Tam Tài cơ bản nhất lại ẩn chứa Thiên cơ sâu nhất

Giúp NTDVN sửa lỗi

“Tam Tự Kinh” giảng về Tam tài, Tam quang, lại giảng về Tam cương trong mối quan hệ nhân luân. Những luân lý đạo đức được nhắc đến trong đó hàm chứa ý nghĩa rất thâm sâu, vậy đó là gì?

Trong “Tam Tự Kinh” có đoạn:

Tam tài là: Thiên – Địa – Nhân,
Tam quang là: Nhật – Nguyệt – Tinh.
Tam cương là: Nghĩa vua tôi,
Tình cha con, vợ chồng thuận.

Nguyên văn:

“Tam tài giả, Thiên Địa Nhân
Tam quang giả, nhật nguyệt tinh
Tam cương giả, quân thần nghĩa
Phụ tử thân, phu phụ thuận”

Thế nào là “Tam tài”? Tam tài chính là Thiên tài, Nhân tài, Địa tài – đó là ba nhân tố cơ bản cấu thành nên vũ trụ, nghĩa gốc là ‘cây cỏ mới sinh ra’, nghĩa mở rộng là ‘cơ bản, nền tảng’. Thuật ngữ “Tam tài” xuất phát từ “Kinh Dịch - Hệ Từ hạ truyện”:

“Dịch chi vi thư dã.
Quảng đại tất bị.
Hữu Thiên đạo yên.
Hữu Nhân đạo yên.
Hữu Địa đạo yên.
Kiêm Tam tài nhi lưỡng chi.
Cố lục.
Lục giả phi tha dã.
Tam tài chi đạo dã”

Dịch thơ:

Dịch Kinh tươm tất, vẹn toàn,
Chu toàn rộng rãi, luận bàn trước sau.
Đạo Trời, Người, Đất, tóm thâu,
Tam tài xuôi, ngược, gót đầu tường biên,
Tam tài, vì vậy gấp lên,
Hai 3 thành 6 vẫn nguyên Tam tài.

– (Bản dịch của Nguyễn Văn Thọ và Huyền Linh Yến Lê)

Thế nào là “Tam quang”? Tam quang chính là mặt trời, mặt trăng và các ngôi sao, cũng chính là ba loại vật thể phát sáng ở trên trời, là nguồn sáng chủ yếu chiếu xuống trái đất. Thuật ngữ “Tam quang” xuất phát từ cuốn “Bạch Hổ Thông - Phong công hầu” của học giả Ban Cố thời nhà Hán. Trong đó có câu:

“Thiên đạo mạc bất thành ư tam, thiên hữu tam quang, nhật, nguyệt, tinh; địa hữu tam hình, cao, hạ, bình; nhân hữu tam tôn, quân, phụ, sư.”

Nghĩa là:

Đạo Trời chẳng có gì không làm thành bộ ba. Trời có ba nguồn sáng: mặt trời, mặt trăng, các vì sao. Đất có ba hình thế: cao, thấp, bằng. Người có ba bề trên: vua, cha, thầy.

Vậy còn “Tam cương” là chỉ điều gì? Tam cương chính là ba quan hệ luân thường trọng yếu nhất giữa người với người, gồm có: quân thần (vua - tôi), phụ tử (cha - con), phu phụ (chồng - vợ). Giữa quân vương và bề tôi thì cần phù hợp với đạo nghĩa, mỗi người đều làm tròn chức trách và bổn phận của mình; giữa cha mẹ và con cái thì cần tương thân tương ái, cha hiền từ, con hiếu thảo; giữa vợ và chồng thì cần chung sống hòa thuận, tôn trọng và yêu thương nhau.

Đoạn thơ trên trong “Tam Tự Kinh” ẩn chứa thiên cơ sâu xa, nhưng lại truyền tải ý nghĩa rất nền tảng trong mối quan hệ giữa người với người. Chúng ta vẫn thường nghe các bậc lão niên nói rằng: trên trời một ngôi sao, dưới đất một người. Điều này thể hiện vũ trụ quan “Thiên nhân hợp nhất” trong truyền thống mấy ngàn năm của người phương Đông. Cổ nhân nhìn nhận rằng, mỗi một cá nhân sống ở cõi trần đều đối ứng với một ngôi sao trên bầu trời, những bậc Thánh nhân, đế vương, hay danh tướng đều là tinh tú hạ phàm. Cao nhân quan sát thiên tượng có thể biết trước khí vận nơi triều đình và thịnh suy chốn dân gian, thậm chí có thể thấy trước sự thay đại đổi triều và những biến hóa trong xã hội suốt mấy ngàn năm sau.

Tư tưởng trên được thể hiện khá rõ trong “Tam Quốc Diễn Nghĩa” - một trong tứ đại danh tác Trung Hoa. Câu chuyện Gia Cát Lượng nói với chúng ta rằng: Trên trời rơi xuống một vì sao, phàm gian có một người qua đời. Khi Gia Cát Khổng Minh mắc bệnh nặng, ông đã ngẩng mặt lên trời xem thiên văn. Trong sách viết:

“Đêm hôm ấy Khổng Minh sai người vực ra sân, ngẩng xem sao Bắc đẩu, trỏ một ngôi sao bảo các tướng rằng: “Ngôi này là tướng tinh của ta đây!”. Mọi người nhìn lên xem, thấy ngôi sao ấy sáng lờ mờ, lung lay sắp rụng. Khổng Minh cầm thanh kiếm trỏ lên, miệng niệm chú mấy câu, rồi trở vào trong trướng. Vừa vào đến nơi thì ngất đi, không biết gì nữa”.

Gia Cát Lượng. (Tranh: zhengjian)

Cùng lúc ấy, Tư Mã Ý của nước Ngụy cũng quan sát thiên tượng và biết được huyền cơ. Trong sách viết:

“Tư Mã Ý đêm hôm ấy xem thiên văn, thấy một ngôi sao to, sắc đỏ tía, ánh tỏa ra như có sừng, từ phương đông bắc bay sang phương nam, rồi sa xuống trại Thục. Ba lần sa xuống, lại ba lần vụt lên, tiếng chuyển ầm ầm. Ý nửa sợ nửa mừng, nói: “Khổng Minh chết rồi!””.

Trí huệ thần kỳ của cổ nhân khiến người nay kinh ngạc vạn phần, chỉ tiếc là, đến thời hiện đại những tri thức ấy đã thất truyền cả rồi.

“Tam tài” thể hiện cho quan điểm “Thiên nhân hợp nhất” trong văn hóa Thần truyền. Cổ nhân nhìn nhận rằng các nhân tố chủ yếu trong vũ trụ chính là Tam tài. Thiên tượng quyết định sự biến đổi của nhân loại, văn hóa lịch sử là văn hóa Thần truyền, 5000 năm văn minh Thần Châu cũng là một bộ kịch bản mà Thiên thượng an bài.

Lịch sử trải qua các triều đại đã lưu lại rất nhiều dự ngôn có độ chuẩn xác phi thường, như “Càn Khôn Vạn Niên Ca” của Khương Tử Nha thời nhà Chu, “Mã Tiền Khóa” của Gia Cát Lượng cuối thời nhà Hán, “Thôi Bối Đồ” của Viên Thiên Cang thời nhà Đường, “Thiêu Bính Ca” của Lưu Bá Ôn thời nhà Minh, v.v. Những dự ngôn ấy đều chứng minh rằng, cổ nhân lấy phương thức nửa ẩn nửa mở, không để lộ Thiên cơ mà vẫn nói ra được Thiên cơ để khai thị cho hậu thế.

Văn minh nhân loại là một vở kịch sớm đã được an bài, lịch sử của 5000 năm Trung Hoa cũng đều ứng nghiệm với dự ngôn của những người tu Đạo như Khương Tử Nha, Gia Cát Lượng, v.v. Những gì đã qua giống như một trường hý kịch, nối tiếp biết bao vở kịch về “trung - gian, thiện - ác” và “thiện ác hữu báo”. Qua đó nói với con người rằng: Thiên - Địa - Nhân là cùng một thể, nhân tâm bại hoại sẽ bị Trời trách phạt. Mục đích là nhắc nhở hậu thế phải giữ gìn đạo đức, đừng vứt bỏ lương tâm, bởi nhất cử nhất động đều có Thần giám sát, làm việc xấu cuối cùng sẽ phải gặp báo ứng. Nếu con người không tín Thần, dám nhục mạ Thần, đạo đức ngày càng trở nên băng hoại thì các thiên tai nhân họa như động đất, lũ lụt, ôn dịch… sẽ lần lượt xuất hiện.

Vì thế, cổ nhân thông qua các quan hệ nhân luân mà nâng cao đạo đức con người. Quan hệ nhân luân lớn nhất là giữa quân vương và bề tôi. “Quân quân thần thần” nghĩa là vua có đạo làm vua, thần có đạo làm thần, mỗi người đều cần làm tròn bổn phận và chức trách của mình, tùy theo thân phận của bản thân mà tận chức tận trách, phò trợ lẫn nhau, chăm lo cho quốc gia và trăm họ. Người làm trái với nghĩa lý quân thần, chỉ vì tư dục mà làm ra những việc thất đức thì sẽ phải chịu sự khiển trách của trời xanh.

“Quân quân thần thần” nghĩa là vua có đạo làm vua, thần có đạo làm thần. (Tranh: Winnie Wang/ Secretchina)

Quan hệ cha con và vợ chồng là nói về thứ tự nhân luân trong gia đình. Cha mẹ phải từ ái, con cái phải hiếu kính, vợ chồng càng phải tương kính như tân, giống như quân vương và bề tôi trong gia đình vậy, mỗi người cũng phải làm tròn bổn phận của mình giống như thế.

Thông qua những quy phạm đạo đức này, con người sẽ tận chức tận trách, khiến đạo đức được duy trì ở một mức độ ổn định, mục đích là để con người giữ vững được bản tính thiện lương của bản thân. Phật gia giảng “nhân quả ba đời”, “thiện có thiện báo, ác có ác báo”, do đó người xưa luôn trọng đức, hành thiện, chú trọng đến đạo đức nhân luân.

Minh Hạnh
Theo Lưu Như - Secretchina



BÀI CHỌN LỌC

Tam Tài cơ bản nhất lại ẩn chứa Thiên cơ sâu nhất