Thần tích nước Nam (Kỳ 13): Thần Đồng Cổ - vị Thần cổ đại bảo hộ nước Việt với hai chữ “Hiếu, Trung”

Giúp NTDVN sửa lỗi

Thái tử theo lời, cho hưng công xây dựng, không bao lâu đền dựng xong. Đến khi Lý Thái Tổ mất, thái tử Phật Mã lên ngôi lấy hiệu là Thái Tông. Ngay đêm ấy mộng thấy thần đến báo rằng: “Ba Vương lâu nay hòa bảo dị chí, muốn huy động binh giáp, xin vua sớm lo phòng bị hầu khỏi hậu hoạn”. (4)

Lời tựa:

Trong Sấm ký, bản quốc ngữ Hương Sơn của Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm mở đầu bằng câu thơ: “Nước Nam thường có thánh tài” như một lời khẳng định nước Nam là một vùng đất “địa linh nhân kiệt”. Thành ngữ Trung Hoa có câu “Sơn Tiên Thủy Long” tạm hiểu là: “núi không cần cao vẫn có tiên ở nên danh nổi, nước không vì sâu vẫn có rồng nằm nên hóa linh”, cũng có thể dùng để nói về nước Nam ta vậy.

Bởi thế, nội dung của loạt bài này sẽ là về những Thần tích nước Nam. Đây là những câu chuyện dẫu có lúc chẳng phải chính sử, mà dựa trên huyền sử, dã sử… vẫn bàng bạc sắc màu của văn hóa thần truyền. Dẫu là tác phẩm phóng tác, đôi lúc hư thực khó phân... vẫn thấm đượm tinh thần và hào khí nước Nam.

Đó vẫn là những tài sản tinh thần vô giá của dân tộc Việt và nhân loại nói chung, mà chúng tôi muốn góp phần nhỏ bé để truyền tải và lưu giữ.

(Kỳ 12): Huyền Quang - Tam tổ thiền Trúc Lâm và kỳ án với nàng Điểm Bích

Thần tích nước Nam (Kỳ 13): Thần Đồng Cổ - vị Thần cổ đại bảo hộ nước Việt với hai chữ “Hiếu, Trung”

Thần Đồng Cổ hiển linh bảo hộ xã tắc, giữ gìn Đạo Nghĩa

Ở làng Đan Nê, xã Yên Thọ, huyện Yên Định xứ Thanh có núi Đồng Cổ gồm ba làn cao thấp liên tiếp, nên còn gọi là núi Tam Thai, núi nằm bên bờ phải của sông Mã, bên dưới về phía trái núi là đền Đồng Cổ trầm mặc tựa vào chân núi làm nền. Trong đền này không thờ Phật, không thờ Thánh mà từ xưa lại thờ một chiếc Trống đồng cổ, nghe nói có từ thời vua Hùng, vậy nên mới gọi là đền Đồng Cổ. Nhưng ít ai biết rằng chiếc Trống đồng cổ ấy có linh, gắn với một vị Thần nhiều lần hiển linh bảo vệ giang sơn xã tắc.

Trong đền này không thờ Phật, không thờ Thánh mà từ xưa lại thờ một chiếc Trống đồng cổ, nghe nói có từ thời vua Hùng, vậy nên mới gọi là đền Đồng Cổ. (Ảnh: Tổng hợp)

Xưa kia, có lần Thần đã xin theo giúp Vua Hùng đánh giặc ở Hồ Tôn. Khi thắng trận trở về, Vua Hùng vào đền làm lễ tạ ơn, cho đúc trống đồng và phong cho thần là “Đồng Cổ Đại vương".

Đến năm 986, thần Đồng Cổ lại hiển linh giúp Thập đại tướng quân Lê Hoàn đánh giặc Chăm ở phương Nam tại sông Ba Hòa, Tĩnh Gia, Thanh Hóa. Khi thắng trận, Lê Hoàn đã tạ ơn và ghi cho đền câu đối:

“Long đình tích hiển Tam Thanh lĩnh
Mã thủy Thanh lai Bản Nguyệt Hồ”. (1)

Truyện Báo Cực lại chép đại ý như sau. Năm 1020, thái tử Lý Phật Mã theo lệnh vua cha Lý Thái Tổ đi đánh Chiêm Thành. Khi đến Trường Châu (bờ phải sông Mã, nay thuộc xã Yên Thọ), một đêm nằm mơ thấy một dị nhân khoác nhung phục nói với Lý Phật Mã rằng: “Thần là thần núi Đồng Cổ, nghe Vua đi đánh phương Nam xin theo Vua để lập chiến công” (2). Sau khi đánh thắng Chiêm Thành trở về, thái tử Lý Phật Mã qua Trường Châu làm lễ tạ ơn và xin được rước linh vị của thần Đồng Cổ về kinh đô thờ phụng để giữ nước hộ dân. Về đến Thăng Long, thái tử sai người đi tìm chỗ lập đền nhưng chưa tìm được nơi nào tốt, thì đêm ấy Thần lại báo mộng xin được lập đền trong Đại nội, bên phải chùa Thánh Thọ và nói rằng:

“Chỗ ấy tinh khiết, trông vào lộng lẫy, xét cho tường tận hẳn là có túc nhân vậy” (3)

Thái tử theo lời, cho hưng công xây dựng, không bao lâu đền dựng xong. Đến khi Lý Thái Tổ mất, thái tử Phật Mã lên ngôi lấy hiệu là Thái Tông. Ngay đêm ấy mộng thấy thần đến báo rằng: “Ba Vương lâu nay hòa bảo dị chí, muốn huy động binh giáp, xin vua sớm lo phòng bị hầu khỏi hậu hoạn”. (4)

Vua thức dậy lòng còn nghi hoặc, đến sáng quả nhiên việc xảy ra.

Đó là sáng ngày mùng 3 tháng 3 năm Mậu Thìn (1028), các hoàng tử Võ Đức vương, Dực Thánh vương và Đông Chinh vương đã đem quân đến vây thành để tranh ngôi của Thái tử Lý Phật Mã. Cả kinh thành ồn ào náo loạn. Thái tử Phật Mã vì tình máu mủ chưa biết xử trí ra sao. Lê Phụng Hiểu lúc ấy đang giữ chức Võ vệ tướng quân đã cùng một số tướng khác như Lý Nhân Nghĩa, Dương Bình, Quách Thịnh... đưa quân ra ngăn chặn. Khi quân của Thái Tử và quân của các vương giáp trận, Lê Phụng Hiểu tuốt gươm chỉ thẳng vào mặt Võ Đức vương hét lớn: "Bọn Võ Đức vương ngấp nghé ngôi báu, không coi vua nối vào đâu, trên quên ơn Tiên đế, dưới trái nghĩa tôi con, vì thế thần là Phụng Hiểu xin đem thanh gươm này để dâng". (5)

Danh tướng Lê Phụng Hiểu - Khi sức mạnh và tinh thần thượng võ được dùng đúng chỗ
Lê Phụng Hiểu lúc ấy đang giữ chức Võ vệ tướng quân đã cùng một số tướng khác như Lý Nhân Nghĩa, Dương Bình, Quách Thịnh... đưa quân ra ngăn chặn. (Ảnh: Tổng hợp)

Dứt lời giục ngựa phi nhanh đến bên cạnh Võ Đức vương, chỉ một nhát gươm chém rụng đầu hắn. Địch quân hoảng sợ, không đánh mà tan. Thái tử Phật Mã dẹp được nội loạn mới có thể lên ngôi vua, tức là Lý Thái Tông sau này, đều là nhờ sự can đảm thượng võ và lòng trung nghĩa của Phụng Hiểu cả.

Nhưng việc báo mộng của Thần Đồng Cổ cũng khiến vua Lý Thái Tông lấy làm kinh dị, bèn xuống chiếu phong làm “Thiên Hạ Minh Chủ Thần”, gia thêm tước “Đại Vương”.

Đến năm Trùng Hưng đầu tiên đời vua Trần Nhân Tông, lại phong cho Thần làm “Linh Ứng Đại Vương”. Năm Trùng Hưng thứ tư gia phong thêm cho hai chữ “Chiêu Cảm”. Năm Hưng Long thứ 21 đời vua Trần Anh Tông lại phong thêm cho hai chữ “Bảo Hựu”.

Có thể thấy Thần Đồng Cổ thật là linh ứng và được các triều đại liên tiếp suy tôn.

Hội thề Đồng Cổ - sống làm người phải biết hai chữ “Hiếu, Trung”

Sự biến Tam Vương đời Lý Thái Tông dẫn đến một sự kiện đặc biệt của triều Lý, kéo dài đến hết triều Trần, đó là Hội thề Đồng Cổ. Vua Lý Thái Tông thấy Thần Đồng Cổ thiêng lắm, lại có công báo mộng cho cái họa con cháu bất hiếu, tôi thần bất trung, nên đã tổ chức một Hội thề cho hoàng tộc họ Lý và bá quan văn võ, có Thần Đồng Cổ chứng giám. Hội thề được tổ chức hàng năm vào ngày 25 tháng 3 âm lịch tại đền Đồng Cổ ở làng Đông Xã - Thăng Long (nay là số 353 đường Thụy Khuê, phường Bưởi, quận Tây Hồ, Hà Nội).

Vào ngày này, trước đền đắp một đàn cao, xung quanh cờ xí rợp trời, gươm giáo rợp đất, hàng hàng ngũ ngũ chỉnh tề. Giữa đàn là thần vị Đồng Cổ, quan giám thị điều khiển hội thề. Con em họ Lý, bá quan văn võ từ phía Đông đi vào đền, đến trước đàn, quỳ trước thần vị, đọc lời thề: “Làm tôi bất trung, làm con bất hiếu, Thần minh chu diệt” (6)

Con em họ Lý, bá quan văn võ từ phía Đông đi vào đền, đến trước đàn, quỳ trước thần vị, đọc lời thề: “Làm tôi bất trung, làm con bất hiếu, Thần minh chu diệt” (6) (Ảnh minh họa)

Nhưng sau chính Lý Thái Tông lại mất vào ngày 25 tháng 3 âm lịch, nên vua Lý Thánh Tông mới dời Hội thề sang ngày mùng 4 tháng 4 âm lịch để tránh ngày kỵ giỗ của vua cha.

Hết triều Lý, Hội thề Đồng Cổ tiếp tục được tổ chức từ đời Trần Thái Tông, cũng vào ngày mùng 4 tháng 4 âm lịch, nhưng nội dung lời thề có khác:

“Làm tôi tận trung, làm quan trong sạch, ai trái thề này, thần minh giết chết!”

Đến đời nhà Hồ, vì dời đô vào Thanh Hóa nên Hội thề Đồng Cổ được tổ chức ở Đốn Sơn (tức núi Đún) và gọi là Hội thề Đốn Sơn. Năm 1399, Trần Khát Chân cùng Thái bảo Trần Nguyên Hãn và một số vương hầu nhà Trần mưu sát Hồ Quý Ly trong hội thề này nhưng không thành. Sau vụ biến tại hội thề, Hồ Quý Ly cho là thần Đồng Cổ không còn thiêng nữa nên bãi bỏ hội thề.

Đến nay, tại đền Đồng Cổ ở Bưởi vẫn tiếp tục Hội thề “Trung Hiếu” do nhân dân vùng Bưởi tổ chức.

Đền Đồng Cổ ở Bưởi hiện còn quy mô kiến trúc không lớn, bao gồm: Tam quan, Đền chính, Hậu cung. Chính giữa Hậu cung là hương án thờ, trên đặt long ngai bài vị - áo mũ thần Đồng Cổ. Đền Đồng Cổ còn bảo lưu nhiều di vật có giá trị, trong đó phải kể đến 12 đạo sắc phong qua các thời Lê - Tây Sơn - Nguyễn. Đền được trùng tu lại năm 2009 - 2010 nhân Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội.

Ở hai cột hoa biểu của đền Đồng Cổ có đắp đôi câu đối sau:

Bát diệp sơ, Đồng Cổ sơn ngôn, lịch đại bao phong lưu ngọc điệp,
Thiên tải hậu, Chu Bàn hải thệ, nhất tâm trung hiếu phụng kim cương.

Tạm dịch:

Tám đời vua Lý, Đồng Cổ lời xưa, các triều phong thần còn lưu sắc ngọc.
Ngàn năm trải, Đàn Thề ghi tạc, một lòng trung hiếu ánh vàng son. (7)

Văn minh nước Việt, có từ thời các vua Hùng, có linh vật đại diện là chiếc Trống Đồng, hóa ra lại là một vị Thần bảo hộ xã tắc suốt mấy nghìn năm. Đến nay chiếc Trống Đồng xưa mất còn không rõ, nhưng khí thiêng hun đúc của vị Thần bảo hộ có còn ở lại hay không, phải chăng là trông vào việc người Việt còn tưởng nhớ đến Thần, hậu thế còn tưởng nhớ đến gốc tích tổ tiên và luôn ghi lòng tạc dạ hai chữ “Trung, Hiếu”?

Nguyên Phong

Tài liệu tham khảo:

Loạt bài có tham khảo những tài liệu văn sử có giá trị của nước Nam như: “Lĩnh Nam chích quái”, “Việt điện U Linh”, “Thiền uyển tập anh”, “Truyền kỳ mạn lục”, “Việt sử tiêu án”, “Đại Việt sử ký toàn thư”, “Khâm định Việt sử Thông giám cương mục”... và cả sử Trung Hoa trong cuốn “Lịch sử Việt Nam qua chính sử Trung Hoa” của học giả Cao Tự Thanh, sử Việt từ góc nhìn Trung Hoa trong “An Nam chí lược” của Lê Tắc… và cả trang Wikipedia.

(1): 985 năm Hội thề Đồng Cổ Hà Nội: Lời thề trung hiếu. theo Nhà nghiên cứu tư tưởng văn hóa quân sự Nguyễn Huy Toàn, Báo An ninh Thủ đô, ngày 11/5/2013.

(2): theo “Lĩnh Nam Chích Quái”

(3), (4): theo “Việt điện U Linh”

(5), (6): theo “Đại Việt Sử Ký Toàn Thư”

(7): theo bài viết “Đền đồng Cổ và hội thề ‘Trung hiếu’” trên báo hanoimoi.com của TS Lưu Minh Trị.



BÀI CHỌN LỌC

Thần tích nước Nam (Kỳ 13): Thần Đồng Cổ - vị Thần cổ đại bảo hộ nước Việt với hai chữ “Hiếu, Trung”