‘Thần thoại miền nhân thế’ - Khi thế nhân khởi tâm kính Thần…

Giúp NTDVN sửa lỗi

Có một giọng thơ mới xuất hiện trên thi đàn trong vài năm trở lại đây nhưng đã gây được ảnh hưởng tốt đẹp trong công chúng yêu thơ và ham chuộng những giá trị đạo đức, văn hóa truyền thống. Nó thuộc về một cư sỹ ẩn danh, có bút danh là "Vô danh cư sỹ".

Tác giả tinh thông không chỉ một thể thơ. Nhưng dù là khi sử dụng các thể thơ kinh điển như Thất ngôn, Ngũ ngôn; hay giản dị và giàu tình cảm như Lục bát; nhịp nhàng nhuần nhị như Song thất lục bát… thì thi phẩm nào cũng mang theo những lớp giá trị nội hàm phong phú, vì vậy, những áng thơ ca của Vô danh cư sỹ được đón nhận hào hứng bởi nhiều đối tượng độc giả.

Người sâu dày vốn văn hóa thì say mê ý tứ cao viễn, nội hàm sâu sắc, lời lẽ trau chuốt, thủ pháp điêu luyện của tác giả… Không chỉ vậy, hầu như tác phẩm nào của Vô danh cư sỹ cũng được tô điểm bởi những điển tích, điển ngôn trong văn hóa truyền thống, và được tác giả sử dụng theo cách hết sức tinh tế và xác đáng. Ví như:

‘Đường đời chật hẹp người chen lấn
Lối Đạo thênh thang hiếm kẻ tìm’...
Nhân sinh một giấc hão huyền
Trăm năm thoắt đã qua miền phù vân!...
(Phá mộng - I).

Hoặc như:
'Người ta không thể tin tướng mặt
Nước biển làm sao lấy đấu đong?'
Chỉ nhìn vào một chữ Tâm
Mới hay lòng dạ xa gần ra sao…
(Nhắn ai tỉnh giấc vô thường).

‘Đường đời chật hẹp người chen lấn; Lối Đạo thênh thang hiếm kẻ tìm’... (Tranh zhengjian)

Hoặc ví như:

Răng người ta rất cứng
Lưỡi người ta rất mềm
Đến khi người trăm tuổi
Răng rụng, lưỡi còn nguyên…

Ồ cớ sao lại thế?
Không phải là ngẫu nhiên
Đời xưa nay vẫn vậy
Nhu hòa thường an yên…
(Ngẫm - I).

Độc giả phổ thông lại cảm động bởi nhân sinh quan gần gũi, câu chuyện giản dị mà lời lẽ thấm thía, tình cảm hồn hậu mà ý tứ hàm súc, như tâm hồn người Việt giàu tình yêu thương được kết tinh trong kho tàng ca dao, tục ngữ mà tác giả vận dụng hết sức nhuần nhị trong các thi phẩm của mình. Chẳng hạn:

Có câu "dại chợ khôn nhà"
Dứt lời đàm tiếu cũng là đức tu
Trong tâm có một "cái chùa"
Sáng trưa chiều tối sớm khuya sửa mình…
(Giữ miệng như giữ bảo bình).

Hoặc như là:

Câu thơ viết dông dài là vậy
Dám đâu khoe bóng bẩy ngọc ngà
Bàn tay biết gửi tặng hoa
Còn thơm thảo chút hương quà từ tâm…

Chẳng dám dạy đối nhân xử thế
Mượn tích xưa mà kể qua loa:
"Đất tốt trồng cây rườm rà
Những người thanh lịch nói ra dịu dàng
Đất xấu trồng cây khẳng khiu
Những người thô tục nói điều phàm phu"(***)...
(Tâm thanh tốt ý đẹp lời).

Hay như mấy câu thơ sau:
Người lịch duyệt thấu rành truyền thống
Kẻ lố lăng “thùng rỗng kêu to”(5)
Qua sông nhờ bến nhờ đò
Người ta cao quý là do nội hàm…
(Trích: Người ta cao quý là do nội hàm).

Qua sông nhờ bến nhờ đò; Người ta cao quý là do nội hàm… (Nguồn: nguyenuoc.com)

Bàng bạc trong một số thi phẩm của Vô danh cư sỹ là cảm giác bâng khuâng như nỗi lòng người lữ thứ phiêu bạt chốn hồng trần nhớ về quê cũ xa lắm và cao lắm, trong ý tứ khoáng đạt hàm chứa xúc cảm ngậm ngùi. Ta như gặp lại nỗi nhớ khôn nguôi về cố hương Thượng giới trong “Tĩnh Dạ Tư” của Lý Bạch, “Tống Biệt” của Tản Đà:

“Nơi miền xa:
Kìa trời xanh ngút ngàn
Cố Hương huy hoàng…

Bao ngàn năm:
Lạc trôi như gió ngàn
Về thôi hỡi nhân gian!...”
(Đêm nhân gian).

Hay như:

Kể từ độ ly hương
Ức kiếp chờ đắc độ
Chúng sinh miền Quê cũ
Mong huynh đệ mỏi mòn

Tấm chân tình sắt son
Thay cho lời tống biệt
Hẹn ngày về Hoàn nguyện
Trượng phu chẳng hai lời!
(Khúc cầm không ly biệt).

Hoặc như là:

Mai mốt xong nguyện rồi
Hát khúc ca khải ngộ
Tinh cầu kia vẫn nhỏ
Tráng sỹ cười, hồi thăng

Tráng sỹ cười hồi thăng
Tinh cầu kia vẫn nhỏ
Cố Hương mừng hội ngộ
Khung thương cùng hân hoan!…
(Tráng sỹ hồi cố quận).

Kìa trời xanh ngút ngàn; Cố Hương huy hoàng… (Ảnh Shen Yun)

Nhưng dẫu thế nào, hầu như tất cả độc giả đều được thuyết phục bởi thiện tâm chan chứa, tấm lòng thiết tha mong mỏi điều tốt đẹp cho con người, cũng như lòng tin mạnh mẽ vào các đấng Thần Phật, và những giá trị đạo đức bất hủ của nhân loại đã trải dài suốt nền văn minh 5000 năm lần này. Đó là đạo lý: “Trên đầu ba thước có Thần linh”, là cổ huấn “Ở hiền gặp lành”, là lẽ “Nhân quả báo ứng”… xưa nay chẳng mảy may sai trật:

“Nhân nhân quả quả đời đời
Sống Chân-Thiện-Nhẫn là người hiền minh
Đấu tranh, giả ác, bất bình
Âm gian sẵn cửa vô sinh đón chờ”...
(“Linh đan diệu dược” tại tâm mỗi người).

Tập thơ "Thần thoại miền nhân thế" của Vô danh cư sỹ gồm 3 quyển. (Tác giả cung cấp)

Thơ của Vô danh cư sỹ có sự tài hoa uyên bác của văn hóa truyền thống, có lòng từ tâm của người theo Phật gia, nâng đỡ người hướng thiện, vạch trần kẻ tà ác, thức tỉnh người trong mê… quả là một hiện tượng thi ca hiếm thấy trong thời đại tân kỳ mà ‘vàng thau lẫn lộn’ này. Thơ này ứng thời vận mà sinh ra, hay người thơ đã được an bài sứ mệnh từ mênh mang viễn cổ?

Xin mến tặng người ‘Vô danh’ mấy vần thơ làm chứng như sau:

Người chẳng cầu danh mà được tiếng
Thơ không chắp cánh vẫn bay xa
Hẳn vì tâm tồn Chân-Thiện-Nhẫn
Một mai hoàn nguyện Trở Về Nhà…

Bạn đọc thân mến! Còn chần chừ gì thêm nữa, mời bạn tiến nhập vào thế giới thơ đầy màu sắc trong trẻo của tác giả Vô danh cư sỹ.

(Bài viết trong lời nói đầu của tập thơ "Thần thoại miền nhân thế" do Nguyên Phong chấp bút)

Nguyên Phong

Văn hoá Văn học


BÀI CHỌN LỌC

‘Thần thoại miền nhân thế’ - Khi thế nhân khởi tâm kính Thần…