Tên cướp nghĩa hiệp thấy điều kì lạ, đòi lại công lý cho huynh đệ kết nghĩa bị giết oan [Radio]

Giúp NTDVN sửa lỗi

Người ta thường nói “trộm cướp cũng phải có đạo”, nghĩa là làm nghề trộm cướp cũng phải có những chuẩn tắc hành vi nhất định, không làm trái lẽ trời, thậm chí có kẻ trộm cướp "giữa đường gặp chuyện bất bình chẳng tha". 

Vào thời Trung Hoa Dân Quốc có một câu chuyện như sau.

Một thương nhân từ Giang Tô đến Ninh Hạ để làm ăn, ông kiếm được rất nhiều tiền. Ông thích ngựa tốt, xuất hành phải luôn cưỡi ngựa tốt. Vì lo sợ gặp trộm trên đường về nhà, nên ông đã thay toàn bộ số tiền lãi bằng những lá vàng rồi giấu dưới yên ngựa. Trên đường đi, bởi vì bề ngoài nhìn ông dường như không có bất kỳ vật gì có giá trị, nên không ai để ý tới ông.

Người thương nhân thích ngựa tốt, xuất hành phải luôn cưỡi ngựa tốt.
Người thương nhân thích ngựa tốt, xuất hành phải luôn cưỡi ngựa tốt. (Wikipedia commons)

Tuy nhiên, vào một ngày nọ, có một người đàn ông trông vạm vỡ cưỡi ngựa đi theo sát phía sau. Người thương nhân đi nhanh, người đó cũng đi nhanh, người thương nhân đi chậm lại, người kia cũng đi chậm lại. Người thương nhân biết rằng mình gặp phải kẻ cướp rồi, nhưng im lặng không dám lên tiếng.

Ban đêm người thương nhân vào nhà trọ nghỉ, trên cướp cũng vào nhà trọ nghỉ. Ngày hôm sau, người thương nhân lên đường, tên cướp cũng lên đường. Sau hai ngày theo dõi, tên cướp dần dần bắt đầu trò chuyện với người thương nhân và khen ngợi chiến mã của ông. Người thương nhân cũng rất thích thú và khen con ngựa quý mà tên cướp đang cưỡi. Hai người trò chuyện càng ngày càng thân mật hơn, đến khi tên cướp hỏi tên tuổi và nơi ở của người thương nhân, thì người thương nhân sợ hãi và không nói thật.

Khi ở lại quán trọ vào ban đêm, tên cướp muốn kết nghĩa huynh đệ với người thương nhân, ông không dám từ chối. Sau khi lễ bái, tên cướp nói: “Danh tính và chỗ ở mà huynh nhắc tới là không có thật. Dù đệ là kẻ cướp, nhưng khi đệ đã kết nghĩa với huynh, thì nhất định sẽ không làm hại huynh. Xin cho biết danh tính thật của huynh.”

Thế là người thương nhân nói thật ra danh tính của mình.

Tên cướp hỏi: “Huynh có mang theo những thứ có giá trị không?”

Lúc đầu người thương nhân né tránh trả lời, tên cướp cười và nói: “Làm sao huynh có thể qua được mắt đệ, nhưng làm sao đệ có thể lấy tiền của huynh được?”

Người thương nhân mới nói thật ra là giấu trong yên ngựa. Tên cướp quyết định tháp tùng người thương nhân cho đến khi về đến nhà, để ông không gặp phải rắc rối nữa.

Khi đến cổng nhà của người thương nhân, ông mời tên cướp vào nhà uống rượu để tỏ lòng biết ơn, tên cướp nói có việc khác và sẽ quay lại. Hai người buồn rầu cáo biệt nhau.

Một thời gian sau, tên cướp xong việc và đến nhà thương nhân để đàm đạo chuyện cũ, nhưng vợ người thương nhân nói rằng người thương nhân chưa trở về. Tên cướp lại hỏi tiếp phải chăng sau khi ông ấy về rồi lại đi tiếp, nhưng vợ người thương nhân nói: “Mấy năm rồi ông ấy không về.”

Tên trộm sinh nghi, khi thấy yên ngựa của người thương nhân ở góc sân.
Tên trộm sinh nghi, khi thấy yên ngựa của người thương nhân ở góc sân. (Wikipedia commons)

Vì thế mà tên cướp sinh nghi, khi thấy yên ngựa của người thương nhân ở góc sân, trong tâm ông còn nghi ngờ hơn.

Đêm đó, tên cướp nằm mơ thấy người thương nhân nói: “Vàng dưới yên ngựa, thân này chết oan”.

Thế rồi hôm sau tên cướp đi hỏi hàng xóm rằng họ có thấy người thương nhân đã trở về nhà không, họ đều bảo không nhìn thấy ông ấy. Tên cướp lại hỏi gần đây nhà của người thương nhân có điều gì bất thường không. Một người hàng xóm nói rằng anh ta đã thấy nhà người thương nhân bán một con ngựa.

Lúc đó, tên cướp kết luận rằng người thương nhân kết nghĩa huynh đệ với mình đã bị giết, và đến quan phủ để báo án, dùng yên ngựa để làm bằng chứng quan trọng. Vợ của người thương nhân đã được truyền lệnh đến công đường, nhưng cô ấy vẫn khăng khăng rằng chồng mình chưa trở về. Quan xử án hỏi chuyện bán ngựa thì người vợ bao biện là do có người chủ nợ lấy ngựa gán nợ, mà con ngựa kia cũng không dùng vào việc gì nên mới bán đi. Khi hỏi về cái yên ngựa. Người vợ lại bảo rằng người chủ nợ không dùng. Còn cái yên trong sân là yên cũ bỏ hoang lâu ngày. Vụ án dường như đã đi vào ngõ cụt.

Nhưng tên cướp vẫn không nản chí. Hắn hỏi vợ người thương nhân: “Có cái gì trong yên ngựa không?”

Vợ người thương nhân hỏi lại: “Yên ngựa thì chỉ là cái yên ngựa, làm sao có cái gì được?”

Tên cướp nói: “Cái yên ngựa này là của chồng cô dùng, trong yên ngựa có giấu lá vàng. Tôi đi về nhà cùng với chồng cô nên mới biết chuyện này.”

Quan xử án liền sai người đến kiểm tra yên ngựa, quả nhiên trên yên ngựa tìm thấy mấy lá vàng. Vợ người thương nhân đành phải nói ra sự thật khi đối mặt với bằng chứng. Hóa ra đúng lúc chồng cô về thì tình nhân của cô đang ở trong nhà không thể rời đi ngay được. Sau khi người vợ chuẩn bị thức ăn cho chồng, sau khi người chồng ăn xong, họ nhân lúc ông đang tắm rửa mà giết hại ông, rồi bán ngựa, bỏ yên. Đến đây, vụ việc mới sáng tỏ, người vợ thương nhân và tình nhân của cô đã bị trừng trị theo luật pháp.

Sau khi xử án xong, quan phủ hỏi tên cướp có quan hệ như thế nào với người thương nhân, tên cướp nói: “Tôi đã kết nghĩa huynh đệ với ông ấy, tôi đứng lên vì cảm thấy bất bình cho ông ấy. Bây giờ chuyện đã xong, tôi rời đi, những việc khác không cần truy vấn nữa.”

Người ta đều nói hắn là một tên cướp nghĩa hiệp.

Lam Sơn
Theo Epochtimes



BÀI CHỌN LỌC

Tên cướp nghĩa hiệp thấy điều kì lạ, đòi lại công lý cho huynh đệ kết nghĩa bị giết oan [Radio]