Thân người khó được, Phật Pháp khó tìm: Chuyện vượn già trong núi nghe Kinh

Giúp NTDVN sửa lỗi

[Radio] - Con người là anh linh vạn vật, được làm người đã khó, được tu Chính Pháp lại càng khó lắm thay. Có kẻ không trân quý thân người mà nắm lấy cơ duyên tu luyện, nhưng ở nơi núi sâu rừng thẳm lại có con vượn già khao khát được học Pháp, nghe kinh. 

Nghe thêm: Radio Văn Hóa

Tại huyện Cát Thủy, quận Lư Lăng, tỉnh Giang Tây (nay là thành phố Cát An, tỉnh Giang Tây, Trung Quốc) có ngọn núi Đông Sơn. Tòa núi này thanh kỳ tú lệ, nhìn từ xa giống như một bức tranh thủy mặc, thế núi trải dài hàng trăm dặm, có thể nói là hùng trấn một phương. Đến thời Hậu Đường những năm Thiên Thành (926-930) có một vị thiền sư đến Đông Sơn, dựng một thảo am bên vách đá trên đỉnh núi để làm nơi tu hành.

Nơi đây cây cao rừng rậm, đường núi hiểm trở gập ghềnh, cảnh vật hoang sơ vốn không phải nơi con người sinh sống. Chỉ những tiều phu vào rừng sâu đốn củi mới tình cờ thấy thiền sư đang tọa thiền bên gốc cây tùng. Một đàn chim ngậm quả dại bay đến đặt trước mặt thiền sư, ông thong thả nhặt từng quả đưa lên miệng, còn đàn chim thì chờ ông ăn xong mới bay đi. Người tiều phu cảm thấy vô cùng kinh ngạc, liền trở về kể lại những gì tai nghe mắt thấy cho bạn bè và xóm làng nghe. Rất nhiều người ôm giữ tâm hiếu kỳ liền lũ lượt tìm đến thảo am thăm thiền sư.

nhiều người ôm giữ tâm hiếu kỳ liền lũ lượt tìm đến thảo am thăm thiền sư
Nhiều người ôm giữ tâm hiếu kỳ liền lũ lượt tìm đến thảo am thăm thiền sư. (Ảnh: Một phần bức tranh của Lư Hồng, thời Đường)

Dân làng kéo đến thảo am thấy thiền sư đang nằm nghỉ, một con thỏ trắng đang ủ ấm chân cho ông, còn một con nai thì đang “đứng gác” bảo vệ ông. Đồ đạc trong am vô cùng sơ sài, thiếu thốn, mái nhà tranh mỏng mảnh chẳng đủ chống chọi những ngày mưa gió. Thấy vậy, dân làng bèn chung tay góp sức, người thì đi tìm tre và gỗ, người thì chuẩn bị vật liệu để xây chùa, rất nhanh chóng mọi thứ đã sẵn sàng.

Ngay trước lúc khởi công xây dựng, thiền sư mời các thôn dân đến và nói: “Có thể các vị thường ngày vẫn hay ăn thịt, uống rượu. Nhưng nơi đây Sơn Thần rất linh thiêng, mong các vị ngàn vạn lần đừng khinh dễ mạo phạm. Các vị thấy sao?”

Các công nhân đồng thanh nói: “Trưởng lão cứ yên tâm, trong lúc xây chùa chúng tôi sẵn lòng đoạn huân giới tửu”.

Cứ như thế một tháng trôi qua, có công nhân trong lòng luôn thôi thúc ăn thịt, đến lúc không thể nhẫn chịu thêm được nữa, cậu liền xuống núi vài ngày rồi lại quay lại. Đúng lúc cậu đang đẽo gỗ thì đột nhiên hai con hổ từ đâu nhảy chồm đến, đứng trước mặt người công nhân này rồi gầm lên một tiếng dữ tợn. Người công nhân vô cùng hoảng loạn, thiền sư thấy vậy liền nói: “Xem ra thí chủ đã phạm giới, vậy thí chủ hãy nói thực cho bần tăng rõ, bần tăng sẽ có cách khiến chúng phải rời đi”.

Người công nhân liền cởi chiếc túi vải đeo bên hông ra đưa cho thiền sư và kể lại rằng: “Sáng nay khi đi ngang qua chợ Lao Kiều tôi đã mua một miếng thịt bò chín, định bụng làm chút đồ nhắm cho bữa cơm trưa nay. Ngài xem, miếng thịt vẫn còn đây”.

Thiền sư nói: “Ra là vậy”, rồi cắt miếng thịt thành hai khúc đưa cho hổ ăn, sau đó vỗ vào lưng hổ và nói: “Sơn Tử, hãy về đi”.

Tiếng nói vừa dứt, hai con hổ liền biến mất không còn trông thấy nữa. Từ đó, danh tiếng thiền sư càng ngày càng vang xa, người đến kính bái cũng ngày một nhiều hơn. Dân chúng khắp nơi gửi đến rất nhiều tiền của và vải vóc, có nơi còn cung tiến thêm nguyên vật liệu để xây chùa. Số vật phẩm bố thí như nước đổ dồn về Đông Sơn, chẳng bao lâu sau một ngôi chùa trang nghiêm tráng lệ được hoàn thành.

Vào ngày khánh thành, thiền sư đăng đàn thuyết Pháp để cảm tạ các vị thí chủ hảo tâm. Khi thiền sư giảng đến chỗ huyền diệu cao thâm của Phật Pháp, các Thiên nữ trên trời rải hoa lấp lánh. Một lát sau, dưới thiền đường hiện ra năm chiếc giếng, bên trong mỗi giếng chứa đầy gạo, mì, dầu, muối và rau quả. Thiền sư phân phát những thứ ấy cho mọi người, ông nói: “Đây là cúng phẩm của năm vị Long Vương khắp ngũ phương. Vậy từ nay chúng ta hãy gọi ngọn núi này là Long Tế Sơn, và gọi tên chùa là Thanh Lương Tự”.

Hiện nay, trên núi Long Tế vẫn còn một chiếc giếng, tương truyền là giếng đựng đồ cúng phẩm năm xưa.

(Ảnh: “Long cung thủy phủ đồ” của Chu Ngọc, thời Nguyên)
(Ảnh: “Long cung thủy phủ đồ” của Chu Ngọc, thời Nguyên)

Xung quanh chùa Thanh Lương có rất nhiều cây cao lớn sum sê, tán lá rậm rạp che khuất cả bầu trời. Dưới gốc cây có một phiến đá lớn bằng phẳng, ngày ngày thiền sư vẫn thường ngồi trên đó tụng đọc kinh thư. Một con vượn già nằm nghỉ trên cây, mỗi ngày đều nghe thiền sư niệm kinh, đến mức nó đã thuộc nằm lòng từng nhất cử nhất động của ngài.

Một ngày, thiền sư tình cờ ra ngoài, con vượn già liền trèo xuống khỏi cây, mặc áo cà sa và cầm cuốn kinh thư lên rồi lật ra xem xem. Vừa hay thiền sư quay lại đã chứng kiến toàn bộ sự việc, con vượn già thấy mình bị phát hiện thì sợ hãi, loạng choạng rời đi. Thiền sư khẽ mỉm cười, trong tâm ông minh bạch rằng: “Con vượn này đã lĩnh ngộ Phật Pháp rồi”.

Hôm sau, có một vị tú tài từ Hiệp Châu đến thăm chùa Thanh Lương. Thiền sư đã biết rõ thân thế vị tú tài, liền mời anh ta vào chùa gặp mặt. Chỉ thấy vị tú tài mặc một bộ áo đen, quấn khăn cũng màu đen, cử chỉ có phần vụng về. Vị tú tài hành lễ cúi chào, rồi giới thiệu rằng mình tên là Viên Tốn, sau đó lại nói về lai lịch và những điều bản thân đã trải qua. Cuối cùng, anh ta lấy ra một phong thư đưa cho thiền sư, trình bày những chiêm nghiệm của bản thân về sinh mệnh và nhân sinh, hy vọng ngài có thể thu nhận anh ta làm đồ đệ để “chỉ dẫn kẻ lầm lạc tìm đến con đường niết bàn, để bản thân bước lên bến bờ giác ngộ”.

Thiền sư xem xong liền khen rằng: “Thí chủ quả là bậc tuấn tài, tinh thông kinh điển, nhận thức cũng chẳng hề nông cạn, nhất định sẽ làm rạng rỡ sơn môn. Nhưng chỉ có một điều bất tiện, bần tăng không thể không nói với thí chủ”.

Vị tú tài chắp tay cung kính xin được chỉ giáo. Thiền sư nói: “Nếu thí chủ buộc tóc và quàng khăn trên đầu, thì Phật giáo nơi bần tăng gọi là ‘Mộc hầu nhi quan’ (con vượn mặc áo, đội mũ, nhưng rốt cuộc vẫn không phải là người). Còn nếu thí chủ cắt tóc, tháo khăn, cởi áo, thì Nho giáo chỗ thí chủ gọi là ‘Nho danh Mặc hành’ (ngôn luận như Nho gia, nhưng hành vi lại giống như Mặc gia). Thí chủ nghĩ xem, hai tình huống này nên xử trí thế nào đây?”.

Viên Tốn cung kính cúi lạy nhưng trong lòng bất an, trên mặt lộ rõ vẻ ngượng ngùng. Qua một lúc rất lâu sau, thiền sư nói tiếp: “Nếu tâm đã hướng Thiền, thì ngại gì tục y kiểu cách? Hy vọng thí chủ đừng để ngoại hình câu thúc thân tâm. Phật Pháp quảng đại, có thể bao dung hết thảy”.

Sau đó thiền sư liền sắp xếp cho Viên Tốn ở trong căn phòng phía tây, để anh ta trông nom các tiểu hòa thượng. Viên Tốn tuy thiên tính thông minh, nói năng mẫn tiệp, nhưng lại chỉ thích chơi đùa vui vẻ: Khi thì nhảy lên xà nhà giống như con khỉ nhỏ, khi lại ngồi song bàn trên giường và trùm chăn lên đầu, nói với các tiểu hòa thượng rằng: “Đây là hiện thân của Bạch Y Quan Âm”. Có lúc Viên Tốn chui vào bàn thờ Phật, ngồi dang hai chân ra và bôi lên mặt một thứ màu xanh đậm, rồi nói: “Ta là Hồng Sơn Đại Thánh đến giám sát món cơm chay”. Có lúc Viên Tốn thả con rắn nhỏ vào trong bát, nói đó là “hàng long”, lại có lúc trói con mèo xuống dưới ghế, gọi đó là “phục hổ”.

Những trò nghịch ngợm của Viên Tốn càng ngày càng khiến các tăng nhân khó chịu, đến lúc không thể chịu đựng thêm được nữa, họ liền kéo nhau lên thiền phòng bẩm báo với sư phụ. Thiền sư chỉ cười và nói: “Không sao, anh ta chỉ là chứng nào tật nấy mà thôi, không có gì đáng ngại, các con cứ đối đãi tốt với anh ta như trước kia là được”.

Các tăng nhân nghe sư phụ dặn dò, không ai còn dám nói thêm gì nữa. Nhưng Viên Tốn thì vẫn theo thói cũ, khi thì bày trò tinh nghịch, nhưng cũng có lúc thi hứng dạt dào thì cầm bút làm thơ vịnh cảnh vật trên núi.

Một ngày, thiền sư cho gọi Viên Tốn đến, nói với anh ta rằng: “Tú tài, hôm nay đã đến ngày 30 tháng Chạp rồi”.

Ông liền theo đó xướng lên một bài kệ:

“Vạn Pháp thiên môn tổng thị không,
Mạc tư khiếu nguyệt cánh ngâm phong
Giá tao đả cá phiên cân đẩu
Khiêu nhập bì lư giác hải trung”

Tạm dịch:

Vạn Pháp nghìn môn thảy đều Không
Chẳng nhớ ngâm nga ngắm gió trăng
Giờ đây nếu bị lộn nhào ngã
Nhảy vào biển giác tắm Phật quang

Viên Tốn đột nhiên đại ngộ, bèn làm hai bài kệ đáp lời thiền sư:

“Tuyền thạch yên hà thủy mộc trung,
Bì mao tuy dị tính linh đồng
Lao sư vi thuyết vô sinh kệ
Ngộ đáo vô sinh thủy thị không

Vạn chủng lâu tiềm lâm đại tiết
Thiên ban kỹ lưỡng mộc sào nam
Tòng kim đạp phá tam sinh lộ
Hữu thậm thiền cơ cánh yếu tham?”

Tạm dịch:

Trong suối, đá, cây, nước với sương
Da lông tuy khác, tính tương đồng
Nhờ thầy thuyết giảng vô sinh kệ
Ngộ rằng vô sinh khởi đầu Không

Vạn chủng lâu tiềm lâm đại tiết
Ngàn loại bản lĩnh tổ cành nam
Từ nay tam sinh đường đã phá
Còn thiền cơ nào cần tu thêm?

Đọc xong, Viên Tốn liền ngồi ngay ngắn viên tịch.

Viên Tốn liền ngồi ngay ngắn viên tịch. (Tranh Winnie Wang)

Thiền sư tập hợp chúng tăng lại và nói: “Vị tú tài này không giống như chúng ta, các con đừng vội đem nhục thân của anh ta đi hỏa táng, mà hãy chờ thêm một chút, quan sát cẩn thận xem sao”.

Các tăng nhân vây quanh Viên Tốn quan sát kỹ càng, mới phát hiện ra tú tài là một con vượn. Đến lúc này thiền sư mới kể lại ngọn nguồn câu chuyện, các tăng nhân đều tán thán cho là chuyện kỳ lạ. Trước lúc châm lửa hỏa táng, thiền sư khẽ vuốt tay lên đỉnh đầu Viên Tốn và nói: “Hai trăm năm sau, con sẽ thực hiện được tâm nguyện của mình”.

Đến năm Nam Độ cuối cùng triều Tống (năm 1130), có một phụ nữ mang thai sắp đến kỳ sinh nở. Một ngày, bà mộng thấy có con vượn khệnh khạng bước vào trong phòng, đêm ấy bà sinh hạ được một bé trai, tướng mạo phảng phất giống như loài vượn. Khi lớn lên cậu bé bắt đầu bén duyên với cửa Phật, kiên quyết đòi cha mẹ cho xuất gia. Cha mẹ cậu không còn cách nào khác đành phải đồng ý, bèn đưa cậu đến chùa Long Tế Sơn, tại đây cậu bé lấy Pháp danh là Tông Mâu, chính thức bắt đầu con đường tu hành. Sau này Tông Mâu tu luyện tinh tấn, đạo hạnh cao thâm, được hổ chầu, vượn phục, có thể biến hóa thần kỳ, người đời kính trọng gọi ông là nhục thân Bồ Tát.

Thiền sư Tông Mâu lấy Pháp hiệu Chi Vân, các tăng nhân trong chùa đều gọi ông là Chi Vân Mâu Thiền Công. Trong cuộc đời mình ông đã để lại mười cuốn danh ngôn, bốn quyển văn tập, được các tăng nhân chùa Long Tế Sơn suy tôn là Trọng Khai Sơn Tổ Sư. Vào ngày thiền sư Tông Mâu viên tịch, có đàn hổ từ trong núi kéo đến đứng quanh tòa tháp, cúi đầu gửi lời chào vĩnh biệt thiền sư.

(Tư liệu tham khảo: “Tiễn đăng dư thoại” quyển 1, Lý Trinh)

Minh Hạnh
Theo Huệ Minh - Sound of Hope



BÀI CHỌN LỌC

Thân người khó được, Phật Pháp khó tìm: Chuyện vượn già trong núi nghe Kinh