Tại sao tiết Đoan Ngọ cần “Trừ ngũ độc”?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Tiết Đoan Ngọ là lễ tiết truyền thống quan trọng nhất của các nước Á Đông vào mùa Hạ. Tuy nhiên, trong dân gian Trung Quốc có phong tục "Trừ ngũ độc". "Ngũ độc" là 5 loại độc nào, tại sao Đoan Ngọ lại phải trừ ngũ độc?

Tiết Đoan Ngọ là lễ tiết truyền thống quan trọng nhất của các nước Á Đông vào mùa Hạ. Ngày này có nhiều phong tục dân gian Trung Quốc được cử hành, ngoài hội đua thuyền rồng, làm bánh nếp để tưởng nhớ thi nhân yêu nước Khuất Nguyên, còn hái lá Ngải, cỏ Xương Bồ, treo ảnh tượng Chung Quỳ (là một vị đạo sĩ giỏi trừ tà), đeo túi thơm, uống rượu Hùng Hoàng để đuổi tà tránh dịch.

Ngoài ra, tiết Đoan Ngọ còn một tập tục truyền thống đặc biệt, đó là “Trừ ngũ độc” (Đuổi 5 loại độc). Ngũ độc là chỉ 5 loại động vật mà cổ nhân coi là có độc tính mạnh nhất, thường chỉ rắn, bọ cạp, rết, cóc, thạch sùng. Nhưng thạch sùng không có độc, nên cũng có nơi dùng con nhện thay cho thạch sùng.

Ngũ độc. (Tranh qua ntdtv)

Nhưng tại sao tiết Đoan Ngọ lại cần “Trừ ngũ độc”?

Mỗi năm vào tháng 5 âm lịch, chính vào lúc giao thời Xuân Hạ, cỏ mọc trùng kêu, ruồi nhặng bay đầy, khí trời ấm dần, kèm mưa nhiều ẩm ướt, chướng khí tăng nhanh, ôn dịch bắt đầu phát triển, các loại độc vật như rắn, bọ cạp, rết thích hợp phát triển ở hoàn cảnh tối tăm ẩm thấp, nên chúng bắt đầu sinh sôi. Loại khí hậu này, dễ làm cho người ta cảm thấy không thoải mái, cũng dễ sinh ra các loại vi khuẩn gây bệnh, làm người ta mắc bệnh.

Cho nên, cổ nhân coi tháng 5 là “Tháng ác”, “Tháng độc”, nam triều Lương Tông Lẫm trong “Kinh sở tuế thời ký. Ngũ nguyệt” có ghi: “Ngũ nguyệt tục xưng ác nguyệt, đa cấm. Kỵ bộc sàng tiến tịch, cập kỵ cái thất.” (Tháng 5 tục gọi là tháng ác, cấm nhiều thứ. Tránh phơi giường đặt chiếu, tránh cất nhà.”

Trong “Thái Bình ngự lãm, quyển 22” Hán triều Đổng Huân “Vấn lễ tục” có viết: “Ngũ nguyệt tục xưng ác nguyệt. Tục đa lục trai phóng sinh.” (Tháng 5 tục gọi là tháng ác. Tục lệ lục trai phóng sinh) - Lục trai chỉ 6 ngày ăn chay trong tháng: mùng 8, 14,15, 23, 29, 30 âm lịch.

Do vậy, tháng 5 không chỉ là tháng độc, mà còn là tháng ác nhất trong năm. Truyền thuyết mùng 5 tháng 5 là ngày tà ma ra đường, ngũ độc sinh xuất, nhiều thứ cấm kỵ, trừ việc kỵ “Phơi giường đặt chiếu, cất nhà”, còn có câu ngạn ngữ “Bất cử ngũ nguyệt tử”, nghĩa là không nên nuôi dưỡng đứa trẻ sinh ra vào tháng 5.

Theo “Sử ký Mạnh Thường Quân liệt truyện” có kể rằng, hiền sĩ nổi danh Mạnh Thường Quân sinh ngày 5 tháng 5, nên cha là Điền Anh lệnh cho mẹ Mạnh Thường Quân không nuôi cậu, bởi vì khi ấy có truyền thuyết rằng con trẻ sinh vào tháng 5, khi lớn cao đến cửa sẽ hại cha hại mẹ.

Đến danh tướng Đông Tấn Vương Trấn Ác, do sinh vào mùng 5 tháng 5 mà bị xem là điềm gở, người nhà muốn cho đi làm con nuôi, nhưng ông nội giữ lại và đặt tên là Trấn Ác, có ý là trấn định ác vận. Ngoài ra, Tống Huy Tông Triệu Cát cũng sinh mùng 5 tháng 5, từ nhỏ bị gửi ra ngoài cung nuôi dưỡng.

Có thể thấy, ngay từ thời xuân thu chiến quốc, đã coi tháng 5 là tháng ác, ngày mùng 5 là ngày bất lợi, mà tháng 5 chính là vào mùa hè nóng nực oi bức, độ ẩm cao, nên nhân gian có câu tục ngữ: “Đoan Ngọ tiết, thiên khí nhiệt, ngũ độc tỉnh, bất an ninh.”(Tiết Đoan Ngọ, trời nóng, 5 độc tỉnh dậy, không lành), cho nên vào tiết Đoan Ngọ, ngũ độc bò ra, ảnh hưởng đến sinh hoạt của người ta, cho nên cần các biện pháp tránh độc, đuổi độc, trừ bệnh hại.

Theo Đoàn Thành Thức thời nhà Đường trong “Dậu Dương tạp trở. Quyển nhất” có ghi, nhà Đường có tập tục treo “Ngũ thời đồ” (Tranh ngũ thời), trên giấy vẽ rắn, bọ cạp, rết, cóc, thằn lằn, cũng gọi là “Ngũ độc phù”. Tương truyền, 5 loại độc vật này phải tồn tại cùng nhau thì mới không xung khắc lẫn nhau, mới hòa bình tồn tại. Cho nên treo tranh ngũ thời có thể tránh được độc trùng phát tác.

Trong dân gian Trung Quốc, thường dán tranh ngũ độc ở trong phòng, dùng giấy hồng vẽ 5 loại độc vật, lại dùng 5 cái kim châm lên mỗi độc vật, ý là độc vật đã bị kim châm chết rồi, không còn nguy hại gì nữa.

Cũng có nơi dùng kéo cắt giấy hồng thành hình độc vật rắn, rết, bọ cạp, cóc, thạch sùng rồi dán ở của, tường, cửa sổ, bếp lò, gọi là “Tiễn ngũ độc” (cắt ngũ độc). Còn có tập tục ăn bánh ngũ độc, dùng hình ngũ độc khắc ấn, đóng lên 5 cái bánh với 5 màu khác nhau, xong ăn hết 5 cái bánh, ý là độc trùng đã bị ăn sạch, không hại người được nữa.

Dân gian Trung Quốc còn có tập tục dùng Hùng Hoàng vẽ chữ vương “王” lên trán trẻ con, một là xua đuổi độc trùng, hai là mượn mãnh hổ trấn tà (Chữ vương giống như vằn trên trán hổ, hổ là vương các loài thú). Có nơi, trẻ con cho đội mũ thêu tranh ngũ độc, biểu thị lấy độc trị độc, đuổi ngũ độc, giữ thân thể khỏe mạnh.

Cho nên, ngoài việc cử hành tế tự, kỷ niệm vào tiết Đoan Ngọ, thì các tập tục đuổi ngũ độc, phòng ôn dịch cũng là những hoạt động quan trọng.

Thái Bình
Theo Epochtimes



BÀI CHỌN LỌC

Tại sao tiết Đoan Ngọ cần “Trừ ngũ độc”?