Tần Thủy Hoàng ‘đốt sách chôn Nho’: Đại án oan thiên cổ (P2)

Giúp NTDVN sửa lỗi

Phần trước nói về chân tướng "đốt sách", bài viết này sẽ nói về sự kiện "chôn Nho". Người hiện nay thường nói "đốt sách chôn Nho" như câu thành ngữ, vô tình đem hai sự kiện hoàn toàn không liên quan đến nhau nói nhập lại làm một, và cũng trở thành đại án oan thiên cổ của Tần Thủy Hoàng.

Thực ra trong Sử Ký của Tư Mã Thiên chưa từng xuất hiện hai chữ "chôn Nho", Tư Mã Thiên viết là "chôn thuật sĩ". Hơn nữa, sự kiện này cũng không xảy ra đồng thời với "đốt sách", mà xảy ra sau sự kiện "đốt sách" 2 năm.

Mọi người đều biết rằng Tần Thủy Hoàng vừa mới ra đời đã có những điềm lạ lùng. Từ nhỏ ông đã nghe phụ mẫu kể lại rằng, khi ông ra đời thì có hàng trăm con chim bay liệng và đậu trên mái nhà. Khi sinh ra mắt có "trùng đồng" (hai tròng, 2 con ngươi), sinh ra là đã có răng, sau lưng còn có một hàng vẩy rồng v.v. Ngoài ra, phụ thân ông còn kể cho ông nghe chuyện trong vương thất nước Tần đã lưu truyền nhiều đời về thuyết hùng chủ của nước Tần sẽ thống nhất thiên hạ. Viễn tổ của Tần Thủy Hoàng là Tần Văn Công mộng thấy biểu tượng của Thiên Đế - một con rồng vàng khổng lồ từ trên trời giáng hạ xuống nước Tần, dự báo nước Tần sẽ xuất hiện chân long thiên tử.

Tần thuỷ hoàng chôn nho
Từ nhỏ ông đã nghe phụ mẫu kể lại rằng, khi ông ra đời thì có hàng trăm con chim bay liệng và đậu trên mái nhà. (Ảnh miền công cộng)

Sau này Văn Công lại có được một thứ gọi là “trần bảo”, hình dáng giống như một con gà trống lớn được điêu khắc bằng ngọc. Mọi người nói gia tộc có đực trần bảo này thì sẽ xuất hiện hùng chủ. Việc này đã gây ấn tượng rất mạnh, và có ảnh hưởng lớn đối với ông, khiến Tần Thủy Hoàng từ nhỏ không chỉ tin vào Thượng Thiên và Thần linh, mà còn có cái tâm kính sợ, hoàn toàn tin bản thân mang Thiên mệnh. Ông tin tưởng sâu sắc rằng chỉ vì ông có sự bảo hộ của Thượng Thiên nên mới bình định được thiên hạ, hợp nhất 6 nước, nhất thống Trung Hoa.

Ông còn sùng tín thuyết Ngũ hành, "Kim Mộc Thủy Hỏa Thổ, tương sinh tương khắc, tuần hoàn lặp lại". Tin rằng nước Tần là “Thủy đức” thay thế “Hoả đức” của triều Chu. Để biểu đạt sự sùng kính với Thượng thiên, ông còn đưa thuyết "Thủy đức" vào mọi phương diện trị quốc: Thủy đối ứng với mùa đông trong bốn mùa, do đó cải Chính sóc (biểu thị Thiên mệnh), lấy tháng 10 là khởi đầu năm mới. Trong Ngũ sắc thì Thủy màu đối ứng với màu đen, thế nên tất cả tinh kỳ, phục sức đều dùng màu đen, coi màu đen là cao quý nhất. Trong Bát quái, Thủy đối ứng với quẻ Khảm, đứng vị trí thứ 6, thế nên quốc gia và chữ số liên quan đến chế độ đều là bội số của 6. Sửa soạn đạo, xây đường thẳng, cũng lấy 6 thước làm chuẩn mực. Xe đồng trục, cũng dùng 6 bộ (bước chân), 6 thước làm chuẩn.

Ngày nay, sau hơn 2000 năm, rất nhiều người trong chúng ta vẫn còn cho rằng số 6 là số may mắn. Câu cổ ngữ "lục lục đại thuận" cũng từ đây mà ra. Hơn nữa Tần Thủy Hoàng có cơ hội đọc thuộc lịch sử nước Tần, trong đó có ghi chép rằng, con gái của viễn tổ Tần Mục Công ra đời trước Tần Thủy Hoàng 300 năm, là Lộng Ngọc Công Chúa, bà cùng với Thiên Thần Tiêu Sử cưỡi phượng thăng thiên. Sự tích này càng khiến ông tin tưởng sâu sắc vào chuyện Thần Tiên, do đó ông luôn luôn có tâm tìm Tiên cầu Đạo.

Nhất là sau khi bình định 6 nước, thiên hạ thống nhất, cái tâm cầu Tiên cầu Đạo của Tần Thủy Hoàng càng mãnh liệt. Vì vậy cũng khiến rất nhiều người gọi là phương sĩ, thuật sĩ, Đạo sĩ trà trộn lẫn, vàng thau lẫn lộn tìm đến hoàng cung. Người nổi tiếng nhất trong đó là Từ Thị (còn gọi là Từ Phúc). Ông ta đem hàng ngàn đồng nam đồng nữ và vàng bạc châu báu ra biển, một đi không trở lại.

Còn có một nhóm người mà đứng đầu là hai người, một người là Lư Sinh, một người là Hầu Sinh. Họ cũng là thuật sĩ nổi tiếng đương thời. Hai người này nói có thể tìm được thuốc Tiên trường sinh bất lão cho Tần Thủy Hoàng. Tần Thủy Hoàng tin theo, lễ ngộ và ban thưởng rất nhiều cho họ. Nhưng thuốc Tiên thì tìm ở đâu mà có được? Trường sinh bất lão là phải tu luyện mới có được, sao có thể tìm cầu được?

tần thuỷ hoàng tin vào thuật trường sinh
Sự tích Lộng Ngọc Công Chúa cùng với Thiên Thần Tiêu Sử cưỡi phượng thăng thiên, càng khiến ông tin tưởng sâu sắc vào chuyện Thần Tiên. (Ảnh miền công cộng)

Thời kỳ viễn cổ, con người có tâm địa thiện lương, thuần phác, rất gần với yêu cầu của Thần, thế nên chỉ cần làm được theo yêu cầu của Thần thì có thể tu luyện thành Tiên. Còn những người này ngày ngày chỉ nghĩ làm thế nào lừa được Tần Thủy Hoàng, kiếm được càng nhiều tiền của, thì sao có thể có được thuốc Tiên, sao có thể gặp được Thần Tiên?

Thời gian cứ ngày lại trôi ngày qua đi mà thuốc Tiên đương nhiên tìm không thấy. Những người này ngày ngày đều bịa ra những lời dối trá, nghĩ đủ cách để lừa dối Tần Thủy Hoàng. Nhưng Tần Thủy Hoàng là người rất nghiêm túc, ngày ngày đều triệu kiến họ để chất vấn.

Cuối cùng những người này thấy thực sự không thể lừa dối tiếp được nữa, thế là nói sau lưng Tần Thủy Hoàng rất nhiều lời xấu xa, rằng Tần Thủy Hoàng "tự kiêu tự phụ, làm việc chuyên quyền độc đoán". Thậm chí ngay cả việc Tần Thủy Hoàng đặt hạn định cho bản thân mỗi ngày phải đọc bao nhiêu tấu chương, không xem xong thì không nghỉ. Ai cũng thấy đây chính là thể hiện của một vị hoàng đế chuyên cần việc triều chính, nhưng lại bị bọn họ rêu rao, đơm đặt cho Tần Thủy Hoàng tội tham lam quyền lợi, từ đó gièm pha, chỉ trích. Bọn họ nói rằng, họ sẽ không tìm thuốc Tiên cho một vị hoàng đế tham lam, chuyên quyền như thế này. Thế rồi bọn họ thu vén tài sản bỏ trốn. Thực tế là bọn họ hoàn toàn không thể nào tìm được thuốc Tiên, và cũng không còn cách nào nói dối lừa bịp Tần Thủy Hoàng được nữa.

Đương nhiên Tần Thủy Hoàng nổi giận lôi đình, nói: "Trước đây ta đã tra xét thu tất cả những sách không thích hợp của thiên hạ thiêu hủy. Chiêu nạp lượng lớn những kẻ sĩ về văn học và phương thuật, muốn sử dụng họ để chấn hưng sự nghiệp thái bình. Những người này chỉ nói biết luyện Tiên đan, tìm Tiên dược, nhưng đến nay không có một thứ gì. Hàn Chúng bỏ trốn rồi, bọn Từ Thị (Từ Phúc) đã tiêu dùng số tiền lớn lên đến hàng vạn lượng, cuối cùng cũng không tìm được Tiên dược. Hàng ngày chỉ nghe thấy họ tiết lộ thông tin tố cáo lẫn nhau mưu lợi phi pháp. Ta tôn trọng bọn Lư Sinh, ban thưởng cho họ rất hậu hĩnh, nay lại dám phỉ báng ta, rêu rao ta là phường vô đức".

Thế là Tần Thủy Hoàng hạ lệnh cho ngự sử thẩm vấn tất cả bọn thuật sĩ. Những người này tố cáo lẫn nhau. Tần Thủy Hoàng đích thân phán quyết hơn 460 người vi phạm pháp lệnh, phạm tử tội, tất cả đều bị xử tử, đồng thời xuống chiếu bố cáo thiên hạ, kể rõ tội trạng của những người này. Họ dùng lời ma mị mê hoặc nhân tâm, nguy hại đến chính Pháp, chính Đạo, khiến thế nhân mất đi chính tín đối với Thần, gây nguy hại rất thâm sâu, không trừng trị thì không lấy gì báo với Trời xanh, để người dân toàn quốc biết, để răn dạy người đời sau.

Tần Thủy Hoàng đích thân phán quyết hơn 460 người vi phạm pháp lệnh
Tần Thủy Hoàng đích thân phán quyết hơn 460 người vi phạm pháp lệnh, phạm tử tội, tất cả đều bị xử tử, đồng thời xuống chiếu bố cáo thiên hạ, kể rõ tội trạng của những người này. (Ảnh miền công cộng)

Cũng giống như ngày nay, một số người khoác áo cà sa, miệng niệm Phật, nhưng hành vi chẳng khác gì phường trộm cắp, lừa tiền lừa tình. Những người này khiến cho mọi người càng ngày càng không tin vào Thần. Loại cặn bã thế này thì có nên trừ bỏ đi không?

Đây chính là nguồn gốc và đầu đuôi câu chuyện gọi là "Chôn Nho". Chôn Nho trên thực tế là không tồn tại, mà là chôn những thuật sĩ giang hồ lừa bịp người. Khi đó triều Tần có hơn 70 vị quan bác sĩ và 2000 chư sinh (quan dưới quyền bác sĩ), Tần Thủy Hoàng chỉ giết hơn 460 người, là những phương sĩ thuật sĩ lừa bịp, đã thẩm vấn xác định rõ tội danh, xử tử theo luật đương thời mà thôi.

Đời sau có nhà bình luận lịch sử rằng: "Đốt sách chôn Nho, sự kiện này hầu như có thể khẳng định là đại bộ phận là thêu dệt bịa đặt, nhưng lại trở thành chứng cứ buộc tội Tần Thủy Hoàng tàn nhẫn bạo ngược, khiến cho học trò trong thiên hạ các đời sau thóa mạ ông suốt 2000 năm, chỉ muốn đào mồ đánh xác cho hả giận".

Có thể nói, đắc tội với văn nhân, nhất là với văn nhân nắm quyền hành trong tay thì đó là một việc rất đáng sợ, họ dường như đã thành công biến một anh hùng "thiên cổ nhất đế" công lao bậc nhất trở thành kẻ tội đồ tiếng xấu vạn năm.

Với những tư liệu lịch sử hiện có và văn vật lịch sử khai quật được gần đây, thì đã đến lúc khôi phục lại hình tượng chân chính của Tần Thủy Hoàng. Điều trước kia gọi là "Đốt sách chôn Nho", chỉ là dùng ngoa ngôn truyền lời ngoa ngôn, bịa đặt ra mà thôi.

Trung Hòa
Theo SOH



BÀI CHỌN LỌC

Tần Thủy Hoàng ‘đốt sách chôn Nho’: Đại án oan thiên cổ (P2)