“Tây Du mạn chú”: Vì sao mở đầu kể về nguồn gốc vũ trụ?

Giúp NTDVN sửa lỗi

“Tây Du Ký” mở đầu với hồi thứ nhất: Gốc thiêng ấp ủ nguồn rộng chảy, tâm tính tu trì Đạo lớn sinh. Chỉ cần đọc tiêu đề đã thấy “Tây Du Ký” không phải là cuốn tiểu thuyết đơn thuần, mà là giảng về tu luyện Đại Đạo.

Không giống như các danh tác của nhiều quốc gia khác, tiểu thuyết cổ điển Trung Quốc thường mang yếu tố Đạo thuật và tu luyện, ngay trong phần mở đầu đã triển hiện ra khí phách hào hùng. Những danh tác cổ điển của Trung Quốc như “Tam Quốc Diễn Nghĩa”, “Thủy Hử”, “Hồng Lâu Mộng”... ít nhiều có nói đến tu tâm dưỡng tính, nhưng cũng không trực tiếp chỉ thẳng vào tu hành giống như “Tây Du Ký”, ngay phần mở đầu đã chỉ thẳng vào khởi nguồn của thế giới.

Tiêu đề hồi thứ nhất là: “Linh căn dục dựng nguyên lưu xuất, tâm tính tu trì đại Đạo sinh” (Gốc thiêng ấp ủ nguồn rộng chảy, tâm tính tu trì Đạo lớn sinh). Người Trung Hoa với bề dày 5000 năm văn hóa Thần truyền, cho dù là người có học vấn hay không, thì ngay khi đọc tiêu đề này họ đều biết rằng đây là cuốn tiểu thuyết về tu luyện.

Sau tiêu đề mở đầu là một bài thơ giảng về khởi nguồn của thế giới:

Thuở hoang sơ đất trời chưa tỏ.
Chốn mênh mông nào có bóng người.
Từ khi Bàn Cổ ra đời.
Đục trong phân biệt, khác thời hỗn mang.
Che chở khắp nhờ ơn trời đất.
Phát minh ra muôn vật tốt thay.
Muốn hay tạo hóa công dày,
“Tây Du” truyện ấy đọc ngay đi nào.

Khi còn rất nhỏ tôi đã được mẹ dạy chữ, bộ sách đầu tiên mà tôi đọc là cuốn Thần thoại Trung Quốc, trong đó có các truyện: Bàn Cổ khai trời mở đất, Nữ Oa tạo ra con người, Hoàng Đế chiến đấu với Xi Vưu… Những cuốn truyện từ thuở ấu thơ đã đi vào tâm hồn tôi, ngấm sâu vào huyết mạch, vậy nên sau này tôi vẫn luôn có cảm tình đặc biệt đối với các câu chuyện Thần thoại cổ điển của Trung Hoa.

Độc giả có thể thắc mắc: “Tây Du Ký” là cuốn tiểu thuyết về tu luyện, tu luyện ấy vì sao lại có quan hệ với khởi nguồn thế giới, và vì sao cần bắt đầu từ lúc Bàn Cổ mở đất khai trời?

Từ kinh nghiệm nhiều năm đọc và nghiên cứu các loại cổ thư điển tịch, cá nhân tôi cho rằng tu luyện cũng là một quá trình “sáng thế”. Đạo gia giảng về tiểu vũ trụ, Phật gia giảng về Phật quốc, Thiên Chúa giáo giảng Thiên quốc, Cơ Đốc giáo giảng Nước Trời. Muốn sáng thế thì cần phải biết khởi nguồn của thế giới, nếu không biết nguồn gốc của thế giới, không biết các vị Thần đã sáng thế như thế nào thì đến lượt mình làm sao có thể sáng thế đây? Ngay cả nguồn tư liệu tham khảo cũng không có, vậy chẳng phải sẽ thực hiện một cách tùy tùy tiện tiện sao? Như thế liệu có thể thành công hay không? Khẳng định là không thành! Muốn sáng thế thì phải hiểu rõ kết cấu của thế giới, không biết kết cấu thế giới như thế nào thì đương nhiên cũng không thể sáng thế được. Nếu không biết kết cấu chân thực của thế giới ra làm sao, vậy thì chỉ giống như đứa trẻ chơi nghịch bên đống cát, không thể nói là sáng thế được.

Do đó, mọi cuốn sách về tu luyện đều giảng về kết cấu vũ trụ. Nếu Thánh Kinh mở đầu bằng ‘Sáng Thế Ký’, thì phần mở đầu của “Tây Du Ký” cũng nhất định phải liên quan đến khởi nguyên của vũ trụ và nguồn gốc của thế giới này.

Nói về sáng thế, câu hỏi đặt ra là: Trong các tôn giáo khác nhau và tín ngưỡng khác nhau thì cấu tạo của thế giới có phải cũng khác nhau? Không phải, kỳ thực đều là như nhau. Khi đọc ‘Sáng Thế Ký’ trong “Thánh Kinh” và ‘Bàn Cổ khai mở trời đất’ trong Thần thoại Trung Hoa, bạn có nhận ra rằng những điều giảng về kết cấu vũ trụ đều là như nhau?

Tạo hình núi Tu Di bằng đồng trong cung Ung Hòa, Bắc Kinh (Ảnh: GiantXu, CC BY-SA 3.0)
Tạo hình núi Tu Di bằng đồng trong cung Ung Hòa, Bắc Kinh (Ảnh: GiantXu, CC BY-SA 3.0)

Kỳ thực, các loại lý luận cổ đại về vũ trụ đều không hề mâu thuẫn với nhau. Có người không tin, họ cho rằng các bậc Thánh hiền xưa kia chỉ giảng lý luận chung chung, cổ nhân vì muốn thu hút sự chú ý của người khác mà cố ý đề cao bản thân, nói ra những lời khoa trương trống rỗng. Kỳ thực hoàn toàn không phải vậy, người xưa giảng về kết cấu vật chất và kết cấu vũ trụ đều hết sức thực tại, nhưng người ngày nay không thể lĩnh hội được trí tuệ cổ xưa nên mới cho đó là mê tín, là tưởng tượng viển vông.

Thứ nữa là, rất nhiều người không còn hiểu hàm nghĩa văn tự của cổ nhân. Thế giới quan và nhân sinh quan của người cổ đại không giống với người hiện đại chúng ta, vậy nên hàm nghĩa văn tự cũng khác. Điểm khác biệt lớn nhất là gì? Người cổ đại không nhìn nhận ở một tầng diện đơn nhất, mà là nhìn từ rất nhiều tầng diện. Chữ viết thời cổ đại, mỗi từ mỗi chữ đều đối ứng với quan niệm đương thời ở nhiều tầng diện khác nhau. Ví dụ như chuyện Bàn Cổ khai mở trời đất, căn cứ vào vũ trụ quan thời cổ đại, câu chuyện ấy cũng được nhìn nhận theo tầng tầng lớp lớp ý nghĩa. Lúc ấy hỗn độn chưa phân, trong cảnh giới vô cùng vi quan, nhân loại cũng chưa ra đời, lúc ấy Bàn Cổ bắt đầu mở ra trời đất mới, từ hỗn độn hư không mà tổ hợp thành trong đục, âm dương, hai cực lưỡng nghi.

“Phúc tái quần sinh” (che chở khắp nhờ ơn trời đất), tất cả mọi sinh linh sinh ra trong vũ trụ đều được vũ trụ che chở và bao bọc, được trời đất dung chứa và nâng đỡ trong mình. Được thứ gì dung chứa? Được vũ trụ, Ngân Hà, Thái Dương dung chứa. Được thứ gì nâng đỡ? Được trái đất và trời đất nâng đỡ. Vũ trụ cũng vậy, trái đất cũng vậy, tuy lớn nhỏ khác nhau nhưng lại thuộc cùng một tầng diện. Đây là nói đến kết cấu vũ trụ, những gì cổ nhân nhận thức được hoàn toàn khác xa những gì con người ngày nay vẫn nghĩ.

Để sáng tạo nên vũ trụ và muôn vạn chúng sinh, Bàn Cổ đã dựa vào yếu tố gì? Ấy chính là “chí Nhân” (lòng Nhân tối thượng), hay nói cách khác chính là “Thiện”. Phát minh vạn vật đều dựa vào Thiện, sáng tạo ra hết thảy đều dựa vào cái Thiện ấy, dựa vào chí Nhân ấy.

Chúng ta biết, người tu Đạo cần phải tu Chân, tu Thiện. Từ cái Thiện này, từ cái chí Nhân này mà sinh thành nên vạn vật. Thuở đương sơ khi hỗn độn chưa phân, Bàn Cổ dựa vào Thiện để sáng thế. Đây chính là “tạo hóa hội nguyên công”, tạo ra thiên địa, hóa ra vạn vật, hội tụ các nhân tố nguyên thủy để tạo thành hết thảy. Văn hóa truyền thống đề cao Thiện, Nhân, Nghĩa, những yếu tố này đều có nhân tố Thiện ở trong mình. Thiện có thể khiến người tu luyện tạo ra hết thảy trong tiểu thế giới của bản thân mình, Thiện ấy có thể sánh với ‘tụ bảo bồn’ (bát Tụ Bảo), là pháp bảo của người tu luyện. Cũng nhờ có Thiện mà văn hóa truyền thống Trung Hoa mới có lực sinh mệnh cường thịnh trải dài suốt 5000 năm.

“Thích ách” (giải trừ tai ách) nghĩa là giải thoát sinh mệnh ra khỏi khổ nạn và khốn quẫn, đây cũng chính là điều mà “Tây Du Ký” muốn bàn luận. Hết thảy khổ nạn và tai ách của con người là do đâu? Do rời xa và lệch khỏi pháp tắc của vũ trụ. Các vị Thần như Bàn Cổ và Thượng Đế đều tuân theo pháp tắc của vũ trụ mà sáng tạo nên thế giới này, ấy chính là ‘chí Nhân’, là ‘Thiện’. Con người đã rời xa Thiện, trong vô tri mà hành ác, tạo tội nghiệp, tạo tội nghiệp rồi sẽ phải hoàn trả nghiệp. Nghiệp ấy chính là nguyên nhân gốc rễ của mọi khổ nạn trong đời. Vậy thì “Tây Du Ký” là câu chuyện tu luyện, cũng là chỉ ra con đường để trở về, giải trừ mọi khổ nạn và trở về với “Thiện” ban sơ.

Sau bài thơ mô tả việc sáng thế là nói về tam giới, miêu tả chi tiết việc tạo ra thiên, địa, nhật, nguyệt, các vì tinh tú và con người:

“Từng nghe số của trời đất, gồm một trăm hai mươi chín nghìn sáu trăm năm là một nguyên. Một nguyên chia làm mười hai hội, tức mười hai chi: Tý, Sửu, Dần, Mão, Thìn, Tỵ, Ngọ, Mùi, Thân, Dậu, Tuất, Hợi. Mỗi một hội là mười nghìn tám trăm năm. Lại lấy một ngày mà nói: giờ Tý được khí dương, thì giờ Sửu gà gáy. Giờ Dần ánh sáng chưa khắp, thì giờ Mão mặt trời mọc. Giờ Thìn ăn cơm xong, thì giờ Tỵ đã liền kề. Giờ Ngọ mặt trời ở giữa trời, thì giờ Mùi ngả về tây. Giờ Thân là lúc mặt trời lặn ở phương tây. Giờ Tuất là lúc hoàng hôn và giờ Hợi mọi người yên nghỉ. So trong số lớn, đến cuối hội Tuất là lúc trời đất tối tăm mờ mịt, muôn vật ở vào vận bĩ. Vào đầu hội Hợi, đúng lúc đang mờ mịt, người và vật đều chưa có, nên gọi là hỗn độn.

Trải qua bốn nghìn năm trăm năm nữa, hội Hợi sắp hết. Hết vòng lại quay lại từ đầu, chuyển sang hội Tý, trở lại dần dần sáng tỏ. Thiệu Khang Tiết nói: “Giữa giờ Tý đông chí, Lòng trời chẳng đổi dời Lúc một dương lay động Vạn vật chưa ra đời”

Đến đây, trời bắt đầu có rễ. Lại trải qua năm nghìn bốn trăm năm, đúng vào hội Tý, những thứ nhẹ trong bay lên, có mặt trời, mặt trăng, tinh tú. Mặt trời, mặt trăng tinh tú (tinh và thần) gọi là tứ tượng. Cho nên nói rằng: trời mở ở Tý. Lại trải qua năm nghìn bốn trăm năm, hội Tý sắp hết, gần sang hội Sửu, thì dần dần rắn chắc. Kinh dịch nói: “Lớn thay đức nguyên của quẻ Càn! Tuyệt thay đức nguyên của kẻ khôn! Vạn vật nhờ đó sinh ra, là thuận theo trời”. Đến đây đất bắt đầu ngưng kết. Lại trải qua bốn nghìn năm trăm năm, đúng vào hội Sửu, những thứ nặng đục ngưng xuống. Có nước, có lửa, có núi, có đá, có đất. Nước, lửa, núi, đá, đất gọi là ngũ hình. Cho nên nói rằng: Đất mở ở Sửu. Lại trải qua năm nghìn bốn trăm năm, hội Sửu hết, hội Dần bắt đầu, muôn vật sinh ra. Sách Lịch nói: “Khí trời bay xuống, khí đất bốc lên trời đất giao hòa, muôn vật sinh ra”. Đến đây trời, đất sáng sủa, âm dương giao hòa, Lại trải qua năm nghìn bốn trăm năm, đúng vào hội Dần, sinh người, sinh thú, sinh chim, gọi là tam tài, gồm trời, đất, người định vị. Cho nên nói rằng: người sinh ra ở Dần”.

Sự vận hành các cơ quan theo từng tầng từng tầng, tầng tầng đan xen, giống như sự dẫn động của các bánh răng. Thế giới, tam giới, tam tài chính là vận hành như thế. Tu hành mà, cần phải ngược dòng mà lên, diễn luyện hòa hợp. Tiết khí và thiên thời được coi là yếu tố vô cùng trọng yếu, cực kỳ trọng yếu trong tu luyện Đạo gia, người tu Đạo phải thuận theo thiên thời mà vận chuyển, lựa chọn thời điểm thuận lợi phù hợp mà hành sự, nếu để lỡ mất thời thần thì không thể thành công được.

Luân lý đạo đức truyền thống bắt đầu từ khi nào? “Nhớ xưa từ thuở Bàn Cổ mới mở mang, đời Tam Hoàng vừa cai trị, đời Ngũ đế định ra nhân luân”. Chỉ một câu thoại rất ngắn gọn nhưng đã bao hàm rất nhiều hàm ý. Sau khi Bàn Cổ sáng thế, các bậc Thánh nhân như Tam Hoàng và Ngũ Đế là những người tiếp nối sứ mệnh khai sáng ra nhân loại, họ lần lượt xuất hiện trong lịch sử, từng bước đặt định ra văn hóa và văn minh nhân loại. Nhờ có nhân luân con người mới có được hình hài hoàn chỉnh. Con người không phải chỉ là một tảng thịt, không chỉ cần có thân thể mà còn cần có nhân luân, có nhân luân rồi con người mới trở nên hoàn chỉnh.

Khi hết thảy các yếu tố của con người đã được đặt định xong xuôi, trên thế giới liền xuất hiện tứ đại bộ châu: Đông Thắng Thần Châu, Tây Ngưu Hạ Châu, Nam Thiệm Bộ Châu, Bắc Câu Lư Châu. Tứ đại bộ châu nằm ở đâu? Chiểu theo trình tự sáng tạo thế giới, rất có thể tứ đại bộ châu nói trên không nằm ở tầng diện không gian này của chúng ta.

Lại nói, ở Đông Thắng Thần Châu có một ngọn núi tiên gọi là Hoa Quả Sơn. Trong sách miêu tả: “Chính núi này là mạch tổ của mười châu, cội nguồn của ba đảo, đứng sừng sững từ lúc đất trời mới chia trong đục, hình thành từ thuở thế giới vẫn hồng hoang. Đó thật là một ngọn núi quý!”

“Mười châu” này có liên hệ gì đến tứ đại bộ châu hay không? Mặc dù Hoa Quả Sơn ở Đông Thắng Thần Châu, nhưng lại là mạch tổ của cả mười châu! Mười châu ấy là những nơi nào, nếu trong đó bao hàm cả tứ đại bộ châu, vậy thì sáu đại châu còn lại nằm ở đâu?

Trong “Sơn Hải Kinh” có truyền thuyết về ba ngọn núi tiên ở Đông Hải, trong đó kể rằng ba ngọn núi tiên trôi nổi trên biển, gồm có: Bồng Lai, Doanh Châu, và Phương Trượng. Có thể phán đoán rằng, ba ngọn núi tiên ấy không tồn tại trong không gian này của chúng ta. Vậy thì tứ đại bộ châu kể trên cũng vậy, căn cứ theo kết cấu phân tầng vật chất trong vũ trụ quan thời cổ đại, tứ đại bộ châu cũng không tồn tại trong không gian ở tầng bề mặt này của chúng ta. Nhưng sáu bộ châu kia thì nằm ở đâu? Đó vẫn còn là một ẩn đố mà chúng ta chưa biết.

Theo lý mà nói, thì sau khi có các đại bộ châu rồi mới có Hoa Quả Sơn, nhưng “Tây Du Ký” lại kể rằng ngọn núi Hoa Quả này là tổ mạch của mười châu. Cũng chính là nói, trước tiên có Hoa Quả Sơn rồi sau đó mới có mười đại châu, sự xuất hiện của Hoa Quả Sơn không muộn hơn mười đại châu ấy. Theo kinh Phật giảng thì tứ đại bộ châu có quan hệ với Phật môn, còn theo Đạo gia giảng thì ba ngọn núi tiên có quan hệ với Đạo môn. Vậy thì ngọn núi Hoa Quả này hẳn cũng có quan hệ cả với Phật quốc và với thế giới của Đạo. Bạn xem xem, ngay trong phần mở đầu cuốn tiểu thuyết, chỉ một câu nói sơ lược nhưng đã chỉ ra rất nhiều điều về cội nguồn thế giới. Hoa Quả Sơn có gia thế uyên nguyên như thế, sâu xa như thế, vậy nên sau này Tôn Ngộ Không vừa tu luyện Đạo gia lại vừa tu luyện Phật gia, âu cũng là điều tất nhiên trong những cái tất nhiên.

Lại nói, thân thế của Thạch Hầu cũng là điều bất phàm. Vị trí của Hoa Quả Sơn đã quyết định nhân duyên tụ hội vô cùng đặc biệt:

Hoa Quả Sơn có vị trí đặc thù: “Cột trời sừng sững dựng giữa trăm sông. Gốc đất lớn to muôn đời không đổi”.

Hòn đá tiên có kích thước đặc thù: “Cao đến ba trượng sáu thước năm tấc, xung quanh hai trượng bốn thước. Chiều cao ba trượng sáu thước năm tấc cùng hợp với vòng trời ba trăm sáu mươi lăm độ. Xung quanh hai trượng bốn thước, hợp với chính lịch hai mươi bốn khí”.

Cấu tạo của hòn đá tiên cũng rất đặc thù: “Trên có chín khiếu tám lỗ hợp với cửu cung bát quái”.

Hòn đá tiên có cấu tạo đặc thù như thế, kích thước đặc thù như thế, lại nằm tại một vị trí đặc thù như thế, vậy nên tất nhiên cũng thai nghén ra một sinh mệnh vô cùng đặc thù – Thạch Hầu.

Ngọn núi Hoa Quả Sơn này ở cùng tầng diện với nhân loại, nhưng không ở trong cùng không gian nơi nhân loại đang sinh tồn. Vậy nên con khỉ đá khi vừa xuất sinh cũng sẽ không ở trong không gian này của chúng ta. Rất nhiều trường cảnh được nhắc đến trong “Tây Du Ký” đều không ở trên cùng tầng diện này với chúng ta, có tầng diện cao, có tầng diện thấp, tầng diện cao hay thấp ở đây không phải là nói về quan hệ trên dưới, mà là quan hệ lồng ghép đan xen.

Đạo gia rất chú trọng đến con số, họ thường tập trung vào một vài con số mà người ngày nay cho là kỳ quái, trong đó có con số nhỏ, có con số lớn, lại có con số vô cùng lớn, thậm chí có con số lớn đến mức vượt qua những gì mà nhân loại biết được. Những con số này nếu xét theo học thuyết truyền thống về cấu tạo thế giới thì không có gì kỳ lạ, đó là cơ chế vận hành và quy luật biến động từng tầng từng tầng của thế giới này. Không gian của thế giới và sự biến động của nó trong tầng diện này của chúng ta là tùy theo sự biến động trên dưới mà biến động, giống như sự truyền động của các bánh răng vậy. Số răng của bánh răng là cố định, là bất biến, nhưng khi một số lượng lớn các bánh răng khớp vào nhau và dẫn động lẫn nhau thì kết quả lại khiến người ta phải lóa mắt, cảm thấy biến hóa khôn cùng. Kỳ thực, cho dù biến hóa đến đâu thì hết thảy đều có quy luật.

Người hiện nay không cách nào lý giải được những quy luật này, bởi vì những quy luật này đều triển hiện tại không gian khác. Hơn nữa, những thứ mà người cổ đại nói đến, do lập thể đa tầng diện mà cảm thụ được quy luật lập thể của nó. Giống như vũ trụ, thân thể, quan niệm và ý thức của con người cũng là đa tầng diện. Những quy luật này cần dùng thân thể, dùng tâm linh mà thể nghiệm, đúng vậy, dùng tâm linh mà thể nghiệm!

Ví dụ như, cùng là gió thổi cỏ lay nhưng nguồn gốc của nó lại có thể đối ứng với nhiều tầng không gian. Nhưng rốt cuộc đối ứng với không gian nào? Là sinh linh nào của tầng diện nào làm ra sự việc này? Điều này chỉ có người tu luyện hoặc người căn cơ tốt mới có thể phán đoán ra được. Điều đáng nói là, văn hóa cổ đại của Trung Quốc là cần thân thể để lý giải, rất nhiều người cổ đại đều tu luyện và đều thể nghiệm được điều ấy, nhưng người hiện nay lại thấy là huyền hoặc, khó tin. Người hiện đại không lý giải được chỗ kỳ diệu của thân thể, họ tất yếu sẽ cho rằng điều cổ nhân giảng là mê tín, hão huyền. Kỳ thực, cái thân thể này của họ, công cụ kỳ diệu nhất mà tạo hóa đã ban cho họ này, đều đã hỏng mất rồi…

Theo Na Uy Long Vương - Epoch Times
Minh Hạnh biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

“Tây Du mạn chú”: Vì sao mở đầu kể về nguồn gốc vũ trụ?