Tham lam trục lợi cầu tài, đến khi đại hoạ cũng hoài kiếp nhân

Giúp NTDVN sửa lỗi

Đại dịch xưa nay thời nào cũng có, tuy nhiên mỗi thời mỗi cách đối đãi khác nhau và kết quả mang lại cũng khác nhau...

Thời xưa nhiều lần đại dịch bạo phát, cướp đi sinh mạng của không ít người, tuy nhiên trong cái đại nạn tưởng chừng như không có lối thoát ấy vẫn có người bình an vô sự, sống trong vùng đại dịch lại được chở che tựa chốn an nhiên. Phải chăng đây phần nhiều đều là nhờ vào đức tin thiện ác hữu báo, nhân quả trường tồn của cổ nhân?

Đức tin là cội nguồn hạnh phúc.

Cổ nhân quan niệm: “Sinh tử hữu mệnh, phú quý tại thiên", tin rằng vận mệnh của con người từ trước khi sinh ra đều đã được an bài, phúc họa khó lường. Duy chỉ có người hiền lương, hữu tâm trọng đức mới có thể có được một đời vận mệnh hanh thông.

Tuy nhiên thời thế khác nhau, tạo thành những quan niệm đạo đức khác nhau, chí hướng theo đuổi cũng lại khác nhau. Thời xưa khi quan niệm tín Thần trọng đức được đề cao, người ta cũng dễ tin tưởng vào nhân quả tuần hoàn, tin vào sự tồn tại của linh hồn con người sau khi chết.

Phật gia quan niệm: “Vạn sự tại thế gian, ấy đều là ảo ảnh”, hay như câu: “Sống gửi thác về", thì chết không phải là hết, chết chỉ là sự khởi đầu của một hành trình mới. Vậy nên đối với họ, cái chết không đáng sợ, điều đáng sợ ấy là sống không có lương tâm - sống trái thiên, nghịch đạo còn đáng sợ hơn cả cái chết.

cái chết không đáng sợ, điều đáng sợ ấy là sống không có lương tâm
Cái chết không đáng sợ, điều đáng sợ ấy là sống không có lương tâm. (Ảnh: Shutterstock)

Khi cái chết đã không còn đáng sợ, khi con người đã tìm ra chân lý, và hiểu rằng: cái mà người ta truy cầu chính là giá trị cao thượng từ tâm hồn chứ chẳng màng tới được mất thế nhân... thì tiền tài, danh vọng dẫu nhiều cũng chẳng ích gì, bởi suy cho cùng, đời người trăm năm dẫu dài cũng tựa như bóng câu qua cửa, chớp mắt đã chẳng còn.

Trong cuốn Quần Thư Trị Yếu có chép lại một câu chuyện như sau:

Vào những năm Hàm Ninh (275-280) phát sinh ôn dịch. Có người nọ tên là Dữu Cổn, trong nhà có một người anh và một người em bị trúng ôn dịch qua đời, người anh thứ hai tên là Dữu Bì cũng đang trong cảnh nguy kịch. Dữu Bì khuyên em hãy bỏ mặc mình để cùng cha mẹ và người khác mau chóng rời đi nơi khác. Tuy nhiên dù anh trai nói thế nào Dữu Cổn cũng không nghe, anh ta ân cần sắp xếp cho cha mẹ và mọi người rời đi nơi khác tránh dịch, còn mình thì quyết tâm ở lại ngày đêm chăm sóc cho anh.

Không chỉ hết lòng chăm sóc người anh bị bệnh, Dữu Cồn còn tận tình nhang khói linh cữu cho hai người - anh và em ruột - đã chết, thủ tròn đạo nghĩa.

Trăm ngày qua đi, ôn dịch đã ngừng, người nhà cũng lần lượt trở về. Điều khiến cho mọi người kinh ngạc đó là Dữu Bì không những không chết mà bệnh cũng khỏi, còn Dữu Cổn càng bình an vô sự, không hề bị lây nhiễm dịch. Mọi người đều nói: “Người này không phải người thường, có thể giữ vững cương vị mà người khác không thể giữ vững, có thể kiên định làm điều mà người khác không thể làm”. Tuy nhiên Dữu Cổn chỉ đáp rằng: “Ôn dịch tuy rất đáng sợ, nhưng so với nỗi sợ cốt nhục phân ly thì không có gì đáng nói".

Phải chăng “Ma bắt tùy mặt, dịch nhiễm tuỳ người", chúng ta làm người mà có thể kiên tâm thủ đức, biết nghĩ cho người khác, lại thiện lương đối đãi với mọi việc thì trời đất cũng che chở, ôn dịch cũng xa lìa.

“Ma bắt tùy mặt, dịch nhiễm tuỳ người"
“Ma bắt tùy mặt, dịch nhiễm tuỳ người" (Ảnh chụp màn hình phim Tam Tự Kinh)

Khi mắt nhắm, tay buông chúng ta mang theo được những gì?

Ngược lại với xã hội ngày xưa, ngày nay con người phần nhiều coi trọng vật chất, đối với tín ngưỡng nơi Thần Phật, và niềm tin vào nhân quả, họ đã không còn coi trọng như trước nữa. Vậy nên khi đối diện với tai kiếp đều hoang mang sợ hãi, không biết tìm đâu cho ra lối thoát. Thậm chí có người cũng vì thế mà dẫn đến cực đoan vô độ, ném tiền, đốt nhà tự sát. Trong khi đó, nguyên nhân khiến cho con người mắc bệnh thì có tới 7 phần tư tưởng, 3 phần mới là bệnh thực sự. Vì hoang mang sợ hãi nên có người chưa chết vì bệnh mà đã chết vì sợ rồi.

Đọc đến đây có thể có người sẽ phản biện rằng: "sống còn chửa thấy đâu, nói gì đến chết, tiền tài địa vị hiện tại mới là thực tế"... Vậy chúng ta hãy thử dành đôi phút để đọc câu chuyện sau, biết đâu sẽ có cái nhìn khác cho riêng mình, tìm được cho mình một điểm tựa để vượt qua tai kiếp:

Một chàng trai sau khi vừa chết đi, anh ta mới nhận ra rằng cuộc đời thật ngắn ngủi. Lúc này anh ta nhìn thấy Thiên sứ tay cầm một chiếc hộp nhỏ bước về phía mình rồi nói: “Được rồi chúng ta đi thôi”.

Chàng trai nói: “Đời người thật ngắn ngủi, con vẫn còn rất nhiều việc chưa hoàn thành”.

Thiên sứ: “Thật đáng tiếc, nhưng thời gian của con hết rồi”.

Chàng trai: “Chiếc hộp trên tay ngài trong đó có gì vậy?”.

Thiên sứ: “Là di vật của con”.

Hình minh hoạ Thiên Sứ
Hình ảnh minh hoạ (Ảnh: Shutterstock)

Chàng trai nghi hoặc hỏi: “Là di vật của con? Ý của ngài là đồ của con, là quần áo và tiền tài sao?”.

Thiên sứ: “Những thứ đó trước nay chưa khi nào thuộc về con cả, chúng thuộc về thế gian”.

Chàng trai lại hỏi: “Phải chăng là ký ức của con?”.

Thiên sứ: “Không phải, nó thuộc về thời gian”.

Chàng trai lại đoán: “Vậy chắc là thiên quốc của con?”

Thiên sứ: “Không, đó thuộc về cảnh giới”.

Chàng trai lại hỏi: “Lẽ nào lại là bạn bè và gia đình của con?”.

Thiên sứ nhìn chàng trai: “Không, bạn bè, gia đình đó đều thuộc về con đường mà con đã đi qua”.

Chàng trai: “Có phải vợ và con con?”.

Thiên sứ: “Không, đó thuộc về trái tim con”.

Chàng trai: “Vậy có phải đó là thân thể con?”.

Thiên sứ”: “Không, thân thể con, nó thuộc về cát bụi”.

Cuối cùng chàng trai khẳng định: “Vậy nhất định nó là linh hồn của con rồi”.

Thiên sứ nhìn chàng trai cười nói: “Con trai, con hoàn toàn sai rồi, linh hồn của con nó thuộc về ta”.

Chàng trai nghe vậy hai mắt ngấn lệ nhìn Thiên sứ, Thiên sứ đưa chàng trai chiếc hộp. Chàng trai từ từ mở nắp ra xem, thật bất ngờ, bên trong chiếc hộp không hề có gì cả, tất cả đều… trống không.

Chàng trai ủ rũ bi thương nhìn Thiên sứ hỏi: “Lẽ nào trước nay con chưa từng có thứ gì hay sao?”.

Thiên sứ: “Đúng vậy, thế gian không có thứ gì thuộc về con cả”.

Chàng trai: “Vậy thứ gì là thuộc về con?”.

“Vậy thứ gì là thuộc về con?”
“Vậy thứ gì là thuộc về con?” (Ảnh NTDTV tổng hợp)

Thiên sứ: “Khi con sống, mỗi một khoảnh khắc nó là của con”.

Kỳ thực, sinh mệnh chân chính của chúng ta chính là sống thực tại với từng khoảnh khắc mà mình đang có. Một khi khoảnh khắc đó đã qua đi thì nó lại chẳng phải là của chúng ta nữa. Sống tốt với từng khoảnh khắc chính là một thắng lợi, đấu tranh tiền tài cũng chỉ là trò chơi vô bổ, khỏe mạnh mới là mục đích, vui vẻ mới là chân lý.

Sinh mệnh con người là ngắn ngủi, chúng ta cần phải trân quý mỗi một khoảnh khắc, mỗi một người xung quanh chúng ta, không nên tranh đấu mà cũng chẳng cần tức giận, câu thông thấu hiểu lẫn nhau mới là minh trí. Tại vì mỗi phút qua đi, đời mỗi ngắn, cuối cùng đều phải phân ly, còn bên nhau ấy là còn duyên nợ, khi xa rồi muốn gặp cũng có được đâu.

Nhân sinh tại thế là một chuỗi dài lựa chọn, là phúc, là hoạ ấy đều do lựa chọn của mình, dù cho tai kiếp có lớn đến đâu, ôn dịch có bạo phát ra sao thì ở đâu đó vẫn có con đường, có lối thoát cho con người cất bước. Bởi thế mà xưa nay có biết bao tấm gương, có biết bao là kỳ tích về lòng tín ngưỡng, kính Trời thoát nạn, tín Phật thoát thiên tai đó sao?

Là phúc, là hoạ ấy đều bởi do ta, là ta vậy...

Minh Vũ



BÀI CHỌN LỌC

Tham lam trục lợi cầu tài, đến khi đại hoạ cũng hoài kiếp nhân