Muốn con thành công hơn? Hãy tập trung bồi dưỡng thiện tâm, mọi thứ sẽ tự tới

Giúp NTDVN sửa lỗi

Nhiều bậc cha mẹ quá chú trọng đến kết quả học tập của con cái mà thành ra phản tác dụng và vô thức trở thành tấm gương xấu cho con. Nhà tâm lý học nổi tiếng người Mỹ Adam Grant đã đưa ra 3 nguyên tắc chính giúp bạn cách tránh sai lầm và làm gương cho con.

Giáo sư Adam Grant giảng dạy tại Trường kinh doanh Wharton của Đại học Pennsylvania. Vào tháng 12/2019, trên tạp chí The Atlantic, ông đã đăng một bài báo chia sẻ quá trình nuôi dạy con của mình và vợ Allison Sweet Grant.

Bài báo đề cập rằng trong bảng câu hỏi khảo sát dành cho phụ huynh, khoảng 90% số người trả lời rằng "có tình yêu thương và biết quan tâm, chăm sóc người khác" là mục tiêu nuôi dạy con quan trọng nhất của họ. Nhưng điều trớ trêu là khi con của họ được phỏng vấn, 81% trẻ cho rằng cha mẹ chúng coi trọng "thành tích và hạnh phúc" nhất!

Có vẻ như sự việc không như ý muốn của các bậc cha mẹ, ít nhất, họ lại không lấy “tu dưỡng phẩm đức biết quan tâm đến người khác” làm trọng tâm như họ đã từng nói. Giáo sư Grant cho biết, điều này là do "trẻ em đưa ra các giá trị đánh giá dựa trên hành vi và phản ứng cảm xúc của cha mẹ chúng, chứ không phải từ lời nói".

Cha mẹ nào cũng mong con mình xuất sắc cả về nhân cách lẫn học lực, nhưng họ thường chỉ tập trung vào “học” hơn là “phẩm chất”. Thời gian và năng lượng mà cha mẹ dành để theo đuổi thành tích của con thường nhiều hơn nhiều so với nỗ lực giúp trẻ trau dồi tính cách.

Kết quả của một nghiên cứu dài hạn của Đại học Michigan chỉ ra rằng "chú trọng vào kết quả học tập và xem nhẹ nội hàm đạo đức" là một hiện tượng phổ biến. Báo cáo "Personality and Social Psychology Review" (Bình luận về tâm lý xã hội và Nhân cách) đã chỉ ra rằng trong 30 năm từ 1979 đến 2009, khả năng đồng cảm và quan tâm của sinh viên đại học đã giảm sút nghiêm trọng.

Nhà tâm lý học nổi tiếng người Mỹ Adam Grant và vợ là Allison Sweet Grant giảng dạy tại Trường Kinh doanh Wharton thuộc Đại học Pennsylvania. (Ảnh: AP)
Nhà tâm lý học nổi tiếng người Mỹ Adam Grant và vợ là Allison Sweet Grant giảng dạy tại Trường Kinh doanh Wharton thuộc Đại học Pennsylvania. (Ảnh: AP)

Nhà tâm lý học Grant chỉ ra rằng, thành tích học tập và đạo đức không bài trừ nhau, mà có quan hệ tích cực với nhau. Thực tế, đạo đức là yếu tố nền tảng cho thành tích. Ông nói: “Nhiều bằng chứng cho thấy những đứa trẻ giúp đỡ người khác có kết quả học tập thành công hơn những đứa trẻ không giúp đỡ người khác”. Điều này cũng giống như trong công việc.

Báo cáo được công bố bởi Center for Creative Leadership (Trung tâm Lãnh đạo Sáng tạo) - cái nôi đào tạo nhà lãnh đạo nổi tiếng thế giới, đã chỉ ra rõ ràng rằng sự đồng cảm với người khác là yếu tố then chốt để trở thành một nhà lãnh đạo xuất sắc. Đồng thời, nó cũng là một biểu hiện nhân cách cụ thể của đặc điểm nhà lãnh đạo.

Nói cách khác, đừng cảm thấy rằng việc dành tâm tư để trau dồi tính cách sẽ tiêu tốn thời gian và năng lượng của con bạn để đạt được thành tích cao. Trên thực tế, bạn sẽ có cả hai. Khi dạy trẻ tầm quan trọng của "phẩm cách trước tiên", cha mẹ đã đặt nền tảng cho thành tích học tập của con.

Vậy cần làm thế nào? Nhà tâm lý học Grants đã chia sẻ ba nguyên tắc nuôi dạy con đơn giản sau đây:

1. Khen thưởng "lòng tốt" trước rồi mới đến "điểm tốt"

Hãy nhớ rằng, "hành vi" của cha mẹ có ảnh hưởng đến con trẻ nhiều hơn lời nói. Vì vậy, ông Grant luôn nhắc nhở bản thân ghi nhớ dạy dỗ con gái về ngôn hành, đồng thời yêu cầu bản thân phải nghiêm túc đạt được "mỗi khi khen thưởng thành tích, nhất định nhớ khen ngợi về lòng tốt 3 lần", và dùng hành động nói với con rằng "nhân cách quan trọng hơn thành tích".

"Mỗi khi khen thưởng thành tích, nhất định nhớ khen ngợi về lòng tốt 3 lần", và dùng hành động nói với con rằng "nhân cách quan trọng hơn thành tích".
"Mỗi khi khen thưởng thành tích, nhất định nhớ khen ngợi về lòng tốt 3 lần", và dùng hành động nói với con rằng "nhân cách quan trọng hơn thành tích". (Pixabay)

Vợ của ông Grant thường hỏi con gái rằng “Hôm nay ở trường con có giúp đỡ và quan tâm tới mọi người ở trường không?”, thay vì chỉ hỏi con “Kết quả bài kiểm tra của con hôm nay như thế nào?”, hoặc “Con có hoàn thành các bài tập về nhà được yêu cầu hôm nay không?”.

Việc chú trọng đến lòng tốt của trẻ không mâu thuẫn với chú trọng vào kết quả học tập của trẻ. Ngược lại, chúng có thể có tác dụng bổ trợ, cũng giống như nguyên tắc “tâm đẹp sẽ giúp tăng trí tuệ” và “người tốt sẽ được phúc báo”. Khi sự xuất sắc trong học tập của trẻ đến từ sự đồng cảm, thì việc khen ngợi trẻ càng quan trọng hơn để giúp trẻ củng cố động lực tự hoàn thiện bên trong.

2. Tạo cơ hội cho trẻ học cách đồng cảm

Thể hiện sự đồng cảm là một lựa chọn tích cực, không phải là làm theo thông lệ.

Ông Grant và vợ thường xuyên tạo cơ hội để con gái họ thể hiện sự đồng cảm, khuyến khích bé thể hiện lòng tốt mỗi ngày, chẳng hạn như tham gia các hoạt động tình nguyện, v.v., để đóng góp tự nguyện cho người khác, khuyến khích bé dành nhiều thời gian hơn giao lưu với những trẻ lương thiện và khích lệ lẫn nhau.

Một hành động tốt nhỏ bé vô tình thường mang lại hiệu ứng lan tỏa đáng kinh ngạc, khiến mọi người và mọi vật xung quanh trở nên tốt đẹp hơn. Ví dụ, hai vợ chồng nhà tâm lý học nhắc nhở con gái quyên góp thức ăn cho những người cần giúp đỡ, và bây giờ con gái họ thường chủ động quan tâm xem người khác có được ăn no, mặc có đủ ấm không.

Hai vợ chồng nhà tâm lý học nhắc nhở con gái quyên góp thức ăn cho những người cần giúp đỡ, và bây giờ con gái họ thường chủ động quan tâm xem người khác có được ăn no, mặc có đủ ấm không.
Hai vợ chồng nhà tâm lý học nhắc nhở con gái quyên góp thức ăn cho những người cần giúp đỡ, và bây giờ con gái họ thường chủ động quan tâm xem người khác có được ăn no, mặc có đủ ấm không. (Pxhere)

3. Đồng hành với con xét lại những hiệu quả của ngôn hành tích cực, tiêu cực

Ông Grants sẽ không chấp nhận những lời nói và việc làm có hại cho tính cách của trẻ và đảm bảo rằng trẻ hiểu được tác hại do sự cẩu thả trong ngôn hành có thể gây ra. Điều này cũng bao gồm việc nhẹ nhàng cùng con gái suy ngẫm về cảm giác khi bị người khác làm tổn thương, như một lời cảnh báo. Nói với con rằng: "Bố biết con buồn nên lần sau con không nên làm người khác buồn giống như thế nữa, đúng không?"

Để công bằng và thuyết phục hơn, nhà tâm lý học Grant khuyên các bậc cha mẹ: nên yêu cầu bản thân thể hiện sự đồng cảm ở mọi nơi và suy ngẫm về việc họ có làm tổn thương người khác hay không. Thảo luận với trẻ những câu chuyện ngắn về việc bạn đã vô tình làm tổn thương người khác, điều đó sẽ khiến trẻ cảm nhận được sự chân thành và quyết tâm thay đổi bản thân của cha mẹ và trở thành hình mẫu cho trẻ.

Cuối cùng, ông Grant đã viết: "Khi cha mẹ liên tục sử dụng tấm gương của mình để nói với con về tầm quan trọng của thể hiện thiện tâm, cùng những tác động tích cực và tiêu cực, theo thời gian, cha mẹ đã dần dần giúp con cái phát triển phẩm cách cao quý. Hãy nhớ rằng, đây là chìa khóa và sức mạnh giúp trẻ đến với thành công. Nếu cha mẹ muốn con trẻ đạt được thành công trong sự nghiệp trong tương lai, hãy tập trung vào nuôi dưỡng lòng nhân ái, mọi thứ tốt đẹp sẽ tự nhiên như theo dòng nước mà đến".

Minh An
Theo bld

Văn hoá Giáo dục


BÀI CHỌN LỌC

Muốn con thành công hơn? Hãy tập trung bồi dưỡng thiện tâm, mọi thứ sẽ tự tới