“Tây Du mạn chú”: Tâm chuyển, phúc đến

Giúp NTDVN sửa lỗi

Hễ tư tưởng thay đổi thì hoàn cảnh cũng đổi thay, tạo ra những biến hóa thần kỳ mà người ta có thể nhìn thấy, cảm giác thấy. Kỳ thực con người chính là như thế, hoàn toàn có khả năng làm chủ hoàn cảnh bản thân mình.

Nhắc đến hai vị Thần là Thiên Lý Nhãn và Thuận Phong Nhĩ, có một truyền thuyết khá thú vị được nhắc đến trong “Phong Thần Diễn Nghĩa”:

Xưa kia, trên núi Kỳ Bàn có hai cây cổ thụ rất cao lớn, nhờ hấp thụ khí âm dương của trời đất mà thành hai con tinh: cây đào là Đào Tinh râu đỏ, cây liễu là Liễu Quỷ mặt xanh. Trên núi ấy còn có miếu thờ Hoàng Đế Hiên Viên, trong miếu có hai con quỷ sứ bằng đất, một là Thiên Lý Nhãn, và một là Thuận Phong Nhĩ. Liễu Quỷ và Đào Tinh nhập hồn vào hai thân xác đó rồi tu luyện thành hình người, lấy tên là Cao Giác và Cao Minh.

Cao Minh có mắt thần trông xa ngàn dặm, Cao Giác có tai thần nghe xa ngàn dặm. Chúng đến đầu quân dưới trướng con vượn thành tinh là Viên Hồng, nhờ có năng lực đặc biệt này chúng có thể nhìn thấu và nghe thấu mọi kế hoạch quân cơ bên doanh trại Khương Tử Nha. May nhờ Ngọc Đỉnh Chân Nhân chỉ bảo, Khương Tử Nha mới biết được lai lịch hai con yêu và diệt trừ được chúng. Sau đó, nguyên thần của hai con yêu bay lên đài Phong Thần, trở thành tai mắt của thiên giới là Thiên Lý Nhãn và Thuận Phong Nhĩ.

Câu chuyện trên chỉ là truyền thuyết, nhưng từ tên gọi có thể biết tài năng đặc thù của hai vị Thần Thiên Lý Nhãn và Thuận Phong Nhĩ. Theo miêu tả trong “Tây Du Ký”, Thiên Lý Nhãn không chỉ có khả năng nhìn xa mà còn có công năng phóng to thu nhỏ, đứng trên Thiên đình mà nhìn thấu cả những thứ vi quan dưới hạ giới, hơn nữa lại biết rõ việc quá khứ, thấu tỏ chuyện tương lai.

Trong truyện kể rằng, hai vị Thần ra cửa Nam Thiên xem xét rồi quay về bẩm báo với Ngọc Đế: “Thần vâng chỉ ra xem xét chỗ có ánh hào quang. Đó là nước Ngạo Lai ở biển Đông, thuộc Đông Thắng Thần Châu. Nơi ấy có ngọn núi Hoa Quả, trên núi có tảng đá tiên đẻ ra quả trứng đá, gặp gió hóa thành một con khỉ đá, biết vái lạy bốn phương, mắt rọi hào quang chiếu sáng tận Thiên phủ. Nếu nay cho ăn mồi bằng nước cháo, hào quang sẽ tắt ngay.”

Ngạo Lai quốc cách xa không biết bao nhiêu vạn dặm, nhưng Thiên Lý Nhãn lại nhìn thấy rõ khối tiên thạch, bên cạnh đó còn biết được lai lịch khối đá tiên và xuất xứ của Thạch Hầu. Khối tiên thạch có chu vi ít nhất một mét, còn Thạch Hầu là con khỉ đá, tạm cho là thân cao một mét. Nếu tính theo khoảng cách nhỏ nhất về cự ly, giả thiết Thiên đình ở trên bầu khí quyển mà nhìn xuống hạ giới thì cũng tương tự như khi chúng ta dùng kính hiển vi có độ phóng đại hàng triệu lần để nhìn vi sinh vật.

Lại nói, Thuận Phong Nhĩ nghĩa là nghe theo gió, ngài không chỉ có sở trường nghe xa vạn dặm mà còn có khả năng nhìn thấu vạn dặm. Vì sao nói như vậy? Chúng ta hãy thử nghĩ xem, vì sao Quan Âm Bồ Tát lại gọi là “Quan Âm” mà không gọi là “Thính Âm”, hay “Văn Âm Bồ Tát”? Chữ “Quan” hay “Quán” (觀) nghĩa là xem xét, nghĩ thấu, còn chữ “Thính” (聽) và chữ “Văn” (聞) nghĩa là nghe thấy. Quan Âm vốn gọi là “Quán Thế Âm”, người thường chỉ dùng tai để nghe, nhưng Bồ Tát lại dùng mắt để nhìn âm thanh. Vì sao lại có chuyện như vậy? Thần thoại chẳng phải quá hoang đường lắm sao?

Hẳn bạn đã từng nghe nói đến hai chữ “thông cảm” (通感). Tôi không nói về phương pháp tu từ mà là nói về loại hiện tượng cảm tri. Bản thân tôi từ nhỏ đã có trải nghiệm rằng: những lúc bất ngờ nghe thấy một âm thanh nào đó thì đồng thời trước mắt cũng sẽ lóe lên một chùm ánh sáng có màu sắc, đôi lúc còn xuất hiện hình ảnh trong đầu. Không chỉ riêng tôi mà rất nhiều người cũng từng thể nghiệm hiện tượng này. Chúng ta chỉ là người bình thường, vậy các vị Thần thần thông quảng đại hẳn sẽ thấy được những điều kỳ diệu hơn thế. Bất cứ suy nghĩ nào hay ý niệm nào của con người thì trong mắt các vị Thần Tiên đều là muôn màu muôn vẻ, đều có hình có dạng, hễ nhìn là có thể biết được kẽ tóc chân tơ.

Lại nói, Thạch Hầu vừa sinh ra liền “tìm ăn cỏ cây, uống nước suối trong, hái hoa rừng, tìm quả núi” và sống cuộc đời trần tục của một con khỉ. Tiểu thuyết kể rằng bầy khỉ rất ham chơi:

Từng con nô giỡn.
Leo cây vin cành.
Hái hoa tìm quả
Nhảy nhót lanh chanh
Nào trèo đống cát
Nào xây tháp tầng
Tìm bắt bươm bướm
Chuồn chuồn vồ lanh
Con lạy Bồ Tát
Con vái trời xanh
Con xe dây sắn
Con đan hài vân
Tìm bắt chấy rận
Cắn móng tay, chân
Gãi cào xúm xít
Co kéo loanh quanh
Nô đùa thỏa thích
Trong rừng thông xanh.

Bầy khỉ của Hoa Quả Sơn chỉ là một đám trẻ tinh nghịch, hồn nhiên vô lo vô nghĩ. Ấy thế nhưng bầy khỉ này lại có những hoạt động xã hội cao thượng: “Lạy Bồ Tát, vái trời xanh”. Xã hội mà, chính là vì “xã” mà “hội”. Chữ “Xã” (社) nghĩa là tế lễ Thổ Thần, còn chữ “Hội” (會) là nơi con người tụ tập đông đúc. Xã hội nên là như thế: có tín ngưỡng, có lòng kính ngưỡng Thần.

Nếu như nói bầy khỉ là một đám trẻ nhỏ, vậy những miêu tả trong tiểu thuyết về đám khỉ này cũng là để độc giả liễu giải được cuộc sống. Bạn hãy xem, Thạch Hầu nhảy ra từ thác nước rồi nói với chúng bạn: “Nhân nhi vô tín, bất tri kỳ khả” (Người không có chữ Tín thì không biết có thể làm nổi việc gì). Câu nói này xuất phát từ “Luận Ngữ”, ý nói rằng làm người thì cần giữ chữ Tín, nói lời thì phải giữ lấy lời. Lũ khỉ nghe xong lập tức thực hiện lời hứa, tôn Thạch Hầu làm vương. Thạch Hầu dũng cảm nhảy vào thác nước, nhờ lòng dũng cảm ấy mà phát hiện được một động thiên nguy nga tráng lệ. Lũ khỉ tôn Thạch Hầu lên làm vua, cho Thạch hầu được hưởng chế độ đãi ngộ của một bậc đại vương tôn quý. Đạo lý là như vậy: Có phó xuất thì có hồi báo, đó cũng là điều mỹ diệu của cuộc sống.

Đằng sau thác nước là Thủy Liêm động, tòa động phủ có tên hiệu, có đồ đạc tiện nghi, hiển nhiên đã từng là chốn cư ngụ của một người nào đó. Trong truyện viết:

Lũ khỉ xúm lại hỏi: “Trong ấy thế nào? Nước có sâu lắm không?”

Khỉ đá cười: “Không có nước, không có nước, chỉ có một chiếc cầu sắt, bên cầu là một cơ nghiệp trời đất xây dựng nên”.

Lũ khỉ nói: “Sao biết đó là một tòa cơ nghiệp?”

Khỉ đá cười, nói: “Dòng nước này chảy xói dưới chân cầu, chảy ngược lại thì lấp cửa cầu. Bên cầu có cây cối hoa cỏ, có một tòa nhà đá, trong nhà có hang đá, bếp đá, bát đá, chậu đá, giường đá, ghế đá. Ở giữa có tấm biển đá, khắc hàng chữ “Hoa Quả Sơn phúc địa, Thủy Liêm động động thiên”. Thực là chốn yên thân của bọn ta. Bên trong động lại rộng rãi, có thể chứa được hàng trăm nghìn người già trẻ. Chúng ta đưa nhau vào đó ở, tránh được khi trời nóng lạnh.

Bên trong không chỉ có đầy đủ mọi vật dụng mà còn có trúc, có tùng, có các loài hoa thơm cỏ lạ:

Ghế ngồi hoa nở đỏ
Thạch nhũ rủ động sâu
Hoa cỏ thắm một mầu
Bếp đá còn vết lửa,
Trên án thức ăn còn nguyên cả,
Giường đá trắng bong thật tuyệt trần,
Chậu đá, bát đá đẹp vô cùng
Dăm ba khóm trúc xanh mát rượi
Hoa mai trắng ngần nở lác đác
Tùng xanh cành lá mướt mưa xuân

Tòa động phủ vô chủ là thế, vậy mà lại không hề có bụi bặm hay rong rêu nào. Nếu như bị bỏ hoang lâu ngày thì đáng lẽ phải có bụi bặm chứ! Hoặc nếu không, cứ cho là ở nơi nguồn nước dồi dào không có bụi, nhưng cũng phải thấy rong rêu. Vậy mà tòa động phủ vẫn long lanh tráng lệ: bếp đá còn vết lửa, thức ăn còn nguyên, giường đá trắng bong, chậu đá bát đá vẫn sạch đẹp… quả là chốn động thiên Tiên cảnh! Vậy thì chủ nhân ban đầu của động là ai? Vì sao họ lại biến mất, và họ đã đi đâu về đâu?

Trên tấm bia đá có hàng chữ: “Hoa Quả Sơn phúc địa, Thủy Liêm Động động thiên”. Bạn xem, hai chữ “phúc địa” và “động thiên” đã thuyết minh một điều vô cùng rõ ràng, hơn nữa còn nói rõ thân phận và địa vị của chủ nhân ban đầu.

“Phúc địa” và “động thiên” là danh từ trong Đạo gia, chỉ khi hội tụ đủ địa mạch, hơn nữa địa mạch ấy còn phải trực tiếp thông tới núi Côn Luân thì mới có thể gọi là nơi phúc địa. Mạch trên thân thể người tu Đạo kết nối với mạch núi Côn Luân thì người ấy mới có thể tu luyện lên cao tầng. Động thiên là sơn động thông lên trời, mặc dù động ấy ở nơi núi non rừng thẳm, nhưng kỳ thực là ở trên Tiên giới. Người tu Đạo theo môn phái tu nào thì đều tìm đến sơn mạch của môn phái đó, tìm đến động thiên của môn phái ấy mới tu được nhanh, mới có thể tu thành.

Bầy khỉ Hoa Quả Sơn tiến vào chiếm giữ hang động một cách đường đường chính chính, trở thành chủ nhân chính thức của Thủy Liêm động. Điều này thật kỳ lạ, làm sao một việc tốt nhường ấy lại rơi vào tay một bầy khỉ hoang dã?

Trong sách đã tiết lộ lý do:

Trong tàng ẩn tướng có hay?
Vẻ ngoài cũng chẳng thua ai hình hài
Nhân gian kiếp kiếp trò đời
Xưng vua, xưng chúa một thời dọc ngang.

Con người chính là như thế, người bình thường không nhìn thấy được tư tưởng và suy nghĩ của mình, cho rằng tư duy là thứ không có hình hài, không có vật chất, rất hư vô mờ ảo, vì thế họ không biết nhìn vào nội tâm mà tự phản tỉnh và tu dưỡng bản thân. Họ đâu biết rằng, hễ tư tưởng thay đổi thì hoàn cảnh xung quanh cũng theo đó mà thay đổi, tạo ra những biến hóa hữu hình mà người ta có thể nhìn thấy, cảm giác thấy. Kỳ thực tất cả mọi người đều là như thế, hoàn toàn có khả năng làm chủ hoàn cảnh của bản thân, khi đã làm chủ hoàn cảnh của bản thân thì cũng tương đương với việc người ấy đã làm vua chúa một phương.

Thạch Hầu có chí nguyện cao xa, có dũng khí gánh vác trách nhiệm, hơn nữa hành động cũng vô cùng quyết đoán, có thể nói là có khí chất thủ lĩnh, có tư chất vương giả. Giả sử lúc ấy Thạch Hầu do dự, không dám liều mình dấn thân vào nơi thác nước hiểm trở, thì rất có thể động thiên phúc địa gần như trong tầm tay ấy sẽ vĩnh viễn không bao giờ tìm được. Bởi vì ở đây có một bí mật: động thiên này không nhất định luôn tồn tại ở đó. Có thể bạn đã từng nghe truyện Từ Thức gặp Tiên, khi Từ Thức quay lại thì không thể tìm lại Giáng Hương được nữa. Những chốn đào nguyên trong truyền thuyết cũng vậy, hữu duyên có thể gặp nhưng vô duyên chẳng thể cầu. Cũng như trên các danh sơn có sơn động của người tu Đạo, nhưng kẻ phàm tục vĩnh viễn không có cơ hội tìm thấy, chỉ trong những hoàn cảnh vô cùng đặc thù động thiên ấy mới xuất hiện trong không gian này của chúng ta. Tiên cảnh động thiên thường chỉ thoắt ẩn thoắt hiện, giống như ảo ảnh xuất hiện trên ốc đảo hay trên sa mạc vậy.

Bầy khỉ đã sinh sống trong động Thủy Liêm qua bao nhiêu năm tháng, chúng hồn nhiên vô tư lự tận hưởng cuộc sống thong dong nhàn nhã. Lũ khỉ đã gắn bó với mảnh đất Hoa Quả Sơn này, thậm chí mọi gốc cây mọi tổ kiến chúng đều nắm rõ như lòng bàn tay. Nhưng vì sao trước đó chúng lại không biết đến bí mật đầu nguồn sau màn nước? Chúng thật sự không hề biết đầu nguồn dòng nước giữa khe núi là từ đâu sao? Tôi cảm thấy điều này rất kỳ lạ.

Trong tiểu thuyết có đoạn thơ rằng:

“Tiếng thơm nay đã nổi,
Thời đến vận hanh thông,
Có duyên nương chốn ấy,
Vua sai vào Tiên cung”.

Đoạn thơ trên đã cho chúng ta câu trả lời: Vì nhân duyên tụ hội, vì thời vận đã đến nên đám khỉ mới được an bài để làm chủ tòa động phủ này. Thủy Liêm là động Tiên, không phải là hang động tầm thường mà chúng ta từng thấy. Chủ nhân trước đây của động ắt phải là Tiên nhân, người có thể tiến vào động thiên cũng chính là Thần Tiên.

Cuối cùng, một điểm rất quan trọng là Thủy Liêm động vừa xuất hiện thì trong đầu một con khỉ già cũng đột nhiên nảy ra ý tưởng kỳ lạ: “Vương khiển” – bên trên còn có một vị “Vương” mà chúng không nhìn thấy đang an bài mọi thứ, thông qua đầu não của con khỉ già mà nảy ra ý nghĩ, cổ động cả bầy khi đi tìm đầu nguồn, tiến vào trong động. Cũng nhờ đó mà Thạch Hầu có cơ hội trở thành Mỹ Hầu Vương, bầy khỉ từ nay đã có vua, từ nay “chẳng lẫn vào đàn chim bay, không theo vào loài thú chạy”, thoát ly khỏi hàng chim muông và bầy thú cấp thấp. Mỹ Hầu Vương cũng bắt đầu con đường thức tỉnh từ đây.

Theo Na Uy Long Vương - Epoch Times
Minh Hạnh biên dịch

Văn hoá Văn học


BÀI CHỌN LỌC

“Tây Du mạn chú”: Tâm chuyển, phúc đến