng tượng được chỉ với hai thứ đơn giản mà cư sĩ nghèo có thể thực hiện được ước mơ của mình.

Lão Tử nói: "Cây lớn nhiều người ôm bắt đầu sinh trưởng từ mầm nhỏ. Đài cao chín tầng bắt đầu từ đắp hòn đất nhỏ. Hành trình nghìn dặm khởi đầu từ bước chân".

Con đường thành công là cả một hành trình lâu dài, gian khổ, đòi hỏi phải có quyết tâm, quyết chí, bền lòng, cùng tinh thần lạc quan, vui vẻ đối mặt với khó khăn, thất bại. Và điều quan trọng là biết tận dụng thời gian, ngày ngày nỗ lực vươn đến mục tiêu, dẫu chỉ bước đi một bước nhỏ, thì cũng đã đang tiến đến thành công rồi. Trên hành trình lâu dài đó, chớ để cảnh hoa thơm cỏ lạ ven đường hấp dẫn mà dừng chân không bước tiếp, hoặc bước sang đường rẽ.

Hoàng Mai



BÀI CHỌN LỌC

Tại sao người có điều kiện lại thất bại, người bình thường vẫn có thể thành công