Tại sao Trư Bát Giới đầu thai thành lợn - Khải thị về nguồn gốc của con người

Giúp NTDVN sửa lỗi

[Radio] - Đời người có ba câu hỏi lớn nhất: Ta là ai? Đến từ đâu? Sẽ đi về đâu? Nhưng không phải ai cũng tìm được câu trả lời thích đáng. Câu chuyện về Trư Bát Giới trong “Tây Du Ký” có thể là một sự gợi mở.

Nghe thêm: Radio Văn Hóa

Có câu “Người ngoài nghề xem náo nhiệt, người trong nghề xem môn đạo”. Ai đã từng đọc “Tây Du Ký” đều biết rằng, kiếp trước Trư Bát Giới chính là “Thiên Bồng Nguyên Soái” trên Thiên Cung, tương đương với chức vị Tư lệnh Hải quân hiện tại ở nhân gian. Vì say rượu trêu ghẹo Hằng Nga nên bị trục xuất khỏi Thiên giới, hạ xuống phàm trần.

Khi xuống thế giới con người lại đầu thai nhầm chỗ, may mắn được Quan Âm Bồ Tát điểm hóa. Khi hai thầy trò Đường Tăng đi qua Cao Lão Trang, Trư Bát Giới đã được Tôn Ngộ Không thu phục, sau đó Bát Giới cùng đi theo bảo vệ Đường Tăng đi Tây Thiên thỉnh kinh, cuối cùng tu thành chính quả. Nhưng thiên cơ vạn cổ ẩn sau câu chuyện Thần thoại này, không phải ai cũng biết.

Đầu tiên, cho chúng ta biết con người từ đâu đến

Hầu hết con người đều không biết rằng, kỳ thực vũ trụ này từ nguyên tử đến phân tử, cho đến không gian mà mắt người nhìn thấy, có vô số tầng thứ. Và tại các tầng thứ khác nhau lại có các sinh mệnh khác nhau, mỗi một tầng thứ cũng có tiêu chuẩn cho các sinh mệnh ở tầng thứ đó. Bởi vì vũ trụ có quy luật phát triển là thành - trụ - hoại - diệt, nên khi sinh mệnh ở một tầng nào đó không còn đạt tiêu chuẩn ở lại tầng ấy thì sẽ bị rơi rớt xuống tầng phía dưới. Theo cách giải thích này, kỳ thực con người là rơi từ tầng nguyên tử xuống tầng phân tử, rồi đến tầng tầng không gian ở bề mặt, chứ không phải tiến hóa từ khỉ.

Nói cách khác, con người trên trái đất vốn là Thần Tiên trên Trời (bao gồm cả không gian nơi chứa các nguyên tử hoặc phân tử). Chỉ vì khi ở trên Trời đã sinh ra tâm người phàm, làm những việc không đạt tiêu chuẩn của Thiên nhân (người trời), không thể ở lại Thiên thượng, nên bị hạ xuống các tầng bên dưới, cuối cùng rớt xuống mặt đất (không gian nơi con người sinh sống), để chuyển sinh làm người trần. Nếu không tuân thủ các quy tắc ứng xử và đạo đức làm người, có lẽ cuối cùng còn không thể làm người, chỉ có thể đầu thai thành động vật và các sinh vật cấp thấp khác, thậm chí bị đọa địa ngục, không bao giờ thoát ra được.

Ví như, Trư Bát Giới vốn là tướng soái thủy Thần ở thượng giới, cai quản 80 vạn thủy quân của sông Thiên Hà, tinh thông 36 phép biến hóa. Tay cầm Thượng Bảo Thấm Kim Ba (tục gọi là Cửu Xỉ Đinh Ba, hay bồ cào 9 răng) – Thần khí do Thái Thượng Lão Quân chế tạo và được đích thân Ngọc Hoàng Đại Đế ngự ban. Trong yến tiệc bàn đào ở Dao Trì của Vương Mẫu Nương Nương, Thiên Bồng Nguyên Soái say rượu và xông vào cung Quảng Hàn, chọc ghẹo Nghê Thường Tiên tử (Hằng Nga), tội đáng chém đầu vì sinh tâm sắc dục, làm trái luật Trời. Nhưng vì được Thái Bạch Kim Tinh nói giúp, cuối cùng chỉ bị Ngọc Hoàng hạ lệnh giáng xuống trần.

Vì thói hư tật xấu khó đổi, nên khi chuyển sinh xuống nhân gian, ma xui quỷ khiến thế nào lại chui vào một bào thai lợn. Đó là hình ảnh nửa người nửa lợn mà mọi người thường thấy trong phim ảnh sách truyện. Tất nhiên, đây cũng là quả báo vì sắc tâm không bỏ.

Trư Bát Giới ban đầu là một tên cướp ở Động Vân Sạn trên núi Phúc Lăng, tự xưng là Trư Cương Liệp. Khi Quan Thế Âm Bồ Tát nhận lệnh của Phật Đà đến Đông Thổ (tức Trung Quốc ngày nay) tìm người đi thỉnh kinh, đã chỉ định Trư Bát Giới là hộ pháp và đặt pháp danh là Trư Ngộ Năng. Từ đó, Trư Bát Giới quy y cửa Phật, đợi người thỉnh kinh. Nhưng vì không thể chịu đựng được sự cô đơn, ông đã thay đổi thành hình dạng con người và ở rể nhà Cao Lão Trang. Mãi đến khi Đường Tăng và Tôn Ngộ Không đi ngang qua Cao Lão Trang, mới được Tôn Ngộ Không thu phục làm nhị sư đệ, rồi cùng nhau bảo vệ Đường Tăng đi Tây Thiên thỉnh kinh.

Về bản chất, câu chuyện về đời trước - đời này của Trư Bát Giới là để nói với chúng ta rằng, tất cả chúng sinh trên thế gian đều từng giống như Trư Bát Giới, đều từng bước từng bước rớt xuống nhân gian.

Trư Bát Giới vốn là Thiên Bồng Nguyên Soái cũng thành thạo 36 phép Thiên Cang - xoay chuyển càn khôn, nghịch chuyển đất trời. (Ảnh: The Epoch Times)
Trư Bát Giới vốn là Thiên Bồng Nguyên Soái, cũng thành thạo 36 phép Thiên Cang - xoay chuyển càn khôn, nghịch chuyển đất trời. (Ảnh: The Epoch Times)

Thứ hai, cho chúng ta biết mục đích thực sự của đời người

Nếu chúng ta tổ chức một cuộc thăm dò dư luận và đặt câu hỏi: “Con người sống vì điều gì?”, “Đâu là ý nghĩa thực sự của đời người?”.

Chắc hẳn hầu hết mọi người sẽ trả lời: Mục đích sống không gì khác là vì cơm ăn, áo mặc, nhà ở, ăn chơi giải trí, tiền bạc, trai xinh gái đẹp, thăng quan phát tài, v.v.

Như đã đề cập trước đó, do con người làm điều xấu nên mới bị đánh hạ từ trên Trời xuống nhân gian. Tại trạm cuối cùng này, để con người ở trong không gian mê, trong không gian mà họ không thể nhìn thấy chân tướng của vũ trụ, cho họ một cơ hội cuối để tu bỏ đi thất tình lục dục của con người mà quay trở về Thiên giới. Từ đó thoát khỏi kiếp người sinh - lão - bệnh - tử. Đây mới là mục đích thực sự khi làm người.

Nếu không thể quay trở về, vậy thì chỉ có thể căn cứ theo mức độ hành thiện hành ác ở đời trước mà nhập "lục đạo luân hồi" như được giảng trong Phật giáo. Nếu như làm quá nhiều điều ác, thậm chí có thể không còn cơ hội được đầu thai, đó là điều đáng sợ nhất của một sinh mệnh.

Vì lẽ đó, để tránh nhân loại sớm đi vào diệt vong, bất cứ khi nào nền văn minh nhân loại xuất hiện, đều sẽ có các bậc Giác Giả hạ thế truyền Pháp độ nhân, để giảng cho con người biết đạo lý “phản bổn quy chân” (trở về cội nguồn, tìm lại ‘chân ngã’). Trong nền văn minh nhân loại lần này, có Phật Thích Ca Mâu Phi, Chúa Giê-su, Lão Tử, v.v. đã hạ thế để dạy con người các pháp môn tu tâm hướng thiện.

Ví dụ, sau khi Trư Bát Giới được Đường Tăng nhận làm đồ đệ, để ông loại bỏ những thói hư tật xấu và trở về bản tính thuần khiết của mình, đã đặt tên cho ông là "Bát Giới". "Bát Giới" là 8 giới luật do Phật Đà quy định cho các đệ tử tu tại gia, bao gồm: Không sát sinh, không trộm cắp, không dâm loạn, không nói dối, không uống rượu, không ăn mặc diêm dúa, không nằm hay ngồi trên giường cao rộng, không ăn uống sau giờ chính ngọ.

Vì vậy, từ Trư Bát Giới chúng ta có thể thấy, một mặt ông là người chịu được khó khăn vất vả, thật thà thẳng thắn; mặt khác, lại ích kỷ, tham lam, háu ăn, lười biếng, ham mê nữ sắc, hễ gặp chút cản trở là kêu gào đòi quay về Cao Gia Trang; hơn nữa còn thích lấy lòng, khoe mẽ trước mặt sư phụ, thậm chí kích động Đường Tăng đuổi Tôn Ngộ Không – người tài giỏi hơn mình – về Hoa Quả Sơn. Ngay cả một người đầy khuyết điểm như vậy, khi gặp các loại ma nạn (ý chỉ khó khăn trắc trở trong tu luyện) khác nhau, cũng vẫn có thể cải tà quy chính, cuối cùng tu thành chính quả.

Từ sự thay đổi lột xác của Trư Bát Giới, có thể thấy rằng, quá trình bốn sư đồ Đường Tăng đi Tây Thiên thỉnh kinh thực chất là một quá trình tu luyện, không ngừng hoàn thiện và quy chính bản thân. Đây mới là mục đích thực sự của mỗi một sinh mệnh khi đến thế gian này.

Quá trình bốn sư đồ Đường Tăng đi Tây Thiên thỉnh kinh thực chất là một quá trình tu luyện, không ngừng hoàn thiện và quy chính bản thân. (Ảnh: The Epoch Times)
Quá trình bốn sư đồ Đường Tăng đi Tây Thiên thỉnh kinh thực chất là một quá trình tu luyện, không ngừng hoàn thiện và quy chính bản thân. (Ảnh: The Epoch Times)

Thứ ba, cho chúng ta biết cuối cùng con người sẽ đi về đâu

Mặc dù con người đã bị Thuyết vô Thần tẩy não trong một thời gian dài, nhưng sau khi những người già nhắm mắt xuôi tay, mọi người vẫn hay nói một số lời tốt lành như "cụ già đã về Trời", "lên Thiên đàng hưởng phúc rồi", v.v., chứ không ai nói rằng “cụ già đã xuống địa ngục”. Thậm chí, những người thân ở dương gian sẽ mời thầy cúng đến làm lễ để cầu mong cho người đã khuất sớm được đầu thai chuyển kiếp, không phải chịu những đau khổ ở cõi âm.

Trong những năm gần đây, các chuyên gia và học giả từ nhiều trường đại học và cơ quan nghiên cứu ở Trung Quốc đã thực hiện một cuộc điều tra thực địa. Họ phát hiện rằng tại một ngôi làng của dân tộc Động ở xã Bình Dương, huyện Hoài Hóa, tỉnh Hồ Nam, có hơn 100 "người tái sinh". Vậy nên nơi này còn được gọi là “làng luân hồi”. Những người này đều có thể kể rõ ký ức kiếp trước của mình. Trong đó có rất nhiều người sau khi đầu thai đã tìm được người thân của mình ở kiếp trước và nhận lại nhau.

Ngoài ra, tại nhiều nơi khác trên thế giới cũng ghi nhận các trường hợp người tái sinh, còn có trải nghiệm cận tử. Dù không thể giải thích bằng khoa học hiện đại, nhưng đó là một sự thật không thể chối cãi.

Trong giới tu luyện có một nhận thức chung rằng, nguyên thần (linh hồn) của một người là bất tử. Phật giáo ở phương Đông nói về "niết bàn", có nghĩa là các tăng ni sau khi tu khổ hạnh cả đời và đạt viên mãn thì sẽ vứt bỏ thân xác thịt, linh hồn được lên Trời, tức là đến được Tây Phương Cực Lạc. Từ đó thoát khỏi kiếp luân hồi sinh tử. Tuy nhiên, cũng có một số ít cao tăng sau khi đắc đạo viên tịch thì nhục thân không bị mục nát, chẳng hạn như nhục thân Bồ Tát ở Cửu Hoa Sơn, nữ cư sĩ ở Hương Hà, v.v.

Còn quan niệm của những người theo đạo Cơ đốc (Kitô giáo) ở phương Tây là lên Thiên đường. Hiện có hơn 200 quốc gia và vùng lãnh thổ trên trái đất, và những người thuộc các chủng tộc khác nhau lại có các niềm tin tín ngưỡng khác nhau. Ngoài ra còn có các cách gọi khác nhau về “nơi trở về của con người”, như Thiên đàng, Thiên đường, hay Thiên quốc, Thiên thượng, v.v. Đó chính là nơi Thượng Đế, hay ông Trời, Đấng Toàn năng ngự trị, là Thiên quốc mà Thần chuẩn bị cho con dân của Ngài. Chỉ những tín đồ thành kính cầu nguyện, ăn năn và hối cải mới được bước vào Thiên đường sau khi chết.

Phật gia chú trọng tu tâm tính, nhưng Đạo gia lại chú trọng vào tu mệnh, vào trường sinh bất lão, khi đắc Đạo thành Tiên thì mang theo cả nhục thân đã được luyện thành thân thể kim cương bất hoại. Đạo gia thành Tiên có hai phương thức chủ yếu, một là “bạch nhật phi thăng” (ban ngày bay lên trời); hai là “thi giải”, tức là một phương thức “chết giả”.

Ví dụ, trong "Sử Ký" ghi chép, Hiên Viên Hoàng Đế – người được mệnh danh là "Nhân văn sơ tổ" của dân tộc Trung Hoa – cả đời tu Đạo và lấy Đạo trị quốc, sau khi tu luyện viên mãn đã cưỡi rồng bay về trời. Cụ thể như sau: Hoàng Đế đã lấy đồng từ núi Thú Sơn và đúc một cái đỉnh ở dưới chân núi Kinh Sơn. Ngay khi đúc thành, một con rồng từ trên trời bay xuống đón Hoàng Đế. Khi Hoàng Đế cưỡi lên thân rồng, hơn 70 người trong hậu cung và các quan đại thần, những người đã theo Hoàng Đế tu luyện, cũng leo lên thân rồng bay đi.

Ngoài ra, trong “Phong Thần Bảng” cũng kể câu chuyện Nguyên Thủy Thiên Tôn sai Khương Tử Nha xuống núi để đi phong Thần, và thông qua vua Trụ nhà Thương mà cảnh báo các đế vương đời sau không được khinh nhờn Thần linh.

Có thể thấy qua "Tây Du Ký", chín chín tám mươi mốt nạn mà bốn thầy trò Đường Tăng phải kinh qua khi đi thỉnh kinh, thiếu một nạn cũng không được. Nhưng cuối cùng, tất cả đều được trở về Thiên đình, được xếp vào hàng Tiên. Ngay cả Trư Bát Giới lười biếng, ham ăn, háo sắc, cũng được Phật Tổ Như Lai phong là “Tịnh Đàn Sứ Giả”.

Cuối cùng, cả bốn thầy trò Đường Tăng đều được trở về Thiên đình, được xếp vào hàng Tiên. (Ảnh: The Epoch Times)
Cuối cùng, cả bốn thầy trò Đường Tăng đều được trở về Thiên đình, được xếp vào hàng Tiên. (Ảnh: The Epoch Times)

Thứ tư, Phật Di Lặc mà Đức Phật tiên tri đã đến thế gian truyền Pháp độ nhân từ lâu rồi

Đức Phật Thích Ca Mâu Ni đã từng tiên đoán rằng, Pháp của Ngài sẽ không thể độ nhân khi tới thời mạt pháp. Vị Phật của tương lai mà con người hằng mong đợi từ bao đời – Đức Phật Di Lặc – sẽ lấy pháp hiệu là “Chuyển Luân Thánh Vương” để hạ thế chính Pháp. Ngài sẽ truyền cho con người một pháp môn có thể tu luyện ngay trong đời thường mà không cần xuất gia, không cần cắt đứt mọi duyên phàm.

Trong kinh Phật cũng có ghi rằng, khi vị Phật của tương lai đến nhân gian, hoa Ưu Đàm Bà La – loài hoa 3.000 năm mới nở một lần – sẽ khai nở tại thế gian. Nhà tiên tri người Trung Quốc Lưu Bá Ôn (Liu Bowen) cũng tiết lộ rất nhiều thiên cơ về việc hạ thế độ nhân của Đức Phật Di Lặc trong cuốn "Thiêu Bính Ca”.

Nam Phương

Theo Vision Times



BÀI CHỌN LỌC

Tại sao Trư Bát Giới đầu thai thành lợn - Khải thị về nguồn gốc của con người