Tây Phương Cực Lạc thế giới du ký (P1): Cao tăng độn nhập tới thế giới Cực Lạc, gặp Quan Âm Bồ Tát

Giúp NTDVN sửa lỗi

Một ngày trên trời, ngàn năm mặt đất? ! Vị cao tăng lỗi lạc du hành đến Thiên giới Phật quốc, khi quay trở về đã 6 năm trôi qua. Trên trời có Trung văn ? Tám chữ có thể khái quát triển vọng của Phật giáo?

Trong nhiều bài viết trước đây, chúng tôi đã giới thiệu thế giới thiên đường trong mắt người phương Tây qua các câu truyện như “Cậu bé ngoại cảm”“Nhà khoa học lên thiên đàng xuống địa ngục”. Một số độc giả đặt câu hỏi rằng liệu có người phương Đông nào đã từng đến Thiên đường, Thánh địa Phật quốc, và đem những thắng cảnh tuyệt vời đó chia sẻ ra với mọi người nơi thế gian không? Sự thực là có một vị cao tăng khi nhập định, đã du hành đến thế giới của Phật quốc. Bài viết này sẽ tìm hiểu về những cảnh tượng kỳ diệu mà vị cao tăng này đã nhìn thấy trong cảnh giới của ông.

6 năm mất tích khó hiểu

Vào ngày 25 tháng 10 âm lịch năm 1967, chùa Mạch Tà Nham ở tỉnh Phúc Kiến, Trung Quốc đột nhiên trở nên hỗn loạn. Bởi vì trụ trì của họ, pháp sư Khoan Tịnh đang toạ thiền trong tu viện, tức là đang đả tọa tu hành, thì đột nhiên biến mất. Mọi người tìm kiếm ông khắp tu viện mà không thấy.

Chùa Mạch Tà Nham ở tỉnh Phúc Kiến, Trung Quốc (Ảnh chụp màn hình)
Chùa Mạch Tà Nham ở tỉnh Phúc Kiến, Trung Quốc (Ảnh chụp màn hình)

Lẽ nào pháp sư đã đến một hang động nào đó, bịt hang lại để ngồi thiền? Vì vậy, các tăng nhân và cư sĩ trong cả chùa vội vã ra ngoài tìm kiếm hơn ở một trăm hang động lớn nhỏ ở núi Vân Cư, quanh chùa Mạch Tà Nham, nhưng vẫn không thấy tung tích của pháp sư. Cuối cùng, có thông tin cho rằng, một đội trục vớt đã được cử đến các hồ chứa nước và vực sâu gần đó để trục vớt, nhưng họ cũng vẫn không tìm thấy gì. Những tín đồ lo lắng đã đến các thị trấn và thành phố xung quanh để tìm kiếm pháp sư, thế nhưng tìm kiếm vài năm vẫn không có tin tức gì. Cuối cùng, mọi người đều nghĩ rằng pháp sư Khoan Tịnh đã vãng sinh, nghĩa là ông đã qua đời. Vậy nên họ dần dần từ bỏ việc tìm kiếm ông. Cho đến sáu, bảy năm sau, pháp sư Khoan Tịnh lại đột nhiên xuất hiện trước mặt mọi người.

Trong khoảng thời gian biến mất đó, rốt cuộc pháp sư đã ở đâu?

Theo mô tả của chính pháp sư, khi đó ông đang ở trong động Di Lặc trên núi Cửu Tiên ở huyện Đức Hóa, tỉnh Phúc Kiến, và ông chưa từng rời khỏi đó nửa bước. Trên thực tế, tất cả mọi người đã đến hang động Di Lặc này để tìm kiếm ông, nhưng không biết vì lý do gì, pháp sư dường như vô hình, hoặc như đã tiến vào một không gian khác mà mọi người không thể nhìn thấy ông.

Theo mô tả của chính pháp sư, khi đó ông đang ở trong động Di Lặc trên núi Cửu Tiên ở huyện Đức Hóa, tỉnh Phúc Kiến, và ông chưa từng rời khỏi đó nửa bước (Ảnh chụp màn hình)
Theo mô tả của chính pháp sư, khi đó ông đang ở trong động Di Lặc trên núi Cửu Tiên ở huyện Đức Hóa, tỉnh Phúc Kiến, và ông chưa từng rời khỏi đó nửa bước (Ảnh chụp màn hình)

Vậy pháp sư Khoan Tịnh đã làm gì trong sáu, bảy năm đó? Ông nói rằng nguyên thần của ông ấy đã may mắn được du hành đến Tây Phương Cực Lạc, và rõ ràng là ông chỉ ở lại đó chưa đầy một ngày.

Kỳ ngộ trên đường

Theo pháp sư Khoan Tịnh, ban đầu ông đang ngồi thiền trong chùa Mạch Tà Nham, nhưng đột nhiên ông dường như nghe thấy có ai đó đang gọi mình và đẩy ông đi. Trong trạng thái lờ mờ, ông đi một mạch đến núi Cửu Tiên cách đó hơn hai trăm dặm, chặng đường tựa hồ như đi rất lâu, nhưng pháp sư không cảm thấy khó nhọc, cũng không cần ngủ, bụng cũng không đói, chỉ khi nào khát nước thì uống chút nước suối. Và cảm giác như lúc nào trời cũng là ban ngày và luôn nắng.

Lúc này, pháp sư đột nhiên tỉnh táo lại, nghe được người qua đường nói hôm nay là ngày 25 tháng 10. Chặng đường đi đã rất nhiều rồi, tại sao vẫn là ngày 25 tháng 10? Vị pháp sư bối rối và tiếp tục đi về phía trước. Vào lúc ba giờ sáng ngày hôm sau, trên đường đi, pháp sư Khoan Tịnh đã gặp một vị pháp sư già, người này tự xưng là “Viên Quán”, và mời Khoan Tịnh cùng đồng hành ngao du đến núi Cửu Tiên.

trên đường đi, pháp sư Khoan Tịnh đã gặp một vị pháp sư già, người này tự xưng là “Viên Quán”, và mời Khoan Tịnh cùng đồng hành ngao du đến núi Cửu Tiên (Ảnh chụp màn hình)
trên đường đi, pháp sư Khoan Tịnh đã gặp một vị pháp sư già, người này tự xưng là “Viên Quán”, và mời Khoan Tịnh cùng đồng hành ngao du đến núi Cửu Tiên (Ảnh chụp màn hình)

Trên đường đi, vị pháp sư già dường như có công năng túc mệnh thông, và kể lại tất cả về kiếp trước của pháp sư Khoan Tịnh, hơn nữa còn nói rất chi tiết về địa điểm, thời gian và các nhân vật. Pháp sư Khoan Tịnh đã chăm chú lắng nghe, ghi nhớ cẩn thận trong tâm. Bảy năm sau, ông đi kiểm chứng, quả thực đúng là có những người như vậy.

Sau khi lên núi Cửu Tiên, họ chuẩn bị đến động Di Lặc. Tại sao lại gọi là động Di Lặc? Vì trong động đá này thờ phụng tượng Phật Di Lặc. Núi Cửu Tiên và động Di Lặc là những nơi mà pháp sư Khoan Tịnh đã nhiều lần đến và rất quen thuộc, nhưng khi cứ đi tiếp, pháp sư phát hiện thấy có gì đó không đúng.

Hóa ra con đường lên núi đã thay đổi, nó trở thành một con đường bằng đá, còn hiện ra ánh sáng mờ mờ. Khi đến động Di Lặc và đi vào, trước mắt họ là một ngôi chùa lớn chưa từng thấy, nguy nga và hùng vĩ, thậm chí còn hùng vĩ, tráng lệ hơn cả Tử Cấm Thành ở Bắc Kinh. Hai bên chùa còn có hai tòa bảo tháp. Khi đến cổng núi làm bằng đá trắng, thấy trên cổng có một tấm biển lớn sơn vàng, tỏa ra ánh sáng lấp lánh, trên đó có viết mấy chữ lớn bằng vàng, nhưng pháp sư Khoan Tịnh đọc hoàn toàn không hiểu.

Bước vào cổng núi, ông nhận thấy khắp nơi đều có hoa và cây lạ, và tất cả các tòa nhà đều phát sáng. Không lâu sau, họ đến đại sảnh thứ nhất, trên sảnh có bốn chữ, tỏa sáng rực rỡ, pháp sư Khoan Tịnh không hiểu nên hỏi lão pháp sư Viên Quán. Lão pháp sư nói với ông rằng, đó có nghĩa là “La Hán Trung Thiên”. Chẳng lẽ ông đã đạt tới cảnh giới tu hành của La Hán? Lúc này, pháp sư Khoan Tịnh có một cảm giác mơ hồ rằng bản thân đã không ở nhân gian nữa.

Bước vào chính điện, có bốn chữ lớn, lão pháp sư Viên Quán nói, bốn chữ đó có nghĩa là “Đại hùng bảo điện”. Lúc này, hai lão hòa thượng đi tới, khi nhìn thấy Viên Quán lão pháp sư, họ lập tức quỳ rạp xuống đất hành lễ. Xem ra lão pháp sư này không phải người bình thường. Pháp sư Khoan Tịnh nhìn xung quanh, chỉ thấy hương khói thoang thoảng thơm xung quanh. Trong chùa đầy ắp lễ vật, và rất nhiều loại đèn trang trí, màu sắc rực rỡ và đẹp mắt.

Lúc này, một lão hòa thượng đưa nước cho pháp sư Khoan Tịnh uống và đi tắm. Sau khi uống nước và tắm rửa xong, pháp sư Khoan Tịnh cảm thấy toàn bộ thân tâm đều khoan khoái, dễ chịu. Sau đó, pháp sư cúi đầu, quỳ bái lão hòa thượng, và thỉnh cầu ông khai thị cho tương lai của Phật giáo sẽ ra sao. Chỉ thấy lão hoà thượng lấy bút viết tám chữ “Phật tự tâm tác giáo do ma chủ” (Tạm dịch: Phật là tự tâm mà tu ra, còn tôn giáo là do ma chủ trì). Một vị lão hoà thượng khác ở bên cạnh, nhìn và nói: “Tám chữ này, có thể đọc ngang dọc, dọc ngang, từ trái sang phải, từ phải sang trái, trên xuống dưới, dưới lên trên, tách đuôi chữ, có thể đọc ra 36 câu mà biết được tương lai của Phật giáo trong vòng 100 năm tới. Nếu như từ 36 câu này diễn dịch thành 840 câu, thì có thể biết được tương lai phát triển của Phật giáo trên toàn thế giới cho đến khi Phật giáo diệt vong”.

Pháp sư Khoan Tịnh không tiết lộ tất cả 840 câu này, mà chỉ nói rằng sẽ công bố khi thời cơ thích hợp.

Sau khi nghỉ ngơi một lúc, pháp sư Viên Quán lại đến tìm pháp sư Khoan Tịnh, lần này điểm đến là “Đâu Suất Thiên".

Giai thoại Đâu Suất

Trên đường đi xuất hiện những cung điện và chùa vàng nguy nga, hùng vĩ, tỏa sáng rực rỡ, pháp sư Khoan Tịnh nhìn thấy mà hoa cả mắt, đúng là lưu luyến quên về. Viên Quán lão pháp sư lại liên tục thúc giục, nói thời gian không còn nhiều, mau lên đường.

Tại sao lại phải vội vàng như vậy? Mọi người có thể đã nghe câu nói “Trên Trời mới một ngày, dưới đất đã nghìn năm”. Nếu như pháp sư Khoan Tịnh ở lại quá lâu, có thể sau khi trở về thế sự xoay vần mà lỡ mất sự an bài của Thần Phật…

Khi họ cứ thế bước đi, bất chợt một cây cầu xuất hiện trước mặt. Nhìn kỹ hơn, pháp sư Khoan Tịnh giật mình. Hóa ra cây cầu này chỉ có đoạn giữa là lơ lửng trên không, không có đầu cầu cũng không có đuôi cầu, làm sao lên cầu được?

Lúc này, lão pháp sư Viên Quán nói, bình thường hay tụng kinh và niệm chú gì, thì giờ hãy tụng niệm như thế. Pháp sư Khoan Tịnh bắt đầu niệm kinh, mới chỉ niệm 20-30 chữ, cảnh tượng trước mặt ông liền thay đổi, đầu cầu và đuôi cầu bắt đầu nối với đất, sáng vàng lấp lánh như cầu vồng bảy sắc.

Lão pháp sư Viên Quán bảo pháp sư Khoan Tịnh bình thường hay tụng kinh và niệm chú gì, thì giờ hãy tụng niệm như thế (Ảnh chụp màn hình)
Lão pháp sư Viên Quán bảo pháp sư Khoan Tịnh bình thường hay tụng kinh và niệm chú gì, thì giờ hãy tụng niệm như thế. (Ảnh chụp màn hình)

Sau khi qua cầu rồi nghỉ ngơi, pháp sư Khoan Tịnh hỏi lão pháp sư, vì sao chỉ sau khi niệm tụng kinh và trì chú mới nhìn thấy đầu và đuôi của cây cầu? Lão pháp sư nói, lúc trước khi chưa tụng kinh, bản tính bị nghiệp bao vây, ngăn trở tầm mắt, không thể thấy được cảnh giới Thần Thánh. Sau khi tụng kinh trì chú, dưới sự gia trì của Phật Pháp mà tiêu trừ nghiệp chướng, hiển lộ ra bản tánh, tỉnh ngộ khỏi cơn mê, thì sẽ nhìn thấy được.

Sau đó, pháp sư Khoan Tịnh vừa đi vừa trì chú, đột nhiên dưới chân ông xuất hiện hoa sen. Bông sen đưa ông vút lên trời cao và bay nhanh về phía trước, nhanh hơn cả bay bằng máy bay. Không lâu sau, họ đến một thành phố bạc khổng lồ. Trên cổng thành có tấm biển bằng năm thứ tiếng, tấm đầu tiên là tiếng Trung Quốc, ghi “Nam Thiên Môn”. Pháp sư nhìn thấy bên trong có rất nhiều Thiên nhân, các quan văn võ tướng đều ăn mặc theo phong cách cổ xưa.

Bước vào cổng thành, có thể nhìn thấy một tấm gương cực lớn, có thể phản chiếu nguyên thần của sinh mệnh, và phân biệt chính tà, có lẽ đây chính là “gương chiếu yêu” trong truyền thuyết?

Sau khi đi lên nhiều tầng Trời, lão pháp sư Viên Quán nói rằng, đã đến được “Đâu Suất Thiên” rồi. Trong khi nói chuyện, họ đến trước cổng núi của một cung điện, hơn 20 người ra nghênh đón, một trong số họ không phải ai khác lại chính là sư phụ của pháp sư Khoan Tịnh - một trong ba nhà sư lỗi lạc của Trung Quốc cận đại - lão hòa thượng Hư Vân. Pháp sư Khoan Tịnh ngay lập tức quỳ bái, bày tỏ lòng tôn kính và xúc động đến mức suýt khóc. Lúc này, lão hòa thượng Hư Vân đã tiết lộ với pháp sư Khoan Tịnh bí mật về thân phận thực sự của lão pháp sư Viên Quán.

Một trong số những người ra nghênh đón họ không phải ai khác lại chính là sư phụ của pháp sư Khoan Tịnh - một trong ba nhà sư lỗi lạc của Trung Quốc cận đại - lão hòa thượng Hư Vân (Ảnh chụp màn hình)
Một trong số những người ra nghênh đón họ không phải ai khác lại chính là sư phụ của pháp sư Khoan Tịnh - một trong ba nhà sư lỗi lạc của Trung Quốc cận đại - lão hòa thượng Hư Vân (Ảnh chụp màn hình)

Nói tới lão pháp sư Viên Quán, ông vừa có thể lên Trời vừa có thể xuống đất, quả thực là không gì không biết, không gì không thể. Thực ra, vị lão pháp sư này chính là Quán Thế Âm Bồ Tát biến thành. Pháp sư Khoan Tịnh vô cùng xúc động, ông vội vàng quỳ bái. Bình thường ông luôn tâm niệm Quán Thế Âm Bồ tát, nhưng lần này thực sự được gặp Đức Quán Âm, ông lại không biết nên nói gì.

Sau đó, một nhóm người vào sân trong của “Đâu Suất Thiên” để lễ bái Phật Di Lặc. Phật Di Lặc trông như thế nào? Pháp sư Khoan Tịnh kể rằng Phật Di Lặc hoàn toàn không giống với “Đức Phật bụng to, hay cười” mà nơi thế gian chúng ta hay thờ cúng. Bồ Tát Di Lặc chân chính có thể nói là có pháp tướng trang nghiêm, có 32 tướng, 80 loại thiện, tướng mạo vô cùng thù thắng. Đức Phật Di Lặc đưa ra nhiều khai thị, nhưng có lẽ do Thiên cơ không thể tiết lộ, nên sau đó pháp sư Khoan Tịnh không thể nhớ hết, cũng không tiện công bố rộng rãi.

Sau khi nghe Di Lặc thuyết Pháp, họ đi đến một lầu các khác, thì có một vị võ tướng ăn vận trang phục như triều nhà Minh dẫn họ vào bên trong. Lúc này, Tiên nữ lấy ra một chiếc bánh ngọt làm từ mật hoa để chiêu đãi mọi người. Hương vị của chiếc bánh thơm ngon không gì sánh nổi, rất ngon miệng, ăn một miếng là cảm thấy rất no, đồng thời cảm thấy tràn đầy năng lượng.

Đại sư Phúc Vinh, người đã tiếp hòa thượng Hư Vân và pháp sư Khoan Tịnh, nói: “Trên Trời lấy mật hoa dùng làm thức ăn. Người nơi nhân gian mà được ăn mật hoa này, có thể chữa khỏi bệnh, kéo dài tuổi thọ, người già có thể trẻ lại, hãy ăn thêm chút, sẽ có lợi đó”.

Sau này, pháp sư Khoan Tịnh quả thực thân thể cường tráng và trẻ hơn trước.

Đại sư Phúc Vinh cũng nói: “Người trên Thiên giới ham nhàn hạ sung sướng, không muốn tu hành, chính là giống như những người giàu sang quyền quý ở nhân gian, họ không muốn xuất gia, chỉ ngồi hưởng thụ hạnh phúc trước mắt, đâu biết được rằng khi chưa ra khỏi Tam giới, lục đạo luân hồi, cũng không thoát khỏi sinh tử”.

Đại sư Phúc Vinh cũng nói: “Người trên Thiên giới ham nhàn hạ sung sướng, không muốn tu hành, chính là giống như những người giàu sang quyền quý ở nhân gian, họ không muốn xuất gia, chỉ ngồi hưởng thụ hạnh phúc trước mắt, đâu biết được rằng khi chưa ra khỏi Tam giới, lục đạo luân hồi, cũng không thoát khỏi sinh tử” (Ảnh chụp màn hình)
Đại sư Phúc Vinh cũng nói: “Người trên Thiên giới ham nhàn hạ sung sướng, không muốn tu hành, chính là giống như những người giàu sang quyền quý ở nhân gian, họ không muốn xuất gia, chỉ ngồi hưởng thụ hạnh phúc trước mắt, đâu biết được rằng khi chưa ra khỏi Tam giới, lục đạo luân hồi, cũng không thoát khỏi sinh tử” (Ảnh chụp màn hình)

Những người như thế giờ đang nghe Đức Phật Di Lặc giảng Pháp, sau này còn phải giáng xuống nhân gian để đi theo Đức Phật Di Lặc cứu độ chúng sinh, chân chính chứng đạo Bồ Tát thì mới thoát khỏi sinh tử.

Hòa thượng Hư Vân cũng căn dặn pháp sư Khoan Tịnh rằng, vào thời kỳ mạt pháp, không nên ham sung sướng hưởng lạc, cũng không nên trốn tránh gian khổ, nghịch cảnh, mà nên ra sức khuyên kẻ ác giác ngộ, quay đầu hướng thiện. Trong gian khổ, ác liệt mà có thể kiên trì theo trí tuệ và chính Pháp của Đức Phật, mới có thể thật sự đắc Đạo.

Sau khi họ trò chuyện một lúc, Bồ Tát Quán Thế Âm đến và đưa pháp sư Khoan Tịnh ra sân trước để thăm quan cảnh trên Trời. Nơi đó hoa tươi sắc rực rỡ, các loại Tiên cầm kỳ điểu, Tiên hoa dị thảo, lộng lẫy đẹp mắt. Các loại đình viện, chùa chiền, sảnh đường, bảo tháp đều phát ra ánh sáng, thật sự là Tiên cảnh trên Trời, nhân gian không có gì sánh được.

Lúc này, Quán Thế Âm Bồ Tát chỉ vào một bảo tháp to lớn hơn núi Côn Luân cho pháp sư Khoan Tịnh xem. Ông thấy bảo tháp tỏa ra hàng trăm ánh sáng chói lọi, thật uy nghiêm tráng lệ. Hóa ra đó là nơi ở của Thái Thượng Lão Quân, được gọi là “Đại tháp luyện đan”, xung quanh nó có rất nhiều cây linh nguyên Đạo gia. Pháp sư Khoan Tịnh được giới thiệu rằng, nếu một người tu luyện Tiên pháp rất tốt, cây linh nguyên ở Thiên giới sẽ nở hoa đẹp đẽ, nếu không nó sẽ không có sức sống, thậm chí khô héo và chết.

Pháp sư Khoan Tịnh nhìn ngắm như bị mê đi, Bồ tát Quan Âm đã thúc giục ông, nói rằng thời gian không còn nhiều, bây giờ cần đến thế giới Tây Phương Cực Lạc, nơi đó còn thù thắng, mỹ diệu hơn Thiên giới rất nhiều.

Bái kiến Đức Phật A Di Đà

Sau khi rời khỏi “Đâu Suất Thiên”, pháp sư Khoan Tịnh một lần nữa bước lên đài sen và bay lên Trời, bên tai ông chỉ nghe thấy tiếng gió rít chứ hoàn toàn không cảm nhận được sức cản của gió. Vẻ đẹp của Thiên giới trôi qua nhanh chóng. Khoảng trong một khắc, họ đã đến bãi đất trải đầy cát vàng, nhìn thấy rất nhiều hàng cây cao mấy chục thước, cành vàng lá ngọc, có lá hình tam giác, có lá hình ngũ giác, có lá hình thất giác, mỗi thân cây đều phát sáng và nở hoa, có đủ loại chim rực rỡ, tuyệt đẹp đậu trên đó. Một số loài chim có hai hoặc nhiều đầu, hai cánh hoặc nhiều cánh, chúng bay lượn tự do, hót Thánh hiệu của Phật A Di Đà, khắp chung quanh đều có lan can nhiều màu sắc.

Nhiều âm thanh giọng nói truyền tới tai pháp sư, nhưng nói gì thì ông không hiểu chút nào. Bồ Tát Quán Thế Âm nói với ông rằng, chỉ Đức Phật A Di Đà có thể hiểu được.

Sau đó, họ tiếp tục bước đi, và chẳng mấy chốc họ đến một ngọn núi lớn bằng vàng, cao gấp nhiều lần so với núi Nga Mi ở Trung Quốc. Trong thâm tâm pháp sư Khoan Tịnh biết rằng, họ đã đến được trung tâm của “Thế giới Tây Phương Cực Lạc”.

Bồ Tát Quán Âm lúc này khoát tay nói: “Tới rồi, Phật A Di Đà đang ở ngay trước mặt ông, ông có thấy không?”.

Pháp sư Khoan Tịnh nhìn xung quanh, ngạc nhiên nói: “Ở đâu? Tất cả những gì tôi thấy chỉ là một bức tường đá lớn che khuất tầm mắt của tôi”.

Bồ Tát Quán Âm lúc này khoát tay nói: “Tới rồi, Phật A Di Đà đang ở ngay trước mặt ông, ông có thấy không?”. Pháp sư Khoan Tịnh nhìn xung quanh, ngạc nhiên nói: “Ở đâu? Tất cả những gì tôi thấy chỉ là một bức tường đá lớn che khuất tầm mắt của tôi”. (Ảnh chụp màn hình)
Bồ Tát Quán Âm lúc này khoát tay nói: “Tới rồi, Phật A Di Đà đang ở ngay trước mặt ông, ông có thấy không?”. Pháp sư Khoan Tịnh nhìn xung quanh, ngạc nhiên nói: “Ở đâu? Tất cả những gì tôi thấy chỉ là một bức tường đá lớn che khuất tầm mắt của tôi”. (Ảnh chụp màn hình)

Không ngờ, Bồ Tát Quán Âm trả lời: “Hiện ông đang đứng trên đầu ngón chân của Phật A Di Đà”.

Pháp sư Khoan Tịnh thực sự ngạc nhiên, Đức Phật A Di Đà to lớn như vậy, làm sao ông có thể nhìn thấy Ngài. Hiện giờ pháp sư chỉ giống như một con kiến, ở dưới tòa nhà chọc trời 100 tầng, cho dù ông có ngước nhìn lên bao nhiêu cũng không thể nhìn thấy toàn cảnh tòa nhà.

Sau đó, pháp sư Khoan Tịnh quỳ xuống và cầu nguyện sự gia trì của Đức Phật A Di Đà. Trong khoảnh khắc, ông cảm thấy cơ thể mình không ngừng cao lên, cho đến khi cao ngang rốn của Đức Phật A Di Đà, ông nhìn thấy Đức Phật A Di Đà đứng trước mặt mình, với vô số tầng lớp hoa sen dưới chân Ngài. Trên cánh hoa là tầng tầng thắng cảnh bảo tháp, phát ra muôn vàn hào quang, mà nhìn kỹ trong những ánh hào quang này còn có Phật, đều đang ngồi ngay ngắn trong ánh sáng vàng rực rỡ. Pháp tướng của Phật A Di Đà trang nghiêm, ánh mắt như biển cả bao la, đây không phải là từ hình dung. Pháp sư Khoan Tịnh nói rằng, nó thực sự lớn như đại dương ở nhân gian. Lúc này, Viên Quán lão pháp sư cũng biến trở lại hình tướng Quán Thế Âm Bồ Tát, toàn thân màu vàng trong suốt, y phục phát ra ngàn vạn hào quang, thân hình Quán Thế Âm Bồ Tát cũng rất cao lớn, ước chừng cao tới vai của Phật A Di Đà.

Pháp sư Khoan Tịnh nhìn say mê, đến nỗi không nói được lời nào. Khi tỉnh lại, ông cầu xin Đức Phật A Di Đà gia hộ cho ông thoát khỏi sinh tử. Đức Phật A Di Đà đáp: “Quán Thế Âm Bồ Tát đã dẫn con đến đây và thăm quan nhiều nơi, con có thể đi nhưng sau đó con phải trở lại nhân gian”.

Thấy cảnh đẹp của đất Phật, ai lại muốn trở lại nhân gian đầy đau khổ chứ? Vì vậy, pháp sư Khoan Tịnh cay đắng cầu xin Đức Phật A Di Đà thương xót và cho ông ở lại. Đức Phật A Di Đà đọc bài kệ, ý nghĩa là, pháp sư Khoan Tịnh trong hai kiếp trước đã sống ở thế giới Cực Lạc, và bản thân đã phát nguyện trở lại nhân gian để cứu độ chúng sinh, cha mẹ và quyến thuộc. Giờ pháp sư Khoan Tịnh phải trở về để hoàn thành tâm nguyện của mình, truyền đạt tình hình của thế giới Cực Lạc cho nhân gian, để giáo hóa thế nhân.

Sau khi Đức Phật đọc bài kệ, pháp sư Khoan Tịnh đột nhiên cảm thấy toàn thân chấn động, tất cả những ký ức trước đây hiện lên sống động trong tâm trí ông, hiểu rõ được sứ mệnh và tâm nguyện của mình. Pháp sư Khoan Tịnh cũng không còn cầu xin Đức Phật A Di Đà thu nhận mình nữa. Sau khi lễ bái Đức Phật, pháp sư Khoan Tịnh đi thăm quan cõi Cực Lạc.

Tại đây, ông đã chứng kiến và trải nghiệm nhiều điều khó tin, và nói ra nhiều bí mật của Phật quốc. Những điều đó như thế nào, chúng ta sẽ tìm hiểu ở phần sau.

(Còn tiếp) - xem tiếp Phần 2

Theo Epoch Times

Minh An biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Tây Phương Cực Lạc thế giới du ký (P1): Cao tăng độn nhập tới thế giới Cực Lạc, gặp Quan Âm Bồ Tát