Tân Sửu 2021 và những danh nhân tuổi Tân Sửu lừng lẫy của Đại Việt - Kỳ 1

Giúp NTDVN sửa lỗi

Sửu là địa chi thứ hai trong 12 con giáp, chỉ đứng sau Tý với biểu tượng là con Trâu, một con vật vô cùng quan trọng trong nền văn minh lúa nước phương Nam. Vì thế mà năm Sửu cũng là một năm rất đặc biệt và những người sinh năm Sửu cũng là những nhân vật phi thường trong lịch sử nước ta.

Tổng quan về người Tân Sửu

Tân Sửu là năm Kim vô cùng vượng do được kho Kim và Kỷ Thổ sinh xuất. Mà Kim lại tượng trưng cho tiền tài nên Tân Sửu là những người sẽ rất thành công trong việc kinh tài. Họ đam mê làm kinh doanh, kiên trì nhẫn nại, cứng rắn và là những người lãnh đạo công ty xuất sắc. Một minh chứng cho điều này là tỷ lệ những doanh nhân CEO trong top 500 doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam, người tuổi Tân Sửu (sinh năm 1961) chiếm tỷ lệ cao nhất đến 7,4%.

Như đã nói ở trên, năm Tân Sửu là năm của Chính khí thăng lên, của sự canh cải toàn xã hội. Vậy những danh nhân sinh năm Tân Sửu trong lịch sử cũng là mang trong mình sứ mệnh to lớn, đem lại sự huy hoàng cho quốc gia dân tộc, tạo ra những hướng đi về tương lai tươi sáng hơn. Đó là những vị danh nhân sau đây.

Danh nhân sinh năm Tân Sửu-Bố Cái Đại Vương Phùng Hưng (761-802)

Dẫu cho ngài chưa từng xưng Vương xưng Đế, nhưng cái binh uy của ngài dấy lên trong thời Bắc thuộc nghìn năm đến nay vẫn còn làm hậu nhân nức lòng. Một bậc danh nhân “sinh vi tướng tử vi Thần”, xứng đáng đứng đầu các vĩ nhân tuổi Tân Sửu vậy.

Chính sử vẫn chưa rõ ngày tháng năm sinh của Phùng Hưng nhưng dã sử lại ghi rất rõ ông sinh ngày 25 tháng 11 năm 760 (tức 5-1-761) tức năm Tân Sửu và mất ngày 13 tháng 8 năm Nhâm Ngọ (tức 13-9-802), thọ 41 tuổi.

Thời Phùng Hưng sinh ra đời nước ta vẫn còn dưới ách đô hộ của nhà Đường gọi là An Nam đô hộ phủ. Phùng Hưng và em là Phùng Hải là con nhà hào trưởng đất Đường Lâm, khôi ngô và giỏi võ nghệ, có sức mạnh “bạt sơn cử đỉnh”.

“Vương gia tư hào hữu, sức lực dũng mãnh, đánh được hổ, vật được trâu; người em tên là Hãi cũng có sức mạnh kỳ dị, vác được một tảng đá nặng mười nghìn cân, hay một chiếc thuyền con chở nghìn hộc mà đi hơn mười dặm; mọi người thấy vậy đều kinh hãi.” (Việt điện u linh tập - Lý Tế Xuyên)

Chiếm thành Tống Bình, hùng cứ một phương

Năm 763, một viên võ quan nhà Đường tên Cao Chính Bình do có công dẹp loạn quân Java xâm lược ở Chu Diên nên được cử làm An Nam đô hộ. Viên quan này tuy có tài võ lược nhưng lại là một tên cai trị tham tàn, vơ vét và đánh thuế rất nặng.

Trong thời gian Cao Chính Bình cai trị, hai anh em Phùng Hưng và Phùng Hải nổi dậy xưng là Đô Quân và Đô Bảo, chiếm vùng Đường Lâm chống lại quân Đường.

Năm 791 Tân Mùi, đánh bại Cao Chính Bình chiếm lấy thành Tống Bình, cai trị trong 7 năm rồi mất. Nhân dân tôn xưng là Bố Cái Đại Vương.

Hiển linh phù trợ, Bố Cái giúp thắng trận Bạch Đằng

Khi sống hùng bá nhất phương, đến lúc mất Bố Cái Đại vương vẫn hiển linh giúp đỡ nhân dân trong vùng. Hơn thế nữa, những lúc quốc gia nguy nan, ngài còn hiện ra trợ giúp Ngô Quyền đánh tan quân Nam Hán:

Đất nước ta có nhiều kỳ quan cùng địa thế hiểm trở hùng vĩ được thiên nhiên ưu ái ban tặng. Đó cũng là những bảo vật trấn quốc đã góp phần to lớn vào những chiến công oanh liệt chói ngời sử sách.
Đất nước ta có nhiều kỳ quan cùng địa thế hiểm trở hùng vĩ được thiên nhiên ưu ái ban tặng. Đó cũng là những bảo vật trấn quốc đã góp phần to lớn vào những chiến công oanh liệt chói ngời sử sách. (Wikimedia Commons)

“Vương vừa mới mất đã hiển linh, thường ở trong thôn dân hiện hình thành thiên xa vạn mã phi đằng trên gia ốc, trên cổ thụ; chúng nhân trông lên thực như đám mây ngũ sắc, lại nghe thấy ti trúc, quản huyền giao hưởng trên không trung, tiếng hô hoán, tiếng cờ trống võng kiệu vọng lên nghe thấy phân minh giữa ban ngày. Phàm trong ấp có tai nạn hoặc việc vui mừng thì Ấp trưởng trong đêm đã thấy có dị nhân báo cáo trước; chúng phục là thần, lập đền phía tây Đô phủ mà phụng sự, phàm có việc trộm cướp, việc hồ nghi thì đại thể tề tựu trước đền mà bái yết thần, vào trong đền mà minh thệ, lập tức thấy họa phúc. Nhà thương mại đem lễ đến đền cầu lợi hậu đều có linh ứng; thôn dân gặp phải mưa dầm hay đại hạn; cầu đảo liền được như ý. Mỗi năm xã đến ngày tạ lễ, người đến đông như rừng như biển, bánh xe dấu ngựa đầy đường; miếu mạo nguy nga, hương đèn chẳng dứt."

"Thời Tiền Ngô chúa kiến quốc, Bắc binh nhập khẩu, Tiên chúa đã lo, nửa đêm hốt nhiên mộng thấy một ông già đầu bạc, y quan nghiêm nhã, tay cầm quạt lông, chống gậy trúc, tự xưng tính danh rằng: “Ta lãnh thần binh vạn đội, sẵn sàng mai phục chỗ yếu hại, chúa công tức tốc tiến binh chống cự, đã có âm trợ, chớ lo phiền chi cả”.

"Đến khi tiến binh trên Bạch Đằng, quả thấy trên không có tiếng xe ngựa. Trận ấy quả được đại tiệp. Tiên chúa lấy làm lạ, chiếu kiến lập miếu điện, trang nghiêm hơn xưa, lại sắm thêm quạt lông, cờ hoàng đạo, chiêng đồng, trống đại, rồi làm lễ thái lao, con hát đến làm lễ tạ. Lịch triều theo đó dần dần thành ra cổ lễ”...
(Việt Điện U Linh, phần Lịch Đại Đế Vương, chương Bố Cái Đại Vương )

Lời bàn:

Tuổi Tân Sửu, khí thế của hành Kim mạnh mẽ, nhận mệnh Trời thay cũ đổi mới. Dù cho đất nước đang trong thời kỳ Bắc thuộc, nhưng Bố Cái Đại Vương Phùng Hưng vẫn có thể làm nên công nghiệp lớn, đến nhiều đời sau vẫn còn linh hiển, xứng danh đế vương nổi danh của phương Nam nghìn đời vậy. Người xưa đã có lời bàn rất hay về Ngài, hậu nhân không dám nói thêm chi cho rườm lời.

“Phùng Đô Quân là một người phi thường, tất nhiên có sự gặp gỡ phi thường: sự gặp gỡ phi thường chính là để đãi người có tài phi thường, xem việc sức bắt được hổ, khi muốn nuốt sao Ngưu, khiến cho người trong châu đều úy phục, nếu không có tài lược hơn người thời đâu được như thế?

Chính Bình chết rồi, Vương thung dung vào đô thành cắm bảy mươi ngọn cờ, hùng oai muôn dặm, độc quyền một phương, họa phúc do tay, nghiễm nhiên như một họ Triệu, họ Lý vậy, há phải như Mai Hắc Đế chỉ chiếm một châu mà ví được đâu? Tuy vận còn nội thuộc, chẳng bao lâu bị mất vào tay Triệu Xương, nhưng kẻ đại trượng phu xuất sắc không chịu để cho bọn hồ lại ràng buộc, Ngọ Phong cho là tay cự phách trong hạng Thổ hào, vận tuy bĩ cực, nhưng gặp gỡ đều hạnh thông, rõ thực bậc anh hùng hảo hán, phương chi chốn Đại nội hiển linh, sông Bạch Đằng giúp

trận, Phu Hựu, Chương Nghĩa, chói lọi ở Loan thư, sống được vinh danh, chết lưu hiển hiệu, người như Phùng Bố Cái chưa dễ có nhiều được.

Kẻ thân hạ thì có Bồ Phá Lặc, tận trung thờ chúa, con thì có Phùng An, biết sợ mệnh trời, một cõi Đường Lâm dần dần thành ra một làng danh thắng.

Ngày nay anh tài nảy nở, vị tất đã không do Phùng Công đã cắm lá cờ đỏ đầu tiên, thực là bất hủ.” (Việt điện u linh tập - Lý Tế Xuyên)

Minh Bảo



BÀI CÙNG CHUYÊN ĐỀ

BÀI CHỌN LỌC

Tân Sửu 2021 và những danh nhân tuổi Tân Sửu lừng lẫy của Đại Việt - Kỳ 1