Tâm địa thuần chính không vọng động, dẫu chẳng mưu cầu cũng thành công

Giúp NTDVN sửa lỗi

Trong “Kinh dịch - Vô vọng quái” có viết: “Đừng lập tức mong có được mùa bội thu khi vừa mới trồng trọt. Đừng vội kỳ vọng đất đai sẽ biến thành màu mỡ khi vừa mới bắt đầu khai khẩn". Chỉ có không chờ mong giành được của cải không thuộc về bản thân, đó mới là không vọng động, vọng cầu, thì mới có thể luôn thuận lợi!

Quẻ này đã nhắn nhủ với mọi người rằng, nên xuất phát từ thực tế, ngăn chặn suy nghĩ không nên có, làm đến nơi đến chốn, vứt bỏ tâm lý đầu cơ, cứ chăm chỉ làm, không quá để ý vào thu hoạch, tích cóp lâu ngày, chắc chắn sẽ gặt hái thành công.

Con người có thất tình lục dục, đều hy vọng hưởng cuộc sống giàu sang, hạnh phúc. Khi đủ loại cám dỗ bày ra trước mắt, chúng ta nên ngăn chặn những suy nghĩ không nên có, không để dục vọng lấn át bản thân. Cái gọi là suy nghĩ không nên có là chỉ suy nghĩ viển vông, vượt quá bổn phận bản thân, mong có những thứ tốt vốn không thuộc về mình. Nếu vượt quá bổn phận của bản thân, coi thường lợi ích của tập thể và lợi ích của người khác, chỉ đặt lợi ích cá nhân lên hàng đầu, thì sẽ sinh ra những suy nghĩ không nên có.

Có người thấy người khác tiêu tiền như nước mà sinh lòng đố kỵ, tâm lý mất cân bằng nghiêm trọng, sinh ra những suy nghĩ quá bổn phận. Vì vậy, để thỏa mãn những ham muốn phi lý của bản thân, họ đã lợi dụng quyền lực của mình để trục lợi, thậm chí dùng âm mưu, thủ đoạn, sai phái gián điệp đi ăn cắp công nghệ của nước khác, thất tín bội nghĩa, cưỡng đoạt quyền sở hữu trí tuệ, mất hết lương tâm, cuối cùng dẫn đến thân bại danh liệt.

Đối mặt với đủ loại cám dỗ, đôi khi khiến chúng ta có chút dao động, đó là điều tự nhiên và không thể tránh khỏi. Điều quan trọng là cần kiềm chế tốt, thời thời khắc khắc nhắc nhở bản thân, giữ vững chuẩn tắc làm người, theo đuổi sự giàu có về tinh thần, chống lại những cám dỗ của quyền lực, tiền tài và mỹ nữ.

Thời xưa có Bao Chửng nổi tiếng là một vị quan thanh liêm. Ông từng làm quan tri châu ở Đoan Châu. Ông có yêu cầu rất nghiêm khắc đối với bản thân và gia đình, trong khi nhu cầu về kinh tế của ông lại rất đơn giản. Căn nhà ông ở cùng vợ con vừa nhỏ vừa cũ kỹ, khi mưa gió to, nhà thường xuyên bị dột.

Lúc bấy giờ, trong vùng có một cường hào nổi danh, tên là Thẩm Điện Khôn. Để lôi kéo Bao Công, ông ta đã đích thân đến nhà Bao Công và nói: “Nơi ở hiện tại của ngài không giống như phủ đệ của một vị quan tri châu, mất đi sự tôn nghiêm của mệnh quan triều đình”. Ông ta chủ động đề xuất rằng, ông ta sẽ đi đầu trong việc quyên góp tiền, hô hào những người giàu có trong vùng, cùng đóng góp để xây dựng một dinh thự cho Bao Công.

Bao Công lập tức thẳng thừng từ chối. Thẩm Điện Khôn lúc đến cao hứng bao nhiêu thì khi ra về cụt hứng bấy nhiêu. Khi ông ta vừa bước ra khỏi cổng, Bao Công chợt gọi ông ta lại và đồng ý với đề xuất của ông ta, với điều kiện: ngôi nhà mới phải được xây dựng theo phương án thiết kế của Bao Công. Thẩm Điện Khôn vui mừng khôn xiết, nghĩ rằng đã dụ dỗ được Bao Công, sau này có thể lấy làm chỗ dựa vững chắc để ‘làm mưa làm gió’.

Vì vậy, ông ta bỏ ra mấy đêm liên tiếp để bày mưu tính kế và gom đủ tiền. Hơn mười ngày sau, Bao Công giao bản vẽ ngôi nhà mới cho Thẩm Điện Khôn và chỉ định xây dựng nó bên cạnh hồ Bảo Nguyệt có phong cảnh xinh đẹp. Thẩm Điện Khôn thấy thiết kế của Bao Công có chút đặc biệt, nhưng do đích thân tri châu đại nhân làm ra nên không tìm hiểu cặn kẽ. Vậy là ông ta chọn ngày lành tháng tốt để khởi công xây dựng.

Mọi người nghe nói rằng Bao Công xưa nay luôn chí công vô tư, thanh chính liêm minh, nhưng không hiểu sao lần này lại ngang nhiên nhận quà tặng của các cường hào ở Đoan Châu như thế. Một số người nói: “Món lợi lớn như vậy, ai mà không động lòng chứ?”. Lại có người cho rằng: “Đây là mánh khoé vơ vét của cải trá hình”.

Lần này Thẩm Điện Khôn đã rất hao tâm tổn sức, thấy Bao Công như vậy lại càng đắc ý, cho rằng mưu kế của ông ta đã thành. Ông ta đã tuyển dụng những thợ thủ công giỏi nhất ở thành phố Đoan Châu, cho xây dựng cả ngày lẫn đêm. Ông ta cũng thường xuyên có mặt tại công trường để giám sát việc xây dựng và kiểm tra chất lượng.

Hơn ba tháng sau, bên hồ Bảo Nguyệt xuất hiện một dinh thự nguy nga, rộng lớn. Thẩm Điện Khôn vui mừng mời Bao Công đích thân tới kiểm tra và nghiệm thu. Bao Công đi ra đi vào ngôi nhà mới, sau khi kiểm tra, ông tươi cười vui vẻ, hết lời khen ngợi, và nói rằng ngày hôm sau là ngày tốt, nên ông quyết định chuyển nhà vào ngày hôm sau luôn.

Nửa đêm hôm ấy, Bao Công sai Vương Triều, Mã Hán mang tấm hoành phi phủ khăn đỏ đã chuẩn bị sẵn, treo ở chính giữa cổng dinh thự mới xây. Ngày hôm sau, Thẩm Điện Khôn và nhóm cường hào tập trung tại hồ Bảo Nguyệt, và nhiều người dân thường cũng đến xem.

宋龍圖學士包孝肅公拯.jpg
Chân dung Bao Công - Tranh thời nhà Thanh. (Miền công cộng)

Lễ khánh thành mở màn trong tiếng chiêng, trống, pháo nổ, Bao Công đứng ở cổng lớn nâng tấm vải đỏ che bức hoành phi lên. Dân chúng nhao nhao dụi mắt nhìn, vô cùng sửng sốt! Hoá ra, trên tấm biển treo giữa cửa chính có khắc bốn chữ lớn: “Thư viện Tinh Nham”.

Thì ra sau khi đến Đoan Châu, Bao Công nhận thấy trình độ văn hóa của người dân nơi này còn rất thấp, hầu hết trẻ em không có biết đọc. Bao Công đau đáu chuyện này, rất lo lắng trong tâm. Ông cảm nhận sâu sắc được sự cấp bách của việc mở trường học tại Đoan Châu. Tuy nhiên, dù ở đây giáo viên giỏi thì có, nhưng phòng học thì tìm khắp vùng cũng không ra nơi nào tử tế. Còn nếu muốn xây dựng trường học mới, nha môn lại không thể chi nhiều tiền đến vậy.

Đúng vào lúc Bao Công đang “mất ăn mất ngủ” lo lắng vì chuyện này, thì những kẻ như Thẩm Điện Khôn tới nịnh nọt, ton hót, tỏ ý sẽ xây tòa nhà mới cho Bao Công. Sau khi cân nhắc kỹ lưỡng, Bao Công cảm thấy tiền của những tên cường hào này có được là do bóc lột bách tính mà ra, nay nhân cơ hội này lấy tiền đó phục vụ cho dân. Việc này coi như là biện pháp tốt mượn gà đẻ trứng. Vì vậy, Bao Công mới giả bộ đồng ý, và yêu cầu người thiết kế bản vẽ theo cấu trúc của thư viện, sau đó dặn Thẩm Điện Khôn xây dựng theo bản vẽ.

Quả nhiên, nhóm của Thẩm Điện Khôn đã trúng kế. Ước mơ mở trường học truyền bá văn hoá và ươm mầm tài năng của Bao Công cũng thành hiện thực.

Bao Công còn chân thành khen ngợi, mở tiệc chiêu đãi Thẩm Điện Khôn và những cường hào khác.

Bao Công không chỉ trừ bỏ những suy nghĩ quá phận của bản thân, không nhận của hối lộ mà còn dùng chúng vào việc ích nước lợi dân. Ông là một tấm gương đáng để thế hệ sau học tập.

Theo Tân Khí Danh - Chánh Kiến

Minh Thanh biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Tâm địa thuần chính không vọng động, dẫu chẳng mưu cầu cũng thành công