Thân nơi quán nhậu đời, tâm ở chốn huyền không

Giúp NTDVN sửa lỗi

Có thời gian, nếu muốn trao đổi điều gì bí mật với bạn hữu, tôi bàn với họ vào quán nhậu rồi hãy nói. Trong đó chỉ có người nói, không có người nghe, cho nên rất bảo mật thông tin, dù là ngồi sát cạnh người lạ cũng an toàn. Về cơ bản, hiện chúng ta đang ở bên trong một quán nhậu rất lớn.

Thời thơ ấu, tôi thích lên núi. Vì núi chẳng gần nhà nên tôi cũng ít được đi, nhưng đi lần nào là nhớ lần ấy.

Khi ấy, tôi cũng chẳng hiểu vì đâu mình có sở thích này. Có lẽ vì trên núi có không khí mát lành, hoa thơm bướm lượn, chim ca trong lá, ánh sáng chan hòa, khung cảnh hùng vĩ.

Như lần đi Côn Sơn Kiếp Bạc lúc chưa đầy 10 tuổi. Tôi hăm hở như không biết mệt mỏi leo từng bậc thang rêu bám lên đến tận đỉnh Côn Sơn, nơi ngày xưa cụ Nguyễn Trãi đánh cờ. Nghe tiếng thông reo vi vút trong gió, tôi thấy trong lòng như có suối chảy qua, mát và sảng khoái, có lẽ cũng vì ảnh hưởng bởi bài Côn Sơn Ca của thi hào Nguyễn Trãi.

"Côn Sơn suối chảy rì rầm
Ta nghe như tiếng đàn cầm bên tai
Côn Sơn có đá rêu phơi
Ta ngồi trên đá như ngồi nệm êm
Trong ghềnh thông mọc như nêm
Tìm nơi bóng mát ta lên ta nằm
Trong rừng có bóng trúc râm
Dưới màu xanh mát ta ngâm thơ nhàn”.
(Côn Sơn Ca – Nguyễn Trãi)

Tranh chân dung Nguyễn Trãi, vẽ trên lụa
Tranh chân dung Nguyễn Trãi, vẽ trên lụa. (Ảnh: Wikipedia)

Sau này khi lớn lên, tôi mới hiểu vì đâu mà mình yêu Côn Sơn, nói rộng hơn là yêu cảnh núi non, là vì mình yêu cảm giác yên bình, tĩnh tại. Cảnh vật làm cho lòng người cũng dịu xuống, đầu óc thanh thản, nghĩ được nhiều điều sáng.

Cũng như sở thích vãn cảnh chùa xưa của tôi. Tôi thích đi chùa vào mùa vắng, ngôi chùa trên núi vắng bóng khách thập phương, chỉ có tiếng khánh, tiếng mõ văng vẳng của các sư tăng trong giờ đọc kinh. Khi đi Chùa Hương tôi chẳng ham cầu cúng, chỉ mong một lần được nhìn thấy cảnh vật như họa bức tranh thuần tịnh: “Rừng mơ hiu hắt lá mơ rơi” trong thi phẩm Cô hái mơ của cụ Nguyễn Bính. Vậy mà chưa bao giờ được toại nguyện.

Đấy là mơ ước được “tức cảnh sinh tình”.

Nhưng khi tôi lớn lên, những cảnh trí cô tịch u nhã ấy ngoài đời đã biến mất. Nơi nào cũng cuồn cuộn, nườm nượp những người. Ở những danh lam thắng cảnh nơi thế giới văn minh mà tôi có may mắn đặt chân đến, tôi cũng không tìm được cảm giác yên bình ngày nhỏ ở Côn Sơn. Chẳng cần phải nói đến những lễ hội địa phương ồn ào, nhốn nháo và đủ thứ bất cập nữa.

Đời cứ thế trôi đi, luôn luôn bị vây bọc trong âm thanh ồn ã của cuộc sống hiện đại. Ngoại cảnh và tâm người hình như cũng có sự tương thông cảm ứng, ngoại cảnh ồn ào, tâm cũng chẳng lặng yên. Khó mà nghĩ được điều gì thực sự sáng suốt trong khung cảnh ấy. Khi có nhiều tiếng nói trong lòng cất lên thì nghe cái gì đây? Có thể một giai đoạn nào đó trong cuộc đời, chúng ta sẽ phải tạm sống như thế, nhưng ngày qua ngày, tháng qua tháng, năm qua năm... trong nhịp sống quay cuồng, nhộn nhạo ấy thì có ổn không? Có cảm giác mình đang sống theo kiểu quay lên lộn xuống như trong một chiếc máy giặt. Tâm không tĩnh thì đời sẽ gặp nhiều sai lầm phiền toái. Và sống rất vô nghĩa.

Có thời gian, nếu muốn trao đổi điều gì bí mật với bạn hữu, tôi bàn với họ vào quán nhậu rồi hãy nói. Trong đó chỉ có người nói, không có người nghe, cho nên rất bảo mật thông tin, dù là ngồi sát cạnh người lạ cũng an toàn. Ở một góc độ nào đó, hiện chúng ta đang ở bên trong một quán nhậu rất lớn.

Có một câu chuyện minh họa như sau. Một ông bố sôi sục vào phòng tìm đồng hồ mà không thấy. Nhưng đợi cho bố ra ngoài, người con trai vào phòng tìm thì lại thấy. Bố hỏi: “Sao con tìm được?” Con trai trả lời: “Con ngồi yên lặng thì mới nghe được tiếng tích tắc của nó, thì mới tìm được”.

Có lúc, tôi thèm muốn được ngồi một mình trong yên lặng. Lúc ấy không ham muốn gì, tâm tình không bị kích động, bỗng nhiên tôi nhớ lại được nhiều sự việc, kiểm điểm lại được mình về những điều sai quấy. Tôi có thể nghĩ được những điều hay ho, sáng tạo và độc đáo mà trong vòng xoáy mưu sinh loạn động không lúc nào dừng, tôi khó mà làm được.

Có lúc, tôi thèm muốn được ngồi một mình trong yên lặng.
Có lúc, tôi thèm muốn được ngồi một mình trong yên lặng. (Ảnh: Shutterstock)

Vì vậy, với người đang có tâm tình kích động, tôi chẳng nói gì. Khi người ta giận dữ, khi dục vọng gào thét, khi ghen tức đố kỵ, hay sợ hãi bất an, hay vui sướng cuồng điên… những lúc nhân tâm đang nổi lên cuồn cuộn thì trong đầu người ta có hàng ngàn tiếng nói tranh nhau giành ảnh hưởng. Lúc ấy mình nói làm sao lọt tai họ được. Có lẽ, một cái vỗ vai thân ái của người đủ thân tình lại có tác dụng hơn.

Sau này, khi đã trưởng thành hơn trên con đường tìm Đạo, tôi mới hiểu. “Côn Sơn” hay những miền danh thắng an hòa tĩnh tại ở ngoài đời đã không còn nữa. Giống như cái cách những quán nhậu, những tụ điểm vui chơi ồn ào sôi động đã chèn ép thô bạo những “Côn Sơn” hiền lành nên thơ ấy phải bật đi đến không còn vết tích, khuất vào miền xa thẳm trong ký ức những người yêu cái đẹp, trở thành một nỗi luyến tiếc khôn nguôi. Vì thế, cái “Côn Sơn” ấy nên tìm và chỉ có thể tìm được ở trong lòng mình, dù cho xung quanh mình là quán nhậu.

Lúc ấy, sau khi đã tạm buông bỏ được những tạp âm của những giận dữ, lo lắng, muộn phiền, trách cứ, đau khổ, sợ hãi, ham muốn… thì tôi nghe được tiếng nói sáng suốt của tâm mình khe khẽ cất lên. Vì lời hay bao giờ cũng khiêm nhường và lặng lẽ, không tranh về âm lượng nhưng sáng, thấm và ấm.

Và dòng suối trong mát hồi nhỏ lại róc rách trong tâm hồn. Tôi đã về lại với Côn Sơn.

Nguyên Phong



BÀI CHỌN LỌC

Thân nơi quán nhậu đời, tâm ở chốn huyền không