Tết Trung Thu không chỉ là ăn bánh, mà còn hàm chứa nhiều ý nghĩa khác

Giúp NTDVN sửa lỗi

Từ bao đời nay, con người đều có niềm yêu thích đặc biệt đối với trăng, dù là nỗi lòng của người tha hương nhớ về người thân, hay cảm hoài của những người khách qua đường, dường như đều nhớ về ký ức đã ngủ quên theo năm tháng.

Vầng trăng sáng trong Tết Trung thu, từ xưa đến nay luôn được đông đảo công chúng và cả những thi sĩ gửi gắm với nhiều tư tưởng và ý nghĩa nhân văn khác nhau, ánh trăng cũng là hình ảnh thường thấy trong sáng tác thơ ca. Tết Trung thu là sự cầu phúc của trăng rằm, ánh trăng tròn mang trong mình ký ức văn hóa lâu đời và tình cảm thân thuộc. Kế thừa từ bao đời nay, các nghi lễ, phong tục như cúng Trung thu, cúng trăng, thưởng trăng, rượu thơm, bánh trung thu vẫn được tiếp tục.

Tế trăng vào dịp trung thu

Văn hóa Á Đông là văn hoá Thần truyền, các lễ nghi và văn hóa ban đầu đều bắt nguồn từ việc tế lễ các vị thần Thiên, Địa, Nhật, Nguyệt, Núi, Sông. Thuật ngữ "Tết Trung Thu" lần đầu tiên xuất hiện trong "Chu Lễ - Xuân Quán": "Đêm Trung Thu đón cái lạnh".

Trong lịch pháp cổ đại, mỗi mùa trong bốn mùa được chia thành ba tháng: Mạnh, Trọng, Quý. Tháng thứ hai của mùa thu là Trọng Nguyệt, tức là Trọng Thu, ngày mười lăm giữa tháng được gọi là Trung Thu.

Trong Lễ Ký có ghi chép: "Dạ minh, tế nguyệt dã." Tế trăng vào đêm Trung Thu là một chế độ điển hình và nghi lễ tế tự thời cổ xưa. Kể từ thời nhà Chu đã việc tế tự triêu nhật và dạ nguyệt, triêu nhật vào ngày Xuân Phân, dạ nguyệt vào ngày Thu Phân. Chính là ngày mười lăm tháng 2 Xuân Phân, vào ban ngày hướng về phía đông cúng tế mặt trời; ngày 15 tháng 8 Thu Phân, vào ban đêm hướng về phía tây cúng tế mặt trăng.

Trong "Minh sử - Chí nhị thập ngũ - Lễ tam" có ghi: “Nhật nguyệt thứ thiên địa, xuân phân dương khí phương vĩnh, thu phân âm khí hướng trường, tác tế dĩ lưỡng phân, vi đắc âm dương chi nghĩa.” Xuân Phân, Thu Phân, chính là những ngày mà ngày đêm dài bằng nhau.

Ngày Trung Thu chính vào ngày Thu Phân trăng tròn, nên “Trăng rằm Trung Thu hết sức sáng”, là thời điểm thích hợp nhất để cúng trăng, ngày lễ lớn. Trong nghi lễ dạ nguyệt, Hoàng đế làm lễ tế và thực hiện nghi lễ cầu nguyện cho quốc thái dân an. Sách "Hán thư" ghi chép: "Thiên tử xuân triêu nhật, thu tịch nguyệt, triêu nhật dĩ triêu, tịch nguyệt dĩ tịch" Ngoài ra, tế các vị Thần vào Tết Trung thu, phải do các võ quan đại thần mới được lên đàn tế dạ nguyệt.

Từ thuở ban đầu chỉ có Hoàng đế tế trăng, dần dần dân gian cũng bắt đầu tế trăng, cúng trăng, cho đến thời Trung Hoa Dân quốc, mỗi dịp Tết Trung Thu, người người nhà nhà đều theo nghi thức truyền thống bày bàn hương án và cúng tế. Ngày nay, Nguyệt Đàn ở phía tây Tử Cấm Thành là nơi Hoàng đế dâng lễ lên mặt trăng.

Cho đến khi Đảng Cộng sản Trung Quốc được thành lập vào năm 1949, văn hóa truyền thống và các quan niệm đạo đức đã từng bước bị phá hủy, người ta bắt đầu gọi Tết Trung Thu là Tết Bánh Trung Thu, sớm đã đánh mất đi nội hàm của các nghi lễ, giống như câu “Bất học lễ, vô dĩ lập" của Khổng Tử, mọi người chỉ đơn giản lưu lại tập tục ăn bánh Trung Thu và mở tiệc ăn uống. Một số màn trình diễn trang phục cổ xưa, tế tự thiên địa nhật nguyệt, chỉ là để thu hút khách du lịch mà thôi.

Trong "Luận ngữ", có câu "Tế như tại, tế Thần như Thần tại". Khổng Tử nói: “Ngô bất dữ tế, như bất tế”. Chính là nói, khi thành tâm, thì khi tế lễ giống như có Thần có mặt ở đó. Tốt hơn hết là đừng tế bái nếu không tự mình tế tự. Nếu không, các nghi thức biểu diễn chính thức là trò đùa giả dối và lừa bịp, và tác hại sẽ còn lớn hơn.

Nguồn gốc của Tết Trung Thu

Tương truyền, ba người Đường Huyền Tông, cùng Thân Thiên Sư và Đạo sĩ Hồng Đô, vào đêm Trung thu, Thiên Sư làm phép du ngoạn ban đêm tại Nguyệt cung. Nghe tiếng tiên nhạc vang đến, thanh lệ uyển chuyển mà động lòng người. Đường Huyền Tông vốn thông hiểu âm luật, ghi nhớ trong lòng, sau khi trở về liền sáng tác nhạc phẩm nổi tiếng "Nghê thường vũ y khúc", bài hát này chỉ nên có trên trời, dưới thiên hạ mới nghe được mấy lần. Chỉ sau đó, người dân mới bắt đầu có phong tục Tết Trung Thu.

Tết Trung Thu, là một lễ hội, bắt đầu từ thời nhà Đường và thịnh hành vào thời nhà Tống, đến thời nhà Minh và nhà Thanh, lễ hội tương tự như Tết Nguyên đán của Trung Quốc, và nó vẫn tiếp tục cho đến ngày nay. Khi ngắm trăng, dưới ánh trăng, người ta kể về những câu chuyện về mặt trăng đã được lưu truyền từ hàng nghìn năm nay. Chẳng hạn như Hằng Nga bay lên cung trăng, Ngô Cương chặt quế, thỏ ngọc giã thuốc, Đường Huyền Tông du ngoạn cung trăng, những cố sự này khiến buổi đêm trung thu càng thêm có ý vị. Chắc hẳn nhiều người từ nhỏ đã từng được nghe người lớn kể cho những câu chuyện liên quan đến mặt trăng như thế.

Nguồn gốc của việc ăn bánh trung thu vào ngày tết trung thu

Những chiếc bánh trung thu để cúng trăng ban đầu rất to. “Đế kinh cảnh vật lược” thời nhà Minh ghi chép rằng: “Ngày rằm tháng tám, khi cúng tế trăng, bánh trái phải hình tròn, bánh có đường kính bằng hai thước”. "Yên kinh tuế thời ký" vào thời nhà Thanh cũng ghi chép rằng "[Bánh trung thu] lớn hơn một thước, có hình con cóc và con thỏ ở cung trăng", cho thấy bánh trung thu thời này cũng được làm rất tinh xảo. Sau khi lễ cúng trăng được lưu truyền vào dân gian, các loại bánh trung thu ngày càng đa dạng.

Theo truyền thuyết, danh tướng Lý Tĩnh thời Đại Đường chinh phạt người Hung nô và chiến thắng trở về vào ngày 15 tháng 8. Một số thương nhân từ Thổ Phồn đã tặng bánh cho Đường Cao Tổ Lý Uyên để chúc mừng chiến thắng. Cao Tổ cầm lấy chiếc bánh hình tròn, mỉm cười chỉ mặt trăng và nói: Nên mời con cóc ăn bánh. Sau đó, đem bánh chia cho quần thần. Từ đó mới có tục ăn bánh trung thu.

Đến cuối thời nhà Nguyên, Chu Nguyên Chương khởi binh chống lại triều đình nhà Nguyên của Mông Cổ, cũng đã dùng bánh trung thu để bí mật truyền tin. Khi mọi người mua bánh về nhà, họ tìm thấy mẩu giấy ghi dòng chữ "ngày 15 tháng 8 giết Thát tử" nằm trong bánh trung thu, mọi người cùng nhau hưởng ứng. Cứ thế, tập tục ăn bánh trung thu vào Tết Trung thu vẫn được tiếp tục.

“Tây hồ du lãm chí” thời nhà Minh ghi chép rằng “Ngày 15 tháng 8 là Tết Trung Thu, nhân gian dùng bánh trung thu để thể hiện ý nghĩa đoàn tụ.” Vào ngày này, mâm quả cúng trăng phải là tròn, ngụ ý đoàn viên. Lễ vật cúng trăng sẽ được Thần mặt trăng ép nhập những phước lành vào trong đó, nên mọi người chia bánh cho nhau ăn sẽ được Thần mặt trăng ban phước lành.

Ngô Cương chặt quế

Sách "Hoài Nam Tử" thời Tây Hán ghi chép rằng: "Trên cung trăng có cây quế".

Trong thơ Lí Bạch cũng có câu:

Dục khảm nguyệt trung quế

Trì vi hàn giả tân.

(Muốn chặt cây quế trên cung trăng

Làm củi tặng cho những người bị lạnh sưởi ấm)

Lục Du cũng có câu thơ:

“Trừ khước quân sơn tương thủy bình,

Trước khước quế thụ nguyệt cánh minh”

(Bạt hết núi Quân để nước sông Tương phẳng lặng;

chặt hết cây quế để trăng càng sáng)

Các góc nhìn khác nhau đều cho thấy có cây quế trên cung trăng.

Đoạn Thành Thức thời nhà Đường viết "Dậu dương tạp trở", trong đó "Quyển một - Thiên chỉ" có ghi chép chi tiết hơn: "Cách nói xưa cây quế trong Mặt trăng, sách cũ nói cây quế cao 500 trượng, dưới gốc có một người chặt cây mãi, cứ chặt xong là dấu chặt liền lại. Người ấy họ Ngô tên Cương quê ở Tây Hà, tu tiên có lỗi bị phạt chặt cây ”

Ngô Cương tu tiên phạm lỗi, bị trừng phạt đến Mặt trăng chặt cây quế cao tới 500 trượng, nhưng cây quế này chặt xong lại tự liền lại. Có lẽ là nhờ vào phương thức đó để ma luyện tâm tính của Ngô Cương, và tiêu trừ nợ nghiệp do sai lầm của ông mang đến.

Trong sách cũng nói: "Thích thị thư nói rằng ở phía nam núi Tu Di có cây Diêm Phù, khi mặt trăng đi qua, bóng cây đổ vào mặt trăng." Theo kinh điển của Đức Phật Thích Ca, cây Diêm Phù ở phía nam của núi Tu Di, khi mặt trăng đi qua, bóng cây đổ vào mặt trăng. Như vậy, cái cây trên mặt trăng mà mọi người đứng trên trái đất nhìn thấy là bóng của cây Diêm Phù.

Cây quế vào thời xa xưa, mỗi tháng hoa đều nở, đến Tết Trung thu thì nở rộ. Trong bài thơ của Tống Chi Vấn đời Đường viết: "Hoa quế rơi xuống mặt trăng, thiên hương theo mây trôi đi", mùi thơm hoa quế kéo dài mãi, không hổ danh là thiên hương.

Điều thú vị là chu kỳ nở của hoa quế giống như chu kỳ trăng tròn, mỗi tháng một lần, giống như cây quế bất tử bị Ngô Cương đốn hạ, rồi sau khi nó tự phục hồi lại sinh cơ bừng bừng. Nhân gian lấy câu “thiềm cung chiết quế" để chỉ những người đỗ khoa hương.

Thỏ ngọc giã thuốc

Lý Bạch có câu thơ: “Bạch thố đảo dược thu phục xuân” (Thỏ trắng giã thuốc mãi thu rồi lại xuân). Mô tả xuân đi rồi thu đến, thỏ ngọc vẫn miệt mài giã thuốc.

Nguyệt thố lần đầu tiên được nhìn thấy trong "Thiên vấn" của Khuất Nguyên “Nguyệt trung cố thố". Trong bài “Đổng đào hành” của Nhạc Phủ thời Đông Hán có câu:

Hái lấy ngọn cây trên núi thần dược, thỏ trắng giã thành viên thuốc cóc, dâng lên bệ hạ một đĩa ngọc, uống thuốc này có thể đắc Thần Tiên”.

"Bác vật chí" thời nhà Tấn cũng nói: "Con thỏ mang thai trong khi nhìn vào mặt trăng, và nôn ra một thỏ con từ miệng của mình".

Nghĩa là thỏ trong thiên hạ đều là thỏ cái, liếm lông nhìn thỏ ngọc trên cung trăng mà mang thai, rồi từ trong miệng mà nôn ra thỏ con.

Nhắc đến chuyện này, thì trong “Phong Thần diễn nghĩa" có một cố sự về Cơ Xương nôn ra con: Trụ Vương đã giết chết con trai cả của Cơ Xương là Bá Ấp Khảo, rồi làm thành bánh cho Cơ Xương ăn để thăm dò Cơ Xương. Mặc dù Chu Văn Vương Cơ Xương biết đó là thịt của con trai mình nhưng vẫn ngậm ngùi mà ăn vì tương lai sau này. Trên đường trở về Tây Kỳ, trong tim như bị dao cắt, ông nhổ ra ba miếng thịt và biến thành ba con thỏ trong gió, đó là đồng âm với “Thổ tử". Ba con thỏ là ba linh hồn của Bá Ấp Khảo, sau đó biến thành một con thỏ, và được Hằng Nga đưa đến Cung trăng theo lệnh của Nữ Oa.

Hằng nga bay lên cung trăng

Câu chuyện về Hằng Nga bay lên cung trăng đã được lưu truyền rộng rãi, đó là mối tình biệt ly kẻ chốn nhân gian người trên thiên thượng giữa Hậu Nghệ và Tiên tử cung trăng.

Khi ta ngước nhìn lên vầng trăng sáng sẽ luôn nghĩ đến Hằng Nga. Lý Thương Ẩn có câu:

Thường Nga ưng hối thâu linh dược,
Bích hải thanh thiên dạ dạ tâm.

(Thường Nga chắc hẳn hối hận đã ăn trộm thuốc thiêng
Hằng đêm phơi bày tấm lòng giữa nơi trời xanh, biển biếc)

Trong bài thơ “Đề Mỹ Nhân” của Biên Cống thời Minh viết:

Cộng tại nhân gian thuyết thiên thượng,
Bất tri thiên thượng ức nhân gian.

(Khi cùng ở nhân gian luôn nhắc đến trên trời
Biết đâu khi ở trên trời lại nhớ nhân gian.)

Tất cả đều muốn biểu đạt rằng, thân nhân trên trời mong muốn đoàn viên sum họp với người nhà dưới nhân gian, đây có thể là ý nghĩa ban đầu của câu chuyện.

Nhật nguyệt thay đổi, ứng với nhân gian

Sự thay đổi của nhật nguyệt trên bầu trời, ứng với sự thay đổi dưới nhân gian. Người xưa quan sát thiên tượng mà biết được thịnh suy ở nhân gian.

Vào thời Tây Hán, "Diêm Thiết luận" của Hoàn Khoan nói: "Vì vậy, ánh nắng mặt trời hưng thịnh ở trên, thì các loại khí âm biến mất ở dưới. Mặt trăng tròn trên bầu trời, và ngao và trai hưng thịnh trong vực thẳm. Nếu bề tôi không ra bề tôi thì âm dương không điều hòa, nhật nguyệt thay đổi. Nếu chính trị và tôn giáo không đồng đều thì lũ lụt và hạn hán bất thường, và những con bướm đêm sẽ phát triển. Thảm họa này cũng là ứng với dị tượng"

Chính là nói, khí dương tỏa mạnh ở trên, âm biến mất ở dưới, trăng tròn treo trên trời, ngao dưới nước sẽ đầy. Vì vậy, khi không bậc quân thần bất nhân thì âm dương không hòa hợp, mặt trời và mặt trăng sẽ bất thường, khi giáo hoá triều chính không đồng đều thì lũ lụt, hạn hán sẽ xảy ra, các loài gây hại cũng sẽ xảy ra. Đây là thiên tai báo ứng sau khi mặt trời và mặt trăng thay đổi. Sách còn nói: “Người làm việc thiện thì trời phù hộ cho”, “kẻ làm ác thì trời giáng tai họa”.

Bài thơ "Trung thu" của Lý Phác viết:

Giảo thố không tòng đàn ngoại lạc,
Yêu mô hưu hướng nhỡn tiền sinh.
Linh sai nghĩ ước đồng huề thủ,
Cánh đãi ngân hà triệt để thanh.

(Thỏ lạc tung tăng vui múa hát
Cung thiềm khuất bóng biệt tăm hơi
Cầm tay tri kỷ, thầm mong ước
Ngắm dải Ngân trong vắt cuối trời.)

Khí phách của bài thơ này và câu thơ:

Thiên tương kim dạ nguyệt,
Nhất biến tẩy hoàn doanh.

(Ông trời dùng sắc trăng như nước của đêm nay
Để tẩy rửa tất cả trời đất nhân gian),

trong bài thơ “Bát nguyệt thập ngũ dạ ngoạn nguyệt” của Lưu Vũ Tích, tất cả đều thể hiện hy vọng rằng hoàn vũ sẽ được thanh tẩy, thiên thượng và nhân gian sẽ đoàn viên

Trăng nay thì đã từng soi người xưa

Trong bài thơ “Bả tửu vấn nguyệt" của Lý Bạch có câu:

Kim nhân bất kiến cổ thì nguyệt,
Kim nguyệt tằng kinh chiếu cổ nhân.

(Người ngày nay không thấy bóng trăng xưa.
Trăng nay thì đã từng soi người xưa.)

Vầng trăng sáng xuyên qua quá khứ và hiện tại đã soi bóng những bậc hiền nhân xưa kia mà chúng ta vô cùng kính ngưỡng, chúng ta cùng chung một vầng trăng sáng. Vậy vầng trăng sáng vì ai mà tròn? Phải chăng vì bạn đang đắm chìm trong cõi hồng trần, xem tha hương thành quê nhà của mình, mà quên mất người thân ở quê hương đang mong ngóng bạn trở về.

Đến đây ta mới hiểu được nỗi niềm sâu sắc của Lí Bạch trong câu thơ:

Cử đầu vọng minh nguyệt,
Đê đầu tư cố hương.

(Ngẩng đầu nhìn vầng trăng sáng,
Cúi đầu lại thấy nhớ quê nhà)

Vượt qua muôn vàn khó khăn, rồi cuối cùng viên mãn trở về cố hương.

Lam Sơn
Theo Soundofhope



BÀI CHỌN LỌC

Tết Trung Thu không chỉ là ăn bánh, mà còn hàm chứa nhiều ý nghĩa khác