Tâm sự ngày cuối năm: Bao giờ pháo lại nổ đêm Giao Thừa?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Xúc động nhất là đêm 30 Tết, đúng thời điểm Giao Thừa, cha tôi châm pháo, ánh lửa lóe lên sáng rực, tiếng pháo nổ ran, những tiếng “tạch, tạch”, “đùng, đùng” từ nhà nọ lan sang nhà kia, ào ạt như mưa rào, ầm ầm như sấm dậy, được một lúc rồi thưa dần, lác đác rồi gần như ngừng hẳn… Không gian se lạnh, người người hân hoan trong khói pháo mịt mù

Đã qua tháng Chạp, tháng cuối cùng của năm Tân Sửu 2021. Những ngày cuối năm âm lịch, gia đình tôi tụ họp, bàn chuyện Tết. Ngày nay người ta sắm Tết dễ dàng và nhanh chóng, vì vật chất sẵn có, chẳng như ngày xưa. Nhưng Tết xưa vẫn có cái gì đó gây thương nhớ, vậy là câu chuyện lại quay trở về cái Tết rộn ràng của mấy mươi năm trước. Một cô cháu gái tuổi đôi mươi quay sang hỏi tôi: “Cháu nghe nói ngày xưa đốt pháo Tết vui lắm hả chú? Chú kể về pháo Tết đi ạ”. Ồ phải rồi, đó chính là một trong những nỗi nhớ và niềm thương của người Việt. Hãy cứ nói về nỗi nhớ trước đã.

Pháo Tết trong ký ức tuổi thơ

Tôi nhớ đến cái Tết ở Hà Nội cách đây chừng gần bốn mươi năm. Thời ấy kinh tế eo hẹp, vật chất thiếu thốn, người lớn sắm Tết với nhiều đắn đo, cái gì nên mua và cái gì đành nhịn; có khi để sắm đủ món ăn Tết, thì nhịn bớt cái mặc, hoặc thôi đồ trang trí hoặc cây hoa cảnh v.v. Nhưng có một thứ mà cả trẻ con lẫn người lớn đồng tình với nhau rằng cứ đến Tết là không thể thiếu nó được: bánh pháo Tết.

Pháo Tết ngày xưa có thể mua bằng tem phiếu ở cửa hàng mậu dịch, nhưng thường chỉ là một bánh pháo tép nhỏ, mỗi quả bé như đầu đũa, tiếng nổ lẹt đẹt, gọi là cho có tiếng pháo để thành Tết. Còn những phong pháo dài, thường có màu hồng đậm, mỗi quả to như ngón tay út của người lớn, lại gài thêm mấy quả pháo đùng to ngang như trái dưa chuột nhỡ, quanh ngòi gắn xi… thì phải mua ở chợ quê, hàng tạp hóa, hoặc cầu kỳ hơn, vào hẳn các làng nghề làm pháo, thì pháo gì cũng có.

Pháo Tết ngày xưa có thể mua bằng tem phiếu ở cửa hàng mậu dịch, nhưng thường chỉ là một bánh pháo tép nhỏ, mỗi quả bé như đầu đũa, tiếng nổ lẹt đẹt, gọi là cho có tiếng pháo để thành Tết. (Ảnh: Pixabay)

Thời ấy, ở miền Bắc có một số ít làng nghề làm pháo, nhưng nổi tiếng nhất phải kể đến làng Bình Đà ở Thanh Oai, Hà Tây cũ.

Đối với lũ trẻ chúng tôi, Tết bắt đầu từ khi có pháo. Và muốn có pháo, thì chúng tôi sẽ đi Bình Đà để mua từ sớm, nên Tết có thể bắt đầu từ giữa tháng Chạp. Có những anh lớn dành dụm tiền cả năm để mua mấy băng pháo dài, vừa dùng vừa biếu tặng hay bán lại. Pháo mua về không dám đốt vì tiếc tiền, chỉ mang ra ngắm hoặc khoe nhau lấy tiếng. Lại có những anh có cái thú mua thuốc pháo và giấy về để cuốn pháo theo ý mình. Còn mấy em nhỏ như chúng tôi thì sáng tạo ra rất nhiều trò chơi với pháo. Tôi tự chế một “khẩu thần công” bé xíu có bánh xe, dùng pháo tép nổ làm lực đẩy, dùng viên phấn trắng làm đạn và quân cờ vua làm mục tiêu, hoặc đôi khi dùng “đại bác” ấy để bắn ruồi cũng lấy làm vui và hãnh diện lắm. Thời ấy, pháo chủ yếu đốt vào đêm giao thừa hoặc sáng mùng 1 Tết, trẻ em chơi pháo tép, người lớn đốt pháo tôm hoặc pháo đùng.

Xúc động nhất là đêm 30 Tết, đúng thời điểm Giao Thừa, cha tôi châm pháo, ánh lửa lóe lên sáng rực, tiếng pháo nổ ran, những tiếng “tạch, tạch”, “đùng, đùng” từ nhà nọ lan sang nhà kia, ào ạt như mưa rào, ầm ầm như sấm dậy, được một lúc rồi thưa dần, lác đác rồi gần như ngừng hẳn… Không gian se lạnh, người người hân hoan trong khói pháo mịt mù, chẳng mấy ai chê khét mà vẫn khen thơm, thậm chí có người hít lấy hít để. Tôi thì vẫn luôn thấy gai người lên vì lạnh thì ít, nhiều hơn là vì không khí náo nức trước thềm năm mới đầy hy vọng ấy.

Nhưng rồi pháo Tết cũng chỉ còn là một nỗi luyến tiếc.

Bánh pháo Tết - niềm thương

“Niềm thương” ở đây là một lối chơi chữ nhiều ý tứ: từ “thương cảm” về tâm lý đua tranh của con người đến “thương tật” của người làm pháo, chơi pháo… đến “thương tiếc” cho một nét văn hóa truyền thống đã mai một, và không khí Tết cũng nguội cùng tiếng pháo.

Cũng chẳng biết từ khi nào, việc chơi pháo trở thành thú hơn thua của nhiều người Việt. Người ta muốn những bánh pháo “hoành tráng” hơn, tiếng nổ đinh tai nhức óc hơn và thú chơi pháo bắt đầu biến tướng.

Người ta muốn những bánh pháo “hoành tráng” hơn, tiếng nổ đinh tai nhức óc hơn và thú chơi pháo bắt đầu biến tướng. (Ảnh: Pixabay)

Bánh pháo truyền thống bắt đầu to lớn hơn, dài hơn, pháo tôm trở thành pháo đùng, và pháo đùng thì vươn tầm đến pháo cối. Pháo được đốt nhiều hơn và đốt tự do hơn, thậm chí là có cả những trò đùa quá quắt với pháo.

Những quả pháo khổng lồ thi nhau xuất hiện. Có những người tôi quen trước kia chỉ cuốn đến pháo đùng, thì rồi dần dần cuốn những quả pháo cối to như cái phích đựng nước nóng (đường kính trên 10cm). Tiếng pháo nổ lớn như bom mìn, bởi thân pháo to lớn và bên trong chúng thay vì thuốc pháo lại có chứa thuốc nổ.

Những tai nạn thương tâm xảy ra nhiều hơn, với người làm pháo, người chơi pháo, và cả người không may ở gần pháo nổ. Từ âm thanh hân hoan báo Tết đến Xuân về, tiếng pháo trở thành nỗi lo âu của nhiều người.

Đến năm 1995, thì chính thức có lệnh cấm sản xuất, buôn bán và đốt pháo nổ. Thay vào đó hàng năm người ta bắn pháo hoa, ngắm pháo hoa đêm Giao Thừa. Và cô cháu gái tuổi đôi mươi của tôi trở thành thế hệ “Tết pháo hoa”, thay vì “Tết pháo nổ”.

Nhưng pháo đâu phải chỉ để lấy tiếng nổ làm vui. Ý nghĩa của pháo Tết sâu sắc hơn thế.

Ý nghĩa nguyên thủy của pháo Tết trong Văn hóa truyền thống

Theo truyền thuyết dân gian Trung Quốc, vào thời cổ đại có một loại quái vật gọi là “Niên”. Niên mình bò đực, đầu sư tử, có có một chiếc sừng dài và nhọn trên đầu, hung mãnh dị thường. “Niên” ở dưới đáy biển suốt cả năm, nhưng nó sẽ mò lên bờ ăn thịt súc vật và con người vào lúc Giao Thừa. Vì vậy, dân các làng lại dắt díu nhau vào núi sâu để tránh gặp “Niên” vào đêm Giao Thừa

Nhưng vào một đêm Giao Thừa nọ, xuất hiện một ông lão tóc bạc trắng. Ông nói sẽ đuổi được “Niên” đi. Chẳng ai tin ông, và họ vẫn lên núi tránh.

Nhưng vào một đêm Giao Thừa nọ, xuất hiện một ông lão tóc bạc trắng. Ông nói sẽ đuổi được “Niên” đi. (Ảnh: Tổng hợp)

Khi “Niên” chuẩn bị vào làng tàn phá như mọi năm thì đột nhiên có tiếng pháo nổ. “Niên” giật bắn người, vì nó sợ nhất là màu đỏ, ánh lửa và tiếng nổ. Lúc này cửa lớn mở toang, chỉ thấy từ trong nhà có một ông lão mặc áo bào màu đỏ cười lớn bước ra. “Niên” thất kinh, chạy một mạch về hang ổ.

Hôm sau, người dân từ trong núi trở về làng, họ thấy làng mình vẫn bình yên vô sự. Lúc đó họ mới chợt hiểu ra, ông lão tóc trắng chính là Thần Tiên đến giúp. Đồng thời mọi người cũng phát hiện ông đã đốt pháo trúc để đuổi “Niên”.

Kể từ đó hàng năm vào thời điểm này, nhà nhà đèn đuốc sáng trưng, thức khuya đốt pháo khua chiêng đuổi thú “Niên”. Phong tục này ngày càng lan rộng; và trở thành truyền thống long trọng nhất của dịp Tết Nguyên đán.

Nguyên thủy của pháo là pháo trúc (còn gọi là "bộc trúc"), là loại ống trúc kín hai đầu được cho vào lửa đốt nổ phá gây tiếng vang, về sau trong ống trúc người ta nhồi thuốc nổ đen, thì pháo trúc còn nổ lớn hơn nữa.

Vương An Thạch đời Tống có thi phẩm “Nguyên Nhật” cho thấy từ đời Tống đã có tục đốt pháo trúc vào năm mới:

Bộc trúc thanh trung nhất tuế trừ,
Xuân phong tống noãn nhập đồ tô.
Thiên môn vạn hộ đồng đồng nhật,
Tổng bả tân đào hoán cựu phù.

Trần Trọng San dịch:

Hết một năm rồi, tiếng pháo đưa
Gió xuân thổi ấm chén đồ tô
Ngàn cửa muôn nhà vừa rạng sáng
Đều đem đào mới đổi bùa xưa.

Theo cuốn “Việt Nam phong tục” của Phan Kế Bính thì: “Trong mấy hôm Tết, ngày nào cũng đốt pháo. Điển đốt pháo do ở ‘Kinh sở tuế thời kỳ’ có nói rằng: Sơn tiêu (ma núi) phạm vào người thì người sinh đau ốm, nó chỉ sợ tiếng pháo, hễ đốt pháo thì nó không dám đến.” Thực ra câu chuyện này được ghi sớm nhất ở sách “Thần Dị Kinh” của Đông Phương Sóc thời Hán.

Cuốn “Đất lề quê thói” của Nhất Thanh cũng kể về tục đốt pháo sau Lễ trừ tịch, trong đêm Giao thừa. Còn theo nhà nghiên cứu Phan Cẩm Thượng trong cuốn “Tập tục đời người”, lễ Trừ tịch là để trừ khử ma quỷ. Phan Kế Bính trong “Việt Nam phong tục” cũng viết đại ý rằng lễ Trừ tịch nguyên gốc là lễ trừ khử ma quỷ, với âm thanh của tiếng đánh trống từ một đội ngũ 120 đứa trẻ đi dọc đường - theo tích cũ của Trung Hoa ngày xưa.

Vậy thì nguyên ban đầu tiếng pháo Tết có ý nghĩa xua tà đuổi quỷ, pháo được đốt kể từ sau Lễ Trừ tịch đêm Giao thừa, cho đến hết ba ngày Tết.

Nhưng rồi văn hóa mai một, truyền thống rơi rụng, từ mục đích xua đuổi tà ma, dần dần pháo Tết chủ yếu dùng để góp vui. Nhưng “vui quá hóa buồn”, khi pháo Tết không được dùng đúng lúc, đúng chỗ và đúng mức, thì chế tài xuất hiện và pháo chính thức biến mất.

Khi pháo Tết không được dùng đúng lúc, đúng chỗ và đúng mức, thì chế tài xuất hiện và pháo chính thức biến mất. (Ảnh: https://luatminhkhue.vn/)

Dù luật phạt nặng những trường hợp sản xuất, buôn bán, tàng trữ, sử dụng pháo nổ nhưng cái “tâm nổ” của nhiều người thì vẫn còn, bằng cách này hay cách khác họ lén lút chế tạo, buôn bán và sử dụng pháo, vì vậy vẫn tiếp tục có những tai nạn do pháo gây ra. Khi nhân tâm không tự ước thúc, luật pháp cũng đành bó tay. Chính vì vậy người xưa đề cao giáo hóa hơn luật pháp. Người xưa đốt pháo từ lâu lắm rồi nhưng chưa bao giờ đến mức phải cấm pháo, có lẽ cũng là nhờ có giáo hóa tốt. Bàn rộng thêm một chút, sử Việt cũng không ít những tấm gương của đấng minh quân lấy đức phục người khiến xã hội ổn định, phong tục thuần hậu.

Gương giáo hóa của vua Lý Thánh Tông

Lý Thánh Tông được xem là vị vua nhân từ bậc nhất của nước Việt. Ngài ngự ngai vàng, mặc áo cừu, sưởi than ấm mà vẫn nghĩ đến tội nhân đói lạnh nơi ngục thất. Ngài sai cấp màn, chăn chiếu, quần áo và thức ăn đầy đủ cho tội nhân, lại giảm hình phạt, đốt công cụ tra tấn, cấp lương bổng để giữ thanh liêm cho quan coi ngục. Ngài cũng giảm thuế, phát thóc lụa cho dân những năm mất mùa. Ngài nói: "Lòng trẫm yêu dân cũng như yêu con trẫm vậy, hiềm vì trăm họ ngu dại, làm càn phải tội, trẫm lấy làm thương lắm. Từ rày về sau tội gì cũng giảm nhẹ bớt đi" (1) Đối với Lý Thánh Tông, dân mắc tội là vì ngu dại, nên cần tăng cường giáo hóa, giảm bớt hình phạt, nhưng muốn giáo hóa dân, bậc quân chủ phải làm gương trước.

Người dân cảm phục đức độ của vua Lý Thánh Tông, nên tự ước thúc mình, bởi vậy xã hội Đại Việt thời Lý Thánh Tông tương đối ổn định (2), quốc lực vững vàng, võ công văn trị đạt đến đỉnh cao, mà lân bang - kể cả Tống triều - cũng phải kính nể, trăm năm thịnh vượng của nhà Lý có phần công lao to lớn của Lý Thánh Tông nên còn gọi là thời “Bách Niên thịnh thế”.

Ấy là minh họa cho lời của Đức Khổng Tử: “Dùng chính lệnh để dắt dẫn dân, dùng hình phạt để bắt dân vào khuôn phép, dân tránh khỏi tội nhưng không biết hổ thẹn. Lãnh đạo dân bằng đức độ và lễ khiến người ta biết xấu hổ mà tự cảm hóa...”

Bao giờ pháo lại nổ đêm Giao Thừa?

Cô cháu gái tôi tỏ ra thích thú khi nghe kể về Tết xưa, thời còn tiếng pháo, và tiếc nuối vì sinh sau đẻ muộn không được hưởng không khí Tết truyền thống với pháo Tết. Thực ra, điều tôi muốn chia sẻ với cháu là trong văn hóa truyền thống có rất nhiều điều tốt đẹp, bao gồm cả pháo Tết với ý nghĩa ban đầu của nó. Nhưng rồi khi nhân tâm biến đổi thì mọi thứ biến đổi theo, và không nhất thiết tất cả đều là tích cực.

Giá như cuộc chơi không cực đoan, quá đà, sẽ không khiến cho nhiều người lo ngại; Lòng người không bất an, sẽ không có lệnh cấm pháo; Pháo không bị cấm, Tết ắt hẳn vui hơn. Và không chỉ riêng pháo Tết, nhiều giá trị truyền thống khác cũng sẽ hồi sinh khi nhân tâm quy chính và cuộc sống sẽ có thêm nhiều ý nghĩa. Nhưng muốn giữ được truyền thống, phải giữ được đạo đức, ai nấy phải tự ước thúc chính mình đến tận nơi hang cùng ngõ hẻm của nhân tâm mà luật pháp không với tới được, như thế luật pháp mới chịu lùi bước, nhường chỗ cho không gian sống rộng mở như đã từng có, cùng các giá trị tinh thần. Bởi vì thật rõ ràng cái Tết ngày nay cho thấy rằng chỉ riêng của cải vật chất không làm nên ý nghĩa đời sống.

Có thể lúc đó cô cháu gái tôi và các thế hệ về sau sẽ lại được đón Giao Thừa cùng với tiếng pháo Tết râm ran như cả trăm, cả nghìn Xuân thanh bình thuở trước.

Nguyên Phong

Chú thích
(1): Đại Việt Sử Ký Toàn Thư - Ngô Sĩ liên
(2): Việt Nam Sử Lược - Trần Trọng Kim



BÀI CÙNG CHUYÊN ĐỀ

BÀI CHỌN LỌC

Tâm sự ngày cuối năm: Bao giờ pháo lại nổ đêm Giao Thừa?