Tào Tháo mà bạn chưa từng biết: Thần vũ hùng tài, tiếu ngạo Tam Quốc (1)

Giúp NTDVN sửa lỗi

Khí chất bậc vương giả của Tào Tháo chiếu sáng Tam Quốc - một thời kỳ lịch sử quan trọng, ông dốc sức thúc đẩy truyền thừa văn hóa, công lao phi phàm.

Ngụy Vũ Đế Tào Tháo có câu thơ rằng:

  • “Giữa trời đất, còn người là quý. Lập vua nuôi dạy dân, làm nên phép tắc”;
  • “Lời nói của Chu Công, thiên hạ đều quy về”;
  • “Ngựa già cúi đầu trên máng cỏ, chí lớn còn ở ngoài ngàn dặm. Tráng sĩ tuổi già, hùng tâm còn mãi”...

Chí hướng Tào Tháo, tế thế an dân, dẹp yên thiên hạ, và hùng tâm thống nhất thiên hạ của ông vẫn lấp lánh trên những trang sách. Để thực hiện hùng tâm và hoài bão này, Tào Tháo dựa vào tài năng quân sự và chính trị phi phàm của mình, xông pha chiến trường, trải qua hơn 30 trận chiến, cuối cùng cũng đã thống nhất được phương Bắc, kết thúc trạng thái chia cắt ở phương Bắc, kéo dài sự thống trị của triều Hán.

Trong thời gian đó, đã có bao nhiêu anh hùng quy phục, bao nhiêu hào kiệt tìm đến, và đã lưu truyền bao nhiêu câu chuyện kinh điển. Trong tác phẩm lịch sử “Tư trị thông giám” của Tư Mã Quang đời Tống có đánh giá về Tào Tháo rằng: “Có công lớn đối với cả thiên hạ”.

Về tài năng quân sự của Tào Tháo, “Tam quốc chí” đánh giá ông rằng: “Có mưu trí sách lược kỳ diệu như Hàn Tín, Bạch Khởi”. Hàn Tín là đại tướng quân cuối thời Tần, đầu thời Hán, còn Bạch Khởi là đại tướng thời Chiến Quốc. Hai người đều là bậc kỳ tài quân sự. Tào Tháo được so sánh với Hàn Tín, Bạch Khởi, nghĩa là ông vô cùng thông minh, và có tài năng quân sự thiên bẩm.

Trong sách lịch sử Ngụy Thư, nhà sử học đời Ngụy Tấn là Vương Trầm còn xếp Tào Tháo ngang hàng với nhà quân sự trứ danh Tôn Tử và Ngô Khởi.

Về việc này, một kỳ tài quân sự khác thời Tam Quốc là Gia Cát Lượng cũng đánh giá Tào Tháo rằng: “Tào Tháo mưu kế, trí tuệ, vượt xa người thường, ông ta dụng binh, giống như Tôn Tử và Ngô Khởi”.

Trong tác phẩm “Lý Vệ Công vấn đối”, Nguyễn Dật đời Tống đã dùng lời của Lý Tĩnh đối đáp với Đường Thái Tông, cũng đặc biệt ca ngợi tài hành quân dụng binh của Tào Tháo.

Tào Tháo thần vũ hùng tài như thế, năm xưa đã tiếu ngạo thiên hạ như thế nào?

Thuộc làu binh thư, chú giải “Binh pháp Tôn Tử”

Sử sách ghi chép, Tào Tháo “tài năng quân sự vượt xa người thường, không ai có thể hại ông được. Ông đọc rất nhiều sách, đặc biệt yêu thích binh pháp, thu thập, sao chép binh pháp của các binh gia, gọi là tóm tắt cốt yếu. Ông còn chú giải 30 chương của Tôn Vũ, và được lưu truyền ở thế gian”.

Đại ý là: Tào Tháo võ nghệ cao cường, không ai có thể làm hại được ông. Ông còn đọc rộng nhiều sách, đặc biệt yêu thích binh pháp. Trên cơ sở học tập binh pháp của các binh gia, ông đã viết thành sách “Binh thư tiếp yếu”, đồng thời chú giải 30 thiên “Binh pháp Tôn Tử”, và được lưu truyền đến ngày nay.

Tào Tháo vô cùng nghênh đón Quan Vũ, thấy ông võ nghệ cao siêu, vì người khác mà xả nghĩa
Tào Tháo vô cùng nghênh đón Quan Vũ, thấy ông võ nghệ cao siêu, vì người khác mà xả nghĩa. (Ảnh miền công cộng)

Xem 30 thiên “Binh pháp Tôn Tử” mà Tào Tháo chú giải, có thể thấy, ông không chỉ hiểu rõ phép dụng binh của Tôn Tử, mà còn có những đánh giá và kiến giải độc đáo.

Ví như, ở thiên thứ nhất “Kế thiên”, mở đầu Tôn Tử viết: “Quân sự là việc đại sự quốc gia, là nơi sống và chết, là đạo tồn vong, không thể không xem xét kỹ lưỡng”. Sau đó, Tôn Tử thông quan phân tích 5 dương diện và so sánh 7 tình hình của 2 bên, để dự đoán khả năng thắng bại của chiến tranh. 5 phương diện đó là: “Một là Đạo, hai là Trời, ba là Đất, bốn là Tướng, năm là pháp lệnh”. Tôn Tử cho rằng, người làm tướng thì phải có đủ “Trí, Tín, Nhân, Dũng, Nghiêm”. Tào Tháo chú giải rằng: “Tướng phải đủ Ngũ Đức này”, cho thấy tiêu chuẩn lựa chọn tướng của ông.

Tiếp theo là một loạt câu hỏi giả thiết, Tào Tháo đã đưa ra câu trả lời. Ví như:

  • “Vua - ai người có Đạo? Tướng - ai người có năng lực?”, câu trả lời là “Đạo đức, trí năng”.
  • “Thiên địa - ai người đắc được?”, câu trả lời là “Thiên thời, địa lợi”.
  • “Pháp lệnh - ai người thi hành được?”, câu trả lời là “Đặt ra mà không phạm, phạm ắt phải giết”...

Những chú giải của Tào Tháo đã nói rõ, Tào Tháo có nhận thức rất rõ ràng đức hạnh và trí năng của quân chủ và tướng lĩnh quyết định thắng bại trong cuộc chiến.

Trong thiên thứ hai “Tác chiến” trong “Binh pháp Tôn Tử”, mở đầu, Tào Tháo bình chú rằng: “Muốn chiến tranh thì trước tiên phải tính toán chi phí, phải lấy lương của kẻ địch”. Tức là, lương thảo, chi phí là những điều cực kỳ quan trong đối với chiến tranh.

Trong “Lý Vệ Công vấn đối”, Đường Thái Tông hỏi Lý Tĩnh về tình hình “kỳ binh và chính binh”, Lý Tĩnh trước tiên dẫn câu nói của Tào Tháo: “(Về so sánh binh lực), khi quân ta 2 quân địch 1, thì ta chia quân làm 2, dùng một bộ phận làm chính binh, một bộ phận làm kỳ binh. Khi quân ta 5 quân địch 1, thì ta chia quân làm 5 phần, 3 phần là chính binh, 2 phần là kỳ binh”. Lý Tĩnh cho rằng, Khi lâm trận đối đầu với quân địch, thì kỳ binh biến hóa vô cùng vô tận, ông vô cùng tán thưởng thuyết về kỳ binh của Tào Tháo.

Tào Tháo hoàn toàn không phải đánh trận trên giấy, ông không chỉ giỏi quản lý quân đội, mà còn giỏi dụng binh. Câu chuyện Tào Tháo thu phục trăm vạn quân Thanh Châu, và lựa chọn một phần trong đó để biến thành đội quân tinh nhuệ của mình, càng thể hiện rõ sức cuốn hút cá nhân của ông.

Giữ chữ tín, coi trọng lời hứa, thu phục quân Thanh Châu

Những năm cuối thời Đông Hán, sau khi “Phong trào nông dân Khăn vàng” do Trương Giác người Cự Lộc, Hà Bắc dẫn đầu phát động bị trấn áp, thế lực tàn dư Khăn vàng lui về trấn thủ ở vùng Thanh Châu, Sơn Đông, và dần dần phát triển lớn mạnh, quân số lên đến trên 100 vạn người. Sau đó thế lực Khăn vàng tiến vào phạm vi của thế lực Viên Thiệu ở Ký Châu, Viên Thiệu phái Tào Tháo đi tiễu trừ quân Khăn vàng.

Tào Tháo dẫn quân được chiêu mộ, số lượng không nhiều, và tiến hành cuộc chiến cuộc đại chiến lần thứ nhất với quân Khăn vàng ở Bộc Dương, Hà Nam. Tào Tháo lấy ít thắng nhiều. Lần thứ 2, Tào Tháo tập hợp tất cả số lượng quân có hạn, dùng kế vây Ngụy cứu Triệu, đã phá được cuộc phục kích của quân Khăn vàng.

Sau đó, thế lực Khăn vàng phát triển về hướng Duyện Châu, và giết Thứ sử Duyện Châu là Lưu Đại ở gần Đông Bình. Nghe theo lời mưu sĩ Trần Cung, quan viên địa phương đã đồng lòng tôn Tào Tháo làm Duyện Châu mục.

Sau khi tiếp quản chức Duyện Châu mục, Tào Tháo lập tức chiêu mộ tân binh, và tập hợp tất cả quân đội đối kháng với đội quân lớn mạnh gấp mấy chục lần quân Tào Tháo. Chiến dịch Thọ Xương, Tào Tháo đã sử dụng rất nhiều chiến thuật, nhưng vì quân địch số lượng quá lớn, nên mãi vẫn không có cách nào giành được chiến thắng có tính then chốt. Trong một lần đại chiến, sau khi viên quan Bào Tín bị giết, quân Tào Tháo hăng hái tác chiến, cuối cùng đã giành được thắng lợi tạm thời, nhưng cục diện quân địch nhiều, quân Tào Tháo ít vẫn còn nguyên như trước.

Lúc này, quân Khăn vàng viết một bức thư cho Tào Tháo, khuyên Tào Tháo đừng bán mạng cho vương triều Đông Hán sắp diệt vong nữa, nói rằng “Vận của Trời Đất, không phải thứ mà tài năng của ông có thể giữ được”, đồng thời một lần nữa tuyên bố, quân Khăn vàng là được Thượng Thiên bảo hộ. Trong thư còn nói rằng, trong quân Khăn vàng có rất nhiều người, do Tào Tháo khi làm quan ở Tễ Nam có nhiều thành tựu, như kỷ luật nghiêm minh, pháp lệnh được thi hành nghiêm túc, nên họ rất có cảm tình với Tào Tháo, và đánh giá cao thành tích của ông.

Thế là, Tào Tháo lợi dụng thời cơ này, dựa vào danh tiếng cá nhân, thuyết phục quân Khăn vàng quy thuận, đồng thời đảm bảo rằng, sau khi quy thuận sẽ không bị sát hại, hơn nữa, mỗi người đều sẽ có ruộng đất, mỗi người đều sẽ được sống những ngày tốt đẹp.

Sau khi nhận được lời cam kết của Tào Tháo, toàn bộ hơn trăm vạn quân Thanh Châu quy thuận. Tào Tháo lựa chọn ra hơn 30 vạn người có thân thể cường tráng, biên chế thành “quân Thanh Châu”. Những người còn lại chờ được sắp xếp sản xuất nông nghiệp, đảm bảo lương thảo cần thiết cho quân đội.

Việc này hoàn toàn phù hợp với việc đánh giá cao tầm quan trọng của lương thảo mà Tào Tháo đã chú giải trong “Binh pháp Tôn Tử” như đã nói ở trên. Từ đó, “quân Thanh Châu” đã trở thành đội quân tinh nhuệ của Tào Tháo, và đã phát huy tác dụng cực lớn trong những cuộc chinh phạt sau này của ông, sức chiến đấu mạnh như chẻ tre, hơn nữa, họ đều dốc lòng tận trung với Tào Tháo.

Hình ảnh Tào Tháo và Điển Vi (Nguồn ảnh: miền công cộng, Epoch Times)
Hình ảnh Tào Tháo và Điển Vi (Nguồn ảnh: miền công cộng, Epoch Times)

Quản lý tốt quân đội, giỏi sử dụng tướng

Tào Tháo quản lý quân đội rất nghiêm minh chỉnh tề, pháp lệnh nghiêm minh. Trong trước tác Thông Điển, phần Binh Điển có thu thập Ngụy Vũ Quân Lệnh, Ngụy Vũ Thuyền Chiến Lệnh, Ngụy Vũ Bộ Chiến Lệnh, đã phản ánh quân lệnh của Tào Tháo rất nghiêm minh.

Ví như trong Ngụy Vũ Quân Lệnh có quy định thế này: “Quân đội muốn ra trận đối đầu với doanh trại địch, trước tiên phải bày tỏ rõ, tức là dẫn quân phải dâng biểu rồi mới xếp đội hình. Tất cả không được huyên náo, nghe rõ âm trống lệnh, cờ hiệu chỉ phía trước thì tiến về phía trước, cờ hiệu chỉ phía sau thì lùi về phía sau, cờ hiệu chỉ bên trái thì sang trái, cờ hiệu chỉ bên phải thì sang phải. Kẻ nào không nghe lệnh mà tự ý tiến lùi sang trái sang phải thì bị xử trảm. Trong đội ngũ có kẻ không tiến thì ngũ trưởng giết chết. Đội trưởng không tiến thì thập trưởng giết chết, thập trưởng không tiến thì đô bá giết chết. Quan đốc chiến cầm vũ khí ở sau, phát hiện ra kẻ trái lệnh không tiến thì chém. Một bộ bị địch đánh, các bộ còn lại, những người không tiến giải cứu thì bị chém”.

Rõ ràng, tất cả mọi người đều phải tuân theo hiệu lệnh, đây cũng là nguyên nhân quan trọng khiến quân đội Tào Tháo có sức chiến đấu cao.

Ngoài ra, Tào Tháo còn lấy mình làm gương. Trong lịch sử đã lưu truyền câu chuyện rất nổi tiếng, kể rằng, một lần trên đường hành quân, con người của Tào Tháo cưỡi bị hoảng sợ đã giẫm hỏng hoa màu bên đường. Theo kỷ luật hành quân đã quy định trước đó, thì phải chém đầu. Tào Tháo biết không ai dám giết ông, nhưng vì để làm nghiêm quân lệnh, ông đã rút gươm muốn tự sát, khiến các văn thần võ tướng xung quanh sợ hãi. Mưu sĩ Quách Gia nói: “Kinh Xuân Thu của Khổng Thánh nhân có nói ‘Pháp bất gia ư tôn’ (hình pháp không áp dụng cho người cao nhất). Chúa công hiện nay thống soái đại quân, trọng trách trên vai, sao có thể tự sát được?”. Thế là Tào Tháo cắt tóc thay đầu, truyền lệnh ba quân.

Cần biết rằng, người xưa cho rằng “Thân thể tóc da nhận từ cha mẹ”, cắt tóc là việc rất nghiêm trọng. Vì vậy, hành động của Tào Tháo là sự trừng phạt bản thân vô cùng nghiêm khắc. Hành động cắt tóc của Tào Tháo giữ được chữ tín với tướng sĩ, đồng thời cũng được lòng dân. Chủ tướng như thế này, thì tướng sĩ ắt không dám vi phạm bất kỳ pháp lệnh, quân lệnh nào.

Sức cuốn hút và tài năng của Tào Tháo, cùng với kỷ luật nghiêm minh, quý trọng người tài, quý tiếc người tài, quan niệm sử dụng nhân tài của Tào Tháo “Sử dụng hết tài của vật, sử dụng hết tài của con người, dùng người thì không nghi ngờ”, khiến nhân tài, anh hùng khắp thiên hạ quy phục. Theo thống kê, đến khi Tào Tháo qua đời, những mưu thần trung tâm, mưu sĩ trọng yếu và quan chức phò tá của Tào Tháo là 102 người, họ đều dốc sức tận trung phò tá Tào Tháo thành tựu bá nghiệp.

Về phương diện tuyển chọn đề bạt võ tướng, Tào Tháo cũng theo phương thức đó. Sách Vũ Đế Lý chú dẫn Ngụy Thư của Vương Trầm nói rằng, Tào Tháo “giỏi nhận biết người, giỏi tra xét, khó mà che giấu lừa dối được. Đề bạt Vu Cấm và Nhạc Tiến trong khi hành quân đánh trận, chọn dùng Trương Liêu, Từ Hoảng trong đám tù binh. Tất cả những người này đều tận trung dốc sức lập công, đều trong hàng ngũ danh tướng. Những người còn lại, lựa chọn tinh tế, thăng làm châu mục, thái thú, thì nhiều vô kể”.

Nói cách khác, khả năng quan sát của Tào Tháo vượt xa người thường, rất nhiều tướng lĩnh mà ông đề bạt, hoặc là trong khi hành quân, tác chiến, như Vu Cấm, Nhạc Tiến, Điều Dự, Trần Kiểu, Mãn Bàng v.v.; hoặc là những hàng tướng bị thu phục như Trương Liêu, Từ Hoảng, Trương Cáp v.v.; hoặc là những người vón không có danh tiếng, xuất thân thấp kém như Hứa Chử, Điển Vi, Hồ Chất v.v.; hoặc là người trong dòng tộc, người thân, thậm chí con trai, như Hạ Hầu Đôn, Tào Nhân, Tào Chương, Tào Ngang v.v… Trong đó, Trương Liêu, Vu Cấm, Lý Điển, Từ Hoảng, Trương Cáp là “Ngũ tử lương tướng” của Tào Tháo. Họ đều trí dũng song toàn, lập nhiều chiến công giúp Tào Tháo nhất thống thiên hạ. Nhiều hào kiệt như thế này cam tâm tình nguyện phò tá Tào Tháo thực hiện đại nghiệp nhất thống, đó chẳng phải nói rõ rằng, Tào Tháo là đại anh hùng đương thế đó sao?

Đối với các tướng lĩnh thuộc hạ, Tào Tháo cũng là người biết nhìn nhận và giỏi sử dụng người, phát huy đầy đủ sở trường của họ. Như Hứa Chử, Điển Vi sức mạnh vũ dũng, trung thành phụng mệnh, tiết tháo nghĩa hiệp, Tào Tháo dùng họ, khi chiến đấu thì làm tiên phong, khi nghỉ ngơi thì thống lãnh thân binh. Tạng bá có ân với Đông thổ, Tào Tháo liền cắt 2 châu là Thanh Châu và Từ Châu giao phó cho Tạng Bá, nhờ vậy mà có thể chuyên tâm đối phó Viên Thiệu, không phải lo nghĩ về phương Đông nữa v.v.

Trong Tam Quốc Diễn Nghĩa có miêu tả Tào Tháo yêu thích sự trung dũng nghĩa khí của Quan Vũ. Sau khi thất lạc Lưu Bị và Trương Phi, Quan Vũ vì bảo hộ chị dâu nên đã hàng Tào Tháo. Tào Tháo thành tâm tiếp nhận, tặng vàng bạc, biệt phủ, tặng mỹ nữ, ngựa quý, và dùng đại nghĩa với chân tình đối đãi Quan Vũ. Sau đó, để Quan Vũ qua 5 ải chém 6 tướng. Tào Tháo quý tiếc nhân tài, nghân nghĩa khiến người ta phải xuýt xoa. Cũng chính vì nhân nghĩa như thế, nên mới có việc sau này Quan Vũ hoàn trả tình nghĩa cho Tào Tháo, ở đường Hoa Dung tha cho Tào Tháo chạy. Những điều này há chẳng phải Thiên ý đó sao?

(Còn tiếp) - Xem tiếp phần 2

Trương Hiến Nghĩa - Epochtimes

Trung Hòa biên dịch

 

Văn hoá Lịch sử


BÀI CHỌN LỌC

Tào Tháo mà bạn chưa từng biết: Thần vũ hùng tài, tiếu ngạo Tam Quốc (1)