Tây Du Ký: Đường Tăng trải qua 18 năm trong mộng?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Trong “Tây Du Ký”, thân thế của Đường Tăng luôn là một ẩn đố: Đường Tăng sinh ra vào năm Trinh Quán thứ 13, trải qua mười tám năm đầu đời vẫn là Trinh Quán thứ 13, bắt đầu hành trình sang Tây Thiên lại vẫn là Trinh Quán thứ 13. Mười tám năm vụt trôi trong khoảnh khắc, liệu có mang ẩn ý gì hay không?

Thân thế Đường Tăng

Trước tiên chúng ta hãy trở lại với tình tiết câu chuyện. “Tây Du Ký” kể rằng, cha của Đường Tăng là trạng nguyên nhà Đường tên là Trần Quang Nhị, mẹ là Ân Ôn Kiều, cũng gọi là Mãn Đường Kiều, là con gái của thừa tướng Ân Khai Sơn.

Năm Trinh Quán thứ 13, Trần Quang Nhị thi đỗ trạng nguyên và may mắn được kết hôn với Ân tiểu thư. Đường Thái Tông phong cho Trần Quang Nhị làm tri phủ Giang Châu. Nhưng đáng tiếc, trên đường đến Giang Châu nhậm chức, Trần Quang Nhị bị tên lái thuyền tên là Lưu Hồng sát hại rồi ném xác xuống sông. Ân tiểu thư lúc ấy đang mang thai, vì đứa con trong bụng nàng đành phải miễn cưỡng làm vợ tên giặc Lưu.

Đường Tăng đi thỉnh kinh (Ảnh: Epoch Times)

Đủ ngày đủ tháng, Ân tiểu thư hạ sinh một bé trai kháu khỉnh. Trong lúc mơ mơ màng màng nàng nghe thấy có tiếng nói bên tai: “Mãn Đường Kiều, nàng nghe ta dặn đây! Ta là Nam Cực Tinh Quân, vâng lệnh Quan Âm Bồ Tát mang đến cho nàng đứa trẻ này. Sau này tiếng tăm nó lừng lẫy, không phải hạng tầm thường đâu. Thằng giặc Lưu trở về sẽ hãm hại đứa trẻ, nàng phải hết lòng giữ gìn mới được. Chồng nàng đã được Long Vương cứu sống, sau này vợ chồng sẽ được đoàn tụ, mẹ con lại được quây quần và rửa được mối thù này. Hãy nhớ kỹ lời ta dặn. Tỉnh mau! Tỉnh mau!”.

Tiểu thư tỉnh dậy, từng lời đều nhớ rõ mồn một, nàng xót xa ôm chặt lấy đứa con mà không biết làm thế nào. Bỗng nhiên Lưu Hồng trở về, vừa trông thấy đứa trẻ hắn đã toan dìm chết. Tiểu thư nói: “Bây giờ trời đã tối rồi, để sáng mai vứt ra sông”.

May sao, sáng hôm sau Lưu Hồng có việc quan khẩn cấp phải đi xa. Tiểu thư nghĩ bụng: “Nếu để đến khi thằng giặc về thì tính mạng con ta nguy mất, chi bằng cứ thả đứa trẻ trôi sông sớm, sống chết có mệnh, may được trời thương sẽ có người cứu vớt, đem về nuôi nấng, thì sau này mẹ con sẽ được gặp nhau”

Tiểu thư bèn cắn đứt ngón tay, lấy máu viết một lá thư kể rõ họ tên cha mẹ và quê hương bản quán. Nàng lại cắn một vết nhỏ trên ngón chân út bàn chân trái của con để đánh dấu, rồi nhân lúc vắng người ẵm con ra ngoài cửa nha môn. Đến bờ sông, nàng khóc lóc một lúc lâu. Bỗng thấy có tấm ván trôi sát vào bờ, nàng vội ngẩng mặt lên trời cầu khấn rồi đặt đứa bé lên tấm ván, lấy dây buộc lại, cài lá thư vào trong ngực đứa bé rồi đẩy tấm ván ra xa, sau đó nàng nuốt nước mắt trở về.

Trần Huyền Trang trong ‘Tây Du nguyên chỉ’ (Ảnh: Khu vực công cộng)

Trưởng lão chùa Kim Sơn là hòa thượng Pháp Minh thường ngày vẫn tham thiền đả tọa. Hôm ấy ông đang ngồi thiền thì đột nhiên nghe thấy tiếng trẻ sơ sinh khóc. Ông bèn đến bên bờ sông và phát hiện đứa bé này. Hòa thượng Pháp Minh ôm lấy đứa bé và đưa vào trong chùa, đặt tên là Giang Lưu, Pháp danh là Huyền Trang.

Lại nói, sinh thời Trần Quang Nhị từng phóng sinh một con cá chép vàng, kỳ thực con cá ấy là Long Vương sông Hồng Giang. Long Vương đặt viên ngọc định nhan vào miệng Trần Quang Nhị để xác không bị hủy hoại, chờ đến thời điểm sẽ giúp người chết được phục sinh. 18 năm sau, Huyền Trang trưởng thành và biết được thân thế của mình, cậu đi tìm mẹ và báo thù cho phụ thân, Trần Quang Nhị cũng lần nữa được hồi sinh. Hoàng đế Đường Thái Tông biết được chuyện này bèn bổ nhiệm Trần Quang Nhị làm Học sĩ, chuyên phụ tá việc triều chính. Còn Huyền Trang vì lập chí tu Phật nên được gửi đến chùa Hồng Phúc để tiếp tục tu hành.

Ở đây có một ẩn đố lớn: Trong hồi thứ 9, Trần Quang Nhị đỗ trạng nguyên và kết hôn với Ân tiểu thư vào năm Trinh Quán thứ 13. Đến hồi thứ 12, Đường Tăng khi ấy 18 tuổi được vua Đường mời về giảng kinh trong “Đại hội Thủy lục” cũng là năm Trinh Quán thứ 13. Hồi thứ 13 cũng minh xác nói rằng, ba ngày trước hôm rằm tháng Chín năm Trinh Quán thứ 13 Hoàng đế Đường Thái Tông tiễn Đường Tăng ra khỏi thành Tràng An. Cũng chính là nói, chỉ riêng năm Trinh Quán thứ 13 đã bao hàm cả 18 năm ròng, vậy rốt cuộc đó là chuyện gì đây?

Nhân sinh như mộng huyễn

Nếu trên đời thực sự có người tu thành Phật, vậy thì đó là người như thế nào? Người ấy sẽ phải kinh qua khổ nạn, tai họa đeo bám cả đời? Chỉ có kinh qua trùng trùng ma nạn chốn nhân gian mới có thể siêu thoát khỏi hồng trần, nào có kẻ phàm phu tục tử luôn bình an suôn sẻ, một đường gió xuân phơi phới, hễ tu liền thành Phật đâu?

“Kim Cang Kinh” viết: “Hết thảy pháp hữu vi, như mộng huyễn bóng ảnh, như sương như ánh chớp”. Thân thế của Đường Tăng vừa khớp lại như câu kệ này, hết thảy bi hoan ly hợp đều hư huyễn không thực. Đường Tăng muốn bước vào cửa Phật, bắt đầu con đường tu hành, thì trước hết cần nhìn thấu nhân sinh, cuối cùng tìm lại được bản lai diện mục, phản bổn quy chân, tu luyện trở về. Có thể nhìn thấu huyễn cảnh, ở trong mê mà không bị mê, ấy chính là chìa khóa quan trọng nhất của tu hành.

Hồi thứ 9 kể rằng, vào năm Trinh Quán thứ 13, đại thần Ngụy Trưng đề xuất rằng triều đình nên mở hội khoa thi chiêu hiền. Sau đó Trần Quang Nhị từ biệt mẫu thân, lên đường ứng thí, được vinh danh trên bảng vàng, sau lại được tiểu thư Mãn Đường Kiều ném tú cầu kết làm phu thê…

Mở đầu hồi thứ 9 là ‘Trinh Quán - Ngụy Trưng’, ở đây tác giả đã chơi chữ: Chữ ‘Trinh’ (貞) là tĩnh, là chính, ‘Trinh Quán’ (貞觀) là quan sát cái tĩnh, cái chính. Vậy còn Ngụy Trưng? Hai chữ “Ngụy Trưng” (魏徵) gần âm với “ngụy chính” (偽正), nghĩa là giả chính. Lão Tử nói: “Trí hư cực, thủ tĩnh đốc, vạn vật tịnh tác, ngô dĩ quan kỳ phục”, lấy việc quan sát cái tĩnh chính của hư cực, từ đó mà thấy được “chân Dương lai phục” tiên thiên của bản thân. Nhưng muốn đạt đến độ cực tĩnh cực chính ấy thì cần đột phá cái “ngụy chính” của nhân sinh. Đâu là hư giả, đâu là chân chính? Đâu là mộng huyễn, đâu là chân thực?

Đọc lại từ hồi thứ 9 đến hồi thứ 13 sẽ thấy có biết bao chỗ sơ hở, biết bao tình tiết mâu thuẫn không hợp với cái lý thông thường. Vì sao lại như thế? “Tây Du Ký” là danh tác truyền thế, tác giả hẳn sẽ không viết qua loa tùy tiện, mà thảy đều có dụng ý thâm sâu. Kỳ thực, phơi bày ra cái “ngụy chính” của nhân sinh là để ám chỉ rằng muôn màu muôn vẻ thế gian đều là mộng ảo, hết thảy đều hư giả không có gì chân thực.

Mãn Đường Kiều là danh môn khuê nữ, đường đường là lá ngọc cành vàng trong phủ thừa tướng, sao có thể dễ dãi ném tú cầu tự mối mai? Ấy là giả ngụy vậy. Trần Quang Nhị vừa đỗ trạng nguyên lại có được kiều thê, song hỷ lâm môn, nhân sinh đắc ý, thế nhưng chớp mắt liền qua đời - ấy là giả ngụy vậy. Con gái đại thần theo chồng đi nhậm chức mà lại không có quân lính tùy tùng, để đến mức mệnh quan triều đình bị giết mà không ai hay biết - ấy là giả ngụy vậy. Lưu Hồng có thể mạo danh trạng nguyên mà ung dung làm quan suốt 18 năm, không lộ ra chút sơ hở nào - ấy là giả ngụy vậy. Mẫu thân của trạng nguyên bị bỏ mặc ở quán trọ suốt 18 năm cô đơn hiu quạnh, sống chết không ai hay biết - ấy là giả ngụy vậy. Mãn Đường Kiều từ biệt cha mẹ, bao năm trời không qua lại thăm hỏi, đến mức gia nhân hoàn toàn không có tin tức - cũng là giả ngụy vậy. Ân thừa tướng chỉ bắt một kẻ gian tặc ở châu huyện mà lại cần đến những 60.000 quân, điều binh bất hợp lý - lại càng là giả ngụy vậy. Tóm lại, công danh phú quý, văn chương hiển đạt, phu thê ân ái, con cái hiếu dưỡng… hết thảy đều là hư giả, đều là ngụy, đều là huyễn ảo.

Nhân sinh như mộng huyễn, liệu có gì là chân thực hay không? Nếu quả thực có thứ như vậy, thì làm thế nào để bỏ ngụy tồn chân? Câu trả lời chính là con cá chép vàng mà Trần Quang Nhị đã cứu năm xưa. Thế gian hết thảy đều như mộng, vì sao con cá chép vàng này lại là chân thực? Chẳng lẽ chỉ bởi vì nó là hóa thân của Long Vương thôi sao? Chúng ta biết, toàn bộ câu chuyện về thân thế Đường Tăng là ẩn dụ cho tu hành, và con cá chép vàng chính là tượng trưng cho báu vật của tu hành — “Kim trong Thủy”, cũng chính là “nhất Dương” trong “nhất Dương lai phục”. Kim trong tu luyện theo kim đan đại đạo chính là “Kim trong Thủy”. Trong đó ẩn giấu một điểm chân Dương của tiên thiên, nền tảng để Đường Tăng lấy kinh và thành tựu Phật quả đều nằm ở đó.

Đường Tăng được hòa thượng Pháp Minh đặt tên là Giang Lưu, cái tên này gắn liền với hành Thủy trong ngũ hành. Trong suốt cuộc đời mình, Đường Tăng liên tiếp gặp phải nạn về Thủy: Khi ông chưa sinh ra, phụ mẫu thân sinh gặp nạn trên sông Hồng Giang, ông vừa mới chào đời liền bị thả trôi trên sông, trên đường thỉnh kinh lại gặp nạn ở sông Lưu Sa, sông Thông Thiên, sông Tử Mẫu, sông Hắc Thủy… Hễ thấy sông lớn nước lớn thì Đường Tăng đều gặp nạn. Ở bến đò Lăng Vân ông cũng gặp Thủy mà thoát khỏi phàm thai, rũ bỏ thân xác thịt, thoát thai hoán cốt, vượt qua ranh giới giữa phàm nhân và Thiên nhân.

Nhìn lại, thân thế Đường Tăng đâu đâu cũng thấy điều giả ngụy, đâu đâu cũng thấy điều huyễn hoặc: Cha ông là Quang Nhị cả đời đọc sách, vừa có chức quan lại có vợ, nhưng vì thế mà gặp họa sát thân - công danh là giả ngụy. Quang Nhị chết rồi lại sống, Lưu Hồng sống rồi lại chết - nhân sinh là giả ngụy. Mẫu thân của Quang Nhị có con trai mà cũng như không, phụ mẫu của Mãn Đường Kiều có con gái mà cũng như không - hiếu tử tình thân là giả ngụy. Mãn Đường Kiều có chồng rồi mất chồng, có con rồi mất con - ái ân là giả ngụy. Giữa hư giả đảo điên ấy, duy chỉ có một điều chân thật, ấy chính là Thiện niệm. Thiện niệm ấy không chỉ giúp Quang Nhị được Thần Tiên giúp đỡ, bản thân chết rồi lại sống, mà còn khiến phu thê mẫu tử được đoàn viên. Chiêm nghiệm lại, cuộc đời Đường Tăng giống như trải qua một trường hư giả trong cơn ác mộng, cuối cùng choàng tỉnh dậy.

Khi cứu Ngộ Không ở núi Ngũ Hành, Quan Âm Bồ Tát nói: “Nói ra một lời thiện thì ngoài nghìn dặm cũng ứng theo, nói ra một lời ác thì ngoài nghìn dặm cũng chống lại”. “Đạo Đức Kinh” cũng có câu: “Thiên Đạo vô thân, thường dữ thiện nhân”. Trần Quang Nhị nhờ một niệm thiện cứu con cá chép vàng mà cứu được tính mệnh bản thân, hơn nữa còn đoàn viên với vợ con sau 18 năm ly biệt.

Do đó có thể nói, thân thế của Đường Tăng hết thảy đều là mộng ảo, nhân sinh muôn màu muôn vẻ cũng chẳng bằng một niệm hành thiện, tu Chân. Trần Quang Nhị cứu sống con cá chép vàng, đắc được “Kim trong Thủy”, nhất Dương khôi phục. Muốn tu luyện thì cần thấy được bản lai diện mục lúc tiên thiên, tìm về cội nguồn của sinh mệnh. “Ngộ Chân Thiên” của Đạo gia cũng giảng: “Khuyến quân cùng thủ sinh thân xứ, phản bổn hoàn nguyên thị dược vương”.

Đường Tăng sinh ra vào năm Trinh Quán thứ 13, trải qua 18 năm theo lý mà nói thì phải là năm Trinh Quán thứ 31, ấy thế nhưng trên tờ điệp văn thông quan lại viết là năm Trinh Quán thứ 13. Vì sao lại như vậy? Tác giả có nhầm lẫn gì chăng? Không phải là “Tây Du Ký” đã viết sai, mà là ngụ ý rằng 18 năm ấy như mộng huyễn bóng ảnh, nhân sinh điên đảo vô thường, duy chỉ có phản bổn hoàn nguyên mới là điểm khởi đầu thực sự.

Do đó hồi thứ 9 mới có tiêu đề: “Giang Lưu tăng phục cừu báo bổn”. Đường Tăng biết được thân thế bản thân, khám phá ra rằng thế gian như mộng, làm người thì cần phải phản bổn hoàn nguyên, ngộ ra được bản lai diện mục trước khi sinh ra. Do đó trong hạnh phúc đoàn viên, ông không hoàn tục để đoàn tụ với cha mẹ mà lại chọn tu hành, chính thức dấn bước trên con đường tu “Chân”.

Bức tranh "Đường Tăng kính Phật" trong tranh bích họa Đôn Hoàng. (Ảnh: Khu vực công cộng)

18 năm là mộng

Chúng ta hãy xem một câu chuyện khác. Trong “Chẩm Trung Ký” kể rằng, vào năm Khai Nguyên thứ bảy thời nhà Đường, tức năm 719, Đạo sĩ Lữ Ông từng gặp một thư sinh tên là Lư Sinh trong quán trọ bên đường Hàm Đan. Hai người gặp nhau và trò chuyện rất vui vẻ.

Trong lúc đàm đạo, Lư Sinh nhìn vào bộ quần áo cũ nát của mình rồi thở dài nói: “Đại trượng phu sinh không gặp thời nên phải chịu cảnh bần cùng khốn khổ thế này đây”. Anh ta cho rằng đã là nam nhi trên đời thì cần phải kiến công lập nghiệp, được phong hầu bái tướng, một tay gây dựng cơ đồ, như thế mới có thể làm rạng danh dòng họ. Trong lúc anh ta say sưa nói, Lữ Ông im lặng lắng nghe, còn chủ quán thì vẫn tiếp tục làm cơm, hấp một ít hạt kê vàng.

Lữ Ông nghe xong liền lấy từ trong tay nải ra một chiếc gối sứ men xanh đưa cho Lư Sinh và nói: “Chiếc gối này của ta có thể khiến cậu mộng tưởng thành chân, thực hiện tâm nguyện của mình”.

Lư Sinh gối đầu lên chiếc gối sứ, anh mơ hồ nhìn thấy chiếc lỗ trên cái gối lớn dần, lớn dần, bên trong là cả một thế giới rực rỡ tươi sáng. Lư Sinh bèn tung người nhảy vào trong và trải qua một trường mộng cảnh. Trong mộng, anh kết hôn với người vợ xinh đẹp, sau đó lại vinh diệu được đề tên trên bảng vàng và được phong hầu.

Từ khi dấn bước vào chốn quan trường, Lư Sinh không ngừng được thăng quan tiến chức. Sau đó, nhờ đại phá quân Thổ Phồn và mở rộng biên cương lãnh thổ hơn 900 dặm mà Lư Sinh được dân chúng lập bia công đức, triều đình cũng phong tước thụ huân cho anh bằng lễ nghi vô cùng long trọng. Sau này hoàng đế còn phong Lư Sinh làm tể tướng, Lư Sinh cùng với những quan đại thần khác cùng nắm quyền trong triều, giúp hoạch định sách lược cho đế vương.

Sau này Lư Sinh bị đồng liêu gièm pha hãm hại, hoàng đế giận dữ ra lệnh tống anh vào ngục, những người có liên quan đều bị đưa ra pháp trường. Lư Sinh may nhờ hoạn quan đỡ lời mới giữ được tính mạng. Mấy năm sau, nỗi oan khuất của anh cuối cùng cũng được làm sáng tỏ, anh được khôi phục chức quan tể tướng, địa vị vinh hiển tột cùng. Các con trai của Lư Sinh đều giỏi giang đỗ đạt, ai ai cũng đường mây nhẹ bước, lập được công danh hiển hách.

Năm tháng trôi qua, lão tướng Lư Sinh đã đến ngày sức tàn lực kiệt, phải nằm trên giường dưỡng bệnh. Hoàng đế đích thân đến thăm ông, đồng thời huy động những danh y giỏi nhất, dùng các loại thuốc quý nhất tận tình cứu chữa, nhưng cuối cùng ông vẫn không qua khỏi. Lư Sinh duỗi chân ra, đột nhiên bừng tỉnh khỏi giấc mộng. Nhìn lại, thấy nồi kê vẫn chưa chín, anh mới biết nhân sinh đằng đẵng kia kỳ thực chỉ là trong chớp mắt. Trong thời gian ngắn ngủi hấp mấy hạt kê vàng, Lư Sinh đã kinh qua cả một đời vinh hoa phú quý. Chỉ có điều, hết thảy đều là mộng.

Quay đầu nhìn lại, 18 năm đầu đời của Đường Tăng chẳng phải cũng chỉ ngắn ngủi như giấc mộng đó sao? Rất có thể trong lúc đả tọa nhập định, nguyên thần ly thể, ông đã trải qua một trường mộng cảnh ấy mà nếm trải 18 năm trời...

Theo Hoàng Phủ Dung - Epoch Times
Minh Hạnh biên dịch và tổng hợp

Văn hoá Văn học


BÀI CHỌN LỌC

Tây Du Ký: Đường Tăng trải qua 18 năm trong mộng?