Tại sao nói 'mời thần đến thì dễ, tiễn thần đi thì khó'?

Giúp NTDVN sửa lỗi

[Radio] - Một gia đình vốn dĩ rất tốt đẹp, nhưng chỉ vì một lần thắp hương bái ‘thần’, không những không đem lại may mắn mà còn khiến vợ và con gái đột ngột qua đời vì bạo bệnh. Rốt cuộc đã xảy ra chuyện gì?

Nghe thêm: Radio Văn Hóa

Sách “Di Kiên Chí” của học sĩ Hồng Mại (1123–1202) thời Nam Tống bên Trung Quốc có ghi lại câu chuyện như sau:

Ở bến Bạch Diện, huyện Kiến Đức, Trì Châu, có một nông hộ tên là Lý Ngũ Thất. Người này gia cảnh giàu có, thích thờ cúng Thần linh, dân làng gọi ông là Lý Lang.

Tháng 4 năm Khánh Nguyên thứ hai (tức năm 1196), Lý Ngũ Thất đến miếu Ngũ Hầu ở huyện Vụ Nguyên dâng hương tám ngày, cả đi cả về hết 15 ngày. Vào cái đêm ông về đến nhà, ngoài cửa đột nhiên vang lên tiếng chiêng, tiếng trống, cờ hoa rực rỡ bay phấp phới, xuất hiện hơn một trăm người mặc quần áo thêu hoa.

Chỉ thấy trưởng đoàn lớn tiếng kêu gọi những người trên đường tránh ra nhường đường. Người cưỡi ngựa đi ở phía cuối cùng là một quý tộc, mặc y phục như vua, trên tay cầm roi ngựa làm bằng lụa tím. Người này phi ngựa thẳng vào sân nhà họ Lý, tới bậc tam cấp mới xuống ngựa, đi thẳng vào và ngồi ở vị trí cao nhất trong đại sảnh.

Bức tranh “Canh chức đồ - Tế Thần” do Trần Mai nhà Thanh vẽ.
Bức tranh “Canh chức đồ - Tế Thần” do Trần Mai nhà Thanh vẽ.

Già trẻ lớn bé, người hầu kẻ hạ trong nhà Lý Ngũ Thất đều trông thấy cảnh này. Họ cho rằng đây là Thần nên nhất loạt quỳ xuống bái lạy. Lý Ngũ Thất cung kính hỏi: “Xin hỏi đại vương là Thần linh phương nao?”.

Vị quý nhân đó cười nói: “Ngươi không nhận ra ta sao? Ta chính là Thái úy của Ngũ Hiển Cung ở chùa Linh Thuận, huyện Vụ Nguyên. Cảm động trước tấm lòng thành dâng hương của ngươi nên ta đã hộ tống ngươi trở về suốt chặng đường. Chuẩn bị tạm trú ở đây”.

Sau đó “Thái úy” còn nói về những chuyện xảy ra trước đây trong nhà họ Lý, như thể đã nhìn thấy, tất cả đều rất chính xác. Lý Ngũ Thất trong lòng vui mừng, nhanh chóng dọn dẹp một gian phòng, sắp xếp một bàn hương án tinh xảo đặt tượng ‘thần’. Thường ngày cúng bái đồ chay như rau, quả, mì, v.v., ông ‘thần’ ấy cũng thường hay hiển hình.

Trong một lần cung phụng, vị ‘thần’ đó nói với Lý Ngũ Thất: "Khi ta ở trong điện, được bách tính tứ phương cung kính. Không còn cách nào khác, chỉ biết ăn chay để báo đáp họ. Hiện giờ, hoàn cảnh đã thay đổi, ta chỉ sống trong nhà ngươi, hiếm khi tiếp xúc với thí chủ nơi khác, có thể ăn chút đồ tanh mặn cũng không việc gì”.

Thế là, để hầu hạ vị ‘thần’ nọ, Lý Ngũ Thất giết lợn mổ dê, lại cúng rượu ngon, đôi khi còn tìm ca kỹ tới hát, uống rượu vui vẻ cả đêm. Cứ thế, Lý Ngũ Thất không còn tâm trí làm ăn, mỗi ngày tiêu xài phung phí, tài lực cũng cạn kiệt dần.

Đến cuối tháng 8, vợ và một con gái của Lý Ngũ Thất mắc bạo bệnh qua đời. Tới lúc này, Lý Ngũ Thất mới bắt đầu nghi ngờ rằng vị ‘thần’ kia mang lại xui xẻo.

Đến cuối tháng 9, Lý Ngũ Thất lại đến Vụ Nguyên tế bái và khiếu nại ở tổ điện Trương Chân Quân. Sau khi đốt cáo trạng, ông nán lại cổng chờ đợi. Không tới hai canh giờ sau, họ Lý thấy hai người áo vàng bắt được một người đưa tới. Người bị bắt mặc y phục của nhà vua, vừa trông thấy Lý Ngũ Thất đã nhận ra đây là quý nhân được thờ cúng trong nhà mình. Sau đó hắn bị đeo gông sắt và đưa đi điều tra xử phạt.

Sau khi bái tạ, Lý Ngũ Thất vội phi ngựa về nhà. Những người thiếp và hầu nữ trong nhà nói: "Từ khi lang quân rời đi, ông ‘thần’ đó tuy vẫn sinh hoạt ăn uống như thường nhưng trên mặt luôn lộ ra vẻ u ám, về sau còn bị hai người bắt đi". Sau đó, ‘thần’ không còn xuất hiện nữa. Sự việc sau cùng thế nào cũng không ai biết.

Biển người đi lễ chùa đầu năm ở Nam Ninh, Trung Quốc. (-/AFP via Getty Images)

Lý Ngũ Thất thắp hương vái lạy thần linh, nhưng lại chiêu mời tà ma đến, rước tai họa về nhà.

Ngày nay cũng có biết bao người vẫn đi cúng bái khắp nơi, để cầu cho bản thân và người nhà được thăng quan phát tài, cầu tình duyên, cầu sự nghiệp, cầu tự, v.v.

Nhưng liệu Thần thật, Phật thật có ban cho con người những điều họ truy cầu hay không? Trong các bức tượng, đền chùa mà con người bái lạy có phải là Thần thật, Phật thật không?

Chẳng phải Lý Ngũ Thất bái phải thần giả nên mới chiêu mời tai họa hay sao? Khi đã rước nó về, không phải muốn đuổi là đuổi được ngay. Vậy nên mới có câu “Mời thần đến thì dễ, tiễn thần đi thì khó”.

Thử đặt ngược lại vấn đề, nếu con người thành kính cúng bái Thần Phật, chỉ mong cho tâm hồn được thanh thản, để sám hối vì những lỗi lầm và thành tâm muốn sửa sai, chứ không phải cúng bái để cầu xin tiền tài danh vọng, thì những thứ tà linh kia có thể tiến vào làm hại con người được không?

Hễ xảy ra chuyện gì, dù tốt hay xấu, ai ai cũng quen với câu cửa miệng “số nó thế”, “tại số cả”, “đúng là số hưởng”... Vậy số này là gì, là số mệnh, tức là cuộc đời mỗi người đều đã có an bài, nhưng vẫn phải thông qua các hành động để nhận được kết quả đó. Còn theo giáo lý nhà Phật thì đó là luật nhân - quả, đời trước gieo nhân gì, đời này gặt quả đó. Cũng vậy, những việc làm trong đời này sẽ quyết định số mệnh của đời sau.

Trong kinh "Trung A-hàm", Đức Phật Thích Ca Mâu Ni giảng: "Thế gian này dù là nam hay nữ, tuổi thọ ngắn ngủi là do quả báo của nghiệp sát sinh. Người nào từ bi, không sát sinh thì được hưởng thọ lâu dài. Người cơ cực, khốn khổ là do keo kiệt, tham lam, trộm cắp. Người có của cải dư thừa là vì thường xuyên hành thiện. Người ngu si tà kiến là do thường qua lại với bạn xấu. Nếu có thể thường gần gũi với minh sư và bạn tốt, sẽ trở nên thông minh và có chính kiến”.

Do đó, Đức Phật dạy phải nhớ rằng: Tạo nghiệp trường thọ thì ắt sống lâu; tạo nghiệp bố thí thì ắt giàu sang; học rộng nghe nhiều thì ắt có trí huệ; gieo nhân nào thì nhận quả nấy. Hết thảy chúng sinh, ‘nhân’ là do tự mình làm ra, tùy duyên thiện - ác, ‘quả’ phải tự nhận lấy”.

Nam Phương



BÀI CHỌN LỌC

Tại sao nói 'mời thần đến thì dễ, tiễn thần đi thì khó'?