Tam Quốc Diễn Nghĩa luận hào kiệt: Không thành kế - Trống mà chẳng rỗng

Giúp NTDVN sửa lỗi

Tư Mã Ý đứng trước tòa thành trống, 4 cổng mở toang, còn Lục Tốn đứng trước Thạch trận không một bóng người. Không gian bối cảnh khác nhau nhưng tâm trạng của hai người lại rất tương đồng: Như gặp cường địch, do dự rối bời, rồi vội vàng rút lui. Tại sao Lục Tốn lui quân 10 dặm? Bởi vì ông ta trông thấy từng đợt sát khí bốc lên ngút trời. Còn Tư Mã Ý thì sao? Ông ta không thấy sát khí, nhưng lại nghe tiếng đàn cầm rung động hồn phách.

Trong "Tam Quốc diễn nghĩa", cuộc đọ sức đặc sắc nhất giữa Gia Cát Lượng và Tư Mã Ý, khiến bao nhiêu thế hệ nức lòng thì không gì khác ngoài kỳ tích "Thành trống đẩy lùi quân địch". 15 vạn đại quân Tư Mã Ý đánh xuống Tây Thành, lúc này trong thành chỉ còn 2500 quân. Gia Cát Lượng cuốn hết cờ xuống, mở rộng 4 cổng thành, rồi dẫn 2 tiểu đồng lên thành lầu, thắp hương gảy đàn. Gia Cát Lượng đã dùng chiêu gì mà trong khi gảy đàn đã khiến 15 vạn quân của Tư Mã Ý sợ hãi rút quân?

Tư Mã Ý sợ "Không thành kế" có ẩn nấp phục binh?

Tư Mã Ý được thế nhân gọi là Trủng Hổ (Bạch Hổ). Còn Ngọa Long (Thương Long) là Gia Cát Lượng, Phượng Sồ (Chu Tước) là Bàng Thống, Ấu Kỳ (Ngọc Kỳ) là Khương Duy, Thủy Kính (Huyền Vũ) là Tư Mã Huy... được gọi là Tam Quốc Ngũ Thụy; trong thời loạn thế, mỗi người có thể giữ bình yên cho một phương. Tư Mã Ý hùng tài đảm lược, nội tâm quyết đoán, khiến "Thiên sách Thượng tướng" Đường Thái Tông khen không ngớt, ca ngợi là "dụng binh như Thần, mưu không tính lại".

Tư Mã Ý hùng tài đảm lược, nội tâm quyết đoán, "dụng binh như Thần, mưu không tính lại". Tranh: Tư Mã Ý và Tào Tháo.
Tư Mã Ý hùng tài đảm lược, nội tâm quyết đoán, "dụng binh như Thần, mưu không tính lại". Tranh: Tư Mã Ý và Tào Tháo. (Nguồn: Tam Quốc Diễn Nghĩa Hoàn Họa)

Ngước nhìn Gia Cát Lượng trên thành đang gảy đàn, Tư Mã Ý đột nhiên ra lệnh quân đội rút lui. Con trai thứ là Tư Mã Chiêu nói: "Chẳng qua là Gia Cát Lượng không có quân, cố tạo ra trạng thái này. Phụ Thân sao lại dễ dàng lui binh?". Ngay cả con trai Tư Mã Ý còn nghĩ ra được thế này thì Tư Mã Ý "dụng binh như Thần" lẽ nào lại không xem xét tính toán, mà lại vội vàng lui binh như thế này?

Tư Mã Ý sợ quân mai phục chăng? Nếu trên thành lầu không phải là Gia Cát Lượng, Tư Mã Ý có lui binh không? Cho dù xung quanh Tây Thành có quân đội của Quan Hưng, Trương Bào, Khương Duy, Mã Đại, Vương Bình, Ngụy Diên, thì cũng không đáng sợ. Giống như trận chiến Nhai Đình, Tư Mã Ý chỉ cần vây chặt Tây Thành nhỏ bé này lại, giữ chặt nẻo đường trọng yếu, chặn đứng viện binh của quân Thục, rồi sai quân vào thành thám thính thực hư, thì dẫu phục binh đầy thành cũng khó mà địch nổi đại quân 15 vạn của nước Ngụy.

Tư Mã Ý nói: "Lượng vốn tính thận trọng, chưa từng mạo hiểm. Hôm nay mở cổng thành, ắt có mai phục. Quân ta nếu tiến vào sẽ trúng kế ông ta. Các ngươi sao mà biết được? Mau chóng lui binh". Tư Mã Ý từ khi xuất quân đến nay, thế mạnh như chẻ tre, lần đầu tiên giao chiến chính diện với Gia Cát Lượng, sao lại có thể bị một tòa thành trống dọa sợ hãi bỏ chạy được? Rốt cuộc điều gì đã khiến ông ta kinh hoàng như thế này?

Tư Mã Ý nói: "Lượng vốn tính thận trọng, chưa từng mạo hiểm. Hôm nay mở cổng thành, ắt có mai phục. Quân ta nếu tiến vào sẽ trúng kế ông ta. Tụi bay sao mà biết được? Mau chóng lui binh".
Tư Mã Ý nói: "Lượng vốn tính thận trọng, chưa từng mạo hiểm. Hôm nay mở cổng thành, ắt có mai phục. Quân ta nếu tiến vào sẽ trúng kế ông ta." (Ảnh: Miền công cộng)

Bãi đá cửa sông Ngư Phúc chặn đại quân 10 vạn của Đông Ngô

Trước khi nói về việc Gia Cát Lượng dùng "Không thành kế" đối đầu Tư Mã Ý, thì hãy nói về Đại đô đốc Đông Ngô Lục Tốn sau khi dùng lửa thiêu cháy trại liên hoàn của Lưu Bị, truy binh đuổi theo đến cửa sông Ngư Phúc. Lục Tốn thấy phía trước là núi sát sông, một luồng sát khí xông thẳng lên trời, lập tức lui binh hơn 10 dặm, bày thành thế trận chống quân địch. Tiếp theo, Lục Tốn nhiều lần sai quân tâm phúc đi thám thính kỹ lưỡng, bản thân ông còn xuống ngựa leo lên núi cao quan sát, vẫn thấy do dự rối bời. Lục Tốn cho người đi tìm người dân địa phương để hỏi thì được biết đó là thạch trận (trận đồ lập bằng đá) do Gia Cát Lượng bày ra khi vào Tứ Xuyên. Thế là Lục Tốn dẫn mấy chục kỵ binh tiến vào thạch trận xem xét. Vừa chuẩn bị ra khỏi trận đồ thì bỗng nhiên có trận cuồng phong lớn nổi lên, cát đá bay mù mịt, những tảng đá kỳ dị cao chót vót, đất cát chắn ngang, tiếng sóng ầm ầm, như có tiếng gươm tiếng trống. Lục Tốn kinh hoàng nói: "Ta trúng kế của Gia Cát rồi!".

May thay, Lục Tốn gặp được nhạc phụ của Gia Cát Lượng là Hoàng Thừa Ngạn đích thân đến dẫn đội kỵ binh Đông Ngô đi ra theo cửa sinh. Cụ già nói với Lục Tốn rằng: "Thạch trận này gọi là Bát trận đồ. Có 8 cửa lặp đi lặp lại, chiểu theo thuật Độn giáp là: hưu, sinh, thương, đỗ, cảnh, tử, kinh, khai. Mỗi ngày mỗi giờ đều biến hóa khôn lường, có thể sánh với 10 vạn tinh binh".

Di chỉ Bát Trận Đồ của Gia Cát Lượng.
Di chỉ Bát Trận Đồ của Gia Cát Lượng. (Ảnh: baike.baidu.com)

Lục Tốn về đến trại than rằng: "Khổng Minh đúng là Ngọa Long, ta không thể nào sánh nổi". Thế là ông hạ lệnh rút quân.

Gia Cát Lượng nghiên cứu thuật Kỳ môn Độn giáp, thuật này khởi nguồn từ thời Hiên Viên Hoàng Đế đại chiến Xi Vưu. Xi Vưu mình đồng đầu thép, gươm giáo không xâm phạm nổi, lại biết hô gió gọi mưa, tạo ra mây mù trên chiến trường. Quân đội của Hoàng Đế thường bị mất phương hướng, nhiều lần giao chiến đều thất bại. Sau này Hoàng Đế mộng thấy Cửu Thiên Huyền Nữ trao cho ông phù tiết, binh pháp, Kỳ môn Độn giáp, Ngũ hành trận pháp, và cách chế tạo Chỉ nam xa. Thế là Hoàng Đế được thiên thời, địa lợi, nhân hòa trợ giúp, nên đã chọn ngày chọn nơi hành quân, dùng Đạo pháp và phép thuật tác chiến, cuối cùng đã giết chết Xi Vưu, giành toàn thắng ở trận chiến Trác Lộc.

Đối đầu đỉnh cao: Một khúc nhạc Gia Cát đẩy lui "tri kỷ"

Đối diện với tòa thành trống, 4 cổng thành mở toang, tâm trạng Tư Mã Ý lúc này cũng giống như Lục Tốn đối diện với thạch trận: như gặp cường địch, do dự rối bời, vội vàng rút lui. Tại sao Lục Tốn lui quân 10 dặm? Bởi vì ông ta trông thấy từng đợt sát khí bốc lên ngút trời. Còn Tư Mã Ý thì sao? Ông ta không thấy sát khí, nhưng lại nghe tiếng đàn cầm rung động hồn phách.

Khoa học Á Đông cổ đại cho rằng ngũ hành: "kim mộc thủy hỏa thổ" cấu thành nên vũ trụ vạn vật, đồng thời đặc tính của ngũ hành cũng phản ánh lên thân thể, tinh thần, tình cảm và giác quan của con người, và có mối quan hệ tương hỗ (như biểu đồ bên dưới). Vì vậy người xưa dùng "ngũ âm chữa bệnh", dùng âm nhạc với giai điệu ngũ âm Cung, Thương, Giốc, Chủy, Vũ để đối ứng với Ngũ tạng, điều tiết cơ năng bị tư tưởng tình cảm gây tổn thương, khiến nó được khôi phục ở một mức độ nhất định.

Ngũ âm Ngũ Hành Ngũ tinh Ngũ tạng Giản phổ Nốt nhạc Nhạc tượng
Cung Thổ Suy tư Tỳ 1 Do Bình hòa, trung dung
Thương Kim Ưu sầu Phế 2 Re Cao vang
Giốc Mộc Phẫn nộ Can 3 Mi Mềm mại, tươi đẹp, thông suốt
Chủy Hỏa Hoan hỉ Tâm 5 Sol Vui tươi, khoan khoái
Thủy Kinh hãi Thận 6 La Bi thương, uyển chuyển, thanh tĩnh

Bi thương uyển chuyển, thanh tĩnh

Do nguyên lý tương sinh tương khắc nên âm nhạc có thể điều hòa âm dương, có thể trị bệnh. Đương nhiên âm nhạc cũng có thể gây rối loạn tâm tư tình cảm con người, gây tổn thương, thậm chí giết chết con người. "Sám hồn khúc", "Cặp mắt thứ 13" và "Chủ nhật màu đen" là 3 khúc nhạc cấm kỵ trên thế giới, rất nhiều người sau khi nghe những khúc nhạc này sẽ tự sát. Dùng những khí cụ hiện đại có thể kiểm tra ra trong giai điệu âm nhạc sát nhân này có xuất hiện sóng hạ âm, có thể sinh ra cộng hưởng đối với một bộ phận nào đó trên cơ thể người, phá hoại chức năng sinh lý bình thường của cơ thể. Cộng thêm môi trường giai điệu âm nhạc cực kỳ bi thương, người nghe có thể sẽ tự sát để tìm sự giải thoát.

Do nguyên lý tương sinh tương khắc nên âm nhạc có thể điều hòa âm dương, có thể trị bệnh. Đương nhiên âm nhạc cũng có thể gây rối loạn tâm tư tình cảm con người, gây tổn thương, thậm chí giết chết con người.
Âm nhạc có thể điều hòa âm dương, có thể trị bệnh, đương nhiên âm nhạc cũng có thể gây rối loạn tâm tư tình cảm con người, gây tổn thương, thậm chí giết chết con người. (Ảnh: Miền công cộng)

Bá Nha đánh đàn, chí ở núi cao nước chảy, Chung Tử Kỳ nghe thấy "Nguy nga như Thái Sơn, mênh mông như sông biển". Như vậy trong tiếng đàn của Gia Cát Lượng, phải chăng Tư Mã Ý nghe thấy: cát bay đá chạy, tiếng sóng ầm ầm, ngói bay tán loạn, lửa cháy ngùn ngụt, khói đen cuồn cuộn, gươm đao leng keng loang loáng, tên bắn như mưa vèo vèo loạn xạ, nơi im ắng ẩn chứa hung hiểm... Ngũ tạng, ngũ tình của Tư Mã Ý bất tri bất giác bị chìm vào trong tiếng đàn, bị trận đồ bát quái Ngũ âm của Gia Cát Lượng vây chặt. Tư Mã Ý càng nghe càng kinh tâm động phách, thế là vội vàng hạ lệnh rút quân.

Tướng sĩ quân Ngụy không hiểu tại sao Tư Mã Ý rút quân, bởi vì họ không hiểu âm thanh bên ngoài tiếng đàn của Gia Cát Lượng. Tư Mã Ý và Gia Cát Lượng không chỉ là đối thủ, mà còn là "tri kỷ". Gia Cát Lượng rất coi trọng Tư Mã Ý: "Ta muốn chinh phạt nước Ngụy đã lâu rồi, nhưng e ngại có Tư Mã Ý thống lĩnh quân Ung Châu và Lương Châu. Nay Ý trúng kế bị giáng chức, ta còn lo gì nữa"; "Ta nào có e sợ Tào Duệ. Người ta lo ngại chỉ có một mình Tư Mã Ý mà thôi". Khi Tư Mã Ý nhận y phục nữ nhi do Gia Cát Lượng đem tặng, ông không những không tức giận mà còn hậu đãi sứ giả. Gia Cát Lượng than rằng: "Ông ta là người hiểu rõ ta". Còn Tư Mã Ý nói về Gia Cát Lượng rằng: "Gia Cát Lượng quả là bậc danh sĩ"; "Gia Cát Lượng quả là bậc kỳ tài trong thiên hạ"; "Ta không bằng Khổng Minh được".

Trung Hòa
Theo Epoch Times



BÀI CHỌN LỌC

Tam Quốc Diễn Nghĩa luận hào kiệt: Không thành kế - Trống mà chẳng rỗng