Tại sao Thần Y Hoa Đà lại có thể nhìn ra khối u trong não Tào Tháo?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Trong y học Trung Quốc cổ đại có ghi chép nhiều Thần Y có y thuật cao siêu, kỹ năng hơn người. Thông thường những đại y học gia vĩ đại này đều đặc biệt kính ngưỡng Nho giáo, Phật giáo và Đạo giáo, hoặc một số người trong đó là người tu hành. Liệu giữa y thuật của họ với những môn tu luyện nhân thể này có mối quan hệ nào không?

Công năng ‘thấu thị nhân thể’ của Thần y cổ đại Hoa Đà

Hoa Đà là người ở huyện Tiêu, nước Bái thuộc Dự Châu (nay là Bạc Châu, tỉnh An Huy). Ông sở hữu kỹ năng y học tuyệt diệu và rất thông hiểu thuật dưỡng sinh. Trong “Tam Quốc Diễn Nghĩa” có một câu chuyện kể về việc Hoa Đà “xem bệnh” cho Tào Tháo .

Chuyện kể rằng, Tào Tháo muốn xây chín gian đại điện ở Lạc Dương, nên đã chặt một cây lê lớn cao hơn mười thước ở trước từ đường. Đêm đó, Tào Tháo nằm mơ thấy vị Thần cây lê đến đòi nợ, sáng dậy đầu đau đớn khôn tả. Vì vậy, mưu sĩ Hoa Hâm đã tiến cử mời Thần Y Hoa Đà, nói rằng: “Người này y thuật kỳ diệu hiếm thấy. Một số bệnh nhân sẽ chữa lành dễ dàng bằng thuốc, tiêm, hoặc bằng châm cứu. Nếu bị bệnh về lục phủ ngũ tạng, thuốc không trị được thì uống thuốc Ma phế thang, làm cho bệnh nhân như say như chết, rồi dùng dao nhọn mổ bụng, dùng nước thuốc rửa sạch nội tạng, bệnh nhân không cảm giác đau đớn. Rửa sạch sau đó khâu vết mổ bằng chỉ thuốc rồi bôi thuốc. Qua 20 ngày hoặc 1 tháng sẽ hồi phục như thường. Thần diệu như vậy”. Ngoài ra Hoa Hâm còn kể nhiều kỳ tích trị bệnh khác của Hoa Đà.

Công năng ‘thấu thị nhân thể’ của Thần y cổ đại Hoa Đà
Một bức chân dung của Thần Y Hoa Đà. (Ảnh: từ Bảo tàng Cố cung của Đài Loan)

Tào Tháo nghe vậy mừng khôn xiết, trong đêm cho người đi thỉnh mời Hoa Đà. Khi tới gặp Tào Tháo, Hoa Đà lặng lẽ nhìn một chút, rồi chậm rãi nói: "Đại Vương đau đầu, do trúng gió. Gốc bệnh ở trong đầu, gió ở trong không ra được. Uống thuốc sắc không có tác dụng gì. Nhưng thần có một cách, Đại Vương hãy uống thuốc “Ma phế thang” (thuốc gây mê) trước rồi dùng rìu sắc mở hộp sọ lấy khối gió ra là có thể khỏi tận gốc bệnh tật”.

Tào Tháo nghe vậy tức giận nói: “Ngươi định giết ta!” Vì vậy, ông đã tống Hoa Đà vào ngục. Cuối cùng, Tào Tháo chết vì bệnh trúng gió nghiêm trọng này.

Hoa Đà nhìn thấy khối gió trong não Tào Tháo là cái gì? Người ta nói rằng nó giống như một khối u. Thời đó, không có khí cụ soi thân thể người như ngày nay, tại sao Hoa Đà lại thấy trong não Tào Tháo có một khối u? Trên thực tế, có không ít nhà y học gia cổ đại có công năng "nhìn thấu" này.

Biển Thước

Trong “Sử Ký” Tư Mã Thiên đã ghi lại câu chuyện Biển Thước “xem bệnh” cho Tề Hoàn Hầu (Tề Hoàn Công). Khi Biển Thước đi ngang qua Tề quốc, Tề Hoàn Hầu đã triệu kiến. Tại đại điện, Biển Thước nói: "Cơ thể đại vương ở nơi tiếp giáp của da và cơ có bệnh, nếu không chữa trị thì bệnh sẽ tiếp tục xâm nhập và phát tác". Lúc đó, Tề Hoàn Hầu vẫn chưa có bất kỳ triệu chứng nào, và ông hoàn toàn không tin vào chẩn đoán của Biển Thước. Sau khi Biển Thước rời đi, Hoàn Hầu còn cùng thuộc hạ cười nhạo Biển Thước vì mưu cầu lợi mà lôi một người không bệnh tật ra để chứng tỏ bản sự.

Năm ngày sau, Biển Thước lại đến gặp Tề Hoàn Hầu, nói rằng tình trạng bệnh của ông đã lên đến mạch máu, nếu không trị thì e sẽ chết. Tề Hoàn Hầu tỏ vẻ rất khó chịu và nói: "Ta không có bệnh".

Năm ngày sau nữa, Biển Thước lại đến gặp Tề Hoàn Hầu, và nói rằng bệnh tình của ông đã đến dạ dày, nếu không trị thì chẳng mấy chốc sẽ chết. Tề Hoàn Hầu phớt lờ Biển Thước và rất khó chịu. Sau năm ngày nữa, Biển Thước vừa thấy Tề Hoàn Hầu liền rút lui. Tề Hoàn Hầu phái người đến hỏi lý do và Biển Thước nói: "Bệnh ở giữa da và thịt, dùng nước nóng chườm giải quyết chỗ đau; bệnh ở dạ dày ruột thì có thể dùng châm cứu để trị; bệnh ở huyết mạch cũng có thể dùng rượu thuốc; bệnh ở trong xương tủy, ngay cả Thần phụ trách vận mệnh cũng không làm được gì. Bây giờ bệnh đã ở trong xương tủy đại vương, thần không còn gì để nói”.

Năm ngày sau, khi Tề Hoàn Công lâm bệnh và nhờ người đi tìm Biển Thước lần nữa, Biển Thước đã rời đi, và Tề Hoàn Công đã chết vì căn bệnh đó.

Cũng như vậy, không có kết quả xét nghiệm, cũng không có thiết bị như CT... tại sao Biển Thước lại có thể nhìn thấy trong dạ dày và xương tủy của Tề Hoàn Hầu có bệnh?

Công năng ‘thấu thị nhân thể’ của Thần y cổ đại Hoa Đà 4
Tranh chân dung Thần y Biển Thước. (Ảnh: Wellcome Images, CC BY 4.0)

Văn Chí

Ngoài ra, thời Chiến Quốc còn có một danh y tên là Văn Chí, ông có y thuật siêu phàm, và có công năng đặc dị. Ông có thể thông qua công năng ‘nhìn thấu’ để chẩn đoán và điều trị cho bệnh nhân. Ông đứng phía sau bệnh nhân mà có thể thấy rõ tình trạng bệnh ở tim của bệnh nhân và chữa lành bệnh. Trong "Bách khoa toàn thư hệ thống y học cổ đại và hiện đại" ghi lại, "Vào thời Chiến Quốc, lương y nước Tống hiểu rõ y đạo, lại có cả công năng dị thuật. Long Thúc Tử có bệnh, Văn Chí yêu cầu đứng quay lưng lại, rồi ông nhìn từ sau và nói: "Tôi thấy trong tim Long Thúc Tử đã trống rỗng rồi, chữa liền khỏi ngay”. Trong sách Y học Nhập Môn, nhà y học Lý Thu đời nhà Minh cũng ghi chép việc Văn Chí dùng công năng nhìn thấu để chẩn đoán và điều trị bệnh.

Trong Kỳ kinh bát mạch khảo, Lý Thời Trân đã có bình chú về âm khiêu mạch trong Bát mạch kinh của Trương Tử Dương: “Tần Hồ viết: đan thư viết về dương tinh hà xa, đều nói về mạch nhâm, xung, đốc, mệnh môn, tam tiêu (thượng tiêu là lưỡi, thực quản, tim phổi; trung tiêu là dạ dày; hạ tiêu là ruột non, ruột già, thận và bàng quang), chứ không chỉ nói riêng về âm khiêu. Trong khi Bát mạch kinh của Tử Dương ghi chép về kinh mạch có chỗ khác với các y học gia. Ông cho rằng đường hầm nhìn bên trong thì duy chỉ có người quan sát ngược lại bản thân mới có thể thấy được, lời của ông tất không sai”.

“Đường hầm nhìn bên trong”, “người quan sát ngược lại bản thân mới có thể thấy được” được nói ở đây, cũng chính là thông qua công năng nhìn thấu mà thấy được kinh mạch trong thân thể người để khám.

Yếu tố tu luyện trong y học cổ đại

Y học cổ truyền phương Đông đều liên quan đến Đạo gia, Nho gia, Phật gia và tu luyện nhân thể. Tác phẩm kinh điển về y học cổ truyền sớm nhất được bảo tồn là "Hoàng đế nội kinh", được cho là của Hoàng Đế cùng Kỳ Bá và Lôi Công, những người được Tiên nhân truyền thụ y thuật cùng ngồi đàm luận. Vì vậy, thời cổ đại, y thuật sử dụng "Thuật của Kỳ (Kỳ Bá) Hoàng (Hoàng Đế)". Người phương Đông cũng có một câu nói rằng “y đạo đồng nguyên" (Y và đạo có cùng nguồn gốc). Thần y Tôn Tư Mạc, cũng là một Đạo sĩ, cũng giỏi đàm về Đạo của Lão Tử và Trang Chu, am hiểu Âm Dương, xem thiên tượng, diệu giải số thuật.

Ngoài Đạo gia, sau thời Tống cũng có nói rằng "y xuất vu Nho" (y học xuất phát từ Nho giáo). Vào thời nhà Minh, Lý Thư cũng đã đề cập trong cuốn Y học nhập môn của mình: "Y có nguồn gốc từ Nho, đọc không hiểu thì rốt cuộc là tầm thường và ngu dốt, không thể khơi thông biến hóa".

Vì y thuật cổ đại liên quan đến tu luyện, khi truyền dạy y thuật , các Thần y đó đều phải tuyển chọn đệ tử mới truyền. Họ thường tuyển chọn những đệ tử có phẩm chất đạo đức cao thượng, nhân phẩm phi thường tốt để truyền thụ. Biển Thước được cao nhân truyền y thuật là một trong những ví dụ như thế.

Thời thiếu niên Biển Thước trông coi một quán trọ, khách tới tới lui lui, trong đó duy chỉ có Trường Tang Quân khiến ông cảm thấy rất đặc biệt, rất trọng đãi vị này. Trường Tang Quân cũng biết Biển Thước không phải người thường. Sau hơn 10 năm tới trọ ở đây, một hôm đích thân Trường Tang Quân gọi Biển Thước vào phòng ông và nói: "Ta có một phương thuốc bí truyền, giờ ta đã nhiều tuổi rồi, muốn truyền lại cho cậu, cậu không được tiết lộ ra ngoài".

Biển Thước đồng ý. Thế là Trường Tang Quân lấy thuốc từ trong ngực ra đưa cho Biển Thước, dặn dò cách uống, sau 30 ngày uống sẽ biết, còn đưa cho Biển Thước tất cả những cuốn sách công thức bí mật của mình, rồi sau đó Trường Tang Quân đột nhiên biến mất. Ông nhất định không phải là một người phàm. Biển Thước uống thuốc theo lời dặn của Trường Tang Quân, 30 ngày sau quả nhiên có được công năng nhìn thấu siêu thường, có thể thấy người sau bức tường.

Dùng công năng này xem bệnh, có thể nhìn ra toàn bộ nguyên nhân mấu chốt bệnh trong ngũ tạng. Đây chính là thiên mục được khai mở, có thể xuyên tường nhìn thấu vật thể, cơ thể người. Dùng nó để khám bệnh, thì chỉ liếc mắt là thấu rõ các bệnh của ngũ tạng và nguyên nhân mấu chốt của nó, nhưng trong quá trình điều trị cố ý làm ra biểu hiện giống như bắt mạch. Biển Thước "đặc biệt nổi tiếng bởi tài chẩn đoán mạch" bởi vì người thường không thể hiểu được, và sẽ nói tại sao không thông qua ‘tứ chẩn’ (bốn phương pháp chữa bệnh của Đông y là: nhìn, nghe, hỏi, sờ) mà có thể nói cho tôi biết bệnh tình, và còn kê đơn thuốc cho tôi. Năng lực siêu thường này không cách nào giải thích được cho những người bình thường. Nói ra, có thể họ cũng không tin. Cho nên, lấy danh nghĩa chẩn mạch như vậy có thể giúp tránh khỏi nhiều phiền phức.

Không chỉ các Thần y hay các y học gia lớn, mà ngay cả một thầy thuốc bình thường thì yêu cầu về phẩm hạnh đạo đức của người xưa cũng rất khắt khe. Hành nghề y là một việc lớn, chịu trách nhiệm đối với mạng sống của con người, chỉ có người có đạo đức, chân thành, khiêm tốn, tính tình điềm đạm, có tính kiên trì, chân chính biết coi trọng việc tích âm đức thì mới có thể cho theo học y. Đây là tiêu chuẩn được cổ nhân xem xét để kiểm tra người học nghề có xứng đáng được truyền dạy hay không.

Vì người có đạo đức tốt, quyết tâm hành nghề y thì phải tính đến việc làm thế nào để bỏ công phu, học hành chăm chỉ. Lý Thu cảnh báo các nhà y học, mỗi sáng canh 5 (từ 3 đến 5 giờ sáng) phải dậy và tĩnh tâm ngồi thiền, sau đó tụng đọc một hoặc hai cuốn sách của Nho giáo như “Hiếu Kinh” và “Luận ngữ của Khổng Tử” để xóa bỏ những suy nghĩ lung tung và những tư tưởng xấu. Hàng ngày khi điều trị bệnh, nên giữ trạng thái “thanh tâm tĩnh tọa” của buổi sáng, sẽ nâng cao hiệu quả chẩn đoán và điều trị.

Thời xưa, dù là Đạo gia, Nho gia hay Phật gia, đều nhấn mạnh đến thiền định. Những người tu luyện có đạo đức cao thượng, hoặc những người đã ở trong Đạo, trong quá trình hành nghề y, họ cứu thế, cứu người, tích đức, không ngừng nâng cao tu luyện bản thân. Ngoài ra, họ còn ngồi thiền mỗi ngày tu luyện thân, nên các tiềm năng trong thân thể hoặc công năng của họ dễ được các cao nhân hay các Sư Phụ cao công đả khai hoặc gia cường. Như thế họ sẽ có được cái gọi là công năng đặc dị, ví dụ như nhìn thấu nhân thể, công năng nhìn được số mệnh (đây cũng là một công năng có liên quan tới thiên mục).

Vị Thánh y Trương Trọng Cảnh cuối thời Đông Hán có công năng nhìn được số mệnh. Khi ông gặp Vương Xán (tự là Trọng Tuyên), ‘Kiến An chi tử’, lúc đó, Trọng Tuyên mới ngoài 20 tuổi, là Thị trung thân tín bên quốc vương nước Ngụy. Trương Trọng Cảnh nói với ông rằng: “Ngài bị bệnh, lông mày sẽ rụng vào năm 40 tuổi, và sau nửa năm ngài sẽ chết”. Sau đó ông nói với Trọng Tuyên rằng uống Ngũ thạch thang có thể thoát. Trọng Tuyên phẫn nộ vì Trương Trọng Cảnh vô lễ nên dù nhận thuốc sắc nhưng không uống. Ba ngày sau, khi Trương Trọng Cảnh nhìn thấy Trọng Tuyên, ông lại hỏi: “Ngài đã uống thuốc chưa?” Trọng Tuyên trả lời: “Đã uống rồi”. Trương Trọng Cảnh lại nói: “Nhìn nước da của Ngài, có thể thấy không hề uống thuốc. Tại sao Ngài lại coi thường mạng sống của mình như vậy?”. Tuy nhiên, Trọng Tuyên vẫn không tin. Sau 20 năm, Trọng Tuyên thực sự rụng lông mày, sau 187 ngày, ông qua đời, đúng như những gì Trương Trọng Tử đã nói.

Công năng ‘thấu thị nhân thể’ của Thần y cổ đại Hoa Đà 5
Chân dung Thánh y Trương Trọng Cảnh. (Ảnh: Wellcome Images, CC BY 4.0)

Các nhà y học được trang bị những công năng này có thể nhìn thấy các chất và vật thể trong các chiều khác nhau thông qua không gian bề mặt hiện có. Ví dụ, họ có thể nhìn thấy các đường kinh mạch của cơ thể con người. Họ không chỉ có thể nhìn thấy các dấu hiệu và tình trạng bên trong của bệnh nhân mà còn có thể nhìn thấy nguyên nhân gốc rễ của bệnh ở mức độ sâu hơn. Theo cách này, không khó hiểu tại sao y học cổ đại lại chú ý đến mối liên hệ giữa cơ thể con người và vũ trụ, và đạo lý phối hợp, cân bằng giữa ngũ tạng và ngũ hành.

Trong giới tu luyện, người ta đều biết rõ ràng rằng công năng thấu thị nhân thể này có liên quan đến "con mắt thứ ba" của người đó. Loại “tiềm năng” này, người nào cũng được trang bị. Một số người sinh ra đã có công năng rất mạnh, và một số người cần phải trải qua tu luyện Chính Pháp thì công năng này mới được khai phát và gia cường.

Ngoài giới tu luyện, cách nói "con mắt thứ ba" luôn được lưu truyền trong các nền văn minh cổ đại của phương Đông và phương Tây. Trong nghiên cứu của khoa học tự nhiên cận đại, chủ đề xoay quanh tuyến tùng quả và con mắt thứ ba cũng là một trong những tâm điểm chú ý của mọi người.

Con mắt thứ ba và thể tùng quả

Cấu tạo nhãn cầu của con người bao gồm đồng tử, thủy tinh thể, võng mạc, v.v. Ánh sáng từ bên ngoài bị khúc xạ bởi đồng tử và thủy tinh thể, và được chiếu lên võng mạc của các tế bào cảm thụ ánh sáng (tế bào hình que và tế bào hình nón), sau đó truyền đến thể tùng quả của não qua dây thần kinh thị giác .

Thể tùng quả là một thể hình hạt đậu màu nâu đỏ, có chiều dài từ 5 đến 8 mm và chiều rộng từ 3 đến 5 mm, là cơ quan nhỏ nhất của cơ thể người. Nó nằm gần trung tâm não người, giữa hai bán cầu đại não.

Thể tùng quả tuy nhỏ nhưng lại ảnh hưởng đến vận hành của toàn bộ cơ thể con người. Trong y học hiện đại, người ta thấy rằng melatonin do tuyến tùng quả tiết ra có liên quan đến giấc ngủ của con người, đến tuổi dậy thì hoặc phát triển giới tính. Ngoài việc tiết melatonin, tuyến tùng quả còn có một số cấu trúc tương tự như võng mạc, phản ứng với ánh sáng và có khả năng thành hình. Khi trẻ lớn lên, thể tùng quả cũng sẽ phát triển theo, và khi trẻ phát triển đến 1-2 tuổi, tuyến tùng vẫn hoạt động ổn định. Khi trẻ được 7-8 tuổi, sự phát triển của tuyến tùng đạt đến đỉnh điểm và sau đó sẽ dần chậm lại. Do đó, y học hiện đại cho rằng tuyến tùng là một con mắt bị thoái hóa. Nhưng cũng có thí nghiệm chứng minh rằng dù người bệnh bị mất cả hai mắt thì tuyến tùng cũng sẽ phản ứng như mắt khi có các kích thích từ bên ngoài. Thực tế này khiến một số nhà nghiên cứu đặt nghi vấn rằng có thể tuyến tùng không phải là một con mắt bị thoái hóa.

Có nhiều mắt trong cơ thể con người?

Trong giới tu luyện cũng có câu nói rằng, ngoài việc thông qua thiên mục ở khu vực thể tùng quả (trong Đạo gia gọi là nê hoàn cung) để nhìn ra, các bộ phận khác trên cơ thể người cũng có thể nhìn. Ví dụ, một số trẻ có thể đọc bằng tai hoặc tay. Vậy tại sao lại như vậy? Trong nhân thể, mỗi huyệt đạo và mỗi lỗ chân lông có thực sự là một con mắt? Thiên mục của con người có thực sự là một hệ thống lớn?

Đối với những bí ẩn chưa được giải đáp này, giới y học hiện đại vẫn chưa tìm ra lời giải đáp, nhưng giới tu luyện lại hiểu rõ điều này.

Minh An
Theo Trương Hâm - SOH



BÀI CHỌN LỌC

Tại sao Thần Y Hoa Đà lại có thể nhìn ra khối u trong não Tào Tháo?